Nói lời phải chăng (Phần 1)Chu Sơn
21-4-2025
Tiengdan
LGT: Bài viết của tác giả Chu Sơn, trò chuyện với tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng nhân ngày 30 tháng 4, đã được thực hiện năm 2010 và đã được đăng tải trước đây, nay tác giả gửi tới Tiếng Dân và nhờ phổ biến phổ biến nhân dịp 50 năm, ngày 30 tháng 4. Bài phỏng vấn khá dài, chúng tôi chia làm nhiều kỳ để đăng. Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:
***
Huỳnh Văn Tòng: Đất nước chưa có độc lập, hòa bình, thống nhất; dân tộc chưa có tự do và hạnh phúc như chúng ta đã mơ tưởng, như đảng Cộng sản đã rêu rao và tiếp tục lảm nhảm. Hết nô lệ Pháp, Mỹ, chúng ta đang nô lệ Tàu. Hết bị áp bức bóc lột bởi chế độ vua quan chuyên chính, chúng ta đang bị đàn áp bóc lột tồi tệ hơn, triệt để hơn bởi bạo quyền lý Toét, xã Xệ, thị Nỡ và Chí Phèo: Đảng Cộng sản. Sau hơn một thế kỷ rưỡi chiến tranh, chết chóc, đọa đày và đổ nát để rồi chúng ta có được ngày nay sao?
***
Lời giới thiệu từ Chu Sơn: Không giẫy nẩy chối từ: Tôi quên, tôi quên… để bày tỏ một thái độ giận dỗi, tuyệt vọng trước những băng hoại, hư đốn cùng cực của guồng máy toàn trị mà mình đã có một thời liên đới. Cũng không nắm bắt cơ hội để gỡ gạc một chút hư danh khi nghe tôi đề nghị cùng nhớ về cái mốc điểm lịch sử đặc biệt ấy (30 tháng 4 năm 1975), tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng buồn rầu và nhỏ nhẹ:
– Ông Chu Sơn muốn gì? Góp thêm một tiếng nói lạc lõng trong các chiến dịch truyền thông định kỳ cứ lặp đi lặp lại hàng năm suốt hơn một phần ba thế kỷ và ngày một nhạt nhẽo, nhàm chán ấy sao? Nếu là như thế thì xin cho tôi được miễn trừ.
Ông thấy đó, tuổi tác và bệnh tật đã làm cơ thể tôi ngày một rã rời, ký ức thì đã sút giảm rất nhiều. Tôi quên vì lý do sức khỏe, chứ không vì giận vì lẫy. Tuy nhiên, nhớ nghĩ và vận dụng nó để làm cái việc chẳng những vô ích mà còn có khả năng đào sâu thêm cái hố chia rẽ, thù hận vốn đã rất to, rất sâu trong đời sống của dân tộc mãi cho đến thời điểm này thì tôi quyết không làm.
Bên này, 30 tháng 4 mới chỉ là mốc điểm của độc lập, thống nhất một cách hình thức và tương đối trên bình diện lãnh thổ.
Bên kia, 30 tháng 4 trở thành ngày quốc hận.
Bên này – Bên kia, 30 tháng 4 là đỉnh của Pyrénées ngày một cao trước những băng hoại đến cùng cực của guồng máy cường quyền đầy tính chất bản năng và hủ bại. Dù chỉ là hạt bụi, tôi cũng không để mình tham dự vào cái quá trình đào sâu, đắp cao sự đổ vỡ tan tác mà đất nước, dân tộc cần phải cấp thiết vượt qua.
Chu Sơn: Tôi đồng ý với anh Tòng về cung cách ứng xử và ý tứ trong những câu, những từ anh vừa nói. Rằng chúng ta không nên làm công cụ tuyên truyền một cách trơ trẽn đầy tính chất xôi thịt vào thời điểm và bối cảnh xã hội tồi tệ này. Nhưng thêm một tiếng nói để làm sáng tỏ hơn các tư liệu đã được phổ biến giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận đầy đủ sự thật lịch sử để đáp ứng nhu cầu chính đáng cho các thế hệ độc giả không phải là người trong cuộc, thiết nghĩ là trách nhiệm không thể chối từ trước khi quá muộn, anh Tòng thấy thế nào?
Huỳnh Văn Tòng: Theo ông Chu Sơn thì chúng ta bắt đầu từ đâu?
Chu Sơn: Bắt đầu từ chính anh, Huỳnh văn Tòng, được không?
Huỳnh Văn Tòng: Này nhé, tôi đề nghị chúng ta bắt đầu từ thành phần – lực lượng chính trị thứ ba. Bởi không bắt đầu từ cái thứ ba ấy, chúng ta đã không gặp nhau. Ông ở tận ngoài Huế, tôi ở bên Tây mới về chưa được bao lâu. Tôi cũng lưu ý ông Chu Sơn một điều là không nên đòi hỏi ở tôi sự mạch lạc, chỉnh chu, sách vở tờ a, tờ b trong tình trạng sức khỏe hiện tại.
Chu Sơn: Đồng ý. Tôi nghe anh đây.
Huỳnh Văn Tòng: Ngay từ lần đầu gặp mặt, năm 1973, tôi và anh đều nhất trí là không có lực lượng chính trị thứ ba, mà chỉ có thành phần chính trị thứ ba. Bởi giữa hai lực lượng tham chiến hung hãn, giàu mạnh là Mỹ – Thiệu và kháng chiến Việt Nam (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và phe Xã hội chủ nghĩa), trong lòng các đô thị miền Nam vào thời điểm ấy (1973) không có một thế lực nào được gọi là lực lượng thứ ba có đủ sức mạnh đóng vai trò trung gian hòa giải như Hiệp định Paris đã đề ra cả.
Bản thân chính trị can thiệp Mỹ không tồn tại trong đầu óc các nhà làm chính sách của tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại giao và Tòa Đại sứ tại Sài Gòn một ý niệm nào về một lực lượng như thế. Các chế độ phụ thuộc từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu lại càng rạch ròi hơn. Không Quốc gia là Cộng sản. Không Cộng sản là Quốc gia. Cộng sản – Quốc gia không đội trời chung. Quốc gia đối với Ngô Đình Diệm là gia đình họ Ngô và đạo Công giáo. Quốc gia đối với Nguyễn Văn Thiệu cũng na ná như thế: Tướng tá cùng phe, cùng đạo.
Từ sau năm 1954, do nhận biết về bản chất của nền văn minh phương Tây, do kinh nghiệm sống dưới chế độ thực dân suốt một trăm năm bị đô hộ, và kinh nghiệm 9 năm kháng chiến dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản độc tài và vô thần, Phật giáo miền Trung – Huế đã làm nòng cốt cho cuộc vận động tự thân của Phật giáo toàn miền Nam với hy vọng hình thành một lực lượng đứng ngoài sự tranh chấp giữa hai phe Tư bản – Cộng sản, Quốc gia – Quốc tế. Phong trào Phật giáo từ năm 1963 đến 1966 biểu hiện cái khuynh hướng thứ ba ấy. Khốn nỗi, lực lượng thứ ba không thành, nhưng khuynh hướng chính trị thứ ba thì thấy rõ.
Tại sao Phật giáo không thể hình thành được lực lượng thứ ba? Vấn đề rất đơn giản: Bởi người Mỹ và đồng minh của họ ở miền Nam không muốn và cũng không có khả năng, bản lĩnh để dung chứa một bộ phận quyền lực như thế. Họ không muốn có bất cứ một vướng bận nào để dễ bề đánh thắng Cộng sản xâm lược. Bằng những mưu mô thủ đoạn và bạo lực vô giới hạn, Mỹ và đồng minh Thiệu – Kỳ đã đánh phá tan nát giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất mới được thành lập từ sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ (1963). Họ đã kéo một bộ phận của Phật giáo thống nhất về phía mình (Thích Tâm Châu và Phật giáo Việt Nam Quốc Tự), đã đẩy một bộ phận khác của Phật giáo thống nhất về phía bên kia (Thích Đôn Hậu và Phật giáo Huế – 1968), cô lập và vô hiệu hóa bộ phận còn lại (Thích Trí Quang và Phật giáo Ấn Quang). Phật giáo không còn là một lực lượng chính trị trong một nhà nước “dân chủ kiểu Mỹ”.
Hoài bảo mà Phật giáo ôm ấp xét trên mặt văn hóa và tư tưởng rất đáng cho chúng ta trân trọng, và các nhà nghiên cứu lịch sử cần quan tâm thích đáng. Bởi đất nước và cả nhân loại cần vượt thoát ra khỏi các cuộc chiến tranh khủng khiếp được thúc đẩy bởi mâu thuẫn quyền lợi giữa các nước lớn và sự khác biệt ý thức hệ giữa các phe khối Tư bản – Công sản và Quốc gia – Quốc tế. Nhưng xét trên phương diện chính trị, lực lượng thứ ba chỉ là một ý tưởng viễn vông, hoàn toàn không có khả năng hình thành và tồn tại.
Sau biến cố tết Mậu Thân, người Mỹ thấy cuộc chiến tranh của họ tại Việt Nam là một bãi lầy. Để rút ra khỏi cái bãi lầy hao người tốn của, chia rẽ dân tộc ấy, chính phủ Mỹ buộc phải đàm phán với đối phương. Kiên trì gần 5 năm ở bàn hội nghị, sử dụng các phương tiện quân sự hiện đại để tiến hành các trận đánh ác liệt và đẫm máu nhất trên cả hai miền Nam – Bắc cũng không khuất phục được đối phương, cuối cùng đành phải chấp nhận một giải pháp do đối phương áp đặt.
Hiệp định Paris được ký kết. Theo đó, Mỹ rút quân, vấn đề miền Nam do người miền Nam quyết định. Miền Nam vào thời điểm sau hiệp định Paris không còn là một quốc gia riêng biệt với ông chủ duy nhất là Việt Nam Cộng Hòa nữa, mà miền Nam chỉ còn là một trong hai phần của lãnh thổ Việt Nam nhất thiết phải được thống nhất sau khi vấn đề miền Nam được quyết định bởi hai chính phủ và ba thành phần, ba lực lượng chính trị có quyền lực ngang nhau để bầu ra một chính phủ Liên hiệp hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Ở trên chúng ta đã nhận định: Vào thời điểm 1973, trước đó và cả sau này, ở miền Nam không hề tồn tại một lực lượng thư ba chính danh. Như thế, chính phủ Liên hiệp ba thành phần ngang nhau chắc chắn không được thành lập, và vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc chỉ là thỏa thuận trên giấy giữa Mỹ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (hiệp định Paris), đồng thời là ước mơ hảo huyền nhưng vô cùng chính đáng của quần chúng nhân dân, là nạn nhân giữa hai chiến tuyến.
Hiệp định Paris, xét cho cùng:
– Đối với Mỹ: Để rút quân và giải kết với Việt Nam Cộng Hòa.
– Đối với các nhà lãnh đạo chiến tranh ở Hà Nội: Để kết thúc cuộc chiến tranh không còn có Mỹ.
– Đối với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa: Là sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ và là cơ hội đẩy mạnh cuộc xâm lược của Cộng sản Bắc Việt. Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tình thế hụt hẫng và hoảng loạn.
Chu Sơn: Theo anh Tòng thì Hà Nội nhìn nhận như thế nào về lực lượng và thành phần chính trị thứ ba?
Huỳnh Văn Tòng: Cũng như Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, đối với Hà Nội không có lực lượng và thành phần chính trị thứ ba. Tất cả chỉ là thủ đoạn chính trị trên bàn hội nghị, cũng như trong tuyên truyền quốc tế và trong vận động chiến tranh tại các thành thị miền Nam. Không khó và không thiếu chứng cớ để chứng minh luận điểm này. Đảng Cộng Sản và chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa từ đầu gọi cuộc chiến tranh này là “cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược”, xem chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chỉ là công cụ của đế quốc Mỹ. Khẩu hiệu là: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Đối với Hà Nội thì Hiệp định Paris là cơ sở pháp lý, là điều kiện thời gian và không gian để “Mỹ cút”, còn “Ngụy nhào” lúc nào tùy thuộc vào:
1/ Nổ lực để sinh tồn của cây tầm gửi (Việt Nam Cộng Hòa) sau khi giá thể là cây cổ thụ (Mỹ) không còn tồn tại. Nhóm từ “không còn tồn tại” ở đây biểu hiện một trong hai, hay cả hai khái niệm tương đối “Mỹ cút”, hay “Mỹ rút”, tùy theo nhận định chủ quan của mỗi bên, mỗi người. Đối với Hà Nội, sau khi ký Hiệp định Paris, Mỹ cút, Ngụy nhào chỉ là vấn đề thời gian.
2/ Hà Nội đã chuẩn bị và tập hợp lực lượng đến đâu để đánh trận cuối cùng, kết thúc chiến tranh?
– Cái khác nhau giữa hai phe (Mỹ – Việt Nam Cộng Hòa và Hà Nội) về vấn đề lực lượng hay thành phần chính trị thứ ba là:
Mỹ không nói đến hay chỉ nói đến qua quít, bất đắc dĩ tại hội nghị và trong biên bản Hiệp định Paris về lực lương – thành phần chính trị thứ ba. Lý do như trước đây tôi (Huỳnh Văn Tòng) đã nói: Trong cuộc chiến tranh (tại Việt Nam) của mình, Mỹ không muốn có, không thấy cần có một thứ gì làm vướng bận tay chân, tâm trí để dễ bề đánh thắng Cộng sản xâm lược. Nhóm Công giáo chống tham nhũng, chống Thiệu do linh mục Trần Hữu Thanh đứng đầu chỉ là giải pháp tình thế, quá chậm và quá khiên cưỡng. Yếu tố thời gian và lập trường chính trị theo Mỹ và hậu thuẫn cho Việt Nam Cộng hòa của nhóm này không đủ để bảo chứng cho lập trường chính trị thứ ba của Mỹ. Vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc đối với Mỹ: Đó không phải là việc “của tau”, mà là của “tụi bay” (Việt Nam) với nhau.
– Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt người đứng đầu Nguyễn Văn Thiệu, trước sau vẫn cương quyết phủ nhận, chửi bới, dọa nạt, đánh phá lực lượng – thành phần chính trị thứ ba. Việt Nam Cộng Hòa của Nguyễn Văn Thiệu xem lực lượng thứ ba là kẻ nội thù tiếp tay cho Cộng sản xâm lược. Tổ chức Nhân dân đòi thi hành hiệp định Paris, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống. Mặt trận cứu đói, Tổ chức đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù, báo Đối Diện và nhóm các linh mục, trí thức Công giáo tiến bộ, Lực lượng hòa giải dân tộc của Phật giáo Ấn Quang, các Tổ chức ký giả đấu tranh cho tự do báo chí, ngôn luận, các Tổ chức sinh viên tranh đấu… đối với Thiệu là những đối tượng nguy hiểm, cần phải khống chế, triệt hạ. Trường hợp Ngô Kha bị thủ tiêu tại Huế là một thí dụ.
– Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xem chiến tranh giải phóng là sự nghiệp của nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Lực lượng – thành phần chính trị thứ ba đối với Hà Nội là cuộc vận động cuối cùng trong phong trào đô thị của phương lược hai chân – ba mũi, ba vùng chiến lược theo như nghị quyết 15. Tại hội đàm Paris, trên những phương tiện truyền thông quốc nội và quốc tế, công tác binh vận, dân vận tại các đô thị miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn, Huế, lực lượng thứ ba, thành phần chính trị thứ ba được cổ xúy, được bơm thổi tối đa, được vận động, được tạo điều kiện, được cung cấp phương tiện vật chất và tinh thần để hình thành và hoạt động.
– Đối với Hà Nội, lực lượng – thành phần chính trị thứ ba chỉ là công cụ, là phương tiện giai đoạn, sẽ triệt tiêu tức thì khi chiến tranh kết thúc.
(Còn tiếp)
Nói lời
phải chăng (phần cuối)
No comments:
Post a Comment