Nguyễn Văn Tuấn - Thời Bao Cấpmardi 21 janvier 2025
Thuymy
Cuốn sách là một bức tranh sinh động, nhưng chỉ tập trung phản ánh thời Bao Cấp ở miền Bắc. Đối với độc giả miền Nam, những người đã sống qua thời kỳ Bao Cấp sau năm 1975, có lẽ sẽ không tìm thấy hình ảnh của mình trong những trang sách này.
Tuy nhiên, điểm thú vị của cuốn sách nằm ở những câu nói dân gian đầy tính châm biếm, vừa dí dỏm vừa phản ánh thực tế xã hội thời bao cấp. Những câu như:
• "Ai lên vũ trụ thì lên, còn tôi ở lại ghi tên mua mì"
• "Sao không xin gạo xin mì, bay vào vũ trụ làm gì hả anh?"
• "Ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm cả nhà lo việc nước"
• "Samit nói ít hiểu nhiều"
• "Bách Khoa có cái cổng cong / Bên ngoài thèm khát, bên trong khóc thầm"
• "Bụng to, trán hói, hay nói ba hoa, đi xe Volga, ăn gà Tôn Đản"
Phục các bậc trí giả ngoài Bắc. Khổ vậy mà họ vẫn vui vẻ châm biếm bằng những câu nói có vần điệu! Có lẽ họ chẳng làm gì được để thay đổi tình huống. Có những câu nói này vừa hài hước vừa đau xót, lột tả phần nào bản chất xã hội thời đó, nơi mà:
• "Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt"
• "Luồn lách lươn lẹo lại lên lương"
• "Con cháu các cụ cả"
Thật ra, có nhiều câu nói trong sách vẫn còn y giá trị vào ngày hôm nay.
Cuốn sách mang lại tiếng cười nhẹ nhàng pha chút cay đắng, đồng thời là một cách để lưu giữ ký ức về một giai đoạn khó quên trong lịch sử Việt Nam. Người miền Nam may mắn hơn vì chỉ bị Bao Cấp vài năm sau 1975; tuy chỉ vài năm, nhưng cũng đủ làm cho nền kinh tế lụn bại và hàng triệu người ra đi.
Thời bao cấp gắn liền với nhiều bi kịch, mà nhìn lại qua minh họa và những câu nói dân gian, độc giả có lẽ sẽ không thực sự « thương » cái thời kỳ đó, nhưng 'nhớ' thì chắc chắn có.
NGUYỄN VĂN TUẤN 21.01.2025
No comments:
Post a Comment