Thursday, January 16, 2025

Mức phạt theo Nghị định 168 đã đúng luật chưa?
Lê Ngọc Luân
16-1-2025
Tiengdan

MỨC PHẠT: Đây là điểm mà nhiều người cho rằng rất cao nên tôi phân tích một vấn đề theo luật (nhiều điểm khác đã Live stream) đề xuất với Chính phủ và nhà soạn thảo luật xem xét lại mức phạt đối với lĩnh vực “Giao thông đường bộ” theo Nghị định 168 đã phù hợp với Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020) chưa? (Nghị định xử phạt vi phạm hành chính 168 bắt buộc phải căn cứ và không được vượt hay trái với Luật xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định hướng dẫn luật này), đó là: Khoản 3, Điều 4 Nghị định 118 hướng dẫn Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định: “MỨC XỬ PHẠT đối với từng hành vi vi phạm hành chính phải căn cứ đầy đủ ba yếu tố:

(i) Thứ nhất: Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo;

(ii) Thứ hai: MỨC THU NHẬP, MỨC SỐNG TRUNG BÌNH của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước;

(iii) Thứ ba: Mức độ giáo dục, răn đe và TÍNH HỢP LÝ, TÍNH KHẢ THI của việc áp dụng mức phạt”.

Và Điều 23 Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định PHẠT TIỀN: “Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ”. Ở đây được hiểu số tiền phạt đối với người dân sống ở trung tâm Thành phố trực thuộc Trung ương (Ví dụ: Quận 1, 3 TP.HCM) có thể cao hơn vùng ven (Bình Chánh, Củ Chi) vì mức thu nhập của người sống vùng ven thấp hơn. Từ đó suy ra, mức phạt theo Nghị định 168 ban hành bắt buộc phải tuân theo nguyên tắc chung được quy định trong Luật xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định 118 (trong đó mức phạt phải căn cứ vào: MỨC THU NHẬP, MỨC SỐNG TRUNG BÌNH của người dân và phải mang TÍNH KHẢ THI trên thực tế – người vi phạm đủ tiền, có tiền để đóng phạt v.v..).

Theo số liệu của Báo Nhân dân mức thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam năm 2024 là 7,7 triệu đồng/tháng. Lương cơ bản vùng (I) cao nhất: 4.960.000 còn vùng (IV) thấp nhất: 3.450.000.

Đối chiếu với mức phạt theo Nghị định 168 cao nhất dành cho người điều khiển xe ô tô là: 50 triệu đồng; còn xe gắn máy: 10 triệu đồng. Mức phạt chung cho cá nhân cản trở, không chấp hành kiểm tra… là 37 triệu đồng dù đó là người đi xe ô tô hay xe máy.

Từ viện dẫn và phân tích trên tôi cho rằng mức phạt theo Nghị định 168 đưa ra chưa phù hợp với yếu tố: MỨC THU NHẬP, MỨC SỐNG TRUNG BÌNH của người dân dẫn đến TÍNH KHẢ THI có thể chưa đạt được (người dân có mức thu nhập thấp không có tiền hoặc không đủ tiền để đóng phạt khi phạm lỗi ở mức cao nhất: 10 triệu, trường hợp cá nhân (đi xe ô tô hoặc gắn máy) không chấp hành yêu cầu, kiểm tra, kiểm soát bị phạt 37 triệu).

ĐẶC BIỆT: không phải ai đi ô tô cũng đương nhiên giàu, nhiều tiền bởi chiếc ô tô họ đi có thể được mua trả góp để chạy dịch vụ mưu sinh nuôi cả gia đình (phải trả lãi từng tháng cho ngân hàng), đây mà một thực tế hiện hữu.

Bài viết này chỉ nhằm mục đích duy nhất là chia sẻ góp ý với Ban soạn thảo luật, Chính phủ v.v.. để mong sao quy định pháp luật được áp dụng có hiệu quả, nhân dân tuân thủ bằng cả TRÍ TÂM. Cá nhân tôi ủng hộ và hoan nghênh chính sách pháp luật đưa ra nhằm xử lý triệt để, đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân. Tôi không cổ suý và không đồng ý việc với việc ý thức giao thông kém của một số bộ phận không nhỏ của người dân nhưng luôn tìm mọi cách đổ lỗi, biện minh lý do này nọ.

P/S: Tôi “ấn tượng” với hình ảnh trong bài viết này vì nhiều lý do, cảm xúc khác nhau. Dù thế nào, chúng ta vẫn phải sống, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn vậy!

Ảnh trên mạng

No comments:

Post a Comment