Thursday, January 23, 2025

Bây giờ là lúc công an hành... ‘đạo’? (Phần cuối)
Trân Văn
23/01/2025
VOA

Hình minh hoạ.


Cứ nhìn vào Dự thảo Nghị định 176/2024 với việc công an công khai bày tỏ mong muốn hưởng 85% tổng tiền phạt vi phạm giao thông [1] và nội dung chính thức của nghị định này, cho phép công an “xây dựng dự toán tương ứng với số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và 30% số tiền thu từ đấu giá biển số xe năm trước liền kề đã nộp vào ngân sách nhà nước” [2] ắt sẽ thấy dã tâm của Bộ Công an. Tuy nhiên đó chưa phải là điều đáng ngại nhất. Điều đáng ngại nhất nằm ở chỗ chính phủ Việt Nam vui vẻ thỏa mãn dã tâm ấy, bất chấp các quy định pháp luật (VBQPPL) hiện hành, chẳng hạn bỏ qua yêu cầu tại Khoản 1 – Điều 131 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (không được phép ấn định thời hạn thực thi VBQPPL mới trước 45 ngày kể từ khi ban hành), hay chấp nhận đề nghị nâng cao mức phạt vi phạm giao thông từ vài lần đến vài chục lần cho dù hạ tầng vẫn còn đủ thứ bất cập (lưu lượng xe vượt xa năng lực thông hành của hệ thống giao thông, giao thông công cộng èo uột, hệ thống biển bảng hỗ trợ điều hành giao thông bất cập, hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu giao thông không ổn định,...).

Nên vui hay buồn khi công an khoe, ngay trong ngày đầu tiên thực thi Nghị định 168/2004, công an thu được gần 28 tỉ đồng từ tiền phạt vi phạm giao thông [3] và với kết quả khảo sát về thiệt hại do kẹt xe cách nay vài năm (mỗi năm, kẹt xe khiến TP.HCM tổn thất khoảng 6 tỉ Mỹ kim, Hà Nội tổn thất từ một tỉ đến 1,2 tỉ Mỹ kim [4]) thì thảm họa giao thông do Nghị định 168/2024 tạo ra chỉ vì công an muốn tăng nguồn thu riêng cho ngành nên mừng hay lo cho cơ hội ổn định kinh tế - xã hội? Không chỉ có thế!

Từ khi Nghị định 168 được thực thi, có một số cá nhân không kềm được bất bình nên tiết lộ trên mạng xã hội việc bị công an dựa vào mức phạt vi phạt rất cao để tống tiền: Sai nên bị CSGT chặn lại, giở tài liệu ra dò lỗi, xác định sẽ mất 17 triệu nếu lập biên bản rồi khuyên chấp nhận xử lý nhanh bằng cách chia đôi, nộp một nửa là chín triệu. Nói qua nói lại mất 30 phút. Cuối cùng phải móc hết trong ví được 1.204.000 đồng trao hết cho CSGT. Đúng là cướp cạn! Chia sẻ để mọi người cảnh giác hơn khi đi đứng và nếu có bị bắt nhớ mặc cả vì cướp thì kiểu gì cũng sẽ lấy tiền. Càng yếu bóng vía càng bị mất nhiều tiền. Ai từng bị CSGT bắt sẽ rõ. Đừng kêu gào chửi rủa sao không chịu đóng phạt 17 triệu. Không chỉ mất thêm tiên mà từ đầu đến cuối CSGT chỉ doạ lập biên bản để tạo lợi thế đàm phán và lấy được số tiền nhiều nhất chứ không muốn viết biên bản tạm giữ xe [5]... Những câu chuyện như vừa dẫn lại từ mạng xã hội thật ra không mới. Những câu chuyện kiểu đó đã xuất hiện và vẫn song hành với hoạt động của CSGT nói riêng và công an nói chung, không ai tin CSGT nói riêng và công an nói chung đột nhiên sạch sẽ, liêm chính.

Bởi lạm quyền, nhũng nhiễu là vấn nạn lưu cữu gia tăng bất bình nên năm 2019 Bộ Công an đành ban hành Thông tư 67/2019 TT-BCA, xác định dân chúng có quyền quan sát, theo dõi hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử phạt của CSGT, có thể ghi âm, quay phim và phản ảnh, tố giác, Bộ Công an xác định đó là nỗ lực “thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” [6]. Thông tư 67/2019 TT-BCA đã mở đường cho việc dân chúng phơi bày vô số scandal liên quan đến đủ mọi chiêu trò lạm quyền, nhũng nhiễu của CSGT nói riêng và công an nói chung khiến hình ảnh về lực lượng này càng ngày càng nhếch nhác, thảm hại. Thế rồi tháng 8/2024, ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư đảng CSVN. Chỉ hai tháng sau (tháng 10/2024), Bộ Công an ban hành Thông tư 46/2024 TT-BCA “sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019 TT-BCA”, cấm dân chúng vào “khu vực thực thi công vụ” [7] mà chính xác là cấm lảng vảng ở nơi CSGT làm nhiệm vụ, đồng thời nhờ báo chí nhắc nhở dân chúng rằng theo thông tư mới ban hành, việc ghi âm, quay phim công an sẽ trở thành bất hợp pháp [8].

Có một điểm hết sức khó hiểu là Thông tư 67/2019 TT-BCA (xác định công dân có quyền quan sát, theo dõi toàn bộ hoạt động của CSGT, có thể ghi âm, quay phim, phơi bày các sai phạm) được soạn thảo và ban hành dựa trên Luật Tiếp cận thông tin, Luật Công an nhân dân,... song Thông tư 46/2024 TT-BCA (cấm tất cả những hành động vừa kể) cũng dựa vào các luật ấy! Phải chăng luật không đổi nhưng công an - lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật - có quyền thay đổi ý chí và đổi kiểu nào cũng vẫn ổn, cấm đoán tới mức nào cũng hợp lý, kể cả khi Hiến pháp và nhiều đạo luật đang có hiệu lực tại Việt Nam đồng khẳng định, công dân Việt Nam có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật, chưa kể trước nay ghi âm, quay phim nếu thực hiện đúng các quy định pháp luật vẫn được xem như một trong những hình thức giám sát và chính Bộ Công an thừa nhận kiểu giám sát này. Đó là chưa kể theo Hiến pháp và các quy định khác của luật pháp, hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng còn là nghĩa vụ công dân.

***

“Kỷ nguyên mới”mà ông Tô Lâm, Tổng Bí thư mới của đảng CSVN khởi xướng bắt đầu bằng hàng loạt sắp xếp bất thường về nhân sự, bằng những VBQPPL như Thông tư 46/2024 TT-BCA, Nghị định 168/2024, Nghị định 176/2024,... khiến nhiều triệu người vươn vai do mỏi và rùng mình trước thực trạng không lối thoát trong tổ chức – điều hành giao thông. Còn quá sớm để xác định “kỷ nguyên mới” ấy còn tạo ra những gì nhưng ít nhất có thể thấy, vô pháp và ủng hộ vô điều kiện lợi ích cục bộ là một loại “đạo” và công an đang hành... “đạo”!

Chú thích

[1] https://tuoitre.vn/ly-do-bo-cong-an-de-xuat-trich-85-tien-xu-phat-vi-pham-giao-thong-2024100210100991.htm

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Nghi-dinh-176-2024-ND-CP-quan-ly-kinh-phi-tu-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-an-toan-giao-thong-duong-bo-637930.aspx

[3] https://hanoionline.vn/video/gan-28-ti-ngay-dau-xu-phat-giao-thong-theo-muc-moi-292896.htm

[4] https://doanhnghiephoinhap.vn/ket-xe-un-tac-giao-thong-gay-thiet-hai-kinh-te-rat-lon-92903.html

[5] https://www.threads.net/@davidnguyen368/post/DEwZV-nS1HI?xmt=AQGznOsrDPaFN-BP0n0CwAdmcaNiiVhqsaKHP6d2SgKZFw

[6] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-67-2019-TT-BCA-thuc-hien-dan-chu-trong-cong-tac-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-432631.aspx

[7] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Thong-tu-46-2024-TT-BCA-sua-doi-Thong-tu-67-2019-TT-BCA-thuc-hien-dan-chu-an-toan-giao-thong-626393.aspx

[8] https://thanhnien.vn/bo-cong-an-bo-quy-dinh-ve-giam-sat-csgt-bang-thiet-bi-ghi-am-ghi-hinh-185241005195532717.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment