Thursday, January 16, 2025

Tác động qua lại giữa thể chế chính thức và phi chính thức trong giao thông Việt Nam – Câu chuyện rẽ phải khi đèn đỏ
Lê Vĩnh Triển
16-1-2025
Tiengdan

KẸT XE, ÙN TẮC! Tác động qua lại giữa thể chế chính thức và phi chính thức trong giao thông Việt Nam – CÂU CHUYỆN RẼ PHẢI KHI ĐÈN ĐỎ.

Trong bất kỳ xã hội nào, thể chế chính thức (luật pháp, quy định do chính quyền ban hành) và thể chế phi chính thức (tập quán, phong tục, quy ước của cộng đồng) luôn tồn tại song song, ảnh hưởng lẫn nhau. Khi hai thể chế này được thiết kế để hỗ trợ nhau, xã hội sẽ được điều hành một cách hiệu quả và hài hòa. Tuy nhiên, khi thể chế chính thức xung đột với thể chế phi chính thức, điều này thường dẫn đến những hậu quả bất lợi cho cả chính quyền lẫn xã hội.

Trong những câu chuyện giao thông ở Việt Nam, cụ thể như ở Thành phố Hồ Chí Minh, có những tập quán, thói quen (thể chế phi chính thức) không tốt thì cần có luật pháp để chế tài như lạng lách trên đường, leo lề, không nhường đường cho người đi bộ đặc biệt là đi trên vạch đi bộ… Tuy nhiên, có nhiều ví dụ cho thấy thể chế phi chính thức (văn hóa, tập quán) hỗ trợ, thậm chí thay thế thể chế chính thức để đảm bảo giao thông như văn hóa nhường đường, nhắc nhau tuân thủ đèn bảng hiệu, v.v..

Ví dụ rõ nhất cho tác động hỗ trỡ của tập quán, văn hóa thay thế luật pháp khi các loại xe đi qua các bùng binh giờ cao điểm. Khi đó nếu các loại xe đi đúng theo luật, vòng trong, vòng ngoài bùng binh thì sẽ tắt và các phương tiện sẽ bị ngừng ngay lập tức. Lúc này thói quen đi theo luồng, văn hóa nhường hay thậm chí tranh đường nhưng tuyệt đối tránh va chạm sẽ được tự nhiên áp dụng, nếu có va chạm nhẹ thì tự khắc bỏ qua, người nào sân si đánh nhau thì sẽ ách tắt. Cho nên có thể nói giao thông ở bùng binh gần như do thể chế phi chính thức quyết định và TỰ ĐIỀU TIẾT, điều mà trật tự xã hội luôn cần trong phối hợp với thể chế chính thức là các luật, quy định.

Bài viết này sẽ phân tích sự tương tác giữa thể chế chính thức và phi chính thức trong giao thông đường bộ, lấy ví dụ luật cấm xe mô tô (xe gắn máy hai bánh) rẽ phải khi đèn đỏ ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh.

Luật cấm rẽ phải khi đèn đỏ: Một thể chế chính thức

Luật giao thông hiện hành ở các đô thị lớn ở Việt Nam cấm xe mô tô (xe gắn máy hai bánh) rẽ phải khi có đèn đỏ. Mục đích của quy định này là giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định này lại không phù hợp với điều kiện thực tế về hệ thống đường xá đô thị nhỏ, chật, kém phát triển và mật độ lưu thông xe mô tô quá cao ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tập quán rẽ phải khi đèn đỏ: Một thể chế phi chính thức

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành thói quen rẽ phải khi có đèn đỏ như một giải pháp tự nhiên để lưu thông dễ dàng hơn trong điều kiện đường xá chật chội, diện tích đường giao thông thấp. Chính quyền cũng không xử phạt hành vi này trong một thời gian dài, cho thấy sự thừa nhận gián tiếp của tập quán này. Đây là một ví dụ điển hình về thể chế phi chính thức phủ nhận thể chế chính thức một cách tích cực, nhằm thích ứng với điều kiện thực tế.

Xung đột giữa hai thể chế

Từ đầu năm 2025, chính quyền đã bắt đầu xiết chặt việc thực thi luật cấm xe gắn máy rẽ phải khi đèn đỏ, đặc biệt bằng các mức phạt nặng. Kết quả ban đầu cho thấy người dân vì sợ bị phạt nên tuân thủ nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng:

– Tình trạng ách tắc giao thông gia tăng: Người dân tuân thủ luật dẫn đến các giao lộ giảm luồng xe luân chuyển, khiến ách tắc kéo dài hơn.

– Ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế: Việc trì hoãn giao thông đã làm tăng chi phí vận chuyển và tổn thất thời gian, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

– Tác động tâm lý và xã hội: Việc thực thi nghiêm ngặt luật pháp bất chấp tác động đến tập quán đã khiến người dân bất bình và mất niềm tin vào chính quyền.

Bài học từ thực tiễn

Việc áp dụng luật dẫn đến những bất cập nêu trên cho thấy tập quán rẽ phải khi đèn đỏ là thể chế phi chính thức tốt cần được tôn trọng.

Chính quyền nên rút ra bài học từ sự không tương hợp giữa thể chế chính thức và phi chính thức. Chấp nhận tập quán lưu thông được rẽ phải có thể giúp giảm ách tắc giao thông, tiết kiệm chi phí lắp đặt biển báo (nghe nói đang làm) và đảm bảo nguyên tắc rằng người dân được phép làm những gì luật pháp không cấm.

Để đảm bảo nguyên tắc trên và góp phần làm giảm ùn tắt kinh khủng hiện nay, có thể thấy rằng chính quyền cần xem xét lại việc ban hành và thực thi luật giao thông liên quan:

1. Chấp nhận tập quán tích cực: Cho phép rẽ phải khi đèn đỏ để giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông, trừ khi có biển báo cấm ở những trục đường quan trọng.

2. Điều chỉnh luật pháp: Xóa bỏ quy định cấm xe gắn máy rẽ phải khi đèn đỏ. Thay vào đó, chỉ cần cấm rẽ phải ở những điểm giao thông nhạy cảm có nguy cơ cao gây tai nạn.

3. Tiết kiệm chi phí: Loại bỏ việc lắp đặt hàng loạt biển “được phép rẽ phải khi đèn đỏ”. Việc lắp đặt này bản thân nó mâu thuẫn với quy định hiện hành-không được phép rẽ phải (còn việc cấm rẽ phải ở những giao lộ cần thiết là luật người dân phải tuân thủ, không mâu thuẩn với nguyên tắc người dân được làm những gì luật không cấm).

No comments:

Post a Comment