Các nhóm vũ trang đứng sau khu phức hợp lừa đảo Myawaddy ở Myanmar
Nguồn: Hanh Khải, 妙瓦底电诈园的背后是谁?, Huxiu, 20/01/2025.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
22/01/2025
NghiencuuQT
Đầu năm 2025, vụ việc nam diễn viên Vương Tinh bị lừa vào ổ lừa đảo ở Myanmar sau khi tới Thái Lan đã khiến địa danh “Myawaddy” nhanh chóng chiếm sóng dư luận. Trước khi sự việc này xảy ra, một địa danh khác được công chúng biết đến nhiều hơn cả là “Bắc Myanmar”.
Kể từ tháng 7/2023, khi Bộ Công an Trung Quốc cùng Bộ Nội vụ Myanmar triển khai một chiến dịch đặc biệt nhằm trấn áp tội phạm lừa đảo điện tử ở miền Bắc Myanmar đến nay, các khu phức hợp lừa đảo trực tuyến quy mô lớn ở miền Bắc Myanmar đã bị xóa sổ hoàn toàn, có tổng cộng hơn 53.000 nghi phạm lừa đảo mang quốc tịch Trung Quốc đã bị bắt. Mặt khác, khi nhóm tội phạm “tứ đại gia tộc” ở miền Bắc Myanmar lần lượt bước vào giai đoạn tố tụng, vụ việc “Tinh Tinh về nhà” không chỉ nhắc nhở dư luận về sự cần thiết của việc phải tiếp tục duy trì sự trấn áp mạnh mẽ đối với tội phạm lừa đảo điện tử xuyên biên giới, mà còn đưa các khu phức hợp Myawaddy vào tầm mắt của công chúng.
Các khu phức hợp lừa đảo điện tử Myawaddy như Shwe Kokko, KK Park nằm ở biên giới Myanmar-Thái Lan. Trước đây, công chúng thường nhầm nơi này với các khu phức hợp lừa đảo ở miền Bắc Myanmar. Trên thực tế, so với các khu phức hợp lừa đảo ở miền Bắc Myanmar, các khu phức hợp lừa đảo điện tử Myawaddy có quy mô lớn hơn, cơ sở vật chất tốt hơn, thủ đoạn phạm tội đa dạng hơn và quan trọng nhất là các thế lực liên quan phức tạp hơn rất nhiều.
Các khu phức hợp lừa đảo điện tử Myawaddy nằm ở thành phố Myawaddy, bang Karen, phía Đông Nam Myanmar. Thị trấn biên giới nhỏ này gần với Thái Lan và là cửa khẩu chính cho thương mại biên giới Thái Lan-Myanmar. Tuy nhiên, do thương mại biên giới Trung Quốc-Myanmar tại các cửa khẩu như Muse từ lâu đã chiếm vị trí dẫn đầu về khối lượng thương mại biên giới của Myanmar, khối lượng thương mại tại cửa khẩu Myawaddy luôn không mấy nổi trội.
Từ năm 2017, sau khi Trung Quốc tăng cường quản lý các cửa khẩu thương mại biên giới Trung Quốc-Myanmar và trấn áp buôn lậu, một số kẻ buôn lậu hoạt động ở biên giới Trung Quốc-Myanmar đã chuyển đến Myawaddy và tiếp tục buôn lậu các mặt hàng như gạo, ngô, đường… dọc theo biên giới Thái Lan-Myanmar. Sau năm 2020, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và nội chiến ở miền Bắc Myanmar, thương mại biên giới Trung Quốc-Myanmar chịu tác động lớn, điều này đã thúc đẩy sự trỗi dậy dần dần của thương mại biên giới Thái Lan-Myanmar và nó đã trở thành cửa khẩu thương mại biên giới lớn nhất ở Myanmar.
Cùng với sự phát triển của thương mại biên giới, sự lưu thông của dân cư, phương tiện và hàng hóa tiếp tục gia tăng. Thêm vào đó là cuộc trấn áp chung giữa Trung Quốc và Campuchia, ngành công nghiệp lừa đảo điện tử ở Campuchia cũng đã chuyển tới khu vực Myawaddy. Những khu phức hợp lừa đảo điện tử này không nằm ở trung tâm thành phố Myawaddy, mà ở những ngôi làng và thị trấn xa xôi ở Myawaddy.
“Quá khứ và hiện tại” của bang Karen
Bang Karen nơi Myawaddy tọa lạc có quá khứ và hiện tại không hề đơn giản.
Về mặt chính trị, địa lý của bang Karen gần với tỉnh Yangon – trung tâm chính trị và kinh tế của Myanmar – hơn bang Shan ở miền Bắc Myanmar. Từ trước đến nay, bang Karen luôn là lựa chọn hàng đầu để những người bất đồng chính kiến ở Myanmar chạy nạn. Có 9 “trại tị nạn” ở bang Karen dọc theo biên giới Thái Lan-Myanmar. Những người sống ở đây và muốn chạy tới đây gọi “trại tị nạn” là “khu giải phóng”, và người ta nói rằng hiện có hơn 100.000 người tị nạn sinh sống tại đây.
Về mặt quân sự, người Karen – di sản của quá trình thuộc địa của Anh – đã có lực lượng vũ trang riêng trước khi giành được độc lập. Trong quá trình diễn biến lịch sử, lực lượng vũ trang các dân tộc địa phương liên tục phân hóa và ngày càng trở nên phức tạp. Liên minh Quốc gia Karen (KNU) được thành lập vào năm 1947 – một năm trước khi Myanmar giành được độc lập – và là nhóm vũ trang dân tộc lâu đời nhất ở Myanmar. Năm 1949, khi xung đột với chính quyền trung ương lần đầu tiên, KNU đã chiếm thị trấn Insein ở Yangon – thủ đô lúc bấy giờ. Với những thay đổi trong tình hình chính trị Myanmar, KNU bắt đầu liên tục thoái lui, tuy thế lực không còn mạnh như trước nhưng vẫn luôn giữ vững vị thế là tổ chức dẫn đầu trong các lực lượng vũ trang địa phương ở miền Nam Myanmar.
Vào những năm 1990, trong nội bộ KNU nảy sinh sự chia rẽ giữa những người theo Phật giáo và những người theo Cơ Đốc giáo; những người theo Phật giáo đã tách khỏi liên minh và thành lập Quân đội Phật giáo Dân chủ Karen (DKBA). Vào những năm 2000, KNU lại chia rẽ một lần nữa, những người ly khai đã thành lập Ủy ban Hòa bình Liên minh Quốc gia Karen (KNU-PC).
Năm 2009, chính phủ Myanmar ban hành chính sách yêu cầu các lực lượng vũ trang địa phương chấp nhận chuyển thành lực lượng biên phòng, nhưng các lực lượng vũ trang địa phương không đồng ý với việc cải tổ. Tuy nhiên, một tướng của DKBA là Saw Chit Thu tuyên bố sẽ lãnh đạo quân dưới trướng mình chấp nhận việc cải tổ của chính quyền trung ương và trở thành Lực lượng Biên phòng bang Karen. Lực lượng Biên phòng hiện là lực lượng vũ trang mạnh nhất ở bang Karen. Nhân sự của nó gồm 80% lực lượng vũ trang bản địa và 20% quân đội Myanmar. Lực lượng Biên phòng tuân theo sự triển khai của Quân đội Myanmar trên danh nghĩa,, nhưng nó có mức độ tự chủ rất lớn trên thực tế. Quân đội Myanmar có thể “nhún nhường” như vậy là bởi, một mặt phe Saw Chit Thu có thế lực mạnh mẽ, mặt khác Quân đội Myanmar cũng cần Lực lượng Biên phòng Karen để kiềm chế ba lực lượng vũ trang địa phương.
Kể từ đó, cục diện quân sự của bang Karen gần như đã được hình thành. Có Quân đội Myanmar, Lực lượng Biên phòng Karen và ba lực lượng vũ trang địa phương Karen. Thế lực của 5 phe đan cài phức tạp, vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau.
“Phong thần diễn nghĩa” của bang Karen
Khi Quân đội Myanmar tiến hành đảo chính vào năm 2021, một lượng lớn người bất đồng chính kiến đã chạy đến các “khu giải phóng” của bang Karen. Sau năm 2021, khu vực Karen trở thành “trung tâm chính trị” của các lực lượng chống đối ở Myanmar. Những thanh niên phản đối quân đội cũng chạy đến đây và KNU đã tiến hành huấn luyện quân sự cho những người này, vì vậy bang Karen cũng là “cái nôi” của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Myanmar (PDF). “Bộ Quốc phòng” của Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (NUG) cũng được cho là đặt tại bang Karen.
KNU phản đối cuộc đảo chính do Quân đội Myanmar phát động vào năm 2021, nó bao gồm 7 lữ đoàn. Kể từ cuộc đảo chính diễn ra vào 3 năm trước, ngoại trừ lữ đoàn thứ 7 đóng tại trụ sở của KNU, 6 lữ đoàn còn lại của KNU đều có xung đột quân sự với Quân đội Myanmar.
KNU luôn tự quảng bá là một tổ chức hợp pháp đại diện cho người Karen và do đó cố gắng tránh tham gia các ngành công nghiệp bất hợp pháp. Thế nhưng Lực lượng Biên phòng lại đóng vai trò then chốt trong việc đưa các khu phức hợp lừa đảo điện tử đến khu vực Myawaddy. Người đứng đầu Lực lượng Biên phòng là Saw Chit Thu đã hợp tác với trùm lừa đảo trực tuyến nổi tiếng Xà Trí Giang (She Zhijiang), hay còn gọi là Tang Kriang Kai, để mở Shwe Kokko Yatai New City, Shwe Kokko là khu phức hợp đánh bạc và lừa đảo điện tử đầu tiên được biết đến rộng rãi. Xà Trí Giang từng sử dụng trái phép tên gọi “Một vành đai, Một con đường”, với ý đồ biến Yatai New City thành một khoản đầu tư hợp pháp, đồng thời ra sức lôi kéo sự chứng thực của các tổ chức xã hội, điều này đã mang đến cho Trung Quốc những tác động vô cùng tiêu cực.
Sau đó, với việc Xà Trí Giang bị bắt ở Thái Lan, Shwe Kokko Yatai New City dần mờ nhạt trong tầm mắt dư luận nhưng trên thực tế vẫn hoạt động bình thường. KK Park Myawaddy mà công chúng hiện quen thuộc hơn là một khu phức hợp lừa đảo điện tử mới xuất hiện sau Shwe Kokko Yatai New City. Nó được mở ra bởi sự hợp tác giữa Thiếu tá Saw Tin Win – “cánh tay trái” của Đại tá Saw Chit Thu – với các phần tử bất hợp pháp đến từ Trung Quốc, trong khi “cánh tay phải” của Saw Chit Thu là Thiếu tá Saw Mout Thon cũng bắt tay với các phần tử bất hợp pháp khác để lừa đảo điện tử.
Có thể nói, “tam Saw” của Lực lượng Biên phòng chính là “ô dù” lớn nhất che chở cho các khu phức hợp lừa đảo điện tử ở Myawaddy. Trong số các lực lượng vũ trang địa phương ở Karen, DKBA có mức độ tham gia cao nhất vào các ngành công nghiệp bất hợp pháp như đánh bạc hay buôn bán ma túy, đồng thời cũng tham gia vào ngành lừa đảo điện tử và cung cấp hỗ trợ vũ trang cho tội phạm lừa đảo điện tử ở Payathonzu, bang Karen. KNU-PC thì có thế lực tương đối nhỏ và ít có tin đồn liên quan.
Ba lực lượng vũ trang địa phương và Lực lượng Biên phòng từ lâu đã cố thủ ở biên giới Thái Lan-Myanmar và duy trì liên hệ ở mức độ nhất định với cảnh sát và quân đội Thái Lan. Việc di chuyển qua lại giữa Myanmar và Thái Lan là vô cùng thuận tiện.
Do thế lực của các phe phái trong khu vực Myawaddy quá phức tạp và chiến sự thường xuyên xảy ra, nên rất khó để thực hiện các cuộc trấn áp đối với tội phạm lừa đảo điện tử ở Myawaddy. Cùng với việc chính phủ Trung Quốc triển khai chiến dịch đặc biệt để trấn áp tội phạm lừa đảo điện tử ở miền Bắc Myanmar vào tháng 7/2023, chính phủ hai nước Trung Quốc và Myanmar đã tiếp tục tăng cường nỗ lực chung để chống lừa đảo điện tử. Khi tình hình miền Bắc Myanmar trở nên nguy cấp và Quân đội Myanmar thường xuyên chịu thiệt hại trong các cuộc chiến ở nhiều nơi, thủ lĩnh Saw Chit Thu của Lực lượng Biên phòng Karen tuyên bố sẽ lãnh đạo quân dưới trướng mình tách khỏi biên chế lực lượng biên phòng của chính phủ Myanmar và đổi tên thành Quân đội Quốc gia Karen (KNA), một lần nữa trở lại thành lực lượng vũ trang địa phương để thoát khỏi sự kiểm soát của Quân đội Myanmar. Trong trường hợp này, Quân đội Myanmar không thể ra lệnh cho lực lượng này ngừng tham gia vào các hoạt động lừa đảo điện tử hay bàn giao nhân viên lừa đảo điện tử.
Dù không còn dưới trướng Quân đội Myanmar, KNA của Saw Chit Thu vẫn đóng vai trò kiềm chế các lực lượng vũ trang địa phương cho Quân đội Myanmar. Vào tháng 4/2024, lực lượng liên minh giữa Liên minh Quốc gia Karen (KNU) và Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Myanmar (PDF) đã chiếm được thành phố Myawaddy trong một thời gian ngắn; Saw Chit Thu – người tuyên bố trung lập – bất ngờ xuất quân vào ngày hôm sau, đẩy lùi hai lực lượng kia và giao lại thành phố Myawaddy cho Quân đội Myanmar. Có thể thấy, sinh thái chính trị, sinh thái quân sự và sinh thái kinh tế của khu vực Myawaddy là vô cùng phức tạp.
Xét cho cùng, miền Bắc Myanmar có đường biên giới giáp với Trung Quốc nên tính khả thi và sự thuận tiện trong hợp tác giữa chính phủ Trung Quốc và Myanmar để hình thành một cuộc trấn áp chung sẽ lớn hơn đáng kể. Tuy nhiên, sẽ rất khó để nhân rộng kế hoạch ở miền Bắc Myanmar sang khu vực Myawaddy ở miền Nam Myanmar. Ở cấp độ vĩ mô, vấn đề lừa đảo điện tử ở Myawaddy liên quan đến sự hợp tác giữa cảnh sát ba nước Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan. Đồng thời, ở cấp độ vi mô, nó còn liên quan đến mối quan hệ giữa ba lực lượng vũ trang địa phương và chính quyền trung ương Myanmar. Do đó, việc trấn áp tội phạm lừa đảo điện tử ở Myawaddy là một điều vô cùng khó khăn.
“Năng lượng ẩn chứa” của Myawaddy
Vụ việc “Tinh Tinh về nhà” đã hé lộ một sự thật đen tối hơn đối với mọi người, đó là khu phức hợp lừa đảo điện tử Myawaddy đã phát triển thành một mạng lưới quy mô lớn, xuyên biên giới và đa cấp độ liên quan đến lừa đảo điện tử, đánh bạc trực tuyến, bắt cóc, buôn người, tống tiền, cưỡng bức và bóc lột lao động… Mạng lưới tội phạm này đe dọa nghiêm trọng đến an toàn cá nhân và tài sản của người dân Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Vào ngày 16/01, trong cuộc gặp ở Bắc Kinh với các đặc phái viên tại Trung Quốc của 10 nước ASEAN, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ, phía Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác thực thi pháp luật song phương và đa phương với các nước ASEAN, nhằm mang lại môi trường an toàn để người dân các nước yên tâm qua lại, cũng như duy trì trật tự tốt đẹp cho việc giao lưu và hợp tác với các nước láng giềng. Phát biểu của Vương Nghị là minh chứng đẩy đủ cho thấy, vấn nạn lừa đảo điện tử ở Myawaddy thậm chí đã không còn là vấn đề an ninh cục bộ của riêng Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan, mà đã trở thành vấn đề an ninh tổng thể của cả Trung Quốc và ASEAN.
Chỉ một ngày trước đó, vào ngày 15/01, tư lệnh của KNA và phó tư lệnh của DKBA đã triệu tập “các doanh nhân Trung Quốc ở địa phương” tới một cuộc họp ở Myawaddy, yêu cầu tất cả các bên hợp tác và đặt ra các quy tắc nhằm loại bỏ tội phạm xuyên biên giới, lừa đảo điện tử và buôn người. Điều này khiến người ta nhớ lại cảnh tượng năm đó khi “tứ đại gia tộc” ở Kokang cũng từng triệu tập các “doanh nghiệp” để bày tỏ quyết tâm chống lại vấn nạn lừa đảo điện tử.
Do nguồn gốc lịch sử và thực tế đặc biệt, Myawaddy tuy là thành phố xa xôi và lạc hậu ở biên giới Thái Lan-Myanmar nhưng lại ẩn chứa năng lượng rất lớn. Mỗi khi tình hình ở Myanmar phát sinh những thay đổi lớn lao, ý nghĩa chính trị và quân sự của Myawaddy sẽ trở nên nổi bật. Tình trạng hỗn loạn ở Myanmar được thể hiện trong tình trạng hỗn loạn ở Myawaddy; và việc quản trị Myawaddy sẽ không chỉ phản ánh việc tái thiết trật tự ở Myanmar, mà còn đại diện cho một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng vận mệnh chung Trung Quốc-ASEAN.
No comments:
Post a Comment