VNTB – CSVN vay Trung Cộng hơn 200 ngàn tỷ đồng xây đường sắt: mở đường rước hoạ vào thân
Dân Trần
21.04.2025 4:48
VNThoibao

Ngày 15/4 Tô Lâm và Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi động cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam – Trung Quốc. Trước đó, ngày 14/4, Trung Cộng và CSVN đã nhất trí tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, thành lập Ủy ban hợp tác đường sắt giữa hai Chính phủ để thúc đẩy hợp tác đường sắt.
Tô Lâm cũng có đề nghị Tập Cận Bình thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông chiến lược, dành những ưu đãi tốt nhất về vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, nỗ lực cao nhất trong triển khai để bảo đảm tiến độ dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ vừa vay vốn của Trung Cộng vừa mời Trung Cộng sang xây dựng tuyến đường sắt này.
Hồi đầu tháng 4, ông Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính làm việc với phía Trung Quốc để đàm phán hiệp định khung để ký hiệp định vay trong tháng 11 ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. (2)
Và từ ngày 19/2, 455/459 Đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu tán thành, thông qua Nghị quyết Về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Với tổng mức đầu tư 203.231 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2030. (3)
Nhắc lại những diễn biến này để thấy rằng cả hệ thống chính trị, từ Quốc hội, tới Chính phủ và Đảng CSVN đều đã thống nhất, “quyết tâm cao” để vay vốn và mời Trung Cộng xây tuyến đường sắt này.
Có hai vấn đề cần nói ở đây, là bẫy nợ và việc “rửa hàng” cho Trung Cộng tuồn vào Mỹ.
Người dân Việt Nam có lẽ chưa quên bài học cay đắng từ tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Một dự án “hợp tác hữu nghị” nhưng kéo dài gần cả thập kỷ, đội vốn lên gần gấp nhiều lần, chất lượng vận hành bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ và kỹ sư Trung Quốc. Chưa kể khoản vay khổng lồ kèm theo những điều kiện ngặt nghèo, khiến chúng ta không khác gì con nợ bị siết cổ bằng chính sợi dây mình tự buộc.
Hay bài học từ tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung. Công trình được khởi công năm 2016, hoạt động từ tháng 10/2021 với hợp đồng ban đầu trị giá 1,2 tỷ USD, sau đó tăng lên 6 tỷ USD. (4)
Lào, một quốc gia nhỏ bé, bị mê hoặc bởi lời hứa phát triển, chấp nhận vay vốn khổng lồ từ Trung Quốc để rồi rơi vào cảnh lỗ nặng, ít khách, không có khả năng trả nợ, và cuối cùng phải chấp nhận bàn giao những phần tài sản công để trừ nợ. Và Lào không phải là ngoại lệ. Hàng chục quốc gia khác, từ châu Phi tới Nam Á, đang dở khóc dở cười vì những “dự án hợp tác” với Trung Quốc – một mô hình đầu tư chỉ thấy lợi cho bên “cho vay”.
Vậy tại sao Việt Nam, một quốc gia đã có đầy đủ bài học từ quá khứ vẫn tiếp tục đặt cược vào một dự án không rõ hiệu quả, và lại đi vay nợ từ chính quốc gia đang vướng vào hàng loạt tranh cãi về “bẫy nợ” khắp toàn cầu?
Hãy nhìn vào thực tế, tuyến đường sắt này về bản chất là con đường huyết mạch giúp Trung Quốc đưa hàng hóa từ vùng Tây Nam ra cảng Hải Phòng, rồi xuất khẩu đi khắp thế giới. Đây không phải là chiến lược hạ tầng của Việt Nam, mà là một phần trong chiến lược xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc. Vấn đề là, từ Lào Cai, Việt Nam có gì để xuất khẩu ngược trở lại? Bao nhiêu phần trăm hàng hóa sẽ là hàng Việt Nam? Hay tuyến đường này chỉ là một “ống dẫn” hàng Trung Quốc đi xuyên qua Việt Nam để lách luật rồi tuồn qua Mỹ và phương Tây?
CSVN thì lập luận rằng đây là cơ hội để cải thiện hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Bắc. Nhưng phải hiểu rằng phát triển kinh tế không thể chỉ dựa vào việc đào đường, xây đường sắt để vận chuyển hàng hóa… cho nước khác. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt nguy cơ phải chịu mức thuế suất khủng khiếp lên đến 46% khi xuất hàng sang Mỹ. Nghĩa là, hàng Việt đang bị siết chặt vì nghi ngờ có sự gian lận thương mại, có dấu hiệu thay đổi xuất xứ từ Trung Quốc.
Đang bị áp lực tăng thuế, mà còn ráng xây thêm tuyến đường sắt để làm công cụ giúp hàng hóa Trung Quốc “hóa kiếp” thành hàng Việt, rồi từ cảng Hải Phòng đi khắp thế giới dưới cái mác “Made in Vietnam”. Vậy chắc chắn Việt Nam không chỉ gánh thêm món nợ khổng lồ, mà còn bị tổn hại nghiêm trọng về uy tín thương mại quốc tế, nguy cơ bị trừng phạt thêm từ các thị trường lớn như Mỹ, EU là rất rõ ràng.
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, nếu nhìn từ góc độ kinh tế quốc gia, không phải là một nhu cầu cấp thiết vào lúc này. Thứ Việt Nam đang cần không phải là con đường để vận chuyển hàng Trung Quốc, mà là hệ sinh thái công nghiệp, công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chính sách bảo vệ hàng Việt. Chúng ta cần đầu tư vào con người, vào công nghệ, vào giáo dục, chứ không phải là cắm đầu ký vay thêm nợ, để rồi 5 năm sau lại kêu lỗ, kêu vướng mắc công nghệ, và lệ thuộc toàn diện vào nhà thầu ngoại quốc.
Phải nhớ rằng bất kỳ sự hợp tác nào với Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng đều cần có cái đầu lạnh và tinh thần cảnh giác cao độ. Trung Quốc chưa bao giờ cho không ai thứ gì. Những dự án “hợp tác” về bản chất là những công cụ để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị, để kiểm soát hạ tầng và buộc các nước phải phục tùng bằng gánh nặng nợ nần.
Không ai phản đối phát triển hạ tầng. Nhưng phát triển phải dựa trên lợi ích quốc gia, dựa vào nhu cầu thực tế và khả năng nội lực. Đừng nhân danh “hợp tác”, “hữu nghị” để che đậy một thương vụ đầy rủi ro, mà hệ quả có thể kéo dài cả thế hệ sau. Việt Nam không thể và không cần phải trở thành “cửa ngõ” cho hàng hóa Trung Quốc đội lốt xuất xứ, để rồi rước lấy rủi ro chính trị, thương mại và nợ nần triền miên. Bài học từ Lào, từ Sri Lanka, từ Kenya, và chính từ Cát Linh – Hà Đông… vẫn còn nóng hổi.
___________________
Tham khảo:
(1) https://laodong.vn/thoi-su/viet-nam-trung-quoc-khoi-dong-co-che-hop-tac-duong-sat-1491716.ldo
No comments:
Post a Comment