Friday, January 17, 2025

Hòa bình cho Trung Đông: Hy vọng mong manh và thận trọng
Anh Vũ
Đăng ngày: 17/01/2025 - 15:57Sửa đổi ngày: 17/01/2025 - 16:10
RFI

Tràn ngập các mặt báo Pháp ra ngày hôm nay là về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas mới được thông báo. Nhưng vẫn chỉ là một hy vọng hòa bình "mong manh" cho vùng đất Trung Đông, từ nhiều thập kỳ qua luôn được coi là thùng thuốc súng của thế giới.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ở giữa, triệu tập Nội các an ninh để bỏ phiếu về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, tại Jerusalem, ngày 17/01/2025. AP - Koby Gideon

Nếu tất cả diễn ra đúng như dự kiến, từ giữa trưa ngày Chủ nhật này, dải Gaza sẽ im tiếng súng trong vòng 42 ngày, sau hơn 15 tháng chiến tranh. Chưa phải là hồi kết của cuộc chiến, nhưng hy vọng về một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas đã dấy lên từ tối thứ Tư 15/01. Nếu được thực thi, lệnh ngừng bắn vừa được công bố sẽ cho phép các con tin Israel bị Hamas phong trào Hồi giáo Palestine bắt giữ dần được trả tự do, đồng thời với việc triển khai viện trợ nhân đạo quy mô lớn tới dải Gaza.

Nhật xét đầu tiên của hầu hết các báo đều là quá trình này sẽ rất mong manh. Có thể thấy từ “mong manh” xuất hiện rất nhiều trong tựa của các bài báo đề cấp đến chủ đề thời sự này.  Nhật báo Le Monde chạy tựa:  “Israel -Hamas: thỏa thuận mong manh dưới áp lực của Trump và Biden” cùng với bài xã luận mang tiêu đề “Gaza: Hy vọng và thận trọng”. Tựa trang nhất của Le Figaro:  Israel và Gaza trong đợi chờ ngừng bắn.  Nhật báo Công giáo La Croix  trên nền tấm ảnh lớn một khu nhà đổ nát vì bom đạn ở Gaza là tựa lớn: “Israel-Hamas: Một thỏa thuận quá mong manh”. Tờ báo cũng đặt ra  nhiều câu hỏi xung quanh thỏa thuận ngừng bắn được thông báo.

Le Monde ghi nhận : “Nhẹ nhõm, hy vọng, cay đắng, tức giận, lo lắng, sợ hãitrống rỗng. Đó là những cảm xúc trái ngược đan xen nhau từ Trung Đông đến Hoa Kỳ sau khi có thông báo về  về một thỏa thuận ngừng bắn ở dải Gaza, không ít lần được hy vọng rồi lại bị đẩy lùi trong suốt hơn 15 tháng qua. Thỏa thuận không có người chiến thắng này là thành quả của các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Hoa Kỳ, Ai Cập và Qatar, sẽ cho phép chấm dứt giao tranh ở lãnh thổ Palestine, nơi hơn 46.000 người đã thiệt mạng và giải thoát dần dần hàng trăm con tin vẫn bị Hamas bắt giữ (34 người trong số họ đã chết, theo Israel), kể từ cuộc tấn công chưa từng có vào ngày 7 tháng 10 năm 2023.

Theo Le Monde, thỏa thuận này đạt được là nhờ diễn biến tình hình ở Trung Đông có nhiều thuận lợi như Iran, phong trào Hezbollah ở Liban suy yếu, chế độ Bachar al-Assad ở Syria sụp đổ và bản thân người dân và chính phủ Israel cũng đã quá mệt mỏi với cuộc chiến kéo dài này. Nhưng, đặc biệt nhờ nỗ lực của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cùng với chính quyền đương nhiệm của tổng thống Joe Biden.

Xã luận của Le Monde nhận định : “ Đáng tiếc Trung Đông không phải là vùng đất mà hy vọng tự nhiên nảy nở. Đây chính là lý do vì sao vẫn cần phải thận trọng. Các giai đoạn tiếp theo trong thỏa thuận ngày 15 tháng 1 cần phải được tôn trọng. Không có gì đảm bảo cho điều này.”

La Croix cũng tỏa sự hoài nghi. Xã luận tờ báo viết : « Chúng ta phải vui mừng trước viễn cảnh hòa dịu này và cảm ơn những người đã làm việc trong nhiều tháng để đạt được mục tiêu này. Nhưng không nên ảo tưởng. Sự thô bạo tàn ác tột độ của các sự kiện diễn ra kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2023 sẽ để lại những vết sẹo sâu cho hai dân tộc Israel và Palestine, đối đầu nhau trên một mảnh đất chật hẹp… Chiến tranh cho thấy sự phi lý của nó khi nó chỉ làm gia tăng thêm sự thù địch trong tương lai. Ai có thể tưởng tượng được hòa bình sau bạo lực như thế này? Còn quá sớm để hy vọng vào điều đó ».

Nhưng liệu đây có phải là cơ hội để nắm bắt ? Theo La Croix : « Để chân trời hòa bình được rõ hơn, các cường quốc sẽ phải vào cuộc. Có lẽ  ngừng chiến ở Gaza sẽ tạo điều kiện cho tiến triển theo hướng này. »

Vai trò của 2 tổng thống Mỹ

Vẫn về chủ đề thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza. Nhật báo Libération chú ý đến, “hậu trường của thỏa thuận , tựa trang nhất tờ báo.

Tờ báo nhận thấy, mặc dù có những bất đồng sâu sắc, nhưng Joe Biden và Donald Trump, người chính thức làm thống Mỹ từ thứ Hai tới, đã cùng nhau làm việc trong thương lượng ngừng bắn. Trong bài viết : « Ngừng chiến tại Gaza : Biden và Trump, liên minh của những mâu thuẫn », Libération nhận cho rằng : « Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas mong manh và đầy cạm bẫy đã được các nhà đàm phán Joe Biden và Donald Trump dàn xếp. Hai vị tổng thống thù địch nhau nhưng lại đoàn kết vì mục tiêu chung và những  tham vọng cá nhân ».

Cũng ở góc độ này, Le Figaro có bài :  « Trước ngày chuyển giao quyền lực, Donald Trump và Joe Biden tranh nhau là tác giả của thỏa thuận ngừng bắn ».

Tờ báo nhận thấy cả Biden và Donald Trump đều nhận thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas là thành công cá nhân của mình. Donald Trump thậm chí còn không đợi đến khi có thông báo chính thức về thỏa thuận để tuyên bố đó là công của mình. Ngay sau  người kế nhiệm mình, tổng thống  mãn nhiệm Joe Biden từ Nhà Trắng cũng đã có phát biểu nhận thỏa thuận là kết quả sau những nỗ lực của chính quyền của ông.  Ông Biden nhấn mạnh rằng đây là thỏa thuận mà ông đã tích cực yêu cầu ngay từ những tuần đầu tiên của cuộc chiến tranh tại Gaza.

Tổng thống Biden tuyên bố : « Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng thỏa thuận này đã được soạn thảo và thương lượng dưới chính quyền của tôi, nhưng các điều kiện của nó, chủ yếu, sẽ được chính quyền sắp tới triển khai thực hiện.»  Tổng thống mãn nhiệm nói thêm là ông đã yêu cầu ê kíp của ông phối hợp chặt chẽ với ê kíp của chính quyền Trump để có được sự thống nhất với nhau.

Theo Le Figaro, lên nhậm chức vài ngày sau một thỏa thuận ngừng bắn được người tiền nhiệm đàm phán, tân tổng thống Mỹ vẫn có thể tự tán dương đã tái lập được hòa bình mà không cần phải trả cái giá chính trị hay nỗ lực ngoại giao nào.

Cuộc chiến không bên nào dám nhận chiến thắng

Trong một bài viết khác, Le Figaro trở lại «  15 tháng ác mộng của người dân Israel và dải Gaza ». Dù hy vọng hòa bình còn mong manh nhưng trong cuộc chiến này, không bên nào có thể nói đến chiến thắng. Tờ báo viết : « Đối với cả người Israel và người Palestine, ngày 7 tháng 10 đã kéo dài hơn mười lăm tháng. Mười lăm tháng dài bằng mười lăm năm. Viễn cảnh về một thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng đã mang lại cho họ hy vọng rằng một trong những chương đau thương nhất trong lịch sử của họ sắp kết thúc. Nhưng sau 468 ngày chiến tranh, họ đã kiệt sức. Sự tích tụ của đau khổ và sợ hãi, lo lắng, chết chóc; thêm vào đó là cảm giác sống trong ác mộng bất tận, mang đến vị đắng cho hồi kết của cuộc chiến. Không ai dám nói đến chiến thắng ».

Joe Biden khép lại một nhiệm kỳ dở dang

Một thời sự khác cũng được các báo quan tâm nhiều là cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra tại nước Mỹ vào ngày thứ Hai tới.

Le Figaro có bài : «  Với Joe Biden,  đến lúc tạm biệt và một bản tổng kết không vẻ vang ». Tờ báo trở lại với bài phát biểu chia tay của tổng thống mãn nhiệm Joe Biden trước khi chuyển gia chính quyền cho Donald Trump. Theo tờ báo tổng thống mãn nhiệm các ngợi thành tựu lãnh đạo của mình nhưng chiến thắng của Đoan Trump chính là sự trừng phạt cho nhiều thấy bại của ông. Tờ báo ghi nhận : Ông Biden được bầu làm tổng thống để khép lại nhiệm kỳ của Donald Trump,  tái lập sự tôn trọng luật pháp và những cách lãnh đạo chính trị đã bị người tiền nhiệm phá vỡ, để đoàn kết đất nước và hàn gắn những rạn vỡ của nước Mỹ. Bốn năm sau, nhiệm vụ của ông lại bị khép lại bởi chính người tiền nhiệm cũ nay là người kế nhiệm.  Ông Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng vào ngày thứ Hai tới, chắc chắn sẽ xóa bỏ tất những quyết định của người tiền nhiệm giống như Joe Biden đã làm với người tiền nhiệm của mình cách đây bốn năm.

Mỹ : Nguồn vốn vẫn ùn ùn đổ về Mỹ

Nhân về sự kiện chuyển giao chính quyền ở Mỹ. Trang kinh tế của Le Figaro chạy tựa : « Công nghiệp và tài chính :  sức mạnh bá chủ Mỹ » cho thấy sức mạnh tuyệt đối của Mỹ về tài chính đối với thế giới. Năm 2023, nước Mỹ thu hút gần một nửa (41%) nguồn vốn của cả thế giới  bao gồm đầu tư và các hoạt động thương mại. Xu hướng này không dừng lại trong thời gian tới, theo thông báo chính thức của Nhà Trắng hôm 10 tháng 1 này. Thực tế này càng ấn tượng khi mà trên thế giới các dòng dịch chuyển vốn có xu hướng giảm do kinh tế Trung Quốc suy yếu, từ 4500 tỷ đô la trong khoảng 2017-2019 xuống còn 4200 tỷ đô la trong năm 2023, theo số liệu của Quỹ tiền tệ Quốc tế. Theo Le Figaro, với việc Doanld Trump trở lại nắm quyền, nguồn vốn có khả năng tiếp tục đổ về nước Mỹ do cácchính chính sách thuận lợi cho các công ty dưới chính quyền Trump. Bằng chứng cho việc này, Le Figaro còn cho biết thêm các ngành công nghiệp Châu Âu đang đầu tư nhiều vào Mỹ hơn là vào lục địa già.

Pháp : Chính phủ Bayrou thoát hiểm lần đầu

Về thời sự nước Pháp các báo cũng dành sự quan tâm đến sự kiện chính phủ của thủ tướng François Bayrou đã thoát được kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên do đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất ( LFI) cùng đảng Xanh và đảng Cộng sản đề xuất, sau khi thủ tướng trình bày đường hướng chính sách của chính phủ hôm 14/01/2024. Nhưng nhờ đảng Xã Hội và đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia không bỏ phiếu ủng hộ, chính phủ Bayrou đã qua được sóng gió đầu tiên. Tuy nhiên nguy cơ có thể bị các đảng đối lập lật đổ qua con đường nghị trường luôn tiềm ẩn với chính phủ của thủ tướng François Bayrou.  Các báo cũng dành nhiều bài viết phân tích về các hồ sơ cải cách gai góc của chính phủy Bayrou về ngân sách, chế độ hưu trí, chính sách xã hội để thấy chính phủ này không dễ gì có thể tồn tại được lâu dài. Viễn cảnh chính trị Pháp thoát khỏi khủng hoảng không thể một sớm một chiều có được. 

No comments:

Post a Comment