Friday, January 17, 2025

Chế độ mới của Việt Nam tìm thấy chỗ đứng của mình
East Asia Forum
Tác giả: David Brown
Song Phan chuyển ngữ
15-1-2025
Tiengdan
16/01/2025

Khi nhà lãnh đạo lâu năm của Việt Nam Nguyễn Phú Trọng qua đời vào ngày 19 tháng 7 năm 2024, chỉ có Bộ trưởng Bộ Công an, tướng Công an Tô Lâm, là sẵn sàng hành động. Tất cả các chính trị gia khác từng hy vọng thay cho Trọng lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam toàn năng đều đã chọn cách nghỉ hưu khi họ biết được nội dung hồ sơ của họ do cấp dưới của Lâm đã tập hợp lại.

Vài ngày sau khi Trọng được an táng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 200 thành viên đã họp để suy tôn Lâm làm người kế nhiệm. Lâm không được công chúng biết đến nhiều trước khi lên làm Tổng Bí thư. Ông đã tạo dựng sự nghiệp của mình ở Bộ Công an, phục vụ sáu năm với vai trò Thứ trưởng trước khi nắm quyền lãnh đạo bộ vào năm 2016.  Trong vai trò này, quyết tâm của Trọng nhằm loại bỏ những thành viên tham nhũng trong Đảng ngày càng quyết liệt hơn bao giờ hết. Hồ sơ mà Tô Lâm cung cấp cho Trọng trong những năm cuối đời về các đối thủ của ông (Lâm) khiến họ không thể tránh khỏi việc bị sa thải và tình cờ đảm bảo cho việc Lâm được lựa chọn làm người kế vị tất yếu của Trọng.

Nhưng vẫn còn sự hoài nghi về việc liệu Tổng Bí thư mới có thể thực hiện một nhiệm vụ lớn hơn nhiều hay không. Nhiều người nghi ngờ khả năng của một công an trong việc giữ gìn trật tự trong đảng cầm quyền, điều hành một chính phủ rộng lớn và lèo lái một nền kinh tế đang phát triển nhanh.

Đến đầu tháng 11 năm 2024, câu hỏi về sự thích đáng của Lâm đã có câu trả lời rất rõ ràng. Với Thủ tướng Phạm Minh Chính là trợ lý chính, Lâm không có ý định gì khác ngoài việc cải cách và hợp lý hóa tận gốc rễ bộ máy quan liêu bề bộn của Việt Nam.

Kể từ khi giành độc lập, theo định kỳ các nhà lãnh đạo đất nước đã hứa sẽ có những thay đổi sâu rộng trong khuôn khổ xã hội chủ nghĩa. Vào thập niên 1980, họ đã thành công rực rỡ với những cải cách Đổi Mới đã xóa bỏ chế độ bao cấp và cho phép phát triển nền kinh tế thị trường. Đối lại thì những nỗ lực trước đó nhằm tinh giản các thể chế khu vực công chỉ đạt được rất ít thành quả.

Ví dụ, Trọng đã chấp nhận một chương trình cải cách hành chính trong lúc tìm cách khắc chế đối thủ, Nguyễn Tấn Dũng — một cựu thủ tướng có tiếng là nương tay với hoạt động tham nhũng của các quan chức cùng phe. Nhưng Trọng đã để sáng kiến ​​đó lụi tàn sau khi ông buộc Nguyễn Tấn Dũng phải rời khỏi chức vụ. Thay vào đó, Trọng chuyển sự chú ý sang việc trừng phạt những cá nhân đảng viên không đạt tiêu chuẩn liêm chính của ông. Đây là chiến dịch “đốt lò” mang dấu ấn của Trọng — kéo dài cho đến khi ông mất và theo báo cáo, đã loại bỏ khoảng 17.000 cán bộ tham nhũng hoặc biến chất.

Bây giờ với tư cách là lãnh đạo Đảng, Lâm đã chuyển trọng tâm sang cải cách thể chế. Trái với các doanh nghiệp tư nhân tương đối hiệu quả của Việt Nam, khu vực công lại quá thừa nhân sự và kém hiệu quả. Nghị quyết 18-NQ/TW do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành năm 2017 nhằm giải quyết tình trạng quan liêu, nhưng Trọng quan tâm nhiều hơn đến việc loại bỏ những kẻ sa sút về mặt giáo điều.

Trong thời gian Trọng lãnh đạo, các bộ và cơ quan Đảng không có nhiều nỗ lực để tinh gọn bộ máy hiệu quả hơn, ngoại trừ Bộ Công an bề thế, nơi Lâm là thứ trưởng rồi sau đó được thăng chức bộ trưởng. Trong vai trò bộ trưởng, Lâm đã không thu hẹp quy mô của Bộ Công an mà tập trung nó trở lại và tinh giản bộ máy, loại bỏ nhiều cơ quan và nhân viên cấp trung, tăng gấp đôi số lượng nhân viên thực tế và trong nhiều năm tiếp theo, tăng gấp đôi quyền lực của Bộ Công an một lần nữa.

Những tuyên bố của Lâm và Thủ tướng Chính trong vài tháng cuối năm 2024 cho thấy rõ ràng rằng — lưu ý rằng Đại hội Đảng lần thứ 14 sẽ họp vào tháng 1 năm 2026 — họ thấy việc khôi phục Nghị quyết 18-NQ/TW sẽ hiệu quả hơn là bỏ ra nhiều tháng để xây dựng sự đồng thuận về những cải cách nào là cần thiết và sớm hơn bao nhiêu.

Kế hoạch mới sẽ cắt giảm và tổ chức lại các bộ và cơ quan Đảng để loại bỏ tình trạng chồng chéo về chức năng. Thẩm quyền đưa ra và thực hiện quyết định sẽ được phân cấp cho các địa phương, chỉ chịu sự đánh giá theo xét duyệt sau thực tế của cấp trên. Cán bộ và viên chức kém hiệu quả — được cho là chiếm khoảng 20% tổng số — sẽ bị ‘lọc ra’.

Tháng 3 năm 2025, mọi cơ quan nhà nước được yêu cầu phải báo cáo kế hoạch tái cấu trúc và tinh giản của mình. Đến cuối năm, với sự chấp thuận của Bộ Chính trị và Văn phòng Chính phủ, mỗi cơ quan sẽ đưa kế hoạch của mình vào thực hiện.

Nếu tất cả các kế hoạch này diễn ra theo đúng dự kiến thì ‘kỷ nguyên mới’ mà Lâm thường nhắc đến có thể thành hiện thực, với hệ thống chính trị trở nên ‘tinh gọn hơn, chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, hiệu suất và có tác động hơn’ rõ rệt. Khi Đại hội 14 họp vào tháng 1 năm 2026, Lâm và nhóm của ông sẽ gặt hái thành quả khi được trao thêm 5 năm nữa để thể hiện những gì họ có thể làm.

_______

Tác giả: David Brown là cựu viên chức ngoại giao Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm ở Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam

No comments:

Post a Comment