Từ sự kiện dẹp bỏ 15 đài truyền thông, nhớ đến ngày “ký giả đi ăn mày”…
Đặng Đình Mạnh
18-1-2025
Tiengdan
19/01/2025
Vô tình, tôi được xem vài ba video về những giây phút hoạt động cuối cùng của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC khi đóng máy chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động truyền thông của mình.
Trong video, tôi thấy những đôi mắt đỏ hoe cùng với những giọt nước mắt của nhiều nhân viên là phụ nữ, lời động viên của đồng nghiệp nam, lời than thở… Sau đó, rồi thôi! Họ hoàn toàn cam chịu, khuất phục trước quyết định dẹp bỏ đài truyền thông của mình mà không có bất kỳ sự phản ứng, phản kháng thích ứng nào.
Không chỉ Đài Truyền hình VTC, mà bên cạnh họ còn có 14 đài truyền thông khác cùng chịu chung số phận như VOV TV, Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội… với cả hàng nghìn nhân viên phải sa vào hoàn cảnh thất nghiệp ngay trước những ngày giáp Tết Nguyên đán.
Nhân dịp sự kiện này, cùng với sự thúc thủ của họ, khiến tôi chợt nhớ đến sự kiện “Ký giả đi ăn mày” xảy ra tại miền Nam vào năm 1974, đã gây chấn động dư luận quốc tế khi ấy, chứ không chỉ trong phạm vi hoạt động của giới truyền thông.
Căn nguyên, chính quyền Sài Gòn cũ ban hành Sắc luật 007/74 liên quan đến báo chí, theo đó, quy định các chủ báo phải đóng tiền ký quỹ xuất bản 20 triệu đồng (khoảng 47.000 – 48.000USD thời bấy giờ) cho báo ngày, đóng 10 triệu đồng cho tạp chí. Nếu không ký quỹ thì bị đóng cửa. Ngoài ra, báo nào bị tịch thu lần thứ hai sẽ phải đóng cửa.
Giới truyền thông thời bấy giờ cho rằng nội dung Sắc luật 007/74 khắc nghiệt với họ, với mục tiêu “bức tử” hoạt động của báo chí tự do. Thế nên, họ đã tổ chức nhiều hoạt động phản đối liên tục, gây nên làn sóng đấu tranh đòi công bằng cho báo giới, mà đỉnh cao của cuộc đấu tranh này là tổ chức ngày biểu tình “Ký giả đi ăn mày”.
Hôm ấy nhằm ngày song thập, 10 tháng 10 năm 1974, đông đảo ký giả tập hợp trước địa chỉ số 15 đường Lê Lợi, là trụ sở Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt. Họ đội nón lá, mang theo bị gậy (tức túi xách và gậy, những vật dụng thường dùng của người ăn mày), căng biểu ngữ “Ngày 10/10/1974 ngày ký giả đi ăn mày” hoặc “Sắc luật 007/74 làm ký giả đi ăn mày” xuống đường biểu tình. Họ di chuyển về hướng chợ Bến Thành, vòng quanh công trường Quách Thị Trang rồi quay về nơi xuất phát tại trụ sở Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt!
Sự kiện “vô tiền khoáng hậu” này vào lúc bấy giờ đã là niềm tự hào vô song của những người làm truyền thông Việt Nam thế hệ trước năm 1975. Họ đã phản ứng lại quy định hạn chế nghề nghiệp theo một phong cách rất riêng, trí tuệ nhưng hài hước, theo kiểu chưa từng có trên thế giới, kể cả ở những quốc gia có lịch sử báo chí lâu đời hơn Việt Nam rất nhiều!
Nói “vô tiền khoáng hậu”, nghĩa là sau đó, không bao giờ giới truyền thông còn có thể lập lại được sự phản ứng tuyệt vời như sự kiện “Ký giả đi ăn mày” trước các giới hạn nghề nghiệp của họ được nữa.
Tuy chưa có quyền lực mạnh mẽ như truyền thông phương tây để có thể được mệnh danh như quyền lực thứ tư bên cạnh ba quyền lực truyền thống, gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhưng sức ảnh hưởng của truyền thông Sài Gòn trước năm 1975 cũng không hề nhỏ để phải tự ti. Cứ nhìn cách họ phản ứng lại chính sách tăng ký quỹ xuất bản của chính quyền Sài Gòn vào thời điểm năm 1974 cũng đủ thấy ý chí tự do của họ đã mạnh mẽ đến mức nào.
Sau thời điểm Tháng Tư 1975, truyền thông tự do bị bức tử cùng với chính thể tự do. Thay thế vào đó là cái gọi “Báo chí Cách mạng” với vai trò của Ban Tuyên giáo quyết định tất cả về truyền thông.
Tất nhiên, tiếng là “Báo chí Cách mạng”, nhưng từ ngữ “Cách mạng” chỉ là sự thậm xưng mà thôi. Vì truyền thông của tuyên giáo yếu tựa như con sên và càng không thể nào so sánh được với truyền thông của tự do tại miền Nam trước năm 1975.
Thể theo đó, cũng khó mà có thể đòi hỏi những người làm truyền thông ngày nay có sự phản ứng thích đáng để bảo vệ quyền tự do báo chí của mình trước quyết định “bức tử” đầy bất công của chế độ.
Thế nhưng, họ cần phải biết đồng nghiệp của họ đã từng hành xử như thế nào vào thời điểm cách nay nửa thế kỷ khi cũng đối diện với tình trạng bất công cho nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, trong trường hợp họ đối diện bất công ngày nay, mà chấp nhận, chịu đựng thì khó mà hình dung họ có thể làm truyền thông theo hướng bảo vệ cho người dân được.
Nói bất công, vì lẽ, tôi được biết Đài Truyền hình VTC hoàn toàn tự thu, tự chi về phương diện tài chính, họ không hoạt động bằng ngân sách quốc gia. Vậy tại sao họ bị đóng cửa, khi mà việc đó thực hiện nhân danh tinh giản bộ máy để tiếp kiệm, chống lãng phí theo chủ trương của ông tân Tổng Bí thư Tô Lâm?
Chưa kể rằng, về phương diện pháp lý, hiến pháp quốc gia đã long trọng thừa nhận quyền tự do báo chí như là một trong các quyền tự do mang tính chất tự nhiên của con người. Việc hoạt động của các đài truyền thông này chẳng phải là đang thực hiện theo quyền tự do báo chí ấy hay sao? Thì cơ sở pháp lý nào để buộc họ phải đóng cửa?
Nhưng dù bất luận với nguyên nhân gì, thì quyết định dẹp bỏ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC là bất hợp pháp, vì đi ngược với quyền tự do báo chí theo Hiến pháp quy định.
Nghề truyền thông ở Việt Nam đã có một lịch sử khá dày: 160 năm, kể từ thời điểm Ông Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký) ra mắt tờ báo tư nhân đầu tiên, tờ Gia Định Báo vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn trong thời kỳ Pháp bảo hộ. Kể từ ấy, truyền thông Việt Nam đã phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau với khá nhiều thăng trầm do tác động của các điều kiện lịch sử, xã hội. Có lúc thăng hoa, có lúc trầm lắng. Thế nhưng, bi đát nhất có vẻ là vào lúc này, lúc ông Tô Lâm đang xốc vác cả một dân tộc trên… mồm bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Tô Lâm.
No comments:
Post a Comment