Được và mất nếu Việt Nam tham gia BRICSHoàng Trường
17/01/2025
VOA
Lợi ích tiềm năng
Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia là bốn nước ASEAN được mời tham gia thượng đỉnh BRICS tại Nga hồi tháng 10/2024. Tới nay, Indonesia đã chính thức gia nhập BRICS với tư cách thành viên đầy đủ, theo thông báo ngày 6/1/2025 của Brazil, nước Chủ tịch luân phiên năm 2025. Thái Lan và Malaysia cũng “chính thức có tư cách quốc gia đối tác BRICS” từ ngày 1/1/2025. Riêng Việt Nam vẫn chưa phản hồi lời mời trở thành “quốc gia đối tác” của BRICS, được Nga công bố ngày 23/12/2024 (1). Như vậy, có thể thấy, Hà Nội dường như đang cân nhắc kỹ lưỡng giữa các lợi ích kinh tế, chính trị và thách thức ngoại giao.
BRICS hiện đang chiếm hơn 41% GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP) và là khối kinh tế lớn thứ hai thế giới sau G7. Việc tham gia BRICS có khả năng mở ra các cơ hội kinh tế to lớn: Thị trường có thể được mở rộng hơn. Hà nội sẽ tiếp cận một thị trường khổng lồ với dân số hơn 3 tỷ người, trong đó có những nền kinh tế đang phát triển nhanh như Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các ngành xuất khẩu mũi nhọn như nông sản, dệt may và điện tử của Việt Nam (2). Về tài chính, BRICS đã thảo luận về việc thiết lập một đồng tiền chung để giảm phụ thuộc vào đồng đô la. Nếu đồng tiền chung này được thực hiện, Việt Nam có thể giảm thiểu rủi ro từ sự biến động của đồng đô la, đồng thời tiếp cận các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS với lãi suất ưu đãi. Về thu hút đầu tư, Trung Quốc và Ấn Độ, hai thành viên chủ chốt của BRICS, đã và đang đầu tư mạnh vào Đông Nam Á. Tham gia BRICS, Hà Nội hy vọng sẽ thu hút thêm nguồn vốn từ hai quốc gia này, đặc biệt trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng và công nghệ.
Việc tham gia BRICS còn được cho là có thể củng cố vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường vị thế chính trị của đất nước. BRICS được xem như một đối trọng với các nhóm kinh tế lớn phương Tây, như G7. Việc gia nhập BRICS giúp Việt Nam có thêm một nền tảng để đa dạng hóa quan hệ ngoại giao và giảm phụ thuộc vào các siêu cường phương Tây. BRICS là diễn đàn quan trọng để thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia đang phát triển. Việt Nam, với tư cách là một nền kinh tế mới nổi, sẽ có thêm cơ hội để hợp tác với các nước BRICS trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và phát triển bền vững. Một trong những mục tiêu lớn được công bố của BRICS là thúc đẩy sự phát triển bền vững ở các nước thành viên.
Việt Nam, với nhu cầu phát triển kinh tế xanh và giảm phát thải carbon, có thể hưởng lợi từ các sáng kiến hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và công nghệ xanh. Những điều này có thể hỗ trợ Việt Nam theo hướng phát triển bền vững. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng từng nhấn mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp trách nhiệm tại Hội nghị BRICS mở rộng cuối năm ngoái là một sự kiện có ý nghĩa. Điều này tiếp tục minh chứng cho khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam, từ một quốc gia trải qua biết bao đau thương, mất mát, khó khăn, nay đang tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khẳng định vị thế là đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tạo nguồn cảm hứng, khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh trên thế giới (3). “Cài” cả ý của Tổng bí thư Tô Lâm vào phát biểu – “kỷ nguyên mới… kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…” – nhưng điều cơ bản nhất, Hà Nội chỉ mới dừng lại ở mức “sẽ nghiên cứu những thông tin về cơ chế của BRICS” (4).
Áp lực và rủi ro
Trong khi đó, một số chuyên gia còn thẳng thừng nhận xét: “…BRICS vẫn chỉ là một câu lạc bộ, hô hào là chính và chỉ để phục vụ danh nghĩa và uy tín của một số nước lớn. Còn về hoạt động thực chất, cơ chế để bảo đảm hoạt động đem lại lợi ích kinh tế thực chất thì chưa có gì nhiều cả, ngoài NDB. Kể từ khi BRICS chính thức ra đời năm 2009, tức là cách đây 15 năm, Trung Quốc và Nga lại không thúc đẩy để đưa nhóm này hoạt động như một tổ chức, chứ không chỉ thuần túy là một câu lạc bộ. Nhóm này chỉ chủ trương nâng tầm và mở rộng thành viên trong mấy năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine và quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, nghĩa là khi có xung đột và đối đầu với Mỹ và phương Tây. Còn ở thời điểm quan hệ hai bên Nga – Mỹ, Trung Quốc – Mỹ ở trạng thái “cơm lành, canh ngọt”, BRICS đâu có rùm beng như hiện nay. Do vậy cũng cần phải xem xét động cơ của Nga và Trung Quốc” (5).
Vì thế, một trong những áp lực và rủi ro lớn nhất khi Việt Nam tham gia BRICS là khả năng có thể bị Mỹ và các đồng minh phương Tây phản ứng tiêu cực. Lúc bấy giờ, căng thẳng thương mại sẽ là vấn đề không thể xem thường. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng đe dọa áp thuế lên tới 100% đối với các nước BRICS nếu họ thay thế đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế. Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt hoặc thuế quan cao nếu gia nhập khối này. Nhưng quan trọng hơn, quan hệ “đối tác chiến lược với Mỹ” (CSP) xây dưng bao lâu nay có khả năng bị thách thức. Trong những năm gần đây, quan hệ Việt – Mỹ đã có những bước tiến lớn, đặc biệt với quy chế CSP hiện nay, việc gia nhập BRICS – vốn bị Mỹ coi là một đối thủ địa chính trị – có thể làm xói mòn mối bang giao này (6). Theo Giáo sư Alexander Vuving từ APCSS ở Hawaii, sự do dự của Việt Nam xuất phát từ “mối quan hệ mong manh” của Hà Nội với Washington (7).
Rủi ro kế tiếp là sự phụ thuộc vào Trung Quốc có thể gia tăng. Bắc Kinh là thành viên dẫn đầu của BRICS và đóng vai trò chi phối nhiều quyết định trong khối. Tham gia BRICS có thể khiến Việt Nam bị phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế và chính trị. Điều này có thể làm suy yếu nỗ lực của Hà Nội trong việc đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, từ đó có nguy cơ đánh mất sự cân bằng quyền lực hiện nay. Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Ấn Thái Dương tự do và cởi mở (FOIP), lại ngay sát nách Trung Quốc trong khi sự cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gia tăng. Gắn chặt hơn với Trung Quốc trong bối cảnh này sẽ nguy hiểm cho Hà Nội. Hơn nữa, dù Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ thương mại mạnh mẽ, hai quốc gia cũng là đối thủ cạnh tranh trong một số lĩnh vực xuất khẩu như hàng điện tử, dệt may và nông sản. Gia nhập BRICS có thể khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trước sự lẫn lướt của Trung Quốc (8).
BRICS hiện chỉ có một quốc gia Đông Nam Á là Indonesia làm thành viên. Nếu Việt Nam gia nhập BRICS mà không có sự tham gia của các quốc gia ASEAN khác, điều này có thể làm suy yếu vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Từ lâu Hà Nội đã theo đuổi chính sách đối ngoại "đa phương hóa, đa dạng hóa", việc tham gia BRICS có thể bị coi là đi ngược lại chính sách này và tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN (9). Việt Nam hiện đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do lớn như CPTPP và RCEP. Nếu gia nhập BRICS, không loại trừ Việt Nam có thể phải cân nhắc lại cam kết với các khối này. Từ đấy, khả năng bị mất cơ hội từ các hiệp định thương mại khác có thể tăng lên.
Cân nhắc thêm giữa lợi và hại
Với tất cả những lý do kể trên, Việt Nam đang cân nhắc khá kỹ lưỡng giữa lợi ích và thách thức khi xem xét gia nhập BRICS. Thay vì gia nhập ngay lập tức, Việt Nam có thể vẫn tiếp tục giữ vai trò là “đối tác của BRICS” để đánh giá tác động của khối này trong tương lai. Điều này sẽ cho phép Việt Nam hưởng lợi từ hợp tác kinh tế mà không phải đối mặt với các rủi ro chính trị lớn. Một khi quyết định gia nhập BRICS, Việt Nam cần thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương với Mỹ và các đồng minh đến mức phải đảm bảo không bị cô lập hoặc phụ thuộc vào một phía. Đây là cách đảm bảo cân bằng quyền lực trong một thế giới bất toàn hiện nay. Ngoài ra, Hà Nội có thể thúc đẩy việc ASEAN tham gia BRICS như một khối thống nhất, thay vì gia nhập với tư cách cá nhân. Điều này sẽ giúp Việt Nam duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và tăng cường vai trò ASEAN nói chung (10).
Việt Nam đang tiếp cận việc gia nhập BRICS với một chiến lược thận trọng. Trong bối cảnh địa-chính trị toàn cầu phức tạp, quyết định này được cân nhắc trên nhiều khía cạnh để đảm bảo lợi ích quốc gia. Hà Nội có thể hưởng lợi từ thị trường và nguồn lực tài chính của BRICS, nhưng phải đối mặt với nguy cơ mất cân bằng quyền lực và xung đột lợi ích với các đối tác phương Tây. Về ngắn hạn, việc tiếp tục giữ vai trò là “đối tác BRICS” có thể là bước đi phù hợp để Việt Nam vừa tận dụng cơ hội, vừa tránh các rủi ro lớn về chính trị và kinh tế. Trước mắt, cần rút tỉa bài học của Indonesia (11) và nghiên cứu sâu về lợi ích và rủi ro của việc gia nhập, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu bất toàn. Nhìn chung, duy trì và thúc đẩy cân bằng quan hệ với các đối tác truyền thống như Mỹ và EU trong khi mở rộng hợp tác với BRICS là bài toán không hề đơn giản đối với Hà Nội.
Tham khảo:
(2) https://laodong.vn/the-gioi/suc-manh-cua-brics-sau-khi-nuoc-asean-dau-tien-gia-nhap-1447092.ldo
(6 và 7) https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-len-tieng-ve-kha-nang-gia-nhap-brics/7931790.html
(10) https://vntr.moit.gov.vn/vi/news/asean-va-xu-huong-gia-nhap-cac-khoi-kinh-te-brics-va-oecd
No comments:
Post a Comment