Sunday, January 19, 2025

Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN bàn về tranh chấp chủ quyền Biển Đông và hồ sơ Miến Điện
Thanh Hà
Đăng ngày: 19/01/2025 - 11:44Sửa đổi ngày: 19/01/2025 - 15:35
RFI

Ngày 19/01/2025 ngoại trưởng các nước ASEAN họp tại đảo Langkawi, Malaysia với hai chủ đề chính là Biển Đông và tìm kiếm giải pháp thoát khỏi cuộc nội chiến ở Miến Điện. Một cựu quan chức ngoại giao Malaysia được chỉ định làm đặc phái viên của khối Đông Nam Á về hồ sơ Miến Điện.

Các ngoại trưởng của khối ASEAN họp tại Langkawi, Malaysia, ngày 19/01/2025. AP - Azneal Ishak

Malaysia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của khối 10 nước ASEAN. Trong cương vị chủ chủ nhà, tiếp các đồng cấp sáng nay, ngoại trưởng Mohamad Hasan nhấn mạnh « đoàn kết và hội nhập kinh tế phải là những ưu tiên tuyệt đối » của khối Đông Nam Á trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở khu vực. Nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Donald Trump ở Mỹ cũng là một thách thức vì đang làm dấy lên nhiều câu hỏi về chính sách của Washington tại Đông Nam Á. Theo chính quyền Kuala Lumpur, ASEAN « phải là một nền tảng trung tâm để tìm kiếm những giải pháp, để tự tìm cho khối này một hướng đi ».

Hãng tin Mỹ AP lưu ý, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa nhiều thành viên ASEAN (Việt Nam, Philippines Malaysia, Brunei) và Trung Quốc, tự do lưu thông hàng hải trong vùng biển này là một hồ sơ lớn được ngoại trưởng các nước Đông Nam Á thảo luận trong cuộc họp hôm nay.

Năm 2024 đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa tàu thuyền của Trung Quốc và Philippines. Tàu cá của ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tuần duyên Trung Quốc uy hiếp … Bắc Kinh còn cho phép các đội tàu đánh cá hoạt động ở các vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và Indonesia. Dù vậy, khối ASEAN chưa bao giờ dám công khai chỉ trích Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của các nước Đông Nam Á. Theo lời một nhà nghiên cứu thuộc viện quan hệ quốc tế S. Rajaratham của Singapore, ở cương vị chủ tịch luân phiên, Malaysia sẽ tiếp tục tỏ thái độ thực tiễn, kín đáo tìm thế cân bằng để « vừa bảo vệ các lợi ích kinh tế vừa để đối phó với những thách thưc về mặt an ninh ».

Đọc thêmBiển Đông: Tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc buộc ASEAN đoàn kết hơn

Về khủng hoảng tại Miến Điện từ sau cuộc đảo chính hồi 2021, đây tiếp tục là một hồ sơ lớn trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên ASEAN của Malaysia. AP nhắc lại từ sau cuộc đảo chính quân đội Miến Điện tiến hành vào tháng 2/2021, hàng chục ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời chỗ ở. Các làn sóng người tị nạn Miến Điện tìm đường sang Malaysia trú thân. Kế hoạch 5 điểm của ASEAN vãn hồi ổn định cho Miến Điện đã bất thành. Các quan chức của tập đoàn Miến Điện bị cấm tham dự các cuộc họp chính thức trong khối ASEAN. Lần này, đến dự cuộc họp các ngoại trưởng Đông Nam Á ở Langkawi, tập đoàn quân sự đã gửi một đại diện cấp thấp trong bộ ngoại giao đến dự.

Ngoại trưởng Malaysia sáng nay loan báo, một cựu quan chức ngoại giao cao cấp nước này, ông Othman Hashim, được đề cử làm đặc sứ của ASEAN về Miến Điện trong thời gian Kuala Lumpur đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên các nước Đông Nam Á.

No comments:

Post a Comment