Sunday, April 20, 2025

VNTB – Pháp Môn Chiếu Minh & Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý: Người mù sờ voi
Dương Xuân Lương
20.04.2025 5:05
VNThoibao


(VNTB) – Thánh Đức Tổ Đình, Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi và CQPTGL 171B Cống Quỳnh, Sài Gòn, hô biến ĐĐTKPĐ thành Ngoại giáo công truyền và ghép đôi với Pháp môn là sai lầm có hệ thống, giống như người mù sờ voi.

 Trong khi nhân loại bước vào nền Văn minh điện và điện tử, Đức Cao Đài Thượng Đế dùng cơ bút lập ra Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ), nói tắt là Đạo Cao-Đài, vào năm 1926, để khai mở nền Văn minh Tâm Linh. Tài nguyên và môi trường trong nền Văn minh điện và điện tử phong phú, đa dạng hơn các nền văn minh trước đó như Văn minh nông nghiệp, Văn minh công nghiệp; nên ĐĐTKPĐ có Thể pháp và Bí pháp để hướng dẫn nhơn sanh trên con đường xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do và tiến hóa tâm linh.

Thế nhưng, Thánh Đức Tổ Đình, Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi và Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý (CQPTGL), 171B Cống Quỳnh, Sài Gòn, đã hợp tác để hô biến ĐĐTKPĐ thành Ngoại giáo công truyền vốn là một phần trong hệ thống các tôn giáo thời Văn minh nông nghiệp, Văn minh công nghiệp. Không dừng ở đó, các vị lại ghép đôi ĐĐTKPĐ với Pháp môn do Ngài Ngô Văn Chiêu lập ra. Các vị diễn giải phiến diện về ĐĐTKPĐ, nó giống như người mù sờ voi; làm sai lệch bản sắc của nền Văn minh Tâm Linh.

 

1. Khái niệm về Thể pháp và Bí pháp.

Pháp Chánh Truyền Chú Giải, trang 64, bản 1932: Đạo Cao Đài có thể pháp (ngoại dung) và bí pháp (nội dung).

Đức Hộ Pháp xác định: Đức Chí Tôn dạy khai Thể pháp trước Bí pháp sau…  (Phạm Môn ngày 10-7-1953).

Nguyên lý Tam Kỳ Phổ Độ: Đạo đi từ hữu hình đến vô vi. Hữu hình là Thể pháp sau đó đến vô vi là Bí pháp.

Thể pháp là phần hữu hình, phần biểu tượng thông qua các hình thức như công trình kiến trúc, qui hoạch kiến thiết, tổ chức hành chánh, kinh sách, và nghi lễ… Nó biểu hiện triết lý của đạo về vũ trụ, nhân sinh, và xã hội, đồng thời là phương tiện để người tu hành thực hành niềm tin và đạt được mục đích. Thể pháp tạo nền tảng để lý hội và thực thi Bí pháp.

Bí pháp là phần thụ đắc của mỗi người từ Thể pháp; đó là phần lý hội, cảm thụ, mặc khải ý nghĩa và thông điệp ẩn chứa trong Thể pháp. Nó bao gồm cách thức vận hành, định hướng, và các kế hoạch để thực hiện triết lý tôn giáo, nhằm đạt được mục tiêu tối thượng. Bí pháp mang tính trừu tượng và tinh thần, đòi hỏi người tu hành phải dựa vào Thể pháp để lý hội và ứng dụng.

Thể pháp và Bí pháp hòa quyện nhau như âm dương để dìu dẫn nhơn sanh hay tổ chức đi trên con đường tương đối trong xử thế và xuất thế; cuối cùng là đạt được tôn chỉ của Đại Đạo.

Thượng Đế dạy về Bí pháp cho ĐĐTKPĐ.

Ngày 08-4-1926.

Cao Đài

Lịch con nghe Phật Như Lai nói chưa?

“Tam Kỳ Phổ Độ” là gì?

Là Phổ-Độ lần thứ ba.

Sao gọi là Phổ-Độ? Phổ-Độ nghĩa là gì?

Phổ là bày ra.

Độ là gì? Là cứu chúng sanh.

Muốn trọn hai chữ Phổ-Độ phải làm thế nào?

Chúng sanh là gì? Chúng sanh là toàn cả nhân loại, chớ không phải lựa chọn một phần người, như ý phàm các con tính rối.

Muốn trọn hai chữ Phổ-Độ phải làm thế nào? THẦY hỏi? Phải bày BỬU-PHÁP chớ không đặng giấu nữa. Con phải luyện lại cho thành, nội trong tháng năm nầy về theo Trung đặng di truyền Đạo…  (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển “TNHT” Q 1, bản 1972, trang 13).

Bài này dạy cho cả Ngài Chiêu vì đến 26-4-1926 Ngài Chiêu mới rút lui.

Ngày 17-7-1926, Thượng Đế dạy:

Đại-hỉ! Đại hỉ!

Ngọc-Đầu-Sư khả tu truyền Pháp, thuyết Đạo.

Kẻ nào trai giái đặng mười ngày đổ lên, thọ bửu-pháp đặng.
Chư Môn-đệ phải trai giái. (TNHT Q 1, bản 1972, trang 26)

Pháp Chánh Truyền Chú Giải, bản 1932, trang 13:

… Nhờ Ngài và Hội Thánh cầu khẩn, Thầy đã giáng bút truyền các bí pháp ấy cho Hộ Pháp (2).

(2) Mừng thay cho nhơn loại chút ít rồi. Hội Thánh Chơn Truyền Tân Pháp đã đạt đặng như phép “Giải Oan”, phép “Khai Sanh Môn”, Ban Kim Quan vân vân…, lại còn nhiều bí pháp nữa mà Hộ Pháp chưa có lịnh truyền và lại bị chúng sanh và Hội Thánh còn mờ hồ không nạp dụng. Ngày nay chẳng biết các Đấng Thiêng Liêng là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại Bát Quái Đài đã thọ lịnh của Thầy mà hành Pháp vì thuộc về quyền hành của các Đấng ấy; ngày nay mới tính sao? Trong các bí pháp có cơ mầu nhiệm đắc Đạo, bây giờ các Đấng ấy có cho hay là không? Thảm! … (Cười), nếu Lão có phương chỉnh đốn nền Đạo lại thì đặng, bằng chẳng vậy, thì không có một người đắc Pháp, Cửu Trùng Đài cũng đã yểm quyền Bát Quái Đài mà chớ: Thật vậy đó chút! (Hết trích)

Theo đó, có nhiều bí pháp, việc luyện đạo là một trong các bí pháp.

Đức Hộ Pháp Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, đêm 13-8-Mậu-Tý (16-9-1948).

Nhớ lại, từ khi Đức Chí-Tôn chọn Bần-Đạo làm Hộ-Pháp; dạy Bần-Đạo phò-loan và chấp bút, đặc biệt hơn hết là chấp bút, vì nhờ chấp bút, mà Bần-Đạo được Đức Chí-Tôn dạy cách Tham-Thiền, khi biết Tham-Thiền rồi mới Nhập-Tịnh, … Nhập-Tịnh mà đúng rồi, còn phải nhờ các Đấng Thiêng-Liêng mở Huệ-Quang-Khiếu nữa, mới xuất hồn ra được. Con đường mà Chơn-Thần xuất ra rồi về với Đức Chí-Tôn là con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống đó vậy. Chính Bần-Đạo được Đức Chí-Tôn mở Huệ-Quang-Khiếu nên mới được về hội kiến cùng Đức Chí-Tôn và đã học hỏi được nơi Đức Chí-Tôn nhiều điều bí-yếu bí-trọng. (Hết trích).

Qua bốn trích dẫn từ giáo lý, pháp luật và thực tế chứng tỏ Thượng Đế ban Bí pháp cho ĐĐTKPĐ rất rõ ràng.

2. Pháp môn: Ngoại giáo công truyền và Nội giáo tâm truyền.

Sách Lịch Sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu (LSQPNVC), bản 1996.

Trang 140: Còn một đặc tính nữa, rất quan trọng, là khác hơn xưa, giáo pháp của Ngài bắt đầu từ chỗ hữu-hình mà đi lần lần đến chỗ Vô-Vi trừu tượng: là như thế tín đồ thấu lý diệu ẩn trong phần hữu hình, khỏi lâm vào nẽo sắc tướng, thinh âm.

Cũng như các tôn giáo thửa xưa, trong giáo pháp của Ngài có hai khoa:

1. Khoa CÔNG TRUYỀN TIỆM GIÁO để độ đại chúng lập công bồi đức.

2. Khoa TÂM TRUYỀN ĐỐN GIÁO để dẫn dắt người hữu căn muốn tìm đường siêu xuất. (Nhưng vì qui giới rất gắt gao, nghiêm nhặt nên rất ít được phổ biến)

3. NGOẠI GIÁO CÔNG TRUYỀN.

Khoa giáo pháp công truyền của Ngài có thể phân ra làm 4 phần cho dễ hiểu:

A/ Phần LUÂN LÝ (Ethique).

B/ Phần CHẾ ĐỘ (Régime, Statuts, Discipline).

C/ Phần TRIẾT LÝ (Philosophie)

D/ Phần SIÊU HÌNH hay HUYỀN HỌC. (Hết trích)

Trích đoạn chứng tỏ Ngài Chiêu lập ra Pháp môn.

Trang 148, 149.

4. NỘI GIÁO TÂM TRUYỀN.

Như đã nói ở đoạn trước, khoa tâm truyền để dẫn dắt người hữu căn, chán đời, muốn ly khai thế cuộc tìm đường siêu xuất…

Tóm tắt Tín đồ phải thấu triệt lẽ huyền vi diệu ẩn, phải chính tâm diệt dục, vong kỷ xã thân: kể như mình đã chết chưa chôn.

Vì thế mà từ xưa đến nay, cơ Nội giáo tâm truyền ít được phổ dương trong đồ chúng…. (Hết trích)

Sách LSQP NVC bản năm 1996 bỏ nhiều điều viết trong bản in lần thứ nhất (1932), nên Tôi trích từ bản in năm 1932 cho rộng đường dư luận.

Trang 19: Trước hết nên biết trước rằng Ngài chẳng đồng ý kiến với ông Trung, Tắc và Cư, mà ông Cư lại là đồng tử phò loan mỗi khi có cầu cơ. (Hết trích)

Cơm ngày hai bữa cho tinh,
Sáng lo việc nước chiều trình công phu.
(Trang 39) (Hết Trích)

Trang 39 và 40: Quan Phủ Ngô Văn Chiêu truyền đạo cho tất cả nam nữ lối vài ba chục người mà thôi, …

Trước hết muốn cầu đạo với Ngài phải trường trai, tuyệt dục và phải lập Đại Thệ, Đại nguyện với Đức Thượng Đế. Chừng nào Đức Thượng Đế chứng cho và cho phép Ngài chỉ Đạo thì Ngài mới chỉ. ….

Ngài thường nói với các Đệ Tử của Ngài rằng: Lời Thánh Ngôn ngày trước có dạy bảo, chẳng nên đến chỗ đông người, phận sự phải ở nơi khuất tịch, vắng vẻ cho nhàn thân; ấy là Đạo Vô Vi tức là vô hình. … (Hết trích).

3. Đối chiếu.

Xin đối chiếu 3 vấn đề.

Về nguyên lý và nhiệm kỳ: ĐĐTKPĐ và Pháp môn có cùng một nguyên lý, từ hữu hình đi đến vô vi. ĐĐTKPĐ do Thượng Đế lập có nhiệm kỳ 700.000 năm, Pháp môn do Ngài Chiêu lập có nhiệm kỳ là 1.500 năm. Sự chênh lệch nhiệm kỳ là vô cùng lớn (lấy 1.500 nhân lên 466 lần mới gần bằng 700.000).

Về Thể pháp & Ngoại giáo công truyền.

Thể pháp ĐĐTKPĐ bao gồm kiến trúc, tổ chức hành chánh, kinh sách, và nghi lễ…. Kiến thiết Châu Thành Thánh Địa là thể pháp. Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh là thể pháp của Hội Long Hoa tại thế. Kiến trúc Tòa Thánh Tây Ninh là Thể pháp. Phần thể pháp qua kiến thiết, kiến trúc … là Đạo Pháp hiện hữu, là điểm đặc sắc của ĐĐTKPĐ. Thượng Đế dạy: Chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi cho 700.000 năm.

Ngoại giáo công truyền của Pháp môn: có 4 phần: luân lý, chế độ, triết lý, siêu hình hay huyền học; hầu như gói gọn trong kinh sách … cũng giống như các tôn giáo xưa trong thời văn minh nông nghiệp.

Về Bí pháp & Nội giáo tâm truyền.

Có nhiều Bí pháp trong ĐĐTKPĐ, luyện đạo là một trong những bí pháp; Thượng Đế dạy phải bày ra chứ không được giấu nữa. Trường hợp của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc kể lại cho thấy: Bí pháp thể hiện qua hành động.

Thượng Đế dạy Bí pháp: Muốn trọn hai chữ Phổ-Độ phải làm thế nào? THẦY hỏi? Phải bày BỬU-PHÁP chớ không đặng giấu nữa… và công bố Kẻ nào trai giái đặng mười ngày đổ lên, thọ bửu-pháp đặng.

Bí pháp của pháp môn: Vì thế mà từ xưa đến nay, cơ Nội giáo tâm truyền ít được phổ dương trong đồ chúng …. Quan Phủ Ngô Văn Chiêu truyền đạo cho tất cả nam nữ lối vài ba chục người mà thôi, …

Nhận xét: Thượng Đế nhìn vào sự tiến hóa của nhân loại, nên lập pháp cho ĐĐTKPĐ với đường hướng khác biệt so với các tôn giáo trước đây, nhằm xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do và tiến hóa tâm linh. Trong khi đó, Ngài Chiêu vẫn nhìn nhân loại theo tư duy thời Văn minh Nông nghiệp, tiếp tục theo khuôn khổ các tôn giáo thửa xưa, và dùng khoa tâm truyền để dẫn dắt những người hữu căn, chán đời, mong muốn ly khai thế tục tìm đường siêu xuất

Đức Chúa Jésu dạy: Không ai vá miếng vải mới vào áo cũ vì mảnh vá sẽ chằng rách áo cũ, làm cho chỗ rách càng tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm vậy, bầu sẽ nứt, rượu chảy ra, và bầu bị hỏng. Nhưng người ta đổ rượu mới vào bầu da mới để cả hai được bảo toàn.” (hết trích ý)

Đức Chí Tôn lập nền văn minh mới: Văn minh Tâm Linh, nên dùng danh từ Thể pháp, Bí pháp để truyền tải thông điệp mới, gầy dựng ý thức mới, nhiệm kỳ 700.000 năm. Ngài Chiêu lập Pháp môn Chiếu Minh Tam Thanh Cũng như các tôn giáo thửa xưa, có Ngoại giáo công truyền (Tiệm giáo, Tiệm ngộ) và Nội giáo tâm truyền (Đốn giáo, Đốn ngộ), nhiệm kỳ 1.500 năm. Do vậy bất cứ ai, bất cứ sách nào viết ĐĐTKPĐ là Ngoại giáo công truyền hay Cơ phổ độ, Phái phổ độ, NHÁNH hai; để ghép đôi với Pháp môn là sai sự thật. Đó là người mù sờ voi.

4. Sách Cuộc Đời Đạo Đức Của Ngài Ngô Văn Chiêu.

Năm 2021, Thánh Đức Tổ Đình, Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi và Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 171B Cống Quỳnh Sài Gòn, phát hành sách Cuộc Đời Đạo Đức Của Ngài Ngô Văn Chiêu. Nhà xuất bản Tôn Giáo in.

Trang 108, 109: … Một nhánh vẫn Nội giáo Tâm truyền, nhánh kia vẫn Ngoại giáo Công truyền. Tuy nhiên, ở tự mỗi nhánh đã tiềm ẩn mầm phát triển. Nhánh Một tu theo Vô vi Tâm pháp …. Ngược lại, Nhánh Hai chủ trương Phổ độ Công truyền, …

… Cái tiềm ẩn trong mỗi nhánh trước kia đến giai đoạn này hầu như đã hiện tướng: Cơ Nội giáo Tâm truyền (Nhánh Một) chuẩn bị xuất hiện thêm phần Ngoại giáo và cơ Ngoại giáo Công truyền (Nhánh Hai) hiện rõ phần Nội giáo.

Khoảng thời gian đầu, lúc hai nhánh mới tiếp xúc, Ngài Ngô Văn Chiêu với trách nhiệm là người được Đức Cao Đài thu nhận làm đệ tử trước, Ngài truyền đạt lại tất cả những gì có thể được cho các đạo hữu Nhánh Hai, như: Việc họa hình Thiên Nhãn, kinh kệ, nghi thức lập đàn cơ… (Hết trích).

Tục ngữ có câu Mía sâu có đốt, Nhà dột có nơi. Tôi không bàn về cuộc đời Ngài Chiêu hay cả cuốn sách. Tôi nhận định quan điểm ghép đôi ĐĐTKPĐ với Pháp môn Chiếu Minh Tam Thanh:

1. Thượng Đế lập ra ĐĐTKPĐ với mục tiêu khai mở nền Văn minh Tâm linh, nhiệm kỳ 700.000 năm. Trong khi đó, Pháp môn Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi mang đặc điểm của nền Văn minh Nông nghiệp, với nhiệm kỳ 1.500 năm. Việc ghép đôi hai hệ thống này rồi phân thành Nội giáo Tâm truyền và Ngoại giáo Công truyền là nhận định phiến diện, làm sai lệch bản sắc ĐĐTKPĐ; đó là người mù sờ voi.

2. Quyền lập NHÁNH là của Thượng Đế. Cả 3 thời kỳ Phổ Độ có 4 NHÁNH: Phật, Tiên, Nho và ĐĐTKPĐ (2). Nay quý vị phong tặng Pháp môn do Ngài Chiêu lập ra là NHÁNH một. Quý vị hạ thấp NHÁNH của Thượng Đế lập ra là NHÁNH hai. Đó là các vị tiếm quyền Thượng Đế.

3. … Ngài truyền đạt lại tất cả những gì có thể được cho các đạo hữu Nhánh Hai, như: Việc họa hình Thiên Nhãn, … là sai với sự thật. (3)

Đạo Sử Q 1, trang 93, bản in 1995 viết: Năm 1925 khai Ðạo chưa có Thánh Thất, nên các Ðấng Thiêng Liêng dạy tạm dùng nhà tôi để thờ Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu đặng có nơi cầu cơ dạy Ðạo và dìu dắt nhơn sanh trong buổi đầu tiên là năm 1925. (Hết trích)

Trang 94: Lúc nầy nhà tôi còn ở Sàigòn, Ðức Chí Tôn mở Ðạo trước tại Sàigòn bảo Ðức Thượng Phẩm VẼ THIÊN NHÃN (THÁNH TƯỢNG NHỎ CÒN ĐÓ), … (Hết trích)

Tự mâu thuẩn với sách Lịch Sử Đạo Cao Đài do chính CQPTGL soạn tại trang 43. Chư quý Ông Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư chưa liên lạc với phái Ông Ngô Văn Chiêu, cũng đã thọ lệnh họa Thiên Nhãn mà thờ.” (Trích từ Cao Đài Giáo Sơ Giải của cụ Trần Văn Quế). (4)

Các vị đã lợi dụng Ngài Chiêu để viết sai sự thật.

4/- Thánh Đức Tổ Đình, Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi và CQPTGL 171B Cống Quỳnh SaiGon, mạo danh ĐĐTKPĐ để trên bìa sách. Thế tục còn chê cười việc mạo danh, cớ sao người tu hành lại mạo danh?

Tóm lại, Thánh Đức Tổ Đình, Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi và CQPTGL 171B Cống Quỳnh, Sài Gòn, hô biến ĐĐTKPĐ thành Ngoại giáo công truyền và ghép đôi với Pháp môn là sai lầm có hệ thống, giống như người mù sờ voi. Các vị làm sai lệch bản sắc của nền Văn minh Tâm Linh và xuyên tạc danh thể, giáo lý ĐĐTKPĐ./.

____________________

Tham khảo:

1. https://vietnamthoibao.org/dai-dao-tam-ky-pho-do-va-phap-mon-doc-lap-nhau/

2. https://vietnamthoibao.org/vntb-phep-thu-ve-nhanh-trong-dao-cao-dai/

3. https://vietnamthoibao.org/vntb-hue-khai-khoe-sung-tho/

4. https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2025/04/5799-thuong-e-day-ngai-cao-quynh-cu-ve.html#more

No comments:

Post a Comment