Một bộ phim tài liệu đặt dấu hỏi về tác giả bức ảnh ‘Cô bé Napalm’AP
17/01/2025
VOA
Nhiếp ảnh gia Nick Út, phải, thăm cô bé Napalm Phan thi Kim Úc tại Trảng Bàng, Tây Ninh, Việt Nam (ảnh tài liệu năm 1973).
Một trong những bức ảnh đáng nhớ nhất của thế kỷ 20: một cô bé trần truồng, gào khóc, chạy thoát thân sau một vụ thả bom napalm trong Chiến tranh Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ sau, một bộ phim tài liệu đang đặt dấu hỏi về người chụp bức ảnh này — và nhiếp ảnh gia đã nghỉ hưu của AP, người từ lâu được ghi nhận là tác giả bức ảnh này, khẳng định đó là ảnh của ông và chủ nhân lâu năm của ông cho biết không có bằng chứng nào cho thấy có người nào khác đứng sau ống kính máy ảnh.
Bộ phim về bức ảnh đoạt giải Pulitzer này, nhan đề “The Stringer”, dự kiến sẽ ra mắt vào tuần tới tại Liên hoan phim Sundance. Cả nhiếp ảnh gia Nick Út và chủ nhân lâu năm của ông đều kịch liệt phản đối, và luật sư của ông Út đang tìm cách ngăn chặn buổi ra mắt phim, đe dọa sẽ kiện phỉ báng. AP, đơn vị đã tiến hành cuộc điều tra riêng trong sáu tháng, đã kết luận rằng họ “không có lý do gì để tin rằng bất kỳ ai khác ngoài ông Út đã chụp bức ảnh này”.
Bức ảnh Kim Phúc chạy trên đường ở Trảng Bàng, gào thét và trần truồng vì đã cởi bỏ quần áo bị cháy vì bom napalm, ngay lập tức trở thành biểu tượng cho nỗi kinh hoàng của Chiến tranh Việt Nam.
Được chụp vào ngày 8 tháng 6 năm 1972, bức ảnh được ghi công cho ông Út, khi đó là một nhân viên 21 tuổi tại văn phòng AP ở Sài Gòn. Ông đã được trao giải Pulitzer một năm sau đó. Ông Út, nay 73 tuổi, đã chuyển đến California sau chiến tranh và làm việc cho AP trong 40 năm cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2017.
Những lời cáo buộc trong bộ phim mở ra một chương mới bất ngờ cho một bức ảnh, mà chỉ trong vòng vài giờ sau khi chụp, đã được truyền đi khắp hành tinh và trở thành một trong những bức ảnh không thể phai mờ nhất của Chiến tranh Việt Nam và của thế kỷ đầy biến động đã tạo ra nó. Bất kể sự thật là gì, các cuộc điều tra của bộ phim dường như chỉ liên quan đến danh tính của nhiếp ảnh gia chứ không phải là về tính xác thực tổng thể của hình ảnh.
Các nhà làm phim nói bộ phim của họ phơi bày “một scandal đằng sau việc tạo ra một trong những bức ảnh được công nhận nhất của thế kỷ 20”. Tranh chấp này khiến các nhà làm phim bất đồng quan điểm với ông Út, người có tác phẩm định hình sự nghiệp của mình vào ngày hôm đó. Vụ tranh chấp cũng khiến các nhà làm phim bất đồng quan điểm với AP, một tổ chức tin tức toàn cầu coi độ chính xác là một phần nền tảng của mô hình công việc.
Dấu hỏi về bức ảnh bắt đầu từ đâu?
Ông Ron Burnett, một chuyên gia về hình ảnh và là cựu chủ tịch của Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Emily Carr, nói về bức ảnh này: “Nó đã thay đổi cách mọi người vẫn nghĩ về ảnh và phá vỡ các quy tắc về mức độ bạo lực mà bạn có thể thể hiện trước công chúng”.
Bức ảnh này không bị tranh chấp gì trong hầu hết 53 năm tồn tại. Những năm sau này, một câu chuyện phản biện đã xuất hiện rằng bức ảnh này được chụp bởi một người khác, một người từng làm việc cho NBC News vào thời điểm đó và hiện cũng đang sống ở California. Người này được cho là đã giao phim của mình cho văn phòng AP với tư cách là “cộng tác viên”.
Đội vợ chồng Gary Knight, sáng lập viên của tổ chức VII Foundation, và nhà sản xuất Fiona Turner đứng sau bộ phim tài liệu vừa kể. Trên trang web của mình, ông Knight mô tả “The Stringer” là “một câu chuyện mà nhiều người trong nghề của chúng tôi không muốn kể, và một số người trong số họ vẫn tiếp tục nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng câu chuyện không được kể ra”.
Ông Knight không trả lời tin nhắn yêu cầu bình luận từ AP vào ngày 16/1. Một đại diện từ Sundance cũng không trả lời tin nhắn về một lá thư từ luật sư của ông Út là ông James Hornstein, cố gắng ngăn chặn việc phát sóng bộ phim. Luật sư Hornstein không cho ông Út trả lời phỏng vấn lúc này vì dự đoán sẽ có các vụ kiện tụng trong tương lai.
Ông Knight và bà Turner đã gặp AP tại London vào tháng 6 năm ngoái về các cáo buộc vừa kể. Theo AP, các nhà làm phim đã yêu cầu AP ký một thỏa thuận không tiết lộ thông tin NDA trước khi họ cung cấp bằng chứng. AP đã từ chối.
Điều đó đã cản trở cuộc điều tra của AP. Ông Horst Faas, giám đốc hình ảnh của AP tại Sài Gòn năm 1972, và ông Yuichi “Jackson” Ishizaki, người rửa phim của ông Út, đều đã qua đời. Nhiều hồ sơ của văn phòng Sài Gòn đã bị mất khi những người cộng sản chiếm thành phố. Các âm bản của những bức ảnh được sử dụng vào thời điểm đó được lưu giữ trong kho lưu trữ của công ty AP tại New York, nhưng chúng không cung cấp thông tin chi tiết cho cuộc điều tra.
Tuy nhiên, AP đã quyết định công bố những phát hiện của riêng mình trước khi xem bộ phim “The Stringer” và các chi tiết về tuyên bố mà phim đưa ra. AP nói họ “sẵn sàng xem xét mọi bằng chứng và thực hiện bất kỳ hành động khắc phục nào có thể cần thiết nếu luận điểm của họ được chứng minh là đúng”.
Một số người có mặt ở đó chắc chắn về những gì đã xảy ra
AP cho biết họ đã nói chuyện với bảy người sống sót có mặt ở Trảng Bàng hoặc ở văn phòng AP tại Sài Gòn vào ngày hôm đó, và tất cả đều khẳng định họ không có lý do gì để nghi ngờ kết luận của riêng họ rằng ông Út đã chụp bức ảnh ấy.
Một người là Fox Butterfield, một phóng viên kỳ cựu nổi tiếng của tờ New York Times, người cũng cho biết ông đã được bà Turner liên hệ để làm phim tài liệu. Ông Butterfield nói với AP rằng “Tôi đã nói với họ về ký ức của tôi và họ không thích điều đó, nhưng họ vẫn tiếp tục làm”.
Một người khác là nhiếp ảnh gia David Burnett, người cho biết ông đã chứng kiến ông Út và ông Alexander Shimkin, một nhiếp ảnh gia tự do làm việc chủ yếu cho Newsweek, chụp ảnh khi Kim Phúc và những đứa trẻ khác chui ra khỏi đám khói sau cuộc tấn công. Theo cuộc điều tra, ông Shimkin đã thiệt mạng ở Việt Nam một tháng sau đó.
Một nguồn tin quan trọng cho câu chuyện trong phim “The Stringer” là ông Carl Robinson, khi đó là biên tập viên ảnh cho AP tại Sài Gòn, người ban đầu quyết định không sử dụng bức ảnh nhưng quyết định của ông đã bị bác. AP đã liên hệ với ông Robinson như một phần của cuộc điều tra, nhưng ông cho biết đã ký một NDA với ông Knight và VII Foundation. Ông Knight sau đó cho biết ông Robinson có thể trao đổi nhưng không được đưa lên mặt báo. AP cho rằng việc này ngăn cản AP làm sáng tỏ sự thật.
Ông Robinson không trả lời email yêu cầu bình luận vào ngày 16/1.
Khi làm nhiệm vụ tại Sài Gòn vào ngày hôm đó, ông Robinson đã kết luận rằng bức ảnh của ông Út không thể được sử dụng vì nó sẽ vi phạm các tiêu chuẩn về cấm khỏa thân. Nhưng ông Faas đã bác bỏ, và các biên tập viên cấp cao của AP tại New York đã quyết định cho đăng bức ảnh vì những gì nó truyền tải về chiến tranh.
AP đặt câu hỏi về sự im lặng kéo dài của ông Robinson trong việc phản bác ông Út là tác giả bức ảnh. AP đã trưng ra bức ảnh từ kho lưu trữ của mình, trong đó cho thấy ông Robinson uống rượu sâm-panh chúc mừng Giải thưởng Pulitzer của ông Út. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2005 với kho lưu trữ của AP, ông Robinson cho biết ông nghĩ AP “đã tạo ra một con quái vật” khi phát hành bức ảnh vì phần lớn sự đồng cảm của thế giới tập trung vào một nạn nhân, thay vì các nạn nhân chiến tranh nói chung.
Cựu phóng viên AP, Peter Arnett, người tin rằng ông Út đã chụp bức ảnh, cho biết ông Robinson đã viết thư cho ông sau cái chết của ông Faas vào năm 2012 để đưa ra cáo buộc rằng ông Út không chụp bức ảnh đó; ông nói rằng ông không muốn làm điều đó khi ông Faas vẫn còn sống. Theo cuộc điều tra của AP, ông Arnett nói ông Robinson đã bảo với ông rằng ông Út đã “trở thành Hollywood” và ông không thích điều đó.
Ông Hornstein mô tả ông Robinson, người đã bị AP sa thải vào năm 1978, là “một gã có mối thù truyền kiếp 50 năm với AP”. Ông cũng đặt câu hỏi về sự im lặng kéo dài của người đàn ông mà bộ phim tài liệu cho là tác giả thực sự của bức ảnh.
Luật sư cũng đưa ra một tuyên bố từ Kim Phúc, người cho biết mặc dù cô không nhớ gì về ngày hôm đó, nhưng chú của cô đã nhiều lần nói với cô rằng ông Út đã chụp bức ảnh đó và cô không có lý do gì để nghi ngờ ông ta. Ông Út cũng đã đưa cô đến bệnh viện gần nhất sau khi bức ảnh được chụp, cô viết.
No comments:
Post a Comment