Saturday, January 18, 2025

51 năm Hải chiến Hoàng Sa (19/1/1974 – 19/1/2025)
Cù Mai Công
18-1-2025
Tiengdan

MỘT BUỔI HẦU CHUYỆN NHÂN CHỨNG HOÀNG SA

0g đêm 16 rạng 17-1-1974, 25 tháng Chạp, còn vài ngày nữa tết. Vùng Ông Tạ đang tràn ngập không khí đón tết Giáp Dần 1974 thì ít nhất bốn cư dân vùng Ông Tạ lặng lẽ cùng chiến hữu lướt sóng Biển Đông tiến ra Hoàng Sa, bước vào cuộc Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974 bi hùng.

Bốn vị đó là Hải quân trung tá Vũ Hữu San, hạm trưởng khu trục hạm hiện đại nhất của VNCH, HQ-4 Trần Khánh Dư, nhà ở ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám); thợ máy tàu HQ-800 (cơ xưởng hạm nổi chuyên sửa chữa tàu ngoài khơi) Nguyễn Xuân Hiển, nhà gần ngã tư Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) – Trương Minh Ký (Lê Văn Sỹ); Hải quân trung úy Vũ Đình Huân của tàu HQ-10, có gia đình ở khu Cầu Sạn – Ông Tạ (anh Huân vừa đính hôn xong, chuẩn bị sau khi đi trận về sẽ làm lễ cưới); Hải quân trung sĩ điện tử HQ-10 Nguyễn Quang Xuân, trong nhà và hàng xóm gọi là Sinh. Hai anh sau ở cùng xứ Tân Chí Linh của tôi.

Năm 2024, 50 năm sau, anh Vũ Hữu San làm một ít đĩa kỷ niệm Hải chiến Hoàng Sa, gởi tặng thân hữu và ít nhất bốn cư dân Ông Tạ thân quen với anh: nhà thơ Đỗ Trung Quân (Hải chiến Hoàng Sa nổ ra ngày 19-1, đúng ngày sinh nhật anh Quân, nhà cũ cùng xóm, cách nhà anh San vài bước chân), KTS Nguyễn Nguyễn (hẻm 148), PGS giảng dạy ĐH ở Arizona (kiêm võ sư huấn luyện sĩ quan biệt kích Không lực Mỹ) Sử Thuần (gốc Bảy Hiền, An Lạc) và tôi.

Trước đó, trong một buổi gặp mặt cựu binh Hoàng Sa, Anh Vũ Hữu San vẫn nóng tính như ngày nào tham chiến, chỉ huy hành quân Hải chiến Hoàng Sa 1974 khi “yêu cầu” lính cũ của mình là giám lộ tàu HQ-4 Lữ Công Bảy: “Bảy cố gắng mời bằng được CMC, hàng xóm vùng Ông Tạ của anh, cho anh được vui cuối đời”.

Tôi mạo muội gọi anh San là anh vì cụ Soạn, ba anh và ba tôi cùng lứa ở Ông Tạ, dù cụ hơn tuổi ba tôi. Đúng ra về tuổi, anh San là bậc cha chú tôi. Nhưng vì anh là con trưởng trong nhà, tôi là con thứ, gần út nên kém anh San gần 30 tuổi.

Trong cuộc hải chiến bi hùng ấy, tàu HQ-4 vùng vẫy, tung hoành giữa vòng vây hai tàu lớn của TQ là 271, 274. Hải quân Trung Quốc tưởng HQ-4 là soái hạm nên tập trung hỏa lực tấn công, kèm chặt. Lúc ấy, anh Bảy đứng sát cạnh anh San trong phòng chỉ huy, nghe mồn một lệnh khai hỏa trước vào tàu Trung Quốc của anh San kèm một câu chửi rất… Bắc 54 Ông Tạ của anh San: “Bọn bố láo”. Tới giờ, gần nửa thế kỷ, anh Bảy nhớ mãi tiếng chửi dõng dạc trên tuyến đầu ấy và vẫn gọi anh San là “sếp San” đầy vẻ yêu thương, kính trọng.

Buổi họp mặt trong một khu vực như một làng quê sông nước, đường đi quanh quẹo hơn đường làng, hai bên là dừa nước, kinh rạch…, vùng ven thành phố. Tôi đến cùng niềm yêu và kính trọng “những trai hùng đi giúp non sông” ngày ấy. Buổi họp mặt gia đình nhiều chiến hữu Hoàng Sa năm xưa nay đã 70, 80 tuổi, có vị tóc bạc phơ, đi đứng chậm chạp; người ở Sài Gòn, người ở tỉnh, trong nước ngoài nước. Nhưng khi nhắc chuyện ngày xưa, họ như trẻ lại, nhắc lại từng chi tiết không bao giờ quên. Trung sĩ nhứt Lê Văn Thành, xạ thủ dàn 76,2 ly nã đạn dồn dập vào tàu Trung Quốc năm xưa rờ rờ tay vô ụ súng 76,2 ly trên boong tàu mô hình khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư mới vừa đóng xong kể từng chuyện.

Chiếc tàu mô hình dài 1m80, hệt như chiếc HQ-4 năm xưa, kể cả dàn hỏa tiễn (tên lửa) Con Nhím mặt trước boong tàu thật ra… không có đạn – vì khi bàn giao tàu, Mỹ không trang bị đạn vì không nghĩ sẽ có hải chiến. Anh em tiếc đứt ruột chuyện này: “Giá mà nó hoạt động, các tàu Trung Quốc lúc đó sẽ trả giá nặng nề”. Tàu mô hình nhưng có gắn máy, chạy được vững vàng trên mặt nước.

Tôi ngồi cạnh chú Nham, Bắc 54 Nam Định, hạm phó HQ-4 vừa từ Mỹ về. Trước mặt tôi là chú Nguyễn Xuân Hiển, Bắc 54 Ninh Bình, xưa là lính thợ máy tàu HQ-800, cơ xưởng hạm nổi chuyên sửa chữa tàu ngoài khơi. Chú Hiển cũng Bắc 54 Ông Tạ, nhà cách nhà tôi vài trăm mét. Sát bên tôi là Trần Song Hải, tổng giám đốc Công ty tàu cao tốc Greenlines DP; ông chủ bia Hoàng Sa – Trường Sa lừng lẫy mấy năm nay. Hải là con trai của Hải quân trung tá Trần Văn Tâm, giám đốc Trường Chỉ huy Tham mưu năm xưa. Tôi và Hải thân như anh em nhiều năm rồi.

Các chiến hữu Hoàng Sa năm xưa đến với buổi họp mặt bằng tiền túi của mình. Chú này góp 100 ngàn, chú kia góp 200 ngàn đồng. Cả buổi họp mặt xôm tụ gần 20 người vậy đó mà chỉ hết 1,8 triệu đồng. Họ gọi điện thoại có hình ảnh cho bạn bè ở nước ngoài chưa về được. Nhưng dịp này, các chú bàn nhau hùn nhau quyên góp làm bốn mô hình của bốn chiến hạm từng tham gia Hải chiến Hoàng Sa để gửi tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng.

Trước đó, tôi chạy vội đến lò giò chả hơn 60 tuổi và ngon nhất Ông Tạ, có khi ngon nhất Sài Gòn – Gia Định mua mấy cây giò mà xưa hạm trưởng Vũ Hữu San từng ăn khi còn ở Ông Tạ. Giò vừa ra lò, còn ấm nóng. Khoanh giò cắt ra thơm phảng phất, ngọt đẫm miệng như từ hơn 60 năm nay. Các anh các chú ăn, ai cũng nức nở khen ngon, hỏi địa chỉ. Không rõ do giò ngon hay từ tình cảm của chiến hữu dành cho hạm trưởng HQ-4 dân Ông Tạ năm xưa, hay do cả hai.

Và trong buổi họp mặt ấm nồng tình xưa nghĩa cũ này, người giám lộ Hoàng Sa năm xưa, anh Lữ Công Bảy dù hết sức vất vả cho buổi gặp, đôi mắt vẫn ánh lên niềm hạnh phúc với anh em, với “sếp San”. Anh Bảy hạnh phúc thật sự với mô hình HQ-4 do anh nhờ thợ đóng, ráp máy theo mẫu vẽ tay của hạm trưởng của mình ngày nào. Anh Bảy cầm tay tôi: “Công đến, anh San bên Mỹ chắc vui lắm”.

… Tôi ngồi lặng bên các anh các chú, nghe như thấm từng lời của những trai hùng đất Việt năm xưa giờ vẫn đau đáu nỗi niềm Hoàng Sa ở tuổi gần đất xa trời.

“Anh nhớ gì không anh, những trai hùng đi giúp non sông

Trên bốn ngàn năm qua, dải sơn hà đôi phen thạch mã…”

(Anh – Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông)

No comments:

Post a Comment