Thái Hạo - Ghi chép dọc đườnglundi 20 janvier 2025
Thuymy
Tây Bắc, cái cảm giác đọng lại trong hai thằng đàn ông du thủ, là nghèo. Núi đá, núi đá, núi đá; tôi nhìn thấy những con người sống mòn chân trên đá bạc màu giữa trùng trùng non cao không một dáng cây rừng.
Xe đi, ngày nối ngày, qua hàng trăm ngọn núi hùng vĩ với vực sâu và thung lũng, nhưng không thấy rừng, chỉ có cây dại lúp xúp lẫn vào những quả đồi đã bị cạo trắng. Chúng tôi tự hỏi, họ sống bằng gì khi rừng, nguồn sữa xanh nghìn đời, nay đã không còn.
Những ngày giáp Tết, trước các trạm dừng nghỉ hay quán ăn, những thanh niên và trẻ con người Mường người Thái chở theo những những cành đào cành mận và vài loại củ quả đơn sơ, đứng rải rác hai bên đường và không ngơi miệng mời khách. Cũng may, ở đây các chủ quán (người Kinh?) có vẻ hào phóng, để cho đồng bào được tự do bán hàng ngay trước sân và bên lề đường của quán.
Chúng tôi vào hang Táu ở Mộc Châu để thăm một ngôi làng, nghe nói là hoang sơ. Đường đi hiểm trở, hầu hết phải để ô tô lại và đi nhờ xe ôm ở “trạm trung chuyển” do các thanh niên người Mông cầm lái. Ở đó, một người đàn ông đang nằm ngủ co quắp bên vệ đường, ngồi cạnh là một người phụ nữ. “Say đấy. Chị đó là vợ”.
Hang Táu có khoảng 20 chục ngôi nhà nhưng hầu hết đều đóng cửa, có mấy đứa trẻ đang chơi con quay trên thung lũng giữa rất nhiều du khách đang chụp hình trong những bộ trang phục thổ cẩm thuê ở đâu đó. Khung cảnh đẹp và thanh bình đến nín thở. Mấy người phụ nữ Mông đang chiên bánh sắn trước cửa bản, một nhóm khác lớn tuổi hơn thì đốt lửa ngồi quanh, chuyện trò rì rầm.
Tôi hỏi mua bánh, “5 nghìn một cái”. Anh thanh niên người Mông chở tôi ra trên chiếc Win Trung Quốc đã tã, anh ít hơn tôi 1 tuổi nhưng đứa con lớn đã 19 rồi. Anh nói từ ngày có khách và chạy xe ôm, cuộc sống đỡ hơn, chứ trước đây khổ lắm, đàn ông 50, 60 đã phải chết, hiếm người sống thọ. Bản trước đây đông người, nhưng nay chuyển ra ngoài hết rồi, chỉ còn từng này. Mọi người đang ăn mừng năm mới ở ngoài đó.
Tôi và hai ông bạn đánh quả lẻ, tranh thủ chạy ra trước để xem đồng bào ăn tết ra sao. Đứa nào cũng háo hức. Khu bản mới là những ngôi nhà kiểu người Kinh, hoặc nhà sàn mái tôn. Đi theo tiếng loa, một hội trường lớn xuất hiện trước mặt với xe máy ngổn ngang trên sân, tiếng nhạc như dưới xuôi hát karaoke. Không thấy một sắc thổ cẩm giữa hội xuân. Từ cổng, chúng tôi đánh xe vào sân rộng, quay đầu đi ra...
Ở một tỉnh Tây Bắc, chúng tôi gặp và ăn tối với một nhóm giáo chức, có cả lãnh đạo sở. Tôi tranh thủ hỏi chuyện, “Học trò người dân tộc thiểu số có nhiều không?” “70 %”. “Tỉ lệ học sinh lớp 9 không vào được cấp 3 là bao nhiêu ạ?”. “Khoảng 40 %”. Một thầy giáo dạy cấp 3 chia sẻ rằng lớp thầy có 56 học sinh. Tôi hỏi, “Những học sinh không vào được cấp 3 thì các em làm gì?”. “Ở nhà lao động hoặc đi làm công nhân”. “15 tuổi sao mà là công nhân được”. “Vẫn cứ làm được thầy ạ”. !
2. Tôi và Phong đi về Pù Luông, sông Mã hiện ra trước mặt, hai đứa thốt lên, “Rừng, ở đây có rừng”. Vì không có nhiều thời gian, chúng tôi chỉ chọn một điểm để đến, Bản Đôn – “thủ phủ của du lịch Pù Luông”, nơi được nhiều trang mạng giới thiệu là còn giữ được những vẻ đẹp truyền thống của người bản địa.
Những căn nhà sàn bắt đầu xuất hiện bên những ruộng bậc thang, “Bản Đôn đây rồi”. Những ngôi nhà sàn to lớn được xây dựng hiện đại xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Tôi nói với Phong, đây là nhà của người Kinh, những homestay, không phải của người Thái. Cửa ngõ vào bản như một công trường xây dựng, ngổn ngang gạch đá và cây cối hai bên với nhiều căn nhà đang xây dở, tiếng máy móc hòa lẫn với tiếng hát karaoke dội vào vách đá...
Đi sâu vào trong bản, dừng lại trên một con dốc, chúng tôi bước xuống xe và hỏi chuyện một bà cụ đang lúi húi trong vườn. “Bà là người Kinh hay người Thái ạ?”. “Người Thái”. “Cháu có thể xuống vườn của bà được không?”. “Được chứ”. Những nương bậc thang hẹp ngang có những cây ngô mới lên hai lá, đất khô quá làm chúng héo như đã chết, vườn có ít cây ăn trái còn non, mới cao ngang ngực, cũng ốm yếu gầy gò.
“Bà ơi, những homestay ở đây là của người Kinh hay người Thái?”. “Người Kinh. Thái ít lắm”. “Bà chỉ cho cháu một căn của người Thái với”. “Kia kìa, bên mảnh đất trống màu vàng đó”. “Đất ở đây có đắt không bà”. “Đắt. Tôi có một mảnh trên kia, cho họ thuê làm khách sạn mà họ phá hợp đồng rồi, họ phải đền tiền cho mình”. “Bà có bán không ạ?”. “Có, bán chứ. Một nghìn mét đấy, 5 tỉ. Có ai mua thì giới thiệu giúp nhé”.
Hai đứa đi sâu mãi vào bản. Hai bên đường là một màu homestay. “Cứ đi đi, coi hết chỗ này là cái gì”. Qua một quãng đồi núi dài không có bóng nhà, thì xuất hiện một xóm lớn. “Quay ra thôi, ở đây là nhà của người Kinh rồi”. Hai đứa về lại Bản Đôn thì trời đã nhá nhem tối. “Giờ đi thuê phòng, tắm rửa rồi kiếm gì ăn đã”.
Ghé vào một căn nhìn khá khang trang, có mấy bạn nhân viên đang ngồi đốt lửa sưởi ngay cửa vào. Chúng tôi xin ngồi ké để hơ tay và hỏi phòng. “Phòng một triệu mốt anh ạ”. “Tụi mình chỉ cần một chỗ ngủ sạch sẽ thôi, không cần sang trọng. Ở đây có chỗ nào rẻ hơn không em?”. “Cũng sàn sàn nhau cả, anh thử đi lên trên kia xe, chỗ sáng đèn ấy”.
Chúng tôi đi. Phòng ở đây 800 nghìn. “Thôi được, ở đây đi, chắc không có chỗ rẻ hơn đâu”. Tôi xem menu để gọi đồ ăn. Đa số là các món như ở phố. May quá, có cơm lam. “Anh ơi, cơm lam lâu lắm, chắc không làm được”. “Thôi đành, ăn đồ thành phố vậy”. Tiếng karaoke từ các homestay vẫn văng vẳng vọng lại. “Mai ta dậy sớm, đi bộ hết bản xem có gì không”.
Buổi sáng, mặt trời lên đỏ ối giữa trùng điệp núi non hùng vĩ và ruộng bậc thang như tranh vẽ, đẹp đến đắm say. Mùa đông rét thấu xương, du khách vắng teo, lác đác khách tây, người xuôi thì hình như chỉ có hai đứa tôi. Tôi gặp một bác người Thái vừa từ dưới ruộng lên, vừa đi vừa nói chuyện. Bác bảo từ ngày có du lịch cuộc sống thay đổi nhiều. Tôi hỏi bác rằng có tiếc những nếp sống và văn hóa cũ của đồng bào mình không, bác bảo “Không tiếc”.
Chúng tôi rời Pù Luông, Phong vừa lái xe vừa nói: “Không có gì”. “Ừ, còn mỗi phong cảnh thôi. Rồi cũng bê tông phủ kín như Đà Lạt thôi, và chắc sẽ nhanh hơn Đà Lạt”...
THÁI HẠO 20.01.2025
Hình: Phong chụp buổi sáng ở Bản Đôn
No comments:
Post a Comment