Friday, January 17, 2025

Nga đang đẩy mạnh cuộc chiến bí mật bên ngoài Ukraine
Nguồn: Bart Schuurman, “Russia Is Stepping Up Its Covert War Beyond Ukraine,” Foreign Policy, 10/01/2025.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
17/01/2025
NghiencuuQT


Dữ liệu cho thấy một giai đoạn mới đáng lo ngại đã xuất hiện trong chiến thuật của Điện Kremlin, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân châu Âu.

Trong ba năm qua, Nga đã tiến hành một chiến dịch phá hoại và lật đổ ngày càng trắng trợn chống lại các đồng minh châu Âu của Ukraine. Trong năm 2024, Moscow đã leo thang đáng kể các chiến thuật của mình – chuyển sang ám sát, xâm phạm các cơ sở cấp nước ở một số quốc gia châu Âu, và nhắm vào các mục tiêu hàng không dân dụng.

Tuần vừa qua, thành viên Duma Quốc gia Nga, Alexander Kazakov, tuyên bố hành động phá hoại của Nga ở Biển Baltic là một phần của chiến dịch quân sự nhằm khiêu khích NATO và mở rộng quyền kiểm soát của Nga đối với khu vực này. Dù các sự kiện như việc cáp ngầm bị cắt đã được giới truyền thông chú ý đáng kể, nhưng vẫn không có nỗ lực có hệ thống nào được thực hiện để đánh giá toàn bộ phạm vi và bản chất các hành động chống lại châu Âu của Nga. Một phân tích từ Đại học Leiden cho thấy Nga sẵn sàng đi xa đến mức nào để làm suy yếu các đối thủ châu Âu của mình và cô lập Ukraine khỏi các hỗ trợ sống còn. Nó vẽ nên một bức tranh lạnh lẽo về khả năng Nga leo thang dưới ngưỡng hạt nhân – và nhấn mạnh sự cần thiết phải có một phản ứng thống nhất và quyết đoán trên toàn châu Âu, điều mà cho đến nay vẫn còn thiếu.

Giữa bối cảnh ngày càng có nhiều nghi ngờ về thiện chí của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh châu Âu và cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, cũng như các cuộc tấn công ngày càng leo thang của Nga, châu Âu không thể chần chừ trong việc củng cố năng lực quân sự của chính mình.

Dựa trên tổng quan về các chiến dịch quân sự của Nga, không bao gồm hầu hết các chiến dịch mạng, nghiên cứu của Đại học Leiden nêu bật cách Moscow ngày càng leo thang vượt ra ngoài các chiến dịch gián điệp và phá hoại kỹ thuật số lâu đời của mình. Ngay cả với một thước đo thận trọng, các hoạt động chống lại châu Âu của Nga cũng tăng từ mức 6 vào năm 2022 lên 13 vào năm 2023 và 44 vào năm 2024. Hầu hết các sự cố này đều liên quan đến việc chuẩn bị phá hoại. Và mục tiêu trải dài từ cơ sở hạ tầng năng lượng và đường dây liên lạc dưới biển quan trọng ở Biển Bắc và Biển Baltic đến các căn cứ quân sự, nhà kho, và nhà máy vũ khí. Một chiến thuật phổ biến khác của Nga là các chiến dịch gây ảnh hưởng nhắm vào các chính trị gia châu Âu, nhằm làm xói mòn sự ủng hộ chính trị đối với Ukraine, cả ở cấp Liên minh châu Âu và cấp quốc gia. Một ví dụ nổi bật là vụ bê bối Đài Tiếng nói Châu Âu, một trang tin tức cấp tiến đã trở thành công cụ để Điện Kremlin xây dựng nội dung thân thiện với Nga và chuyển tiền cho các chính trị gia thân Nga ở nhiều quốc gia châu Âu.

Bên cạnh những biện pháp tinh vi, cũng có nhiều hành động phá hoại dường như được thiết kế để gieo rắc sự hỗn loạn và phá vỡ cuộc sống hàng ngày. Điều này cho thấy một cách tiếp cận kép, kết hợp các chiến dịch do bọn tội phạm cơ hội được tuyển dụng thông qua các nền tảng như Telegram, với các âm mưu của các đặc vụ có liên hệ với các cơ quan nhà nước như GRU.

Vào năm 2024, các hoạt động chống lại châu Âu của Nga đã tăng mạnh, cả về tần suất và phạm vi. Ngoài việc gia tăng các nỗ lực phá hoại, Moscow còn mở rộng chiến thuật của mình để bao gồm các vụ ám sát có chủ đích, giết chết một phi công đào tẩu, nhắm vào CEO của nhà sản xuất vũ khí Đức Rheinmetall, và chiêu mộ một công dân Ba Lan để thực hiện âm mưu giết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Sự leo thang cũng bao gồm nhiều hành vi bạo lực bừa bãi, chẳng hạn như việc cài thiết bị gây cháy lên các chuyến bay DHL – vốn có thể trở thành thảm họa nếu chúng phát nổ giữa không trung. May mắn thay, chúng đã phát nổ trong các cơ sở lưu trữ ở Anh và Đức ngay trước hoặc sau khi được vận chuyển bằng đường hàng không. Một số quan chức an ninh phương Tây nghi ngờ các hoạt động này là cuộc diễn tập cho các chiến dịch tấn công trong tương lai nhắm vào các máy bay chở khách đến Mỹ, có nghĩa là Nga đã thực sự leo thang lên các hành động khủng bố do nhà nước chỉ đạo. Mối đe dọa đối với hàng không dân dụng càng trở nên nghiêm trọng hơn khi ngày càng có nhiều sự cố gây nhiễu GPS dọc theo biên giới phía tây của Nga, cũng như các cuộc xâm nhập bằng máy bay không người lái tại các sân bay dân sự. Việc Moscow trắng trợn coi thường mạng sống dân thường và tham gia bắn hạ các máy bay thương mại (như chuyến bay của Malaysia Airlines năm 2014 và chuyến bay của Azerbaijan Airlines tháng 12/2024) nhấn mạnh những nguy hiểm thực sự mà các chiến dịch này gây ra cho hoạt động hàng không qua châu Âu.

Tuy nhiên, để hiểu đầy đủ sự leo thang về tính chất của các hoạt động chống lại châu Âu của Nga vào năm 2024, cần phải xem xét một phạm vi rộng hơn các sự cố. Các hành động khủng bố, hoặc việc sử dụng bạo lực chết người vì mục đích chính trị, đã vượt ra ngoài những cuộc tấn công vào các chuyến bay của DHL. Có thể lập luận rằng, hành động khủng bố cũng bao gồm các âm mưu do Moscow chỉ đạo vào năm ngoái, khi các trường học ở Slovakia và Cộng hòa Séc nhận được hơn một nghìn lời đe dọa đánh bom, dẫn đến việc phải đóng cửa trong nhiều ngày. Cuối cùng, một loạt các vụ đột nhập vào các nhà máy xử lý nước đã làm dấy lên nỗi ám ảnh về các hoạt động phá hoại có khả năng gây tác hại sâu rộng đối với sự an toàn về thể chất của công dân châu Âu. Khả năng này không phải là giả thuyết, bởi các nhà chức trách Thụy Điển đã khuyến cáo người dân trong khu vực bị ảnh hưởng phải đun sôi nước uống. Cùng nhau, những hoạt động này đánh dấu một giai đoạn mới đáng lo ngại trong các chiến thuật chống lại châu Âu của Nga, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của dân thường.

Việc quy kết ý định cho các chiến dịch bí mật là điều vô cùng khó khăn, nhưng người Nga dường như đang theo đuổi hai mục tiêu chính: thứ nhất, làm suy yếu thiện chí của các chính trị gia và công dân châu Âu trong việc tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine; thứ hai, báo hiệu mức độ mà họ sẵn sàng leo thang để theo đuổi mục tiêu này. Dù các chiến dịch của Nga cho đến nay đã gây ra quan ngại đáng kể, nhưng thiệt hại thực tế vẫn còn tương đối hạn chế. Mối nguy lớn hơn nằm ở mức độ bạo lực và gián đoạn mà Điện Kremlin sẵn sàng sử dụng trong tương lai.

Trong các cuộc thảo luận xem số lượng hoặc loại viện trợ nào cho Ukraine có thể kích hoạt lằn ranh đỏ của Nga và gây leo thang, trọng tâm chủ yếu vẫn là mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, phân tích của Đại học Leiden cho thấy rằng leo thang nhiều khả năng sẽ xảy ra dưới ngưỡng hạt nhân, và những gì sẽ xảy ra có thể bao gồm: đánh bom các hãng hàng không dân dụng, phá hoại cơ sở hạ tầng dưới biển khiến nhiều khu vực của châu Âu không có điện hoặc truy cập internet, ám sát có chủ đích các nhà lãnh đạo công nghiệp chủ chốt, và tấn công vào nguồn cung cấp nước, theo đó gây nguy hiểm cho sức khỏe của hàng trăm nghìn người châu Âu. Ngoài ra còn có những tác động hạ nguồn cần tính đến; khi các cơ quan an ninh châu Âu chuyển hướng chống lại các mối đe dọa do nhà nước hậu thuẫn, phạm vi bảo vệ chống khủng bố có khả năng bị ảnh hưởng, từ đó mang lại cơ hội tấn công cho các tác nhân phi nhà nước, chẳng hạn như Nhà nước Hồi giáo. Rõ ràng, việc giải quyết lập trường ngày càng hung hăng của Nga đối với châu Âu sẽ đòi hỏi một phản ứng đa chiều.

Tháng 12/2024, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã cảnh báo rằng châu Âu phải “chuyển sang tư duy thời chiến.” Đối với một lục địa từ lâu đã quen với hòa bình, đây sẽ là một sự điều chỉnh khó khăn nhưng cần thiết – không chỉ vì Ukraine đã mất lãnh thổ một cách chậm rãi nhưng đều đặn vào tay Nga, mà còn vì chính quyền Mỹ sắp tới, dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, đã ra tín hiệu không muốn cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine và công khai đe dọa sẽ từ bỏ các đồng minh NATO không thực hiện nghĩa vụ quốc phòng của họ.

Bất chấp tình hình cấp bách – và dữ liệu cho thấy Đức và Pháp đang nổi lên là những quốc gia bị nhắm đến nhiều nhất – sự chú ý của châu Âu dường như vẫn bị chia rẽ. Các cường quốc chủ chốt như Đức và Pháp đang bận tâm với suy thoái kinh tế, thâm hụt ngân sách, và bất ổn chính trị gia tăng, do đó làm suy yếu khả năng tăng cường đáng kể các cam kết của họ đối với Ukraine. Trong khi đó, Anh, một cường quốc quân sự lớn khác của châu Âu, đang phải đối mặt với việc cắt giảm đáng kể chi tiêu quốc phòng, bất chấp tình hình an ninh quốc tế đang xấu đi. Tại Romania, một ứng viên thân Nga gần đây đã giành chiến thắng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống (mà hiện đã bị hủy bỏ). Và tại Hà Lan, chu kỳ tin tức trong nhiều tháng qua đã bị thống trị bởi những biến động của một chính phủ liên minh bất ổn, dường như chỉ tập trung vào các vấn đề nội bộ.

Sau ba năm Nga leo thang xâm lược, mối đe dọa mà châu Âu phải đối mặt đã được thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia châu Âu vẫn ngần ngại thực hiện các bước cần thiết để giải quyết vấn đề này, có lẽ là do lo ngại về phản ứng dữ dội của cử tri khi cần đưa ra những quyết định khó khăn về việc tài trợ cho chi tiêu quân sự gia tăng. Về phần mình, nhiều cử tri dường như muốn tái tập trung vào các vấn đề trong nước hơn là các vấn đề quốc tế, theo cách tiếp cận “trước tiên là chúng ta, sau đó là họ” như một nghiên cứu gần đây của Hà Lan đã chỉ ra.

Tuy nhiên, nếu châu Âu không điều chỉnh lại các ưu tiên của mình và phản ứng bằng sự thống nhất và cam kết, hậu quả có thể rất thảm khốc – không chỉ đối với Ukraine, mà còn đối với an ninh lâu dài của châu lục và vị thế của họ trong liên minh NATO.

Để củng cố an ninh của châu Âu, cần có một thái độ quyết đoán hơn đối với các hoạt động của Nga. Quyết định của chính quyền Phần Lan khi lên tàu và bắt giữ một tàu chở hàng bị nghi ngờ làm hỏng cáp ngầm vào tháng 12 năm ngoái, và quyết định của NATO nhằm tăng cường sự hiện diện của hải quân tại Biển Baltic là những dấu hiệu tích cực về vấn đề này. Về cơ bản, châu Âu cần xác định lằn ranh đỏ của mình để đáp trả các hành động khiêu khích của Moscow. Cho đến nay, các cuộc thảo luận xung quanh rủi ro leo thang phần lớn mang tính phản ứng, tập trung vào loại viện trợ của phương Tây cho Ukraine có thể gây ra phản ứng của Nga, thay vì thiết lập các ngưỡng rõ ràng cho các biện pháp trả đũa của châu Âu. Những biện pháp này có thể bao gồm các lệnh trừng phạt tiếp theo, hoặc chiếm đoạt tài sản bị đóng băng của Nga, cũng như chuyển giao thêm các hệ thống vũ khí cho Ukraine và thậm chí là thiết lập vùng cấm bay trên đất nước này. Một cam kết công khai về việc trả đũa hành vi phá hoại, được hỗ trợ bởi một mối đe dọa đáng tin cậy, có thể cung cấp khả năng răn đe hiện đang thiếu.

Như một phần của lập trường quyết đoán hơn, châu Âu sẽ cần đầu tư vào việc củng cố các cơ quan tình báo của mình – vừa để tối đa hóa khả năng đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Nga, vừa để duy trì khả năng chống khủng bố ở mức cao đối với những nhóm cực đoan phi nhà nước, chẳng hạn như Nhà nước Hồi giáo. Về lâu dài, châu Âu cuối cùng phải thực hiện những nỗ lực nghiêm túc và đồng bộ để tái tạo ngành công nghiệp vũ khí của riêng mình, vốn là điều quan trọng để duy trì khả năng cung cấp cho Ukraine bất kể các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như tự bảo vệ nền an ninh mà sự thịnh vượng của châu lục này phụ thuộc vào. Không điều nào trong số này có thể dễ dàng thực hiện, đặc biệt là ở một châu lục khét tiếng vì không có khả năng tổ chức an ninh tập thể của riêng mình. Nhưng rủi ro là rất lớn và vượt ra ngoài nhu cầu hỗ trợ Ukraine và ngăn chặn các cuộc xâm lược của Nga trong tương lai. Về cơ bản, câu hỏi đặt ra là liệu các nền dân chủ tự do của châu Âu có thể chịu được áp lực của chủ nghĩa phục thù chuyên chế hay không, hay liệu lý tưởng của họ có bị lung lay khi họ không thể bảo vệ mình thông qua các biện pháp quân sự hay không. Trong lúc nền dân chủ đang bị đe dọa trên toàn thế giới, châu Âu không thể dao động trước tham vọng đế quốc của Nga.

Bart Schuurman là giáo sư về chủ nghĩa khủng bố và bạo lực chính trị tại Đại học Leiden ở Hà Lan. Stijn Willem van’t Land và Dion Jordens đã hỗ trợ thu thập dữ liệu.

No comments:

Post a Comment