Wednesday, January 22, 2025

Không để nền kinh tế chết đuối
Nguyễn Huy Cường
22-1-2025
Tiengdan

Xin kể một câu chuyện buồn từ nhà bạn tôi ở Đồng Nai hồi năm 1999. Gia đình này có hai đứa con, một trai một gái, tuổi dưới mười sáu. Ông bố là quân nhân sắp về hưu.

Vì quan sát thấy nhiều vụ thanh thiếu niên chết vì tai nạn giao thông, có vụ kề ngay nhà khi con đường từ Ngã ba ông Đồn vào Tánh Linh, ông ra một mệnh lệnh sắt đá là: Nghiêm cấm con đi xe gắn máy. Các con ông cũng ngoan nên tuyệt nhiên không dám dùng xe gắn máy.

Mỗi sáng ông hoặc bà, cùng lắm là thuê xe ôm chở hai con ra Xuân Lộc trên chặng đường hơn chục km đi học rồi chiều đón về. Cuộc sống của nhà này mất đứt hơn hai giờ cho việc đưa đón rất phiền phức, các việc khác bị chậm lại. Nhiều khi mưa gió hoặc trở ngại không đón con được là nhấp nhỏm, lo âu, khốn khổ.

Rồi một hôm, cậu con trai 16 tuổi đi dự sinh nhật một bạn gái xinh đẹp xưa xưa cùng học rồi đã chuyển về Sài Gòn, nay quay về Long Khánh tổ chức sinh nhật rất lớn. Khi tiệc tùng rộn rã thì sắp hết nước ngọt. Cô bé nhờ cậu bé lấy xe máy kề đó đi mua thêm ở tạp hóa cách nhà một km.

Vì thèm đi xe như chúng bạn từ lâu, phần vì nể cô bạn, phần vì không muốn phô bày chuyện mình bằng này chưa biết đi xe nên cậu bé hồn nhiên nhận lời và vù đi. Cách nhà hai trăm mét có một cái cua gắt, cậu này không bẻ lái kịp nên phi thẳng xuống cái ao nuôi cá rất sâu ở ven đường.

Ba ngày sau khi chôn cất con, bà mẹ cậu bé đặt tay lên vai ông mà nói “Tại mình, mình cấm đoán con gắt quá. Nếu nó biết đi xe thì hôm nay mình không mất con”.

Ông mắm môi gật đầu mà không nói được gì cả.

Thưa quý bạn, trong những ngày này, tôi nhận thấy những người như bà mẹ này không nhiều, khi nhận thức về giao thông đô thị. Việc hướng văn hoá giao thông vào cương kỷ đương nhiên là việc tốt (cũng như việc ông bố kia cấm con không được sờ vào xe gắn máy và về HÌNH THỨC nó có những biểu hiện tốt).

Nhưng để nhận thức về cả cái tốt và cái xấu, cái chưa đạt, cái hệ luỵ phải là những góc nhìn khách quan, khoa học và xác đáng chứ không thể quan sát những diễn tiến gần đây qua tuyên bố của các chức sắc lớn, ví dụ như số vụ vi phạm giảm, số tai nạn giảm (hỡi ôi, có đi được đâu, cứng ngắc trong cảnh rồng rắn thế kia thì vi phạm vào đâu, chết thế nào được mà không giảm).

Cách căn cứ vào vài cái “giảm” này để thấy Nghị định 168 là đúng đắn, là bình thường, là cần thiết, là quan điểm thiên về chính trị, lệch ở phía kinh tế, văn hoá, xã hội ở nhiều mặt khác.

Bên cạnh những tiêu chí này giảm là hàng loạt chỉ số giảm theo mà cái nào cũng chết người cả: Vận động giao lưu xã hội chậm hẳn lại. Thu nhập của giới doanh thương giảm, Grab giảm, giờ nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe giảm, dung tích chứa khí lành trong phổi giảm v.v…

Trong quản lý, lãnh đạo, quản trị mà dùng cái biện pháp DỄ NHẤT LÀ CẤM CÁCH thì khó mà ngăn được hàng loạt hệ luỵ sẽ xảy ra.

Đừng để nền kinh tế ngộp thở, chấp chới, chết đuối.

Bài tới tôi sẽ bàn về vỉa hè. Vỉa hè sẽ là câu chuyện rất lý thú. ảnh minh hoạ là một cái vỉa hè rộng 8 mét một phía cả ngày không đến trăm người dùng, bên trong là con đường mỗi chiều 5 mét mỗi ngày có khoảng 30 ngàn người đang ngộp thở, đang dắm đuối trong bầu không khí pha khói xăng chầm chậm di chuyển.

Nếu khái niệm vỉa hè là để làm cảnh thì OK, nhưng để tìm giải pháp cho tình hình “Hậu Nghị định 168” thì nó cần được nghĩ khác. Con đường bộ trong clip có những lúc tải 300 phương tiện trong một phút, tắc ghê gớm, mà tôi sẽ trình bày ở bài sau.

No comments:

Post a Comment