Sunday, April 13, 2025

Ra sách trắng, Trung Cộng tự ca ngợi đã đem phép màu Cộng sản đến Tây Tạng sau ‘giải phóng’
Tuấn Khanh
13-4-2025
Tiengdan

Cuối tháng 3.2025, Trung Cộng tung ra một sách trắng về Xizang – tức cách gọi của Chính quyền nước này về khu tự trị Tây Tạng, sau khi xâm lược và chiếm đóng nơi này từ năm 1950. Để chứng minh cho “chính nghĩa” Trung Cộng qua hàng thập niên đổ quân xâm lăng, sách trắng giới thiệu sự tiến bộ của khu vực này kể từ năm 2012, mục đích là nhằm phản bác lại các lời tố cáo về việc đàn áp tín ngưỡng, văn hóa mà nhiều nước trên thế giới lên án.

Sách trắng có tiêu đề “Nhân quyền ở Xizang trong Kỷ nguyên Mới” (White Paper: Human Rights in Xizang in the New Era), tài liệu này đã được công bố tại một cuộc họp báo ở Lhasa, thủ phủ của khu vực. Sách nêu đầy những tiến bộ ổn định xã hội, thịnh vượng kinh tế, phát triển văn hóa và hòa hợp tôn giáo, thậm chí miêu tả Xizang là một mô hình tiến bộ nhân quyền ở tây nam Trung Quốc – thậm chí gọi là thiên đường – dĩ nhiên, trong bàn tay của chế độ cộng sản vô thần.

Vấn đề của nhà nước cộng sản, là luôn tự ca ngợi những điều mình làm được qua những con số, và chứng thực bằng những lời phát biểu của một lớp công dân đã thuần hóa. Tsering Tsomo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhân quyền và Dân chủ Tây Tạng (Tibetan Centre for Human Rights and Democracy – TCHRD) nói Bắc Kinh thích chơi trò chiếu đèn pha vào những điểm họ muốn, còn những thứ trong bóng tối, luôn bị che đậy.

Đáp lại sách trắng của chính quyền, TCHRD cũng tung ra tập tài liệu “Nếu Gyalmo Ngulchu – tên một con sông – có thể cảm thấy: Tội ác chống lại loài người ở Driru” (If Gyalmo Ngulchu Could Feel: Crimes Against Humanity in Driru). Driru là một quận, ở khu vực Kham của Đông Tây Tạng, nhưng chính phủ Trung Quốc đã chia ra, gọi là khu vực tự trị của Tây Tạng (TAR).

Vùng Driru là điểm nóng đàn áp nhiều năm nay của Bắc Kinh. Người dân Driru đã không ngừng phản kháng từ năm 1958 đến 2022, đặc biệt là vào năm 1958 và năm 2013 bởi một số lượng lớn người Tây Tạng tập hợp chống lại sự chiếm đóng bất hợp pháp của cộng sản và các chính sách áp bức ở Tây Tạng. Đây là vùng đất luôn bị an ninh Trung Cộng theo sát, người dân luôn bị áp bức, giam giữ, bắt giữ, bị tra tấn và giết. Chỉ trong không gian ba tháng vào năm 2013, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ, tra tấn và giết chết 1.300 người Tây Tạng.

Diễn ngôn về nhân quyền dài 36 trang của Bắc Kinh đưa ra nhấn mạnh sự vinh quang và hy sinh của của chế độ cộng sản, nhằm ‘giải phóng hòa bình’, sau đó thành công trong việc thống nhất và phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ pháp lý cho người dân ở vùng đất của chế độ cũ.

Nhưng sách trắng, cũng không nói hết được chi tiết về những luật lệ mới của nhà cầm quyền đưa ra để bịt miệng người dân, ép buộc tôn giáo phải quy phục đường lối chính trị vô thần, và những đạo luật hà khắc về thuế, tiền phạt… mà người dân ở đó đành phải im lặng chấp nhận.

Báo cáo TCHRD cũng mô tả sự kiện năm 2013, khi chính quyền cai trị buộc dân chúng phải treo cờ Trung Cộng để thể hiện lòng biết ơn với sự giáo dục, chăm sóc sức khỏe, trợ cấp của nhà nước và các cơ hội kinh tế từ nhà nước chiếm đóng, dân chúng đã tức giận cùng nhau ném cờ đỏ xuống sông Gyalmo Ngulchu. Ngay sau đó, các lực lượng an ninh thường phục lẫn sắc phục đã ập đến giam giữ tùy tiện và tra tấn hàng trăm người, thậm chí có báo cáo việc đánh đập đã làm chết người. Vùng này đã bị cô lập an ninh hoàn toàn trong một thời gian dài.

Các vị lạt ma có các hoạt động giảng dạy hay tổ chức từ thiện xã hội luôn luôn bị mật vụ theo dõi và có thể bị bắt giữ bất kỳ lúc nào, khi chính quyền cảm thấy họ có “vấn đề tư tưởng”, không kết nối với giáo hội tay sai do chính quyền dựng nên, thậm chí các vị lạt ma có thể bị biệt giam và giết chết, để cắt đứt với đám đông quần chúng.

Khác với những chỉ số lộng lẫy mà một chính quyền đưa ra để tô hồng cho bộ mặt của mình, Báo cáo của TCHRD cũng tiết lộ sự tàn phá kinh tế xã hội và văn hóa lâu dài gây ra bởi các chính sách này bao gồm sự tách biệt của các gia đình, và giám sát hàng loạt dẫn đến chấn thương tâm lý và phân mảnh xã hội; đàn áp giáo dục ngôn ngữ Tây Tạng, phá hoại bảo tồn văn hóa; dùng lực lượng tuyên truyền mạng xã hội để hủy hoại tinh thần đoàn kết và dân tộc của người Tây Tạng.

Cộng sản hay thích ru ngủ bằng những con số hay những thành tựu tạm thời trong giai đoạn cầm quyền. Nhưng căn bản của chuyện một quốc gia vô thần xâm lược và thao túng một vùng đất có truyền thống tín ngưỡng cao đẹp, có những sự kiện mà không có loại sách trắng nào có thể che đậy được.

Trong cuốn tự truyện Freedom in exile (Tạm dịch: Tự do trong lưu đày) của Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài có kể lại chuyện khi còn thơ ấu, một người Trung Quốc đi tránh nạn đói, dạt về phía Tây Tạng, trên lưng đèo đứa con đã chết vì suy kiệt. Mẹ của ngài Đạt Lai Lạt Ma thấy vậy, thương xót mời vào nhà, cho ăn, và gói ghém thức ăn cho hành trình tiếp theo. Bà cũng ngỏ ý giúp chôn cất đưa trẻ và cầu nguyện cho nó, nhưng người Trung Quốc đó từ chối, mà lý do thật là đoạn đường sau, nếu đói, đứa trẻ đó sẽ là phần lương thực dự trữ. Nghe thì ghê sợ, nhưng nạn đói triền miên ở Trung Hoa đại lục đã dẫn đến chuyện ăn thịt người phổ biến từ những năm 1350, tức thời của Hoàng đế nhà Minh Chu Nguyên Chương.

Nơi ăn thịt người lại đi ‘giải phóng’ vùng đất từ bi và luôn cầu nguyện bình an cho thế giới, là câu chuyện sẽ chẳng có chỉ số nào của sách trắng ngàn đời sau có thể mô tả. Và dù có tự ca ngợi công lao của mình như thế nào, nhà cầm quyền chẳng bao giờ có thể xua được bóng tối của mình ra khỏi từng gương mặt của người dân, nơi mình cầm súng cai trị.

No comments:

Post a Comment