Thursday, January 16, 2025

Người Việt ở Mỹ quá hạn thị thực, từng phạm tội, lo lắng với chính sách di dân sắp tới
VOA Tiếng Việt
17/01/2025
VOA

Nhân viên Cơ quan thực thi Hải quan và Di trú (ICE) dẫn giải một di dân không có giấy tờ bị còng tay bị kết tội đại hình ở Dallas, Texas.


Người Việt ở Mỹ quá hạn thị thực, hoặc thường trú nhân Việt đã từng phạm tội, trong đó có con lai Mỹ - Việt, đang lo lắng có thể sẽ bị trục xuất về Việt Nam theo chính sách di dân cứng rắn mà Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố, các luật sư di trú nói với VOA.

Một trong những lời cam kết của ông Trump khi vận động tranh cử là sẽ trục xuất hàng loạt di dân bất hợp pháp ra khỏi Mỹ. Di dân bất hợp pháp tại Mỹ có cả người Việt Nam vốn đã ở Mỹ từ lâu, theo tìm hiểu của VOA.

‘Đầu độc dòng máu’ 

Trong lần vận động tranh cử ở bang New Hampshire hồi giữa tháng 12 năm ngoái, ông Trump từng nói: “Họ [chính quyền Biden] đã để cho – tôi nghĩ con số thực sự phải là 15, 16 triệu người – vào đất nước chúng ta. Khi họ làm thế, chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Họ đang đầu độc dòng máu của đất nước chúng ta.”

Tính đến tháng 1 năm 2022, có khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp đang ở Mỹ, Reuters dẫn ước tính của Bộ An ninh Nội địa cho biết, và con số này có thể đã tăng lên trong những năm gần đây.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh NBC News hôm 8/12, ông Trump nói ông sẽ nhắm tới trục xuất tất cả những di dân bất hợp pháp ở Mỹ trong nhiệm kỳ bốn năm tới của ông – hành động được cho là sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình và tác động mạnh đến các doanh nghiệp phụ thuộc vào lao động nhập cư.

Sau đó, ông lại nói với tạp chí TIME trong cuộc phỏng vấn được đăng hôm 12/12 rằng ông sẽ sử dụng quân đội trong khả năng tối đa được luật pháp cho phép để hỗ trợ cho việc trục xuất di dân mà ông cho là ‘đang xâm lược nước Mỹ’.

Hội đồng Di trú Hoa Kỳ tính toán việc trục xuất tất cả di dân không có giấy tờ sẽ tiêu tốn gần một nghìn tỷ đô la trong hơn một thập kỷ.

Hợp tác Liên bang - Tiểu bang 

Trao đổi với VOA từ vùng Little Saigon, miền Nam California, ông Đỗ Phủ, luật sư về di trú ở văn phòng Luật sư Đỗ Phủ - Anh Tuấn, nhận định rằng “khó mà trục xuất được tất cả di dân bất hợp pháp,” nhưng ông cũng thừa nhận, rằng “có nguy cơ trục xuất sẽ xảy ra,” đồng thời nhận định việc trục xuất cần ngân sách rất lớn và sự phối hợp nhịp nhàng của chính quyền các cấp từ liên bang, tiểu bang xuống đến thành phố.

“Cơ quan công quyền của tiểu bang họ không làm việc với cơ quan liên bang về di trú ICE cho nên chuyện lùng bắt di dân bất hợp pháp ở California sẽ không xảy ra,” ông giải thích. “Nhưng chính quyền California sẽ cộng tác với chính quyền liên bang để bắt những người bị kết tội bạo hành có hung khí.”

Một nhóm đối tượng luật sư Đỗ Phủ chỉ ra là “dễ bị tổn thương nhất” là con lai Mỹ - Việt mà ông cho là có khoảng 7-8 ngàn người, mà trong đó có rất nhiều người tìm đến ông nhờ giúp đỡ và nhiều trường hợp ông cho biết là ‘rất tội nghiệp’.

Theo lời giải thích của ông thì những người này lúc còn ở Việt Nam bị chính quyền và xã hội kỳ thị, không được học hành đầy đủ, khi qua Mỹ thì không nói được tiếng Mỹ rồi lỡ bước sa chân đi vào con đường phạm pháp, và cũng chính vì quá khứ phạm pháp mà họ không thi nhập quốc tịch. Thêm nữa, chính quyền ông Trump trước đây từng yêu cầu Việt Nam phải nhận cả những người qua Mỹ trước năm 1995, phạm tội hình sự, nên họ càng trở thành đối tượng dễ bị trục xuất nhất.

Du học sinh ở quá hạn 

Bên cạnh nhóm con lai Mỹ - Việt, những người Việt, mà đa số là du học sinh, ở quá hạn visa hoặc học xong nhưng không trở về Việt Nam, sẽ là đối tượng bị trục xuất nếu chính quyền thực hiện chiến dịch lùng bắt, ông Phủ cho biết.

Ông cho rằng trên phố Bolsa ở Little Saigon nếu vào các quán ăn Việt Nam thì rất có thể thấy du học sinh Việt làm việc.

“Ít nhất cũng một hai em, các em làm trong bếp, hay phục vụ, hay tính tiền, làm lãnh tiền mặt,” ông nói và cho biết các du học sinh này khó mà trốn tránh suốt bốn năm tới vì ‘các em cần phải đi làm để kiếm sống’.

Ông Đỗ Phủ nhận định, do giới chức California không phối hợp với chính quyền liên bang lùng bắt di dân bất hợp pháp nên nguy cơ bị bắt là không cao; nhưng nếu họ có bất kỳ chuyện phạm pháp nào thì sẽ đối diện việc bị trục xuất.

Trong lúc chính quyền Trump sắp nhận nhiệm sở, đã có nhiều người Việt tìm đến xin tư vấn và nhờ giúp đỡ do lo ngại bị trục xuất, ông Vũ Huy Tuấn, một luật sư có kinh nghiệm gần 30 năm ở Houston, Texas, nói với VOA.

Luật sư Tuấn kể về trường hợp của một nữ du học sinh 28 tuổi mà ông đổi tên là Thảo để bảo mật cho thân chủ. Cô Thảo qua Mỹ học tiếng Anh ở một trường cao đẳng cộng đồng ở Houston với dự tính sau này thi vào đại học chuyên ngành. Trong thời gian học, cô quen bạn trai cũng là du học sinh. Sau đó, cô sinh con nên nghỉ học. Hiện nay cô đã chia tay với bạn trai và phải đi làm “chui” ở tiệm móng tay để nuôi đứa con đã được 7 tuổi trong khi thị thực du học sinh của cô hết hạn từ lâu.

“Cô Thảo rất lo sợ những chính sách, những quyết định hành pháp sắp tới. Nếu cô rơi vào hoàn cảnh bị trục xuất thì phải làm sao?” luật sư Tuấn kể. “Cô ta ở đây không có ai thân nhân hết, cho nên cô lo chuyện gì sẽ xảy ra cho đứa nhỏ.”

Mặc dù con của cô sinh ra ở Mỹ nên tự động là công dân Mỹ nhưng người mẹ vẫn là di dân bất hợp pháp và cô Thảo phải đợi đến khi con cô 21 tuổi mới có quyền bảo lãnh cô ở lại Mỹ, vị luật sư này giải thích.

Tuy nhiên, cô Thảo vẫn có cơ hội thoát hiểm, cũng lời luật sư Tuấn, là nếu cô quen và kết hôn với công dân Mỹ thì sẽ được xem xét cấp giấy tờ cư trú hợp pháp. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, cô cần cẩn thận và tránh tiếp xúc với cơ quan công quyền, chẳng hạn khi như lái xe trên đường chẳng may bị cảnh sát bắt dừng xe thì cô sẽ bị báo cáo với Sở di trú và bị đưa vào diện trục xuất.

“Hoặc là cô ấy làm chỗ nào, như nhà hàng mà nhiều người làm không có giấy tờ, mà chỗ đó bị sở di trú tới kiểm tra. Hoặc là cô ấy lái xe từ Texas qua California mà trên đường có những trạm kiểm soát gần biên giới như ở El Paso thì cô ấy sẽ bị tạm giữ để chờ trục xuất,” ông nói thêm và lưu ý cô Thảo cần tránh di chuyển bằng máy bay vì sẽ bị xét giấy tờ.

Nhưng luật sư Tuấn nghi ngờ về tính khả thi của chính sách trục xuất hàng loạt của chính quyền Trump. “Số người ở đây quá nhiều, nhưng những người giống như cô Thảo họ đã hòa nhập sâu vào xã hội Mỹ rồi. Họ đã đi học ở đây, nói tiếng Anh, lúc trước còn có OPT (tức là thực tập sau khi học xong) để đi làm, có khai thuế, có an sinh xã hội nữa,” ông giải thích.

Trong trường hợp xấu nhất là cô Thảo bị đưa vào diện trục xuất thì cô vẫn có cơ hội thoát hiểm, luật sư Tuấn nói thêm. Cô có thể xin nộp tiền thế chấp để không bị giam giữ vì cô đã ở Mỹ được gần 10 năm và chưa từng phạm tội. Khi ra tòa án di trú, cô có quyền xin ân xá nếu chứng minh được hoàn cảnh khó khăn cho con nhỏ khi người mẹ bị trục xuất, chẳng hạn như đứa trẻ cần sự chăm sóc y tế.

Cơ hội cuối cùng là trình bày với Tòa di trú rằng đương sự lo sợ sẽ bị đàn áp nếu bị trục xuất về Việt Nam nên xin rút lại lệnh trục xuất đó, vị luật sư này nói rõ. Trường hợp này ‘cũng giống như tị nạn chính trị’ nhưng mức độ bằng chứng đưa ra để thuyết phục bị đòi hỏi ‘rất là cao’ và khả năng Tòa chấp thuận ‘rất thấp’.

“Nhưng đó là cơ hội để người ta kéo dài thời gian ở Mỹ. Và nếu cuối cùng không thay đổi được gì thì cô Thảo phải tự nguyện xin về nước, tức ‘voluntary departure’, để tránh việc sau này bị cấm trở lại Mỹ vĩnh viễn,” ông nói thêm.

“Trường hợp cô Thảo đã ở quá hạn visa rồi thì khi về nước sẽ bị cấm đến Mỹ trong 10 năm nhưng sau này khi con cô được 21 tuổi thì vẫn bảo lãnh cho mẹ sang Mỹ được.”

Vị thân chủ này cũng đã được ông khuyên làm sẵn hộ chiếu Việt Nam cho con phòng khi cô bị giam giữ chờ trục xuất thì cô có thể đưa con về Việt Nam trước để nhờ gia đình chăm sóc, luật sư Tuấn giải thích thêm. Ngoài ra, cô Thảo cần đảm bảo hộ chiếu Việt Nam của cô còn hiệu lực để khi có lệnh trục xuất thì cô có thể lên đường ngay khỏi phải chờ đợi lâu trong trại tạm giam.

Tuy nhiên, để đi đến quyết định trục xuất cuối cùng, thời gian chờ đợi có thể rất lâu, ông cho biết. Trường hợp cô Thảo nếu bị giam thì tòa ưu tiên xử lý rất nhanh, còn nếu cô được tại ngoại thì ‘sẽ mất từ 2, 3 cho đến 5, 6 năm chờ tòa xử rồi cứu xét’.

Trong thời gian chờ đợi phán quyết của Tòa, cô Thảo có thể tiếp tục cuộc sống bình thường ở Mỹ, tức là vẫn được đi làm, đóng thuế, nuôi con.

Thường trú nhân phạm pháp 

Ngoài những trường hợp như cô Thảo, luật sư Tuấn cho biết ông có nhiều thân chủ tìm đến nhờ ông giúp đỡ là những người Việt ở Mỹ đã lâu, đã có thẻ xanh nhưng chưa vào quốc tịch. Những người này hoặc là từng phạm pháp bị ghi vào án tích hoặc là giấy tờ gặp trục trặc.

Trường hợp giấy tờ trục trặc là những người được bảo lãnh theo diện vợ, chồng. Khi qua Mỹ họ được cấp thẻ xanh 2 năm. Nhưng trong thời gian hai năm đó hôn nhân tan vỡ thì hồ sơ xin thẻ xanh vĩnh viễn của họ sẽ bị từ chối và họ bị đưa sang Tòa di trú để xem xét trục xuất.

Đối tượng thường trú nhân phạm tội hình sự tiểu bang hay liên bang sẽ ‘đối diện nguy cơ trục xuất cao nhất’, luật sư Tuấn cho biết, vì Tòa di trú Mỹ ưu tiên xử lý họ trước hết.

Không chỉ những tội nặng như cướp bóc hay giết người, mà những ông chồng Việt cãi lộn với vợ rồi động tay động chân sau đó bị quy vào tội ‘bạo lực gia đình’, hay những người dù chỉ ăn cắp vặt nhưng phạm tội nhiều lần, hay những người đi làm rồi làm quen với ma túy, hay người đem súng ống tới chỗ không được phép... tất cả đều bị đưa vào diện trục xuất.

Riêng tội say rượu lái xe (DUI), nhiều thường trú nhân không biết mà về Việt Nam chơi thì khi trở lại Mỹ có thể bị không cho nhập cảnh, cũng theo lời luật sư Tuấn. “Nên nếu mà mình chưa có quốc tịch mà có án tích và trong thời gian tới muốn làm bất cứ điều gì về di trú, chẳng hạn như tính về Việt Nam, thì cần tham khảo với luật sư,” ông khuyên.

Ông cũng giải thích rằng sau một thời gian nào đó, án tích, tức là đã bị kết tội, hay nhận tội, và đã bị án phạt hay ở tù, có thể được xóa nhưng nó vẫn tồn tại trên hồ sơ di trú.

“Án tích về mặt di trú không có thời hạn. Tôi thấy có người có án tích từ năm 1976 mà tới năm 2010 vẫn thấy bị đưa vào diện bị trục xuất,” ông nói và cảnh báo những người có án tích, chẳng hạn như về bạo lực gia đình, muốn xin nhập quốc tịch cũng phải cẩn thận, vì mặc dù án tích đã lâu nhưng khi sở di trú dưới chính quyền mới xem xét hồ sơ, phát hiện ra án tích thì không chỉ từ chối cho nhập tịch mà còn đưa vào diện trục xuất.

Một khi Tòa di trú đã chính thức ra lệnh trục xuất rồi và trong vòng 30 ngày không kháng cáo thì bước kế tiếp là ‘ăn thua cơ quan thi hành trục xuất có gửi trả người đó về Việt Nam hay không’.


No comments:

Post a Comment