Hoàng Quốc Dũng - Bước ngoặt chiến tranh sẽ ra sao?lundi 20 janvier 2025
Thuymy
Họ tin rằng, sau khi hoàn tất việc chia cắt Ukraine, Nga có thể kích hoạt “cuộc chiến tiếp theo”. Việc tấn công Estonia - một quốc gia thành viên NATO - hoặc Moldova - quốc gia đang mong muốn gia nhập NATO - không phải là một viễn cảnh phi lý. Chính vì lý do này, các nước Bắc Âu đã vội vã gia nhập NATO (Phần Lan năm 2023, Thụy Điển năm 2024).
Những điều này, tôi đã nhắc đến nhiều lần khi Nga đưa quân xâm lược Ukraine.
Nếu cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không kết thúc trong năm nay, châu Âu có lẽ sẽ phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài, có khả năng gây tàn phá nghiêm trọng. Cuộc chiến mà Putin đang tiến hành chống lại phương Tây đã vượt ra khỏi khuôn khổ quân sự truyền thống, trở thành một cuộc chiến đa hình (hybrid war).
Moskva đang tìm cách xâm nhập sâu vào trung tâm các nền dân chủ phương Tây để làm suy yếu từ bên trong. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, số lượng các chiến dịch gây bất ổn do các cơ quan Nga dàn dựng đã tăng mạnh. Họ trở nên thành thạo trong các cuộc tấn công mạng, can thiệp bầu cử (Gruzia, Moldova, Rumani), hoặc như đã thấy, phá hoại các tuyến cáp ngầm quan trọng dưới biển Baltic.
Có vẻ như châu Âu, nói chung, đã đánh giá thấp tầm ảnh hưởng của chiến tranh thông tin mà Nga tiến hành trong nhiều năm qua. Các chiến dịch khổng lồ nhằm “demonize” (quỷ hóa) Ukraine cũng như phương Tây đã phát huy hiệu quả thực sự. Hàng tỷ người, trong đó có nhiều người Việt Nam, tin rằng Ukraine là một quốc gia phát xít. Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của chiến tranh thông tin.
“Siêu cường nghèo”
Putin đã dựa vào học thuyết “Thế giới Nga” (Russkiy Mir), được lấy cảm hứng từ triết lý của nhà tư tưởng tân phát xít Aleksandr Dugin, làm nền tảng cho dự án bành trướng. Học thuyết này đòi hỏi Moskva phải can thiệp quân sự vào bất kỳ lãnh thổ nào có di sản lịch sử Nga quan trọng, hoặc nơi có cộng đồng nói tiếng Nga sinh sống. Được hình thành từ cuối những năm 1990, tư tưởng mang hơi hướng phát xít này nhanh chóng lan rộng trong giới tinh hoa Nga.
Một ám ảnh khác của Putin là trả thù phương Tây và chống lại những “kẻ phản bội” từ bên trong cũng như quá khứ. Đối với Putin, sự sụp đổ của Liên Xô là nỗi đau lớn nhất.
Tuy nhiên, người dân Nga dường như chấp nhận một cách thụ động những tội ác mà chính quyền gây ra, cả với Ukraine lẫn chính bản thân họ. Một nhóm nhỏ phản đối, trong khi đa số giữ im lặng, không muốn biết, sợ hãi trước sự đàn áp, hoặc thậm chí đồng tình vì bị tuyên truyền. Nhiều người Nga vẫn ảo tưởng rằng đất nước họ là một cường quốc và có thể tiếp tục thống trị thế giới.
Thực tế thì sao?
Theo một nghiên cứu chính thức năm 2019 của Tổng cục Thống kê Nga Rosstat (Росстат, Федеральная служба государственной статистики), có đến 35 triệu người Nga - tức 1/4 dân số - không có nhà vệ sinh trong nhà, 47 triệu người không có nước nóng, 29 triệu người không có nước sạch, và 22 triệu người không có hệ thống sưởi ấm. Ba năm sau, khi Nga đưa quân xâm lược Ukraine, tình trạng này vẫn không được cải thiện. Từ khi chiến tranh nổ ra, tình hình chỉ trở nên tồi tệ hơn.
Những con số này cho thấy rõ thực trạng “giàu có” của nước Nga. Sự suy thoái dân số, những tổn thất khổng lồ của quân đội, tình trạng chảy máu chất xám và vốn đầu tư là những bằng chứng rõ ràng rằng Nga chỉ là một “siêu cường nghèo”, không đủ khả năng thực hiện tham vọng của mình. Tuy vậy, họ vẫn cố gắng đánh lừa thế giới và dân Nga bằng tuyên truyền và những lời nói dối trắng trợn.
Muốn nói gì thì nói, nước Nga đang kiệt quệ và sẽ còn kiệt quệ hơn nữa. Hậu quả của chiến tranh có thể kéo dài hàng chục năm. Nói một cách công bằng, cả Nga lẫn Ukraine đều đang kiệt quệ và mệt mỏi. Ukraine có chính nghĩa trong việc chống ngoại xâm và tinh thần chiến đấu cao hơn, nhưng lại quá nhỏ bé trước một “cường quốc nghèo”.
Thái độ của Trump vẫn là một ẩn số, nên không ai có thể nói chắc được điều gì. Chúng ta hãy cùng hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với Ukraine trong những ngày tới.
Vive Ukraine !
HOÀNG QUỐC DŨNG 14.01.2025
No comments:
Post a Comment