Việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên…Lê Nguyễn Duy Hậu
17-1-2025
Tiengdan
Mình có thử xem lại luật thành văn liên quan đến việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên thì thấy có vài vấn đề thú vị. Việc vượt đèn đỏ là một hành vi có “dấu hiệu” vi phạm luật giao thông và về nguyên tắc là phải bị phạt, trừ các trường hợp có thể biện hộ được. Có hai cách biện hộ cho hành vi này, đó là việc vượt đèn đỏ là (1) thực hiện một nghĩa vụ pháp lý (do cảnh sát giao thông hiệu lệnh, hoặc do luật quy định), hoặc (2) do tình thế cấp thiết miễn trừ trách nhiệm của họ. Mình thử phân tích luật thành văn về hai vấn đề này:
– Thứ nhất, về mặt nghĩa vụ nhường đường: ngôn ngữ trong luật về việc “nhường đường cho xe ưu tiên” đã có sự thay đổi, theo hướng thu hẹp hơn các hành vi nhường đường. Luật Giao Thông Đường Bộ năm 2008 quy định “Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên“.
Trong khi đó, Luật Trật Tự, An Toàn Giao Thông Đường Bộ năm 2024 lại quy định: “Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường, trạm thu phí phải ưu tiên cho xe ưu tiên qua trạm trong mọi tình huống, không được gây cản trở“.
Nhìn nhanh thì thấy giống nhau nhưng nếu để ý thì thấy rằng, Luật năm 2008 quy định ba nghĩa vụ được coi là “nhường đường”, đó là “giảm tốc độ”, “tránh”, “dừng lại sát lề đường bên phải”. Trong khi đó, Luật 2024 lại quy định các nghĩa vụ là “giảm tốc độ”, “đi sát lề đường”, “dừng lại”. Nghĩa vụ “tránh” đã không còn xuất hiện trong Luât 2024.
Nói cách khác, xe ưu tiên ra tín hiệu yêu cầu các xe khác thực hiện nghĩa vụ nhường đường, bao gồm “giảm tốc độ”, “đi sát lề đường bên phải”, hoặc “nhường đường” để không gây cản trở. Vậy rất khó có thể nói hành vi “vượt đèn đỏ” rơi vào loại hành vi mang tính nghĩa vụ nào trong Luật 2024.
– Thứ hai, về tình thế miễn trừ trách nhiệm: Có vẻ cơ sở duy nhất để bảo vệ các tài xế vượt đèn đỏ để xe ưu tiên chạy được không phải là để họ thực hiện nghĩa vụ nhường đường, mà là “tình thế cấp thiết” như giải thích của Cục CSGT. Mình nghĩ, biện luận như vậy là không sai, nhưng cần lưu ý rằng “tình thế cấp thiết” là một quy định mang tính “situational” (tình huống).
Theo đó, “Tình thế cấp thiết” được định nghĩa theo Luật Xử Lý Vi Phạm Hành Chính là “tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa“.
Đây là một biện hộ pháp lý điển hình và hiệu lực của biện hộ này tùy thuộc vào ngoại cảnh cụ thể, chứ không có tính chuẩn tắc áp dụng cho mọi trường hợp. Nói cách khác, không phải cứ vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên đều là “tình thế cấp thiết”, mà phải bảo đảm rằng việc vượt đèn đỏ là “không còn cách nào khác”, và là “thiệt hại nhỏ hơn” là thiệt hại của việc cản đường xe ưu tiên.
Chưa kể đến việc mặc định rằng “vi phạm luật giao thông” là một thiệt hại nhỏ hơn việc “cản đường xe ưu tiên” không phải lúc nào cũng đúng (vì, ví dụ, việc vi phạm luật giao thông gây ra tai nạn giao thông, hay kẹt xe thì nó không thể xem là thiệt hại nhỏ hơn được), thì việc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là một nghĩa vụ pháp lý, mà chỉ là một biện hộ pháp lý.
Nói cách khác, nếu vượt đèn đỏ để nhường đường bị xem là vi phạm, thì tài xế có quyền biện luận bằng tình thế cấp thiết. Nhưng nếu họ không vượt thì sao? Thì biện luận về tình thế cấp thiết là không cần đến. Lúc này, cái duy nhất yêu cầu tài xế nhường đường lại chính là nghĩa vụ nhường đường vốn bị thu hẹp về câu chữ như đã phân tích ở trên.
Tất nhiên, đây chỉ là phân tích của mình cho một tình huống pháp lý và chính sách thú vị. Nhưng có lẽ phần nào mình hiểu vì sao tài xế đã chọn không nhường đường. Khi thực hiện một hành vi có dấu hiệu vi phạm, chỉ có hai cách để bảo vệ một cá nhân, đó là họ cho rằng làm vậy vì họ có nghĩa vụ pháp lý, hoặc làm vậy vì tình thế cấp thiết. Muốn tài xế nhường đường, có lẽ phải quy định lại các hành vi được xem là nghĩa vụ nhường đường, chứ còn sử dụng “tình thế cấp thiết” hay những lời trấn an của Cục CSGT thì mình e là chưa đủ.
Ngoài ra, mình còn thấy vấn đề này có thể phân tích theo góc nhìn của chính sách công về sự lựa chọn và thiết kế sự lựa chọn. Tuy nhiên, với việc VTV hai hôm liên tục lên tin phản bác các hành vi “chống lại nghị định 168” thì mình thấy lựa chọn hợp lý nhất là… thôi.
No comments:
Post a Comment