Monday, April 21, 2025

Phó Đức An - Vài lời về Chiến tranh thương mại
dimanche 20 avril 2025
Thuymy

Trong khi bom đạn thật đang ầm ầm phát nổ tại Ukraina và Trung Đông, thì Mỹ và Trung Quốc đang bước vào cuộc chiến đầy máu lửa của cuộc chiến thương mại. Ai được ai thua không thể kết luận ngay tại lúc này.

Với tôi, có chiến tranh tức có đổ máu chết chóc, cả hai bên đều hứng chịu thiệt hại, nhưng thiệt hại nhất là người dân. Người dân phải hứng chịu mua những mặt hàng với giá cao hơn và nạn thất nghiệp tràn lan, cổ phiếu mất giá, kinh tế toàn cầu suy sụp…

Trước hết tìm hiểu chiến tranh thương mại là gì? Đang yên đang lành tại sao lại có chiến tranh thương mại?

Chiến tranh thương mại là tình huống mà các nước tham gia vào thương mại quốc tế tìm cách giảm bớt các mặt hàng nhập khẩu cạnh tranh thông qua thuế quan, hạn ngạch hoặc những hạn chế khác đối với hàng nhập khẩu và mở rộng xuất khẩu của mình thông qua các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu nhằm bảo vệ nền kinh tế trong nước trước sự cạnh tranh từ bên ngoài.

Mục đích của Trump là đánh vào nền kinh tế của Trung Quốc, đưa ngành sản xuất về Mỹ, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho dân Mỹ. Trung Quốc tất nhiên không chấp nhận bởi thiệt hại quá lớn mà Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình. Trung Quốc là đối thủ số 1 của Mỹ. Trung Quốc vững mạnh, nhiều tiền, sẽ “nực mỡ”gây ra nhiều điều bất lợi cho Mỹ, sẽ cạnh tranh với quyền lực bá chủ của Mỹ. Các bạn chỉ cần hiểu qua loa như vậy là đủ, khỏi cần hiểu thêm cho nhức đầu!

Chiến tranh thương mại không chỉ đơn thuần là xung đột kinh tế, nó sẽ ảnh hưởng đến cả chính trị và xu hướng toàn cầu. Đây là một cuộc chiến không khói thuốc súng, nhưng từ đó dẫn đến đổ máu và chết người.

Không may cho Trump, lần này gặp phải một tay ngoài mặt trông vẻ hiền như bụt, nhưng lại bướng bỉnh không kém. So với độ chây lì thì Tập Cận Bình có nhiều vốn hơn so với Trump. Tập là nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ Mao Trạch Đông, ông đã bổ nhiệm những người thân cận, loại bỏ những người bất đồng chính kiến ​​và đàn áp những tiếng nói khác nhau thông qua kiểm soát xã hội chặt chẽ.

Tập đã sử dụng sự trẻ hóa của dân tộc Trung Hoa như lời kêu gọi để rèn luyện bản thân trở thành một người đàn ông mạnh mẽ. Các quan chức của Tập có thể huy động tiền nhà nước để ổn định thị trường tài chính Trung Quốc khi thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc vì thuế quan. Nói cho nhanh, Tập tập trung cho mình quyền lực cao nhất, trong túi đầy tiền, ra quyết định không cần bàn bạc, quốc hội quốc em mần chi cho mệt, gật đầu hoặc vẫy tay một phát là có hiệu lực.

Joseph Torigian, phó giáo sư tại Đại học Hoa Kỳ ở Washington, người nghiên cứu về chính trị tinh hoa Trung Quốc, cho biết: "Một điều mà Tập Cận Bình đã làm trong suốt sự nghiệp chính trị của mình là giúp Trung Quốc chống chọi được với tình hình hiện tại". "Ông ấy có lẽ tin rằng hệ thống chính trị của Trung Quốc vượt trội hơn Hoa Kỳ vì nó gắn kết và kỷ luật hơn. Ông ấy có lẽ tin rằng người dân Trung Quốc sẽ hy sinh vì sự nghiệp trẻ hóa đất nước."

Tập Cận Bình đặt tầm nhìn của mình xa hơn. Ông không phải lo lắng về áp lực bầu cử và vì giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch đã bị bãi bỏ vào năm 2018 nên ông có thể giữ chức vụ đó mãi mãi. Trump có áp lực vì phải rời nhiệm sở vào năm 2029 (mặc dù ông đã ám chỉ rằng ông có thể phớt lờ Hiến pháp và tranh cử nhiệm kỳ thứ ba). Vậy nên cứ cho rằng Tập sẽ phải chịu 4 năm gay cấn của Trump thì cũng rất ngắn, bão táp qua rồi trời quang mây tạnh. Tập có bài trong tay ở vấn đề này, còn Trump rõ ràng là bị động.

Ông Tập cũng có thể chỉ ra cho nhân dân Trung Quốc thấy rằng, cuộc chiến thương mại như một sự chứng minh cho lời cảnh báo của ông rằng phương Tây thù địch với Trung Quốc — đó chính xác là lý do tại sao ông theo đuổi một chiến lược an ninh quốc gia toàn diện, hy sinh các nhu cầu khác để xây dựng một quân đội đẳng cấp thế giới.

Quyết định đình chỉ thuế quan đối với tất cả các quốc gia ngoại trừ Trung Quốc của Trump càng củng cố thêm lập luận của ông. Điều này sẽ thực sự giải thoát Tập Cận Bình khỏi trách nhiệm về sự tăng trưởng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc hiện nay. Người dân và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Tập có thêm lá bài này từ Trump, rất có lợi cho Tập vào thời điểm này.

Tập Cận Bình muốn cho thế giới biết rằng sự đe dọa của Trump không có tác dụng với ông. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đang kiên định trước những mối đe dọa mới nhất từ ​​Trump. Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Ba đã lên án Hoa Kỳ vì hành vi "tống tiền" và cho biết Trung Quốc sẽ "cùng chơi đến cùng".

Nhưng đằng sau vẻ ngoài phô trương đó là một loạt thực tế phức tạp hơn, khiến cho Tập Cận Bình khó có thể nhượng bộ đối tác thương mại lớn nhất và là đối thủ chính về ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc về mặt chính trị và kinh tế. Trump cũng từ chối lùi bước, và một cuộc chiến thương mại tàn khốc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể là điều không thể tránh khỏi, với những hậu quả đau đớn của cuộc đối đầu này có thể ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Tập Cận Bình đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: Không thể tỏ ra yếu đuối trước Hoa Kỳ, nhưng phản công có thể khiến chiến tranh thương mại leo thang hơn nữa. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tự mô tả mình là vị cứu tinh của dân tộc, đang trên con đường thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Do đó, Trung Quốc ít có khả năng nhượng bộ trong cuộc chiến với Hoa Kỳ hơn so với các đối tác thương mại khác của Hoa Kỳ như Việt Nam chẳng hạn, vì việc nhượng bộ có thể làm suy yếu tính chính danh của Tập Cận Bình.

Ngay cả khi Tập Cận Bình nhượng bộ trước yêu cầu của Trump và hủy bỏ các mức thuế trả đũa của Trung Quốc, vẫn chưa rõ liệu hai bên có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giúp giảm đáng kể tình trạng mất cân bằng thương mại lớn giữa hai nước hay không. Năm ngoái, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 440 tỉ đô la hàng hóa từ Trung Quốc, gấp hơn ba lần so với 144 tỉ đô la mà Trung Quốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

“Không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến thuế quan, và việc đi ngược lại thế giới sẽ tự cô lập mình”, Tập Cận Bình phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại Bắc Kinh, mà không trực tiếp nêu tên Trump hoặc Hoa Kỳ. Ông nói tiếp: “Trong hơn 70 năm qua, sự phát triển của Trung Quốc luôn dựa trên sự tự lực cánh sinh và gian khổ phấn đấu”. "Tôi không bao giờ trông chờ vào ân huệ của bất kỳ ai và không sợ bất kỳ sự đàn áp vô lý nào." (从不靠谁的恩赐,更不畏惧任何无理打压”. Đây đúng là giọng điệu của hoàng đế Tập Cận Bình.

Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã huy động cả nước cho một cuộc chiến tranh kéo dài. Trong một bài xã luận, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản “Nhân dân Nhật báo” đã so sánh Washington với một băng cướp biển. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đang củng cố hàng ngũ của mình, khi một quan chức kêu gọi xây dựng một "đội quân ngoại giao sắt thép" "trung thành với đảng, dũng cảm chịu trách nhiệm, dám chiến đấu, thiện chiến và kỷ luật nghiêm minh", tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin.

Mao Ninh, phát ngôn viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đăng một đoạn clip trên X trích từ bài phát biểu của Mao Trạch Đông trong Chiến tranh Triều Tiên, mà Trung Quốc gọi là Cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Hoa Kỳ và viện trợ cho Triều Tiên, trong đó Mao nói: "Họ muốn đánh bao lâu thì đánh bao lâu, cho đến khi chúng ta giành được chiến thắng hoàn toàn". Mao Ninh bổ sung thêm một câu: "Chúng tôi là người Trung Quốc, chúng tôi không sợ khiêu khích, chúng tôi sẽ không lùi bước."

Mặc cho truyền thông chính phủ có to mồm đến mấy, thì các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang quằn quại gục ngã. Mặc dù Tập Cận Bình có quyền lực to lớn, ông vẫn không thể tránh khỏi sự bất mãn của công chúng. Trung Quốc chắc chắn sẽ cảm nhận được nỗi đau từ mức thuế quan của Trump, đã lên tới ít nhất 145 % - một con số đáng kinh ngạc có thể gây nguy hiểm cho 400 tỉ đô la xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất của nước này.

Các nhà máy gần trung tâm sản xuất Quảng Châu cung cấp quần áo cho người tiêu dùng Mỹ đã đóng cửa, trong khi chờ đợi quyết định rõ ràng về thuế quan. Nếu tình trạng đóng cửa như vậy tiếp tục lan rộng, chúng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề thất nghiệp của Trung Quốc và khiến các nhà hoạch định chính sách khó phục hồi nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bất động sản và sự sụt giảm niềm tin.

Đối với Tập Cận Bình, phép thử có thể là liệu đảng có giành được sự ủng hộ của người dân và giúp họ gánh chịu mọi nỗi đau kinh tế do chiến tranh thương mại gây ra hay không.

Joseph Torigian cho biết: “Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình có khả năng đàn áp mạnh mẽ để trấn áp những người hoài nghi và có luận điệu cực đoan dân tộc chủ nghĩa để khích lệ những người ủng hộ, thì tình trạng hỗn loạn kinh tế vẫn luôn nguy hiểm vì bạn không bao giờ biết cuộc khủng hoảng sẽ tồi tệ đến mức nào hoặc liệu nó có trở nên tồi tệ hơn hay không”.

Các nhà phân tích cho rằng thực tế kinh tế này cho thấy nếu Trump đề xuất giải pháp cho cuộc chiến thuế quan, Tập có thể sẽ chấp nhận. Trung Quốc tuyên bố không muốn xảy ra chiến tranh thương mại, nhưng các quan chức Trung Quốc khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ có đối xử bình đẳng với Trung Quốc hay không.

Vào thứ năm, Trump đã có giọng điệu nhẹ nhàng hơn với Trung Quốc khi gọi Tập là "một người bạn cũ của tôi". “Chúng ta hãy xem Trung Quốc phản ứng thế nào”, Trump nói. “Chúng tôi hy vọng có thể đạt được thỏa thuận.”

Một phần trong chiến lược của Trung Quốc cũng bao gồm việc tận dụng hậu quả hỗn loạn từ thuế quan của Trump để cố gắng kéo phần còn lại của thế giới ra khỏi quỹ đạo của Washington. Tập Cận Bình có kế hoạch sang thăm Việt Nam và các nước Đông Nam Á, chắc cũng tìm kiếm sự đồng thuận này.

Mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - vốn định hình nên nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21 - đang bị đe dọa. Trong nhiều năm qua, cả hai bên đều được hưởng lợi từ mối quan hệ này. Các công ty Mỹ sử dụng các nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất sản phẩm, điều này kiểm soát giá mà người tiêu dùng Mỹ phải trả và làm tăng lợi nhuận của các công ty lớn của Mỹ. Những gì Trung Quốc đạt được là việc làm và đầu tư, giúp hàng triệu gia đình Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo. Khi sức mua trong nước tăng lên, Trung Quốc cũng mở ra một thị trường lớn và béo bở cho các thương hiệu Mỹ.

Mối quan hệ thương mại đó đã bị thử thách khi Trung Quốc nổi lên như một cường quốc toàn cầu và Hoa Kỳ ngày càng lo ngại về tình trạng dễ bị tổn thương trước sức ép của Trung Quốc về việc tiếp cận các linh kiện và nguyên liệu thô quan trọng đối với công nghệ và sản xuất tiên tiến.

Orville Schell, Giám đốc Arthur Ross của Trung tâm quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc thuộc Hiệp hội Châu Á, cho biết: "Chúng ta đang hướng đến một sự đổ vỡ sâu sắc và thảm khốc trong quan hệ". "Những cấu trúc mà chúng ta đã cẩn thận xây dựng trong vài thập kỷ qua đang bị phá hủy. “

Không rõ bên nào sẽ nhượng bộ trước hoặc liệu hai bên có thể tìm được tiếng nói chung hay không. Nhưng có một điều chắc chắn: Dòng hàng hóa trị giá hàng trăm tỉ đô la giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và hoạt động thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thường xuyên đi qua các quốc gia khác, sắp bị gián đoạn, điều này sẽ gây ra tác động tàn phá đến cả hai nền kinh tế và các đối tác thương mại của họ.

Các nhà kinh tế dự đoán rằng sự gián đoạn trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Trong khi đó, với nền kinh tế sa lầy trong cuộc khủng hoảng nhà ở và lòng tin của người tiêu dùng thấp, Trung Quốc đang phải đối mặt với viễn cảnh chia tay đau đớn với đối tác thương mại lớn nhất của mình, nơi mà Hoa Kỳ nhập khẩu hơn 400 tỉ đô la hàng hóa mỗi năm.

Vậy Việt Nam thì sao? Thách thức và cơ hội của Việt Nam lúc này là gì? Tôi cho rằng, Việt Nam có một cơ hội lớn mở rộng thị trường Trung Quốc. Tất nhiên, không thể phụ thuộc vào một vài thị trường, mà phải đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu tác động từ những biến động đột ngột của thị trường thế giới. Nhưng làm tốt thị trường Trung Quốc là quá tuyệt vời.

Trung Quốc bao năm qua ỷ lại thị trường Mỹ mà coi nhẹ Việt Nam. Bây giờ là lúc mà họ cần mình, cửa sẽ mở rộng hơn, hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội bán rộng rãi và giá cả sẽ đẩy cao hơn tại thị trường này. Còn hàng hóa Trung Quốc cho dù không có chiến tranh thương mại thì vẫn chiếm thị phần lớn ở Việt Nam. Làm thế nào để hai bên cùng có lợi và không bị phụ thuộc quá nhiều, thì cần đến một sự tính toán cẩn trọng và thông minh.

PHÓ ĐỨC AN 13.04.2025

No comments:

Post a Comment