Saturday, January 18, 2025



Tù chính trị
Nguyễn Thuý Hạnh
18-1-2025
Tiengdan


Ghi chú ảnh từ trái sang: Kỹ sư Phạm Văn Trội; Nguyễn Thuý Hạnh; Cử nhân kinh tế Lê Anh Hùng; Thầy giáo Vũ Hùng. Ảnh: FB Nguyễn Thuý Hạnh

Chị tôi trách:

– Sao cứ nói chuyện tù trên Facebook thế?

– Ơ, em là tù chính trị, chứ đâu phải tham nhũng, trộm cắp, lừa đảo, ma tuý mà phải xấu hổ?

Quả thật, khi còn ở trong tù cũng như lúc đã ra ngoài, mỗi khi chạm đến vấn đề đó tôi đều nói rành mạch: “Tôi là tù chính trị”, để khỏi bị đánh đồng với các án tù khác. Và dường như tôi nhận thấy ánh mắt nhìn tôi khác đi.

Tù chính trị ở Việt Nam khác với TNCT ở các nước dân chủ, nơi con người có quyền tự do biểu đạt và các quyền tự do khác, được pháp luật bảo vệ.

Họ là những người dám lên tiếng cho sự tiến bộ của xã hội, đấu tranh với những sai trái của nhà cầm quyền ở trong một chế độ mà nguy hiểm luôn cận kề họ và gia đình họ nếu họ dám phản biện, dám nói lên sự thật. Họ lên tiếng hoặc hoạt động không phải vì mưu cầu chức nọ vụ kia trong tương lai, hoặc phe nhóm lợi ích nào. Họ đấu tranh và chấp nhận mọi rủi ro không vì một mối lợi hay tham vọng nào cho cá nhân họ. Và họ lên tiếng vì không thể im lặng trước bất công trong xã hội. Họ đấu tranh không hẳn vì lợi ích của gia đình họ đang bị xâm phạm như những người dân oan, hay cá nhân họ bị đối xử bất công.

Khi ở trong tù tôi đơn độc không có đồng đội, vì cả trại giam số 2 lúc đó chỉ có một mình tôi với tội danh chính trị, tôi toàn ở chung với những phạm nhân lừa đảo, trộm cắp, ma tuý, mại dâm…

Nhưng từ khi ra tù tôi nhận thấy những TNCT rất thương yêu, quan tâm và bênh vực nhau. Chúng tôi tự tìm đến nhau trên Facebook, cảm thông, chia sẻ.

Tôi đặc biệt nhận được tình cảm thương mến và sự quan tâm của những người mới ra tù, (đặc biệt nhóm Hiến pháp). Tình thân, sự cảm thông đó khó mà phân tích hết được. Hàng ngày chúng tôi inbox hỏi han, an ủi, tâm sự và động viên nhau. Sự cảm thông đó là vì chúng tôi cùng một nỗi oan đi tù, và cùng những trải nghiệm gian khổ trong tù. Sự thân thiết có phần tự tin ấy là vì chúng tôi vừa vượt qua được chặng đường thử thách khốc liệt nhất để trở về.

Có lẽ cũng bởi tâm lý ấy mà khi thấy Trần Huỳnh Duy Thức, người vừa ra tù trước tôi chỉ 17 ngày, bị người ta tấn công trên mạng, tôi đã vô cùng tổn thương và phẫn nộ tới mức nổi đoá lên như thể chính mình bị tấn công vậy. Mà so với Thức thì án tù của tôi chỉ bằng cái móng tay.

Tôi không gọi mình là Tù nhân lương tâm, tôi nhận là TÙ CHÍNH TRỊ, (mà là TÙ CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM).

T/B: Xin dẫn bài viết của cựu TNCT, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói về TNCT ở Việt Nam, và hai tấm hình những TNCT, (phần lớn mới ra tù) chúng tôi vừa chụp cùng nhau.

_____

Nguyễn Xuân Nghĩa: Phía sau một tấm hình

Họ thích chụp hình cùng nhau không phải vì ngoại hình đẹp (tuy có người rất đẹp).

Họ thích chụp hình cùng nhau vì họ đã chung nhau các trải nghiệm khó khăn nhất, áp lực nhất, đồng thời oan ức nhất trong cuộc sống; và họ đã vượt qua được; để có dịp gặp nhau, cùng chung một tấm hình – Một tấm hình đầy tự hào và thách thức.

Thế kỷ 21 này không có quốc gia nào (ngoài Bắc Triều Tiên) có người lên tiếng phản biện xã hội, phản biện hệ thống chính trị lỗi thời (một cách ôn hòa) bị bắt tù như ở Việt Nam.

Có một số người, nói: ” Phải đi tù! Không xấu hổ sao mà lại còn gặp nhau chụp hình post lên mạng? Câu trả lời gọn ghẽ là: “Họ là tù chính trị!”

Danh từ “TÙ CHÍNH TRỊ” nói lên tất cả! Nó chuyển hướng đáng hổ thẹn sang đối tượng bắt họ cầm tù. Đó là những chính thể đã kí vào bản tuyên ngôn Nhân quyền LHQ 1948, nhưng lại sử dụng các từ ngữ gian lận, ngụy biện hoặc đặc điểm riêng, lạc hậu của quốc gia để thoái thác, không thực hiện một văn bản Quốc tế, mà hầu hết các quốc gia và lãnh thổ, nhờ thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nên đã đạt tới xã hội văn minh, kinh tế thịnh vượng:

Trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948) có hai điều căn bản:

Điều 2: Mọi người đều được hưởng các quyền và tự do nêu trong bản Tuyên ngôn này mà không có bất kì sự phân biệt, đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngư, tôn giáo QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ HOẶC QUAN ĐIỂM KHÁC.

Điều 9: KHÔNG AI CÓ THỂ BỊ BẮT GIỮ, GIAM CẦM MỘT CÁCH ĐỘC ĐOÁN.

Bạn có biết phía sau tấm hình này có bốn Cáo trạng Nhân quyền?

Rồi sẽ có nhiều tấm hình tương tự được post lên.

No comments:

Post a Comment