Tuesday, January 21, 2025

Thăm lại thôn Hoành
Nguyễn Thúy Hạnh
21-1-2025
Tiengdan

Ngày cuối năm, chúng tôi về thôn Hoành thăm gia đình cụ Kình, thắp nén nhang lên ban thờ cụ, và biếu gia đình chút quà tết mà chúng tôi dành dụm được trong năm qua, cùng với quà từ CLB Lê Hiếu Đằng và một số bạn bè gửi cho những người Đồng Tâm còn đang ở trong tù.

Vẫn cảnh xưa xơ xác nghèo, vẫn ngôi nhà cũ kỹ rêu mốc, vẫn những gương mặt người lớn đau buồn hằn nét khắc khổ già trước tuổi. Chỉ có lũ trẻ sinh ra ngày ấy giờ đã lớn lên, sang năm là đi học lớp một.

Gia đình thuần nông lại gánh hai án tử hình, một án chung thân nên khó khăn lại càng chồng chất.

Lê Đình Công án tử hình, con trai cả của anh Công, cũng là cháu đích tôn của cụ Kình là Lê Đình Doanh án chung thân. Doanh có hai con còn nhỏ, nên khi Doanh đi tù thì vợ Doanh đã đưa hai con về bên ngoại nuôi dưỡng. Chị Hương là vợ của anh Công từ ngày ấy nuôi cả chồng và con trai trong tù.

Khi vụ việc xảy ra, Lê Đình Chức đã bị bắn thủng đầu và bị liệt toàn thân ba tháng, gần như đã chết lâm sàng, sau đó mới tỉnh lại, và bị kết án tử hình.

Hiện nay cơ thể Chức vẫn bị tê liệt một bên, và đầu bị lõm một chỗ lớn, đã thế điều kiện giam nhốt lâu ngày trong phòng tử tù với một chân bị xiềng, khiến cơ thể Chức càng liệt đi và di chuyển khó khăn mỗi khi có người nhà đến thăm. Nhiều khi Chức muốn được sớm thi hành án cho thoát khổ. Cô Hoa, vợ Chức, một mình nuôi ba con ăn học và chồng tử tù.

Từ khi khoản tiền hơn 500 triệu đồng phúng điếu cụ Kình bị phong toả trong tài khoản của tôi, tôi luôn cảm thấy một món nợ treo lơ lửng trên đầu, nợ gia đình cụ Kình, nợ những người hảo tâm đã phúng điếu.

Tháng 4/2021, tôi chỉ vừa ký hợp đồng với luật sư Ngô Anh Tuấn để khiếu nại về món tiền phúng điếu bị đóng băng, thì ba hôm sau tôi bị bắt tù, khoản tiền vẫn cứ nằm đó cho đến nay.

Đồng Tâm ơi, tôi không biết món nợ này còn theo tôi đến bao giờ?

P/s: Ảnh chúng tôi chụp cùng những người còn lại trong gia đình cụ Kình:



***

Đặng Bích Phượng: Ngày xưa có khi thực dân – phong kiến, còn không ác bằng

Suốt năm năm nay, năm nào vào dịp tết, mấy bà già chúng em cũng vào Đồng Tâm, đem quà của bạn bè trong và ngoài nước, gửi gia đình những người dân Đồng Tâm còn ở trong tù. Năm nay thêm em Thúy Hạnh, cũng mới ra tù cùng vào Đồng Tâm. Riêng em Hạnh, còn có quà của cá nhân cho hai tử tù và một chung thân trong gia đình cụ Kình. Nghe em tâm sự về viêc muốn đi đòi lại số tiền viếng cụ Kình, bà Thành lo lắng, nhỡ nó lại bắt lại thì sao?

Hai chữ Đồng Tâm, đến giờ dường như vẫn còn chưa hết sự nhạy cảm. Nhiều người nghĩ người dân Đồng Tâm chỉ đấu tranh cho quyền lợi riêng của họ, chứ không phải cho cái chung của xã hội. Họ thực ra là những người có công với chính quyền này, từ những năm đất nước còn chiến tranh. Nhưng nhà em nghĩ, dù họ đấu tranh cho quyền lợi riêng của họ, vẫn còn hơn những kẻ chỉ biết cúi đầu cam chịu. Và khi họ cũng trở thành nạn nhân như bao nạn nhân khác trong các vụ cưỡng chế đất đai, bị đánh, bị giết, bị cầm tù, thì không thể không thương xót, không cầm lòng được.

Có lần bà Thành kể, khi vào thăm hai con là tử tù, Lê Đình Công và Lê Đình Chức đều hỏi, bà con có còn ai vào thăm Đồng Tâm không? Bà Thành bảo, các bác vẫn vào suốt đấy. Nghe bà nói vậy, lại cảm thấy có lỗi, thấy thương bà. Một năm, chúng em vào được có một, hai lần chứ mấy. Con người ta sợ nhất bị lãng quên, nên bà nói vậy cho các con yên lòng thôi.

Mỗi một lần vào Đồng Tâm, gặp những người dân đi tù về, lại nghe được những câu chuyện ứa nước mắt. Thề, chứ ngày xưa, có khi thực dân/ phong kiến, còn không ác bằng.

Nhà em nhớ mãi một cô kể, khi bị đánh dã man quá, lại nghi ngờ người đánh mình không phải là người Việt Nam, mà là người Trung Quốc, chứ không sao nó đánh mình kinh đến thế này? Dội nước nóng vào vùng kín, dí điện, dận ghế lên đầu ngón chân, để bút bi vào giữa các ngón tay rồi bóp chặt… Hôm nay một thằng cháu kể, anh nó bị đánh ngất lên ngất xuống hàng chục lần… Nó kể cứ như không, mà mình thì ứa nước mắt.

Cảm ơn những người vẫn nhớ thương người dân Đồng Tâm, mà gửi gắm chút quà. Chúng em chỉ là những người chuyển giùm những tấm lòng đó đến với bà con thôi.

Hihi, dù nước mắt vẫn lưng tròng khi viết những dòng này, nhưng nhà em vẫn “dóng”. Cứ đến tết là chúng em lại vào Đồng Tâm với bà con. Ai gửi quà, chúng em sẵn lòng nhận hộ.

No comments:

Post a Comment