Tuesday, January 21, 2025

Chiến tranh Ukraina : Donald Trump muốn đàm phán với Vladimir Putin trên thế mạnh
Anh Vũ
Đăng ngày: 21/01/2025 - 14:59
RFI

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, Donald Trump đã nhấn mạnh quyết tâm tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Ukraina với việc cao giọng hối thúc tổng thống Nga Vladimir Putin hành động theo hướng này, để không đẩy nước Nga vào cảnh suy tàn.

Ảnh tư liệu: Donald Trump trong một cuộc gặp với tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị G20, Hamburg, Đức, ngày 07/07/2017. AP - Evan Vucci

Sau khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump ký một loạt sắc lệnh chứng tỏ giữ lời hứa với cử tri, hôm qua, 20/01/2025, tổng thống Donald Trump đề cập đến hồ sơ quốc tế lớn : Cuộc chiến tranh Ukraina bằng giọng điệu gây áp lực, đòi đồng nhiệm Nga Vladimir Putin phải tìm được một thỏa thuận để « chấm dứt chiến tranh » tại Ukraina, nếu không nước Nga sẽ có nguy cơ bị « hủy diệt ».

Điều được dư luận chú ý nhiều nhất, đó là lần đầu tiên, ông Trump gây áp lực một cách rõ ràng đối với chủ nhân của điện Kremlin, đánh giá rằng nước Nga có thể rơi vào tai họa nếu từ chối thương lượng một thỏa thuận ngừng bắn hay rộng hơn là hòa bình với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.

Tổng thống Donald Trump còn mặc nhiên tuyên bố rằng « Zelensky muốn thỏa thuận. Tôi không biết Putin có muốn hay không. Nhưng ông ta sẽ phải làm điều đó. Tôi nghĩ là ông ta đang phá hủy nước Nga khi không tìm cách giải quyết » cuộc chiến với với Ukraina và rằng nước Nga đang đứng trước nhiều rủi ro về kinh tế.

Một cách tiếp cận vấn đề không có gì mới của vị tổng thống tỷ phú, luôn muốn tin vào khả năng đàm phán trên thế mạnh của mình.

Theo chuyên gia Adrian Karatnycky, thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), một tổ chức tư vấn của Mỹ nhận định với truyền thông Ukraina, việc ông Trump nhấn mạnh sức mạnh của Mỹ và khả năng sử dụng sức mạnh đó vì mục tiêu hòa bình là một dấu hiệu rõ ràng về cách tiếp cận của tân Tổng thống Mỹ trong các cuộc đàm phán tương lai với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Chuyên gia Karatnycky lưu ý rằng, các thông điệp của ông Trump chủ yếu nhắm vào cử tri Mỹ. Tuy nhiên, về mặt chính sách đối ngoại, tân Tổng thống Mỹ nhấn mạnh lập trường cố hữu của phe Cộng Hòa là hòa bình chỉ có được thông qua sức mạnh và an ninh dựa trên sự vững mạnh của nhà nước, nền kinh tế, và quân đội.

Trong bài diễn văn nhậm chức hôm qua, Ông Trump tuyên bố rằng muốn trở thành người kiến tạo hòa bình, mặc dù ông không đưa ra chi tiết cụ thể nào liên quan đến chính sách quốc tế, nhưng lại rất chú trọng đề cao vai trò của mình như trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza giữa Israel và Hamas vừa đạt được trong tuần trước.

Bằng những tuyên bố trước báo giới hôm qua về hồ sơ Ukraina, Donald Trump chỉ muốn chứng minh rằng ngay từ ngày đầu làm tổng thống ông cam kết giải quyết những vấn đề này như đã hứa và nhất là ông muốn xử lý hồ sơ này trên một vị thế mạnh mẽ và không muốn tổng thống một cường quốc thế giới lại tỏ ra yếu đuối.

Về phía tổng thống Nga, từ khi ông Trump chưa chính thức nhậm chức, cách đây mười ngày, ông Vladimir Putin đã tỏ ý cho biết ông đánh giá cao Donald Trump có thiện chí giải quyết vấn đề bằng đối thoại và sẵn sàng tiếp xúc với ông Trump không cần « điều kiện tiên quyết » nào.

Không cần điều kiện để nói chuyện với tổng thống Mỹ, nhưng điều kiện để có thỏa thuận về cuộc chiến tranh Ukraina thì buộc phải có với ông chủ điện Kremlin. Đó là Kiev phải đầu hàng, từ bỏ phần lãnh thổ đã bị Nga chiếm giữ sáp nhập, phải từ bỏ ý định gia nhập NATO cũng như Liên Hiệp Châu Âu.

Theo điện Kremlin, « chiến dịch quân sự đặc biệt » được triển khai tại Ukraina cách đây gần ba năm về bản chất là cuộc đối đầu mang tính sống còn của Nga với Washington và các đồng minh châu Âu.

Trên mặt trận, Matxcơva vẫn tiến chậm và chắc chắn, tích lũy thêm phần lãnh thổ chiếm được của Ukraina. Trong khi đó, ở phía bên kia chiến tuyến, quân đội Ukraina đang trong tình trạng cạn kiệt nguồn lực.

Đến lúc này, các bên tham chiến cũng như liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraina đều đã nghĩ đến đàm phán và bên nào cũng muốn tìm cho mình thế mạnh.

No comments:

Post a Comment