Việt Nam phạt các tài xế đi ẩu một nửa mức lương trung bình hằng năm
ABC News Australia
Tác giả: Max Walden và Lachlan Bennett
Cù Tuấn biên dịch
14-1-2025
Tiengdan
20/01/2025Mức phạt giao thông mới nghiêm khắc đang được nhiều người đi làm ở Việt Nam thảo luận rộng rãi. Nguồn: AP: Jae C. Hong/File
Tóm tắt:
+ Những người lái xe vi phạm luật giao thông ở Việt Nam sẽ phải chịu mức phạt mới rất nghiêm khắc — và những người tố cáo họ sẽ được khen thưởng.
+ Chính quyền muốn xây dựng văn hóa giao thông tốt hơn ở Việt Nam, nơi có khoảng 11.500 người tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm.
Tiếp theo là gì?
+ Một số người đã chỉ trích các biện pháp này là quá mức, tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới đã hoan nghênh cách tiếp cận cứng rắn của Việt Nam.
***
Chính quyền Việt Nam hy vọng tình trạng giao thông hỗn loạn nổi tiếng của đất nước này sẽ trở thành quá khứ sau khi những hình phạt mới nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm luật giao thông được áp dụng từ ngày 1 tháng 1.
Mức phạt dao động từ 4 triệu đồng (250 đô la Úc) đối với những vi phạm nhỏ như vượt đèn đỏ, đến hơn 50 triệu đồng (3.184 đô la Úc) đối với những vi phạm nghiêm trọng hơn.
Và những người báo cáo những người lái xe khác vi phạm pháp luật có thể được trả tới 5 triệu đồng — một khoản tiền thưởng lớn ở một quốc gia mà thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 8 triệu đồng.
Với thu nhập bình quân đầu người chỉ tương đương khoảng 6.000 đô la Úc một năm, một số người cho rằng hình phạt mới sẽ gây khó khăn về tài chính cho những người dân nghèo.
Tuy nhiên, tại một đất nước nơi có khoảng 30 người tử vong trên đường mỗi ngày, chính quyền Việt Nam đang cố gắng giải quyết một trong những thách thức cấp bách nhất về sức khỏe cộng đồng.
Mỗi giờ lại có một tai nạn xảy ra
Tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong hàng đầu của giới trẻ ở Việt Nam.
Phạm Bá Hưng là người điều hành Học viện lái xe nâng cao Việt Nam (Vietnam Advanced Driving Academy) tại Thành phố Hồ Chí Minh và biết nhiều người đã gặp tai nạn.”Tai nạn giao thông ở Việt Nam xảy ra hàng ngày, hàng giờ“, ông nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 18 người thiệt mạng trên 100.000 người do tai nạn giao thông tại Việt Nam – gấp ba lần ở Úc.
Trong khi chính phủ nước này đang có những biện pháp cứng rắn hơn để cố gắng giảm số người chết do tai nạn giao thông, vẫn có khoảng 11.500 người tử vong trên đường ở Việt Nam mỗi năm.
Phần lớn phương tiện trên đường phố Việt Nam là xe máy.
Theo mức phạt có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1, người lái ô tô có thể bị phạt từ 20 đến 22 triệu đồng vì gây tai nạn khi mở cửa ô tô.
“Tôi rất ủng hộ việc tăng mức phạt, điều này sẽ giúp người dân Việt Nam có ý thức tham gia giao thông tốt hơn – an toàn hơn“, ông Hưng cho biết.
Ông cho biết, mọi người thường không tuân thủ giới hạn tốc độ, biển báo đường bộ và vạch kẻ đường dành cho người đi bộ.
“Trước tiên cần phải thay đổi văn hóa lái xe”, ông nói.
Hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi lái xe khi say rượu và đua xe trên đường phố
Mức phạt đối với một số hành vi vi phạm giao thông đã tăng tới 50 lần theo các biện pháp mới của Việt Nam.
Người đi xe máy bị bắt vì vi phạm luật giao thông phổ biến như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều trên đường một chiều hoặc lái xe trên vỉa hè sẽ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.
Tài xế xe ôm Nguyễn Quốc Phong, người thừa nhận thường xuyên vượt đèn đỏ ở thủ đô Hà Nội, nói với hãng thông tấn AFP rằng, anh đã “rất sốc trước mức phạt”. “Tôi hiện rất sợ. Tôi đã bắt đầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định“, anh Phong nói.
Bà Angela Pratt, đại diện của WHO tại Hà Nội, hoan nghênh các biện pháp mới và cho biết, chúng đang được những người dân Việt Nam thảo luận rộng rãi.
Tiến sĩ Pratt cho biết, chính phủ đã cố gắng giảm 40% số người chết do tai nạn giao thông đường bộ trên toàn quốc từ năm 2010 đến năm 2021 thông qua các luật lệ nghiêm ngặt hơn và quan trọng là việc thực thi các luật đó.
“Một ví dụ cụ thể về điều đó là Việt Nam có một số luật về lái xe khi say rượu nghiêm ngặt nhất thế giới và chúng đã được thực thi rất mạnh mẽ trong những năm gần đây“, bà nói.
Theo những thay đổi mới, người lái xe say rượu hoặc từ chối cho cảnh sát đo nồng độ cồn sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 40 triệu đồng.
Tiến sĩ Pratt cho biết: “Tình hình trước khi những khoản tiền phạt mới này có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2025 là luật pháp đưa ra rất tốt, nhưng chúng tôi có thể thấy rằng chúng không được thực thi tốt”.
“Một phần là do mức phạt không đủ sức răn đe”.
Những người tham gia đua xe trái phép hoặc “lái xe liều lĩnh” hiện có thể bị phạt tới 50 triệu đồng (3.184 đô la).
Việt Nam cũng đã áp dụng hệ thống trừ 12 điểm tương tự như của Úc, theo đó những người vi phạm luật giao thông nhiều lần sẽ bị đình chỉ giấy phép lái xe.
Lo ngại về mức phạt “khủng khiếp” đối với đời sống xã hội Việt Nam
Thanh Tâm Trần rất quen thuộc với tình trạng giao thông nguy hiểm ở Việt Nam. Bà đã dành nhiều năm nghiên cứu cách cải thiện việc chăm sóc cho các nạn nhân tai nạn giao thông trước khi nhập viện, để lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Úc.
Tiến sĩ Trần cho biết: “Bạn sẽ rất khó có thể tìm được một người Việt Nam nào chưa từng gặp tai nạn giao thông“.
“Tôi đã sống ở Úc khoảng 15 năm rồi và ngay cả khi trở về Việt Nam, tôi vẫn sợ hãi khi phải băng qua đường“.
Bà giải thích rằng, vì Việt Nam thiếu dịch vụ xe cứu thương mạnh mẽ nên những người chứng kiến [tai nạn giao thông] thường đóng vai trò quan trọng trong việc sơ cứu hoặc đưa người bị thương đến bệnh viện.
Tiến sĩ Trần cho biết, cái gọi là “giờ vàng” – khoảng thời gian 60 phút sau một vụ tai nạn thương tâm – là “rất quan trọng” để xác định cơ hội phục hồi của nạn nhân.
Nhưng bà chỉ trích hệ thống mới khuyến khích việc tố giác người khác thay vì khuyến khích mọi người giúp đỡ nạn nhân sau một vụ tai nạn
Tiến sĩ Trần nói: “Khi bạn bị tai nạn giao thông, bạn phải nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người. Bây giờ thì bạn lại là một công dân tố giác một công dân khác — và điều đó không bao giờ tốt cho sự gắn kết xã hội“.
Tiến sĩ Trần cũng lập luận rằng, mức phạt này sẽ tác động không cân xứng đến người Việt Nam có thu nhập thấp.
“Mức tiền phạt này là một số tiền khổng lồ. Nó sẽ trừng phạt người nghèo nhiều hơn là người giàu“, bà nói.
Nhưng Tiến sĩ Pratt của WHO cho biết, trong khi tác động xã hội của các hình phạt mới cần được theo dõi, thì mức phạt nghiêm khắc lại rất quan trọng để thúc đẩy việc thay đổi hành vi.
“Logic ở đây rất rõ ràng: Nếu mức tiền phạt được đặt ở mức quá thấp… mọi người sẽ không thực sự quan tâm đến việc họ có phải trả tiền phạt hay không vì nó không tốn kém nhiều”, bà nói.
“Hiện nay mức tiền phạt đã được đưa ra ở mức có thể mang lại hiệu quả răn đe rất đáng kể“. Tuy nhiên, Tiến sĩ Pratt cho biết chỉ phạt tiền thôi là chưa đủ.
“Thành công của Việt Nam trong việc cải thiện an toàn giao thông cho đến nay là họ đã áp dụng một cách tiếp cận toàn diện: Luật pháp, thực thi, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn an toàn phương tiện v.v… Không có giải pháp nào hoàn hảo cả”.
No comments:
Post a Comment