Thursday, January 16, 2025

Lưu Trọng Văn - Nhạy cảm hay không nhạy cảm ?
jeudi 16 janvier 2025
Thuymy


Giáo sư Trần Văn Thọ từng là thành viên tư vấn cho thủ tướng Nhật và thủ tướng Việt Nam, ông tỏ ra hào hứng với những chuyển dịch tư duy, chính sách, đường lối mà những người lãnh đạo hiện nay đang theo đuổi.

Ông vừa gửi cho gã bài viết : "Chuẩn bị đêm trước của kỷ nguyên mới". Bài báo nêu 5 điểm trong đó có điểm theo kinh nghiệm của Nhật thì báo hiệu cho cuộc đổi mới phải có không khí phấn chấn của toàn dân ở đêm trước của đổi mới.

Câu hỏi đặt ra là liệu cuộc đổi mới bước vào kỷ nguyên mới này của Việt Nam liệu đã có được không khí phấn chấn toàn dân chưa. Và nếu muốn có được cái không khí phấn chấn ấy thì các nhà lãnh đạo phải thực hiện các bước đi nào.

Phải nói rằng bài báo đầy tâm huyết đóng góp cho sự chuyển mình của đất nước của giáo sư Trần Văn Thọ có nhiều điểm rất hữu ích cho các nhà lãnh đạo Việt Nam tham khảo. Nhưng theo gs Thọ thì tờ báo chỉ đăng 3,5 điểm, còn 1,5 điểm vì lẽ này lẽ nọ họ cho rằng quá nhạy cảm.

Giáo sư Thọ nói với gã là theo giáo sư, nội dung 1,5 điểm kia không có gì nhạy cảm. Gã đọc cũng thấy vậy, nhất là hiện nay chính tổng bí thư Tô Lâm đang mở biên rất thoáng để các ý tưởng gọi là “nhạy cảm”trở nên cần thiết tham gia tiến trình đột phá tư duy.

Được sự đồng ý của giáo sư Trần Văn Thọ, gã xin gửi bạn đọc tham khảo những ý kiến của giáo sư mà một tờ báo trong nước đã cắt vì cho là “nhạy cảm.”

“Tôi đã từng kiến nghị với một vị trong tứ trụ là ở Đại hội Đảng nên bầu độ 3/4 số ủy viên trung ương, và số còn lại nên để Bộ Chính trị bổ nhiệm đặc biệt theo nhu cầu, không xét các yếu tố như tuổi tác, cơ cấu. Nếu Bộ Chính trị phát hiện nhân tài cần cho một vị trí lãnh đạo ở một cơ quan dù đang ở ngoài Đảng cũng nên kết nạp vào Đảng và bổ nhiệm chức ủy viên trung ương.

Thứ tư, việc chọn những lãnh đạo chủ chốt ở trung ương và địa phương nên theo phương thức cạnh tranh, công khai để dân biết, dân bàn. Người muốn được chọn phải nghiên cứu, suy nghĩ, tham khảo tư vấn của chuyên gia về đường lối, chiến lược phát triển ; và sau khi được chọn sẽ cảm thấy sứ mệnh, trách nhiệm hơn đối với đất nước, với địa phương.

Cụ thể, tôi đề nghị ở trung ương, chức vụ thủ tướng rất quan trọng, Bộ Chính trị nên cử hai hoặc ba người ra tranh cử ở Quốc hội, mỗi người phát biểu về tổ chức nội các, công bố chính sách, phương châm hành động, triển khai sáng tạo các đường lối, Nghị quyết của Đại hội Đảng để Việt Nam thực hiện được các ưu tiên hàng đầu của kỷ nguyên mới. Qua truyền hình dân chúng sẽ theo dõi, phản ảnh ý kiến trên các phương tiện truyền thông và Quốc hội sẽ bầu. Thủ tướng cũng cần được trao quyền hạn và trách nhiệm cao hơn hiện nay, nhất là cóquyền quyết định đối với các thành viên nội các của mình.

Ở các tỉnh thành nên kết hợp bí thư đảng ủy với chủ tịch ủy ban nhân dân thành một người để tinh giảm bộ máy. Người đứng đầu tỉnh thành (có thể gọi là tỉnh trưởng, thị trưởng...) sẽ rất quan trọng và cũng được chọn qua cạnh tranh, công khai như trường hợp thủ tướng. Người đứng dầu tỉnh thành trước mắt sẽ được bầu tại đại hội các thành viên Hội đồng nhân dân, Đảng ủy và các lãnh đạo các sở, ban, ngành. Việc tổ chức cũng công khai và dân chúng có thể theo dõi qua truyền hình. Năm 2025 nếu Bộ Chính trị đưa ra phương thức mới này tôi tin chắc là dân chúng sẽ rất phấn khởi, tin tưởng.”

LƯU TRỌNG VĂN 16.01.2025

No comments:

Post a Comment