Sunday, April 20, 2025

VNTB – Tại sao Việt Nam phải đu dây giữa Mỹ và Tàu?
TS Phạm Đình Bá
19.04.2025 3:07
VNThoibao


(VNTB) – Dù tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Hà Nội vẫn tìm cách duy trì quan hệ với Mỹ và tìm cách giảm thiểu rủi ro bị áp thuế.

 Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4/2025 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang. Trong hai ngày ở Hà Nội, hai nước đã ký 45 thỏa thuận hợp tác, bao gồm chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo, tuần tra biển chung và phát triển đường sắt.

Nổi bật là cam kết của Việt Nam sử dụng các khoản vay từ Trung Quốc để xây dựng tuyến đường sắt trị giá 8,4 tỷ USD nối Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Dù chi tiết khoản vay chưa được công bố, đây là bước tiến lớn trong hội nhập kinh tế song phương.

Tuyên bố chung nhấn mạnh hai bên ủng hộ duy trì chế độ thương mại đa phương do Tổ chức Thương mại Thế giới dẫn dắt. Ông Tập kêu gọi hai nước “phản đối chủ nghĩa đơn phương và bảo vệ ổn định hệ thống thương mại tự do toàn cầu”, ngầm chỉ trích chính sách thuế quan của Mỹ.

Ông Tập cũng khẳng định: “Trung Quốc và Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử… và nên cùng nhau tiến về phía trước”. Việc Việt Nam là điểm đến nước ngoài đầu tiên của ông Tập trong năm 2025 cho thấy Bắc Kinh ưu tiên ổn định quan hệ với láng giềng giữa bối cảnh áp lực bên ngoài gia tăng.

Phản ứng với chuyến thăm của ông Tập, Tổng thống Trump đã phát biểu thẳng thắn tại Nhà Trắng, cho rằng cuộc gặp giữa lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam là nỗ lực “làm khó” Hoa Kỳ.

“Tôi không trách Trung Quốc. Tôi không trách Việt Nam. Tôi thấy họ gặp nhau hôm nay, thật tuyệt vời,” ông Trump nói, rồi thêm: “Đó là một cuộc gặp dễ thương… như thể họ đang tìm cách làm khó Hoa Kỳ.”

Phát biểu này cho thấy sự nghi ngờ sâu sắc trong chính quyền Trump về việc Việt Nam xích lại gần Trung Quốc. Trước đó, ông Trump từng gọi Việt Nam là “tệ hơn cả Trung Quốc” và “gần như là kẻ lạm dụng tệ nhất” về thương mại với Mỹ.

Cố vấn thương mại Peter Navarro cũng cáo buộc Việt Nam là điểm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc, gọi Việt Nam là “gần như thuộc địa của Trung Quốc”, và cho rằng khoảng 1/3 hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ thực chất là hàng Trung Quốc đội lốt để né thuế.

Những nhận định này là một phần lý do khiến ông Trump công bố mức thuế 46% với hàng hóa Việt Nam vào ngày 2/4. Dù việc áp thuế được hoãn 90 ngày để đàm phán, nguy cơ này vẫn phủ bóng lên quan hệ song phương.

Dù tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Hà Nội vẫn tìm cách duy trì quan hệ với Mỹ và tìm cách giảm thiểu rủi ro bị áp thuế. Những động thái này cho thấy Hà Nội đang loay hoay để tìm cách làm việc cân bằng.

Lãnh đạo Hà Nội đã trực tiếp đề nghị ông Trump giảm thuế nhập khẩu hàng Mỹ về 0% nếu Mỹ làm điều tương tự, đồng thời xin trì hoãn áp thuế thêm 45 ngày và mời ông Trump thăm Việt Nam.

Hà Nội cũng cam kết nhiều điều to với Mỹ, bao gồm ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng Trung Quốc, tăng mua khí hóa lỏng và máy bay từ Mỹ để giảm thâm hụt thương mại, hỗ trợ xây dựng khu nghỉ dưỡng golf 1,5 tỷ USD của Tập đoàn Trump gần Hà Nội, và cho phép thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink của Elon Musk.

Những nỗ lực này cho thấy Hà Nội hiểu rõ tính “giao dịch” của chính quyền Mỹ hiện nay, sẵn sàng đáp ứng các lợi ích thực tế của Mỹ. Bộ Công Thương và Hải quan Việt Nam cũng được chỉ đạo siết chặt kiểm soát gian lận thương mại với khởi nguồn từ Trung Hoa và xây dựng kế hoạch giải quyết các quan ngại của Mỹ.

Dù chuyến thăm của ông Tập và các thỏa thuận mới có thể khiến Mỹ lo ngại Việt Nam nghiêng về Trung Quốc, thực tế cho thấy Hà Nội đang cố gắng duy trì thế cân bằng. Đầu tiên, Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào cả Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất (trên 205 tỷ USD năm ngoái), còn Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất (136,6 tỷ USD năm ngoái).

Việt Nam cần nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc cho sản xuất, nhưng cũng không thể thay thế thị trường xuất khẩu Mỹ. Việc Việt Nam sắp xếp chuyến thăm của ông Tập ngay trước đàm phán thương mại với Mỹ cho thấy sự tính toán cân bằng lợi ích với cả hai bên. Việt Nam luôn ráng giữ lập trường độc lập, kể cả với Trung Quốc. Bất đồng trên Biển Đông vẫn tồn tại, nên việc nghiêng hẳn về Trung Quốc là khó xảy ra.

Từ góc nhìn của chính quyền Mỹ, việc Việt Nam ký kết hàng loạt thỏa thuận với Trung Quốc có thể bị xem là dấu hiệu nghiêng về Bắc Kinh. Những gì Mỹ cảm nhận là sự nghiêng về Trung Quốc thực ra chỉ là việc Việt Nam không muốn làm mất lòng bất kỳ bên nào, nhất là trong bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động. Đối với Việt Nam, duy trì thế cân bằng này không chỉ là lựa chọn ngoại giao mà còn là nhu cầu sống còn về kinh tế.

Chính quyền Hà Nội thường tự hào về khả năng ngoại giao khi thì “đu dây” khi thì “cây tre” để tiếp cận đồng thời cả Trung Quốc và Mỹ. Điều mà chính quyền này rất ít nhắc đến là những điểm hạn chế, thách thức và bỏ lỡ cơ hội để xây dựng một đất nước hùng cường như đất nước Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc trong 50 năm qua.

Kinh tế trong nước vẫn dựa nhiều vào lao động giá rẻ, gia công, phụ thuộc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, và tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng thấp của hàng hóa do các hãng đầu tư nước ngoài sản xuất ở Việt Nam. Ngân quỹ chi cho nghiên cứu phát triển, giáo dục đại học, đổi mới sáng tạo còn thấp hơn nhiều so với các nước Hổ châu Á. Doanh nghiệp nội địa yếu, ít doanh nghiệp công nghệ lớn, khó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thể chế kinh tế còn nhiều rào cản, bao gồm quyền sở hữu trí tuệ yếu, môi trường cạnh tranh hạn chế, vai trò nhà nước còn lớn trong các ngành then chốt, tham nhũng và thủ tục hành chính cản trở sáng tạo. Việt Nam đã đạt vài thành tựu về tăng trưởng, nhưng so với các nước Hổ châu Á, Việt Nam chưa tận dụng hết tiềm năng để xây dựng một nền kinh tế sáng tạo, có giá trị gia tăng cao và doanh nghiệp nội địa mạnh.

Một nguyên nhân khách quan về việc Việt Nam chậm phát triển là do xuất phát điểm thấp, hậu quả chiến tranh kéo dài, và cải cách muộn hơn các nước Hổ châu Á gần 20–30 năm. Tuy nhiên, các yếu tố chủ quan như cải cách thể chế chậm, chính sách phát triển doanh nghiệp nội địa và đổi mới sáng tạo chưa đủ mạnh, vẫn là điểm yếu lớn khiến Việt Nam không thể bứt phá như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc.

Tuy Việt Nam chưa “mất” hoàn toàn cơ hội, nhưng đã bỏ lỡ thời điểm vàng để bắt kịp các nước Hổ châu Á về sáng tạo và giá trị gia tăng. Để không tiếp tục tụt lại, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế, tăng đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa vươn lên chuỗi giá trị toàn cầu, và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực chất. Thành công trong 50 năm qua cũng tàm tạm, nhưng để trở thành nền kinh tế mạnh và sáng tạo như các nước Hổ châu Á, Việt Nam cần một chiến lược đột phá hơn trong giai đoạn tới.

No comments:

Post a Comment