Tuesday, January 21, 2025

Donald Trump hồi II : Đầy quyền lực, trong một thế giới bất ổn hơn
Thụy My
Đăng ngày: 21/01/2025 - 12:09
RFI

Tân tổng thống Mỹ với khuôn mặt nghiêm nghị chiếm hầu hết trang nhất báo Pháp, vào ngày nhậm chức hôm nay 20/01/2025. Không tờ báo nào chọn tấm ảnh ông Donald Trump tươi cười.

Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tại điện Capitol ngày 20/01/2025. via REUTERS - Kenny Holston

Le Figaro chạy tít « Cuộc cách mạng lần thứ hai của Trump ». Tổng thống thứ 47, với sự ủng hộ của cả lực lượng chính trị lẫn kinh tế, dự kiến ký hàng trăm sắc lệnh để cụ thể hóa những lời hứa. Les Echos chạy hàng tít lớn ngắn gọn « Trump, hồi hai » : một lễ khai mạc hoành tráng, với chương trình đầy tham vọng nhưng cũng ẩn chứa những khó khăn. 

La Croix chú ý đến « sự quay lại với sức mạnh », ông Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ hai hôm nay, kiên quyết áp đặt tầm nhìn của mình. Le Monde cho rằng « đối với ông Trump và những người trung thành, sự dứt khoát với cái cũ là tín điều » ; đặc biệt trong hồ sơ di dân và thương mại quốc tế. Riêng Libération chọn hai hình ảnh ở Gaza làm ảnh trang nhất, thở phào nhẹ nhõm : « Rốt cuộc cũng đã ngưng bắn và thả con tin ».

Donald Trump độc chiếm võ lâm

Le Figaro miêu tả, những người biểu tình hôm thứ Bảy trước Đài tưởng niệm Lincoln và National Mall đầy tuyết, không còn sự hăng hái và cũng chẳng đông đảo như hồi xuống đường chống Trump năm 2017. Chỉ vài ngàn người đấu tranh với những biểu ngữ ủng hộ phá thai, loa phóng thanh và nón len hồng, rồi nhanh chóng giải tán. Tám năm sau, việc Trump tái đắc cử khiến những người chống đối bàng hoàng. « Ủa, có biểu tình chống Trump sao ? » - Libération cho rằng câu hỏi này của một người đấu tranh Dân Chủ đã nói lên tất cả. Người này lý giải, tâm trạng mệt mỏi đã xâm chiếm phe Dân Chủ, sau chiến dịch tranh cử kéo dài, thay đổi ứng cử viên chỉ bốn tháng trước bầu cử và kết quả thảm hại.

Hàng ngàn chiếc ghế dành cho những người dự khán đã phải xếp lại sau loan báo lễ nhậm chức sẽ diễn ra tại điện Capitol thay vì ngoài trời, do thời tiết lạnh giá. Khoảng 250.000 khán giả phải theo dõi trên màn hình lễ tuyên thệ của tổng thống, xung quanh là các khách mời danh dự và triều đình mới gồm những tỉ phú.

Bốn năm sau khi rời Washington DC, Trump ca khúc khải hoàn quay lại thủ đô, nổi tiếng trên toàn thế giới hơn cả Obama trước đây. Trump vượt qua hai phiên tòa truất phế, những đe dọa của tư pháp. Mạng xã hội nay ủng hộ ông : Twitter được Elon Musk mua lại trở thành cỗ máy tuyên truyền ; ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg quay lại phủ phục dưới trướng ; Jeff Bezos, chủ nhân Washington Post buộc tờ báo ngưng cổ vũ cho Kamala Harris. Tại Quốc hội, hai phần ba đại biểu Cộng Hòa được bầu sau 2016 là người thân Trump.

Lễ nhậm chức thật hoành tráng ? Trời chẳng chiều người !

Donald Trump muốn khởi đầu một nhiệm kỳ thứ nhì thật hoành tráng, nhưng thời tiết lại không ưu đãi ông. Sau nhiều tháng trời chuẩn bị cho an ninh khu vực, rốt cuộc lễ nhậm chức đành phải tổ chức trong nhà vì trời quá lạnh. Trump cũng không hài lòng vì phải treo cờ rủ một tháng để tang cố tổng thống Jimmy Carter. Nhưng lá cờ cũng được kéo lên tại điện Capitol vào ngày ông nhậm chức, và nhiều thống đốc Cộng Hòa cũng quyết định một ngoại lệ trong ngày để làm vui lòng ông Trump.

Les Echos cho rằng lễ nhậm chức với Donald Trump không phải là chuyện đùa, vì ông muốn trả thù. Năm 2017, hình ảnh buổi lễ chỉ lác đác người dự bị so sánh với lễ nhậm chức đông gấp ba, ước tính có thể đến 1 triệu người của Barack Obama năm 2009, và các ca nhạc sĩ nổi tiếng cũng không chịu tham dự. Lần này thì khác hẳn. Ủy ban tổ chức thu được trên 200 triệu đô la, theo « Wall Street Journal », cao nhất trong lịch sử và gần gấp đôi so với 107 triệu của năm 2017.

Sợ rằng sẽ không có mặt, các nhà tài trợ vội vã ký những tấm séc để có tên trong danh sách chờ. Các tập đoàn lớn về công nghệ và tiền ảo chi ra cả triệu đô, những công ty chưa bao giờ đóng góp như McDonald's, hãng hàng không Delta, hãng dược Johnson & Johnson nay cũng tham gia. Số tiền dôi ra được dùng cho thư viện tương lai của Donald Trump, lưu lại những dấu vết của ông trong lịch sử. Khách mời đến bằng những chiếc xe sang trọng do General Motors và Ford cho mượn. Các cựu tổng thống đều được mời, trừ bà Michelle Obama không dự. Lần đầu tiên các chính khách ngoại quốc được mời dự lễ nhậm chức – Donald Trump rất thích tầm vóc quốc tế của lễ khai mạc Nhà thờ Đức Bà Paris.

Những chỗ ngồi đắt giá

Nhưng chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu Ursula von der Leyen không nhận được tấm thiệp, thay vào đó là « quốc tế phản động » (từ ngữ của tổng thống Emmanuel Macron). Có thể kể : Tổng thống Achentina Javier Milei, tổng thống Salvador Nayib Bukele, thủ tướng Hungary Viktor Orban (từ chối dự). Những người khách không giữ chức vụ chính thức cũng sẽ có mặt như Jair Bolsonaro (không đến được vì hộ chiếu bị tịch thu), lãnh tụ cực hữu Anh Nigel Farage, một đại diện AfD của Đức và nhiều đảng cực hữu châu Âu trong đó có Eric Zemmour của Pháp.

Những tên tuổi của thung lũng Silicon đều đích thân đến Washington. Ngoài Elon Musk, có Mark Zuckerberg của Meta, Sundar Pichai của Alphabet, Tim Cook (Apple), Jeff Bezos (Amazon), Sam Altman (OpenAI), chỉ Nvidia vắng mặt. Donald Trump dự kiến ngay ngày đầu tiên sẽ ký vài chục sắc lệnh gây sốc, trong đó có nhập cư, thuế quan, tiền ảo, ân xá cho những người tham gia vụ đồi Capitol năm 2021, xuất khẩu khí đốt, sa thải trong bộ máy hành chánh…Trận đấu sẽ bắt đầu, ngay lập tức.

Le Figaro nói về « Sự hòa giải tốn kém giữa các tỉ phú và Donald Trump ». Những tuần lễ gần đây, hai trong số những người giàu nhất thế giới là ông chủ Meta và Amazon đã lao vào cuộc chạy đua nhằm ve vãn ông Trump. Đầu tháng Giêng, Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook loan báo giảm nhẹ chế độ kiểm duyệt. Mạng xã hội này từng khóa danh khoản Donald Trump sau vụ nổi dậy ngày 06/01/2021 ; nhưng nay lại đưa một người thân cận với ông Trump vào hội đồng quản trị. Hai ngày trước đó, người ta được tin Amazon của ông chủ Jeff Bezos sẽ chi số tiền lên đến 40 triệu đô la để mua bản quyền tài liệu về cuộc đời Melania Trump.

Tổng giám đốc của Apple, Google, Netflix… đều đến tận Mar-a-Lago. Những người khổng lồ công nghệ đều muốn có được những hợp đồng lớn của Nhà nước, thúc đẩy những luật lệ thuận lợi cho mình và tránh được cơn giận của tổng thống. Coca-Cola, từng chỉ trích vai trò ông Trump trong vụ nổi dậy, đã cho ra mắt một chai nước ngọt Coca Light đặc biệt để kỷ niệm.

Thế giới năm 2025 nguy hiểm hơn nhiều so với 2017

Về tác động quốc tế của việc ông Trump tái đắc cử, Le Figaro bi quan cho rằng đây là « Hồi kết của phương Tây ». Trước làn sóng dân túy, thế giới buộc lòng phải thích ứng, nhưng với châu Âu thì đặc biệt khó khăn vì lâu nay cứ ngỡ rằng trong cùng một ê-kíp. La Croix coi đây là « Thời kỳ bất định », cần phải cảnh giác vì Trump thích gây bất ổn để ngự trị. Les Echos cho rằng Donald Trump là người cuối cùng của thế hệ « baby boomer » ở Nhà Trắng từ 30 năm qua. Với Le Monde, Trump và Musk tạo ra giai đoạn tệ hại nhất của internet – phương tiện chia sẻ kiến thức và thông tin. Les Echos nhấn mạnh « Trump, kỷ nguyên dân tộc chủ nghĩa về kinh tế ».

Theo Le Figaro, thời gian huy hoàng thường ngắn ngủi. Từ trưa thứ Hai Trump sẽ quay lại Phòng Bầu dục, với công việc khó khăn nhất thế giới.Những cuộc khủng hoảng ở nước ngoài có thể xảy ra bất cứ lúc nào, về ngoại giao, tài chánh hay dịch tễ. Về nội trị, liên minh của Trump gồm những thành phần đa dạng, từ MAGA truyền thống đến giới công nghệ có quan điểm đối chọi nhau. Đa số của Cộng Hòa khá mỏng, chỉ hơn có ba ghế ở Quốc hội. Về đối ngoại, thế giới năm 2025 nguy hiểm hơn nhiều so với 2017. Vladimir Putin không sẵn sàng nhượng bộ ở Ukraina, Tập Cận Bình vẫn lăm le chiếm Đài Loan.

Trong khi đó các thành viên chính phủ trong nhiệm kỳ đầu, những nhân vật bảo thủ có năng lực không còn nữa. Khi khuyến cáo Trump không nên rút toàn bộ khỏi Syria, NATO hay Afghanistan, họ đã giúp ông được tiếng là một nguyên thủ có trách nhiệm. Bổ nhiệm những người trung thành nhưng kém tài vào các vị trí chủ chốt, mang lại rủi ro cho Trump trong giai đoạn này.

Les Echos kể ra « Từ hòa bình cho Ukraina đến việc giảm lạm phát : Những khó khăn đầu tiên của Trump ». Ông chủ mới của Nhà Trắng hy vọng đưa tỉ lệ lạm phát xuống còn 2 % một năm, nhưng mới đây đã phải nhìn nhận với tạp chí Time là « rất khó ». Đó là vì chương trình hành động của ông : tăng thuế hải quan, chống nhập cư…sẽ làm giá cả tăng lên. Còn « 24 giờ » để giải quyết chiến tranh ở Ukraina đành phải kéo dài ra sáu tháng. Kremlin đòi bốn vùng của Ukraina bị Putin tự ý sáp nhập phải được coi là lãnh thổ Nga, dù vẫn chưa kiểm soát được hết. Vấn đề lớn khác là bảo đảm an ninh cho Kiev : viện trợ thêm nhiều vũ khí thậm chí đưa lực lượng phương Tây vào để răn đe.

Gaza, chiến thắng trong đắng cay của Israel  

Một trong những thành tích được cho rằng của ông Trump, là thỏa thuận ngưng bắn ở Trung Đông. Phóng sự của Libération tả lại nỗi vui mừng khôn xiết của người Palestine ở Gaza, họ rồng rắn trở về mái nhà xưa bằng đủ mọi phương tiện có được. Về phía Israel, khoảng 30 con tin Israel sẽ được thả trong 6 tuần lễ ngưng bắn. Lời kể của những con tin được trả tự do trước đó giùm hình dung được 15 tháng khủng khiếp mà họ phải trải qua.

Les Echos nói về « Gaza, chiến thắng cay đắng của Israel ». Áp lực của Donald Trump, dựa trên cơ sở kế hoạch của ông Joe Biden, cộng với sự thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường đã làm tình hình khác đi. Thỏa thuận ngày 15/01 cũng y hệt như những gì chính quyền Biden đề nghị hồi tháng 5/2024 nhưng vào lúc đó, Hamas ngỡ rằng mình rất mạnh. Sau những cú đòn trời giáng của Israel vào Iran và các lực lượng tay sai, phe này mới tỏ ra biết điều hơn, còn ông Netanyahou thì dễ nói không với Biden hơn là Trump.

Viên thuốc khá đắng cho người Israel. Phải thương lượng với Hamas dù phe này đã yếu hẳn đi, là nhìn nhận một chiến thắng không toàn vẹn, việc diệt trừ những kẻ man rợ ngày 07/10 không thực hiện được. Phải thả các tù nhân Palestine bàn tay vấy máu là nhận lấy rủi ro đáng kể cho xã hội Israel. Và không có gì bảo đảm là tất cả những con tin còn sống sẽ được trả tự do. Israel cũng phải rút dần khỏi Dải Gaza, dù tương lai chưa biết ra sao. Tất cả những thành tích chiến đấu, ưu thế công nghệ, tất cả những hy sinh rốt cuộc để làm gì?

Cuối cùng, Israel là nhân tố quan trọng trong khu vực về quân sự, nhưng chỉ là một chú lùn trong toàn cảnh, dưới sức ép của nhà cung cấp vũ khí chính, nhà tài trợ và bảo hiểm nhân thọ. Nhà nước Do Thái quá mạnh trước các đối thủ trực tiếp, nhưng quá yếu để có thể áp đặt lên cộng đồng quốc tế. Phía Palestine, niềm vui òa vỡ của người dân chứng tỏ họ sống sót đã là thắng lợi. Hamas xử sự dã man với người Israel và hoàn toàn vô cảm với người dân Palestine bị dùng làm bia đỡ đạn, có thể vui mừng một cách thận trọng, vì đã tránh được kết thúc tệ hại nhất.

No comments:

Post a Comment