Chính sách của Donald Trump với Iran khi trở lại Nhà TrắngPhan Minh
Đăng ngày: 16/01/2025 - 08:24Sửa đổi ngày: 16/01/2025 - 10:14
RFI
Chính sách của Donald Trump, từ nhiệm kỳ đầu tiên cho đến các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử vừa qua, đi kèm với những nhân vật được ông cất nhắc trong chính quyền sắp tới, đều cho thấy rằng ngay khi trở lại Nhà Trắng, nhà tỷ phú sẽ tái khởi động một cuộc đối đầu trực diện với Iran. Tuy nhiên, với Donald Trump, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump họp báo tại tư dinh Mar-a-Lago, bang Florida, Hoa Kỳ, ngày 07/01/2025. © Evan Vucci / APNgày 08/05/2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Donald Trump đã từng tuyên bố "Iran là quốc gia tài trợ khủng bố nhiều nhất" và theo ông, thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA, Kế hoạch Hành động Toàn diện chung) là "thỏa thuận tồi tệ nhất từng được ký".
Trong bối cảnh Donald Trump trở lại Nhà Trắng ngày 20/01/2025, Trung Đông chắc chắn sẽ là một trong những vấn đề ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Điểm mấu chốt là hoạt động hạt nhân của Iran, mà Teheran khẳng định là chỉ nhằm mục đích dân sự và chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước. Hoa Kỳ và nhiều đối tác luôn lo ngại Iran tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, đặc biệt khi tỷ lệ uranium mà Iran đã làm giàu đã vượt quá mức cần thiết cho một chương trình dân sự : khoảng 60% vào tháng 12/2024, theo Rafael Grossi, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), trong khi một chương trình dân sự chỉ cần đến 20%.
Sau 4 năm chính quyền Biden tìm cách làm dịu mối quan hệ với Iran nhưng bất thành, sự trở lại của Donald Trump có khả năng khiến căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia, và khả năng toàn bộ Trung Đông bị tác động là rất cao. Tuy nhiên, cũng không thể hoàn toàn loại trừ khả năng sẽ có một thỏa thuận mới được ký kết.
Chương trình hạt nhân Iran : Hồ sơ nóng bỏng từ xưa đến nay
Chỉ cần nhắc đến Iran là gần như ngay lập tức phải đề cập đến chương trình hạt nhân của Teheran. Kể từ khi các cơ sở nghiên cứu bí mật của Iran ở Arak và Natanz bị lộ vào tháng 08/2002, nhiều chính phủ đã lo ngại về khả năng Iran có chương trình hạt nhân kép, tức là một chương trình vừa phục vụ mục đích dân sự, nhưng cũng có thể dùng cho quân sự. Trên thực tế, chương trình hạt nhân của Iran có từ những năm 1950, khi vua Shah của Iran tìm cách phát triển năng lượng hạt nhân với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và Pháp.
Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đã chấm dứt mọi kế hoạch này, với các nhà cách mạng muốn phá vỡ hoàn toàn tất cả các dự án chính trị mà vị vua cuối cùng của Iran đã khởi xướng. Tháng 08/2003, một fatwa (ý kiến pháp lý do một cơ quan tôn giáo ban hành) của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei tuyên bố vũ khí hạt nhân là haram (trái với đạo Hồi), vì nó không phân biệt giữa dân thường và chiến binh.
Tuy nhiên, các hoạt động hạt nhân của Iran đã được tiết lộ cho cộng đồng quốc tế từ năm 2002 khiến nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và các quốc gia châu Âu, lo ngại Teheran có thể đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968 mà Iran là một bên tham gia. Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) đã chấm dứt cuộc khủng hoảng này vào năm 2015. Trong khuôn khổ thỏa thuận, các hoạt động hạt nhân của Iran bị cắt giảm và được kiểm soát chặt chẽ, đổi lại việc phương Tây dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt kinh tế Iran đã ban hành từ năm 1979 dưới thời cố tổng thống Mỹ Jimmy Carter và sau này được tăng cường, đặc biệt là sau khi chương trình hạt nhân của Iran được tiết lộ vào năm 2002.
Tuy nhiên, ngày 08/05/2018, Donald Trump đã đơn phương rút khỏi JCPOA, cho rằng thỏa thuận này là "không thể chấp nhận", mặc dù có đến 11 báo cáo của IAEA xác nhận Iran đã tuân thủ các cam kết của họ. Sau đó đã diễn ra một giai đoạn dài với những tuyên bố, đe dọa và leo thang căng thẳng, với đỉnh điểm là vụ ám sát tướng Iran Qassem Soleimani do Trump ra lệnh vào tháng 01/2020. Sau khi Joe Biden lên nắm quyền, các cuộc đàm phán về hạt nhân Iran đã nhanh chóng được nối lại tại Vienna, với hy vọng đạt được một "JCPOA 2.0", nhưng đều không thành công. Rất ít thông tin cụ thể về các cuộc đàm phán này được tiết lộ, và có nhiều nguyên nhân giải thích cho điều này, chẳng hạn như Biden từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do Trump ban hành (điều kiện không thể thương lượng đối với Teheran), lập trường mơ hồ của Iran về mục tiêu chính của các cuộc đàm phán, sự thay đổi về những ưu tiên của Nga kể từ khi xảy ra chiến tranh ở Ukraina...
Việc Masoud Pezeshkian được bầu làm tổng thống Iran vào tháng 07/2024 và thái độ cởi mở hơn trong đối thoại "với phương Tây" của ông so với người tiền nhiệm Ebrahim Raisi không làm thay đổi tình hình cơ bản. Chính trong bối cảnh này, Donald Trump trở lại Nhà Trắng và thông báo sẽ áp dụng trở lại chính sách cực đoan với Teheran.
Khả năng căng thẳng leo thang
Sau khi trở lại Nhà Trắng, Donald Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục thực hiện các định hướng chính trị từ nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021). Chính sách "maximum pressure" (gây sức ép tối đa) sẽ lại được ưu tiên. Trump vẫn coi Iran là một quốc gia gây mất ổn định, thậm chí là khủng bố, và phương pháp cần áp dụng với Iran không phải là đàm phán, mà là sử dụng sức mạnh (các biện pháp trừng phạt kinh tế và thậm chí là sử dụng vũ lực).
Dựa vào những nhân vật đã chính thức hoặc đang trong quá trình được cất nhắc vào chính quyền thứ hai của Trump có thể thấy rằng dường như nhà tỷ phú đang triển khai một chiến lược cứng rắn để chống Iran và yểm trợ đối thủ của nước này là Israel, mà Trump ủng hộ trong mọi vấn đề, kể cả trong cuộc chiến ở dải Gaza.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Donald Trump đã xây dựng một chính quyền hoàn toàn đồng tình với quan điểm của ông và ủng hộ một thái độ thù địch với Iran, và chính quyền sắp tới dường như cũng sẽ không thay đổi chiến lược.
Iran đối mặt với chính sách "maximum pressure"
Với sự trở lại của chính sách "maximum pressure", Iran hiện đang ở trong tình thế khó khăn hơn so với thời điểm trước đàm phán JCPOA năm 2015. Kinh tế Iran bị tổn hại bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và đang phải đối mặt với lạm phát và suy thoái. Về mặt chiến lược khu vực, các đối tác của Iran liên tục hứng chịu thất bại. Iran đã bị Israel nhiều lần tấn công trực tiếp ; tại Palestine, Hamas tiếp tục suy yếu do chịu sức ép của Israel ; tại Liban, các lãnh đạo Hezbollah đã bị Israel triệt hạ ; tại Syria, Bachar al-Assad phải chạy trốn và sang Matxcơva lánh nạn. Sức mạnh gia tăng của BRICS+ mà Iran gia nhập từ đầu năm 2024, đi kèm với việc thắt chặt quan hệ với Nga và Trung Quốc, không thể bù đắp lại những thất bại nói trên. Iran hiện đang lo ngại về chính sách mà Mỹ sẽ áp dụng với họ.
Thỏa thuận mới về hạt nhân Iran : Khả năng không cao, nhưng không phải là không thể
Mặc dù mọi dấu hiệu đều cho thấy rằng sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tăng cường chính sách đối đầu với Iran, nhưng khả năng đúc kết một thỏa thuận hạt nhân Iran mới không hoàn toàn bị loại bỏ.
Kịch bản này có thể không thực tế trong thời gian đầu, nhưng không phải là không thể xảy ra. Một thỏa thuận hạt nhân mà Iran và Mỹ đã từng nhất trí cùng với các quốc gia khác không phải là điều mới mẻ. JCPOA được ký kết vào năm 2015 dưới sự chủ trì của Barack Obama và Hassan Rouhani, cả hai đều cởi mở trong đối thoại. Hiện nay, tổng thống Iran không còn là Ebrahim Raisi cứng nhắc mà là Masoud Pezeshkian, có thái độ mềm mỏng hơn trong việc đàm phán. Donald Trump chưa bao giờ đề cập đến việc Mỹ quay trở lại JCPOA hoặc ký kết một JCPOA 2.0, nhưng ông đã gửi tín hiệu về việc không đóng cửa hoàn toàn khả năng đàm phán.
Cuối tháng 09/2024, Trump tuyên bố "cần đàm phán một thỏa thuận" với Iran, mặc dù không nêu rõ các điều khoản của dự án này. Ngày 16/11/2024, Elon Musk, nhân vật thân cận với Donald Trump, đã gặp Amir Saeid Iravani, đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc (cuộc gặp mà bộ Ngoại Giao Iran bác bỏ). Trước đó, vào tháng 08/2024, lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cho biết không loại trừ khả năng đàm phán với Mỹ.
Tất cả những yếu tố này cho thấy cần phải cân nhắc mọi khả năng, từ đối đầu đến đàm phán, thậm chí có thể là một thỏa thuận mới giữa Iran và Mỹ. Cũng giống như thỏa thuận mà Trump ký với Bắc Triều Tiên vào ngày 12/06/2018 (mặc dù không có tác dụng thực tế), nhà tỷ phú có thể sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận với một quốc gia mà Mỹ tưởng chừng như không thể hòa giải, theo đúng chủ trương của Trump trong giai đoạn 2017-2021 là không tiến hành một cuộc chiến mới ở Trung Đông để tập trung đối phó với đối thủ thực sự của Mỹ là Trung Quốc.
Nguồn : The Conversation
No comments:
Post a Comment