Friday, January 17, 2025

Vì sao Ukraina gia tăng tấn công các cơ sở năng lượng Nga vào lúc này ?
Trọng Thành
Đăng ngày: 17/01/2025 - 14:10
RFI

Đầu năm 2025, quân đội Ukraina gia tăng tấn công vào các cơ sở năng lượng và quân sự nằm sâu trong đất Nga. Ngày 14/01/2025, phía Ukraina cho biết đã tiến hành loạt tấn công « chưa từng có kể từ đầu chiến tranh » vào các mục tiêu trên đất Nga. Vì sao Kiev chọn gia tăng tấn công Nga vào thời điểm mà Donald Trump, được coi là người cổ vũ cho việc chấm dứt nhanh chóng chiến tranh Ukraina, sắp trở lại nắm quyền ?

Một nhà máy điện của Ukraina bị phá hủy hoàn toàn sau cuộc tấn công bằng tên lửa, ngày 28/11/2024. AP - Evgeniy Maloletka

Sau cuộc tấn công vào sâu trong đất Nga đêm ngày thứ Hai 13/01 qua sáng thứ Ba 14/01, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraina ra một thông báo cho biết cụ thể là « đây là đợt tấn công lớn nhất nhắm vào các căn cứ của lực lượng chiếm đóng, với nhiều mục tiêu nằm ở khoảng cách từ 200 đến 1.100 km, ở trung tâm nước Nga » đã bị tấn công. Ngoài tỉnh Briansk, giáp với Ukraina, Kazan, thủ phủ Cộng Hòa Tatarstan, cách Kiev hơn 1.000 km hay Tula, tỉnh giáp với vùng thủ đô Matxcơva cũng bị tấn công.

Kho xăng dầu lớn Kombinat Crystal ở Engels, thuộc tỉnh miền nam Nga Saratov (gần Kazakhstan), cách thủ đô Ukraina khoảng 1.100 km, là một trong các mục tiêu. Đường ống TurkStream đưa khí đốt sang châu Âu, dài 930 km, nối liền Nga với vùng bán đảo Balkan của châu Âu, thông qua Biển Đen và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị tấn công. Điện Kremlin lên án vụ tấn công vào đường ống TurkStream, ở thành phố Gai-Kodzor, tỉnh Krasnodar, bên bờ Biển Đen, là hành động « khủng bố năng lượng » của Kiev.

Quả thật, đây không phải là lần đầu tiên Ukraina tấn công các cơ sở năng lượng trên Nga. Theo một thống kê của Ban tiếng Nga đài BBC, công bố hôm 08/01/2025, trong năm 2024 vừa qua, đã có hơn 80 cuộc oanh kích nhắm vào các cơ sở năng lượng Nga. Tuy nhiên, trong nửa sau năm 2024, cường độ các cuộc oanh kích đã giảm hẳn xuống do các áp lực từ chính quyền tiền nhiệm Mỹ, vì lo ngại ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ và nguy cơ chế độ Putin leo thang trong « các đe dọa hạt nhân ».

Theo chuyên gia về chiến tranh Ukraina, ông Huseyn Aliyev, Đại học Glasgow - Anh Quốc, được đài Pháp France 24 dẫn lại, Kiev bắt đầu gia tăng trở lại các cuộc tấn công bằng drone nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga từ hơn hai tháng nay. Thời gian hơn hai tháng tương ứng với thời điểm Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ. Đây cũng là thời điểm mà chính quyền Biden quyết định cho phép Kiev sử dụng các vũ khí tầm xa do Mỹ cấp để tấn công vào sâu trong đất Nga, điều mà chính quyền Biden đã nhiều lần tỏ ra do dự trước đó. 

Chuyên gia về an ninh quốc tế và chiến tranh Ukraina, Veronika Poniscjakova, Đại học Portsmouth - Anh Quốc, nhấn mạnh là quyết định này của Kiev là nhằm « tranh thủ cánh cửa cơ hội ngắn ngủi mở ra », trong thời gian chuyển giao quyền lực của Mỹ, để giành được một số lợi thế trước khi Donald Trump nhậm chức.

Về nỗ lực gia tăng tấn công các cơ sở năng lượng của Nga những ngày gần đây, chuyên gia Jeff Hwan, chuyên về kinh tế Nga tại trường London School of Economics, giải thích đây là hệ quả trực tiếp của việc chấm dứt hoàn toàn thỏa thuận về đường ống khí đốt Nga qua đất Ukraina, kể từ đầu năm 2025. Trong bối cảnh này, Kiev dự đoán các cuộc tấn công như trên sẽ không gây ra bất cứ phản ứng tiêu cực nào từ các đối tác châu Âu của Ukraina, vốn là bạn hàng của Nga.

"Quyền trả đũa" ?

Gia tăng tấn công vào các cơ sở năng lượng Nga cũng đáp ứng đòi hỏi của một bộ phận công luận Ukraina, coi đây là quyền trả đũa chính đáng đối với các hành động tấn công của Nga nhắm vào hạ tầng năng lượng của Ukraina kể từ đầu cuộc xâm lăng, tháng 2/2022. Việc các trừng phạt quốc tế, do các đồng minh, đối tác của Ukraina tiến hành, ít tác động đến hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga cũng là một lý do chính khác, ẩn đằng sau quyết định gia tăng tấn công này.

Theo giới chuyên gia, bất kể vì động cơ cụ thể này hay khác, việc Kiev gia tăng các cuộc oanh kích nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng trên đất Nga rõ ràng cho phép Kiev có thể bước vào đàm phán chấm dứt chiến tranh với Nga với một số lợi thế đáng kể, nếu chính quyền Trump gây áp lực buộc Ukraina phải ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công này có thể hướng đến mục tiêu dài hạn hơn : Làm hao mòn tiềm lực chiến tranh của Nga về lâu dài. Trong những ngày gần đây, có nhiều dấu hiệu cho tổng thống đắc cử Mỹ không loại trừ khả năng tiếp tục hậu thuẫn Ukraina, và việc đàm phán tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh có thể kéo dài đến 6 tháng. Hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy chế độ Putin chấp nhận các thỏa hiệp để chấm dứt chiến tranh. Theo nhiều chuyên gia, biến Ukraina thành một nước chư hầu mới là mục tiêu cuối cùng của Putin, chứ không phải là sáp nhập một số vùng lãnh thổ của Ukraina, mà quân đội Nga đã chiếm.

No comments:

Post a Comment