Linh Lê - Đỗ Mười Mộtvendredi 17 janvier 2025
Thuymy
Một nền kinh tế bao cấp, nhất cử nhất động cứ phải theo chỉ đạo máy móc từ trung ương, đã giết chết sản xuất hàng hóa và thị trường. Sống chủ yếu dựa vào bầu sữa viện trợ, đến khi bị cắt, giật mình nhìn lại, dường như chả tự làm được thứ gì ra hồn.
Chuyện đã qua cũng mấy chục năm rồi. Cụm từ “ngăn sông cấm chợ” được sinh sau năm 1975, đầu tiên phổ biến ở miền Nam, rồi lan ra cả nước. Miền Bắc trước đó cũng có ngăn cấm lưu thông hàng hóa nhưng người ta không gọi vậy, mà dùng chữ khéo léo hơn, là “quản lý thị trường”.
Tôi đã cố công tìm hiểu, thấy có lẽ tình trạng ngăn sông cấm chợ hình như chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Cũng may nó chỉ tác oai tác quái gần hai chục năm, nếu kéo dài thêm chút nữa, chả biết dân mình, nước mình sẽ đi đến đâu.
Có một câu chuyện vui mà có thật. Hồi đó đồng chí Đỗ Mười về thăm Minh Hải, khi về, anh em có biếu ít nếp mang về Hà Nội. Đến trạm 24 Bạc Liêu, bị trạm kiểm soát chặn lại lục soát:
- Nếp này chở quá số lượng, yêu cầu xuống xe!
- Các anh ơi, đây là nếp của đồng chí Đỗ Mười...
- Ứ...Đỗ Mười Một tao cũng tịch thu hết.
Và đồng chí trạm trưởng Sầm Hưng đã tịch thu thật (mình đã từng nhậu và nghe chính Sầm Hưng kể). Về đến Hà Nội, anh em báo cáo lại với đồng chí Đỗ Mười, ổng cười như mếu... Hai mươi bốn giờ sau, trạm này giải tán, người dân vui mừng hả hê như trút được gánh nặng.
Rùng mình nhớ thời ngăn sông cấm chợ, giờ lại phải chịu đựng cảnh ra đường gặp cảnh sát giao thông chốt chặn kiểm tra giấy tờ, hạch sách tất cả mọi thứ để "phạt". Cấp xã giờ cũng ùa ra chặn bắt nông dân trên con đường làng. Bọn trẻ đang làm cảnh sát giao thông không biết ngăn sông cấm chợ là như thế nào đâu...xót xa lắm. Tôi ước đồng chí Đỗ Mười Một sống lại vi hành một chuyến!
LINH LÊ 17.01.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)
No comments:
Post a Comment