TP.HCM: “Kẹt không lối thoát” sang “Kẹt hết đường binh”Cù Mai Công
17-1-2025
Tiengdan
18/01/2025
Không khó để đoán trước việc kẹt xe “ngộp thở”, “khủng hoảng” ở TP.HCM những ngày này sẽ không giảm mà tiếp tục tăng, từ “ngộp thở” chuyển dần sang… “ngưng thở”.
Ngành giao thông luôn nói nguyên nhân đầu tiên là tại… tết. Ở buổi làm việc về tình hình giao thông dịp cận Tết ở TP.HCM ngày 13-1, nguyên nhân đầu tiên mà Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đưa ra: Do nhu cầu đi lại, mua sắm gia tăng.
Dù nguyên nhân cũ rích nhưng thoạt nghe ai cũng cảm thấy có vẻ có lý. Nhạc trước 1975, khi Sài Gòn ba triệu dân đã “Thành phố xuân về vui rộn vui, chân người chen chân lụa là khoe”.
Nhưng đó chỉ là kẹt khu vực trung tâm, quanh và gần các chợ. Còn xung quanh vẫn thông thoáng. “Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau…” (Sài Gòn đẹp lắm – Y Vân)
Tối 17-1-2025, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online (TTO), “từ 17g cùng ngày tình trạng ùn ứ xuất hiện ở hầu khắp các tuyến đường, ngõ hẻm. Trong đó một số khu vực như trung tâm thành phố, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, đường về phà Cát Lái và quốc lộ 1 bị kẹt xe cục bộ”.
Tức việc kẹt này rõ ràng không xảy ra quanh các nơi mua sắm, mà trên mọi nẻo đường, ngõ hẻm.
Cho tới giờ, ai đi chợ, siêu thị đều rõ: Khách vẫn chưa nhiều, nơi nào cũng rộng rãi, không chen lấn. Trưa 17-1, ghé một siêu thị trên đường Phan Đình Phùng (Phú Nhuận), tôi là khách duy nhất; ghé một siêu thị khác gần cầu số 2 rạch Nhiêu Lộc, tôi là một trong hai khách; ghé siêu thị trên đường Nguyễn Trọng Tuyển đông hơn: Năm, bảy khách… Vậy nên nói kẹt xe do dân đi mua sắm là không thuyết phục, ít nhất tới 17-1-2025. Kẹt xe từ đầu tháng 1 rồi.
Trong trao đổi, tranh luận học thuật, có một phương pháp liên kết đáng sợ gọi là “điểm giống nhau yếu” (weak analogy fallacy). Phương pháp này so sánh sự giống nhau nhỏ giữa hai sự việc để chứng minh một nội dung.
Nhưng ai tỉnh táo đều nhận ra cái giống nhau ấy chỉ ở một chi tiết nhỏ, không bản chất, còn toàn cảnh, đa số khác nhau hoàn toàn. So sánh kiểu đó là “tiểu đồng đại dị” chứ không phải “đại đồng tiểu dị”. Các nhà học thuật gọi đó là “ngụy biện”.
Quay trở lại việc kẹt xe, thường Sài Gòn – TP.HCM xưa nay sẽ bắt đầu kẹt một số điểm từ những ngày giáp tết, cụ thể từ trên dưới 23 tháng Chạp trở đi. Còn hiện nay, nó đã kẹt từ đầu tháng Chạp, cụ thể từ 1-1-2025, càng lúc càng kẹt. Việc đi lại, mua sắm dịp giáp tết chỉ là yếu tố tăng thêm, khiến nó trầm trọng hơn.
Nếu cứ mặc định nguyên nhân chủ yếu kiểu gần tết, Sài Gòn – TP.HCM ắt kẹt xe thì sẽ không tìm ra giải pháp giải quyết thực trạng.
Theo TTO, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết “sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan để tổ chức giao thông tại các giao lộ quan trọng và cửa ngõ thành phố, sân bay… Thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung phân làn đường và lắp đèn rẽ phải để giảm kẹt xe”.
“Phân làn đường và lắp đèn rẽ phải để giảm kẹt xe” là hai trong ba giải pháp mà tôi như nhiều anh em, nhà trí thức đề nghị làm ngay cả tuần trước. Ngày 13-1-2025, tôi đã mạo muội dự đoán: Nếu không có giải pháp tháo gỡ gấp, cuối tuần này trở đi sẽ là “kẹt hết đường binh”. Giờ nó đã như vậy.
Tình hình kẹt xe đang “nước sôi lửa bỏng”. Nếu người ta cứ “tiếp tục nghiên cứu” tà tà, lắp đèn tín hiệu lai rai cho 1.200 giao lộ có đèn tín hiệu, mất thì giờ, tốn kém (thay vì chỉ cần gắn một tấm bảng 5-10 phút là xong) như mấy ngày nay thì khó ai hình dung thực trạng kẹt xe vài ngày tới sẽ ra sao…
No comments:
Post a Comment