Chính trị Trung Quốc chuẩn bị bước vào một năm đầy sóng gió?Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Chinese politics enters a potentially stormy year,” Nikkei Asia, 16/01/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
20/01/2025
NghiencuuQT
Những người trung thành với Tập Cận Bình đang từ chối lời kêu gọi về một định hướng chính sách mới từ phe “đa số thầm lặng”.
Sau một thời gian dài lắng dịu, chính trường Trung Quốc đang bước vào giai đoạn hỗn loạn mới, với những bất đồng sâu sắc xoay quanh chính sách chính trị, kinh tế và xã hội giữa các phe chính thống và phi chính thống trong đảng.
Cuộc đối đầu diễn ra bất chấp việc Chủ tịch Tập Cận Bình thắt chặt quyền kiểm soát Đảng Cộng sản Trung Quốc, tổ chức mà ông đã lãnh đạo hơn 12 năm qua. Và đối đầu cũng gia tăng khi đất nước đang cố gắng vượt qua những khó khăn lớn về kinh tế.
Cuộc chiến chính trị hậu trường này – cuộc đụng độ giữa những quan chức trung thành với Tập và những người chưa từng thân cận với chủ tịch – đã có một bước ngoặt mới khi năm mới bắt đầu.
Tạp chí Cầu Thị, cơ quan lý luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng, đã xuất bản một bài viết “quan trọng” của Tập vào ngày 01/01. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc do nhà nước quản lý cũng đưa tin về bài viết này, “Thúc đẩy toàn diện tiến trình xây dựng một đất nước hùng mạnh và theo đuổi sự nghiệp phục hưng dân tộc thông qua hiện đại hóa Trung Quốc.”
Bài viết khiến nhiều đảng viên bình thường phải tự hỏi: tại sao Ban chấp hành Trung ương lại đưa ra một thông điệp cũ rích như vậy, giữa lúc nền kinh tế đang suy thoái và bất mãn đang âm ỉ trong công chúng?
Nội dung bài viết không có gì mới. Nó chỉ lặp lại các chính sách hiện có của chính quyền Tập, bao gồm theo đuổi “hiện đại hóa Trung Quốc,” “một quốc gia hùng mạnh” và “thịnh vượng chung.”
Đáng chú ý, một chú thích nói rằng bài viết về cơ bản là nội dung bài phát biểu của Tập cách đây gần hai năm, vào ngày 07/02/2023.
Bài phát biểu được trình bày khoảng bốn tháng sau đại hội đảng toàn quốc lần thứ 20 vào tháng 10/2022, khi Tập giành được nhiệm kỳ Tổng Bí thư Đảng thứ ba chưa từng có tiền lệ.
Đây không phải là lần đầu tiên tờ Cầu Thị đăng lại văn bản bài phát biểu của Tập. Tuy nhiên, việc đào lại một bài phát biểu đã có từ hai năm trước là việc làm kỳ lạ về mặt chính trị.
Một chuyên gia am hiểu chính trị nội bộ đảng nhận định thông điệp ở đây là: Các chính sách lớn của chính quyền Tập sẽ được giữ nguyên.
Kể từ năm 2023, áp lực đã ngày một gia tăng đối với chính quyền Tập trong việc phản tư về những thất bại trong chính sách và thay đổi hướng đi.
Hiện nay, những lời kêu gọi thay đổi chính sách đang xuất hiện ngày một nhiều, với những tiếng nói lớn xuất hiện từ bên ngoài đảng và trong các phe phi chính thống.
Những phe này – bao gồm các đảng viên lão thành đã đóng vai trò tích cực trong thời kỳ “cải cách và mở cửa” vàng son – hầu như đã bị gạt ra lề.
Họ kêu gọi cải cách thực sự, chứ không phải thay đổi trên danh nghĩa. Họ mong muốn Trung Quốc duy trì hệ thống chính trị và kinh tế, và muốn nền kinh tế tăng trưởng ổn định mà không mất đi bản chất cởi mở. Ngoài ra, họ cũng tìm cách quay trở lại các truyền thống của đảng như lãnh đạo tập thể và dân chủ nội đảng.
Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, các phe này vẫn giữ im lặng, theo đuổi cách tiếp cận chờ đợi và quan sát. Trong khi đó, Tập gần như đã biến việc ủng hộ lãnh đạo tập thể thành điều cấm kỵ, đôi khi còn nghiền nát kẻ thù chính trị bằng cách sử dụng chương trình chống tham nhũng.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng các phe phi chính thống của đảng đã trở thành đa số thầm lặng.
Họ ít được biết đến, không được các phương tiện truyền thông lớn đưa tin. Nhưng họ có cơ sở khá rộng.
Họ cảm thấy các phe chính thống của đảng đã nhắm mắt làm ngơ cách đây hai năm, và tiếp tục phớt lờ cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Trung Quốc.
Các thành viên của các phe chính thống nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền của Tập và kiên quyết từ chối thay đổi đáng kể các chính sách chính trị, chính sách kinh tế, và các chính sách khác theo yêu cầu của các phe phi chính thống.
Bế tắc có thể kéo dài đến tận mùa thu năm 2027, khi đảng tổ chức đại hội toàn quốc tiếp theo. Cho đến lúc đó, các phe chính thống dường như quyết tâm duy trì quan điểm rằng: các chính sách lớn của chính quyền Tập đã rất thành công.
Cuộc chiến phe phái dường như cũng đang diễn ra bên trong Quân Giải phóng Nhân dân. Vào tháng 12, tờ Giải phóng quân báo – cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương, đơn vị giám sát Quân Giải phóng Nhân dân – đã xuất bản một loạt bài bình luận ủng hộ lãnh đạo tập thể và dân chủ nội đảng. Các bài bình luận đã được diễn giải là những lời chỉ trích việc Tập tập trung quyền lực.
Loạt bài đó đã được công bố vài tuần sau khi viên chức quân sự cấp cao Miêu Hoa bị đình chỉ chức vụ vì “nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.” Miêu được cho là “điệp viên của Tập trong quân đội.”
Rõ ràng là Tập không còn lựa chọn nào khác ngoài việc miễn cưỡng thực hiện bước đi phòng thủ là thanh trừng Miêu, một trong sáu thành viên của Quân ủy Trung ương. Các phe phi chính thống của đảng đã cáo buộc vị tướng này vi phạm kỷ luật.
Cùng thời điểm tờ Giải phóng quân báo đăng các bài bình luận, phiên bản trực tuyến của Nhân dân Diễn đàn – một tạp chí trực thuộc tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng – cũng đăng một bài viết thú vị.
Bài viết so sánh cải cách với thiếu bính, tức bánh phồng, một loại bánh mì dẹt truyền thống và là món ăn phổ biến ở Trung Quốc. Tiêu đề bài viết ẩn ý về việc cưỡng lại sự cám dỗ lật bánh trước khi một mặt bánh chín hoàn toàn.
“Thật ngu ngốc khi lật món bánh phồng,” bài báo viết. “Việc ban hành một mệnh lệnh vào buổi sáng rồi thay đổi nó vào giữa đêm không chỉ tạo ra một khoản nợ lịch sử và trì hoãn sự phát triển, mà quan trọng hơn, nó còn làm tổn thương tình cảm của người dân.”
Bài viết được cho là lời cảnh báo chống lại việc lật đổ chính sách “cải cách và mở cửa” lâu đời. Đương nhiên, nó đã gây ra phản ứng dữ dội từ các phe chính thống của đảng, những người luôn theo dõi chặt chẽ dư luận. Các thành viên của các phe này cho rằng thông điệp này không phù hợp vì nó chỉ trích gay gắt các chính sách hiện tại của chính quyền Tập.
Bài viết đã bị xóa ngay sau khi xuất hiện và không còn có thể xem được ở Trung Quốc. Nhưng các bài bình luận kể trên của Giải phóng quân báo không thể bị xóa, một phần vì chúng nằm trong một loạt bài viết. Và quân đội cũng được hưởng một địa vị đặc biệt trong đảng.
Đầu tháng 1, đảng đã tổ chức một phiên họp toàn thể theo thông lệ của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của đảng. Tập đã nhân cơ hội này có bài phát biểu nhấn mạnh về nhu cầu xóa bỏ tham nhũng và duy trì kỷ luật.
Sau đó vào thứ sáu, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Quân ủy Trung ương, cơ quan chống tham nhũng của Quân Giải phóng Nhân dân, đã tổ chức một cuộc họp mở rộng. Giống như Tập hồi đầu tháng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hà Vệ Đông đã tận dụng cơ hội này để kêu gọi thực hiện chiến dịch chống tham nhũng một cách triệt để và bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với việc tập trung quyền lực của Tập.
Điều đáng nói là cả Hà Vệ Đông và Miêu Hoa đều thuộc Tập đoàn quân số 31, một đơn vị hiện đã giải thể của Quân Giải phóng Nhân dân đóng tại tỉnh Phúc Kiến. Cả hai đều là thành viên chủ chốt của phe Phúc Kiến chính thống trong quân đội.
Tập đã dành gần 17 năm làm việc tại Phúc Kiến, bắt đầu từ giữa thập niên 1980. Khi trở thành nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc, ông đã thăng chức cho nhiều thành viên phe Phúc Kiến lên các vị trí chủ chốt, bao gồm cả trong quân đội. Bài phát biểu của Hà được một số người cho là nỗ lực của phe Phúc Kiến nhằm thắt chặt quyền kiểm soát quân đội.
Với việc đình chỉ Miêu, cuộc đấu tranh giành quyền lực trong quân đội đã bước vào một giai đoạn mới. Các phe chính thống không còn có thể cảm thấy an toàn trừ phi họ nắm toàn quyền kiểm soát chính trị trong quân đội. Trong lịch sử, việc đấu tranh giành quyền lực diễn ra rõ ràng như vậy trong quân đội là điều bất thường.
Chỉ còn chưa đầy ba năm nữa là đến đại hội đảng toàn quốc tiếp theo, năm 2025 sẽ là một năm trọng đại đối với Tập và chính quyền của ông. Những thay đổi về nhân sự và các quyết định quan trọng khác sẽ được đưa ra tại cuộc họp vào mùa thu năm 2027, tuy nhiên, những quyết định sơ bộ dự kiến sẽ xuất hiện ngay trong năm nay. Từ bây giờ cho đến lúc đó, đấu tranh nội bộ đảng có lẽ sẽ gia tăng.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
No comments:
Post a Comment