Thursday, January 23, 2025

VNTB – Tại sao Tô Lâm nói chuyện vốn con người?
TS Phạm Đình Bá
24.01.2025 7:04
VNThoibao


(VNTB) – Thể chế độc tài độc đảng toàn trị hiện này không chắc sẽ chịu đựng nổi những đột phá về địa chính trị và công nghệ trong khoảng 5 đến 10 năm tới.

 Theo nhà báo Cảnh Chân trên VNTB, “đừng ngạo nghễ nữa” là phát biểu gần đây của Tô Lâm, khiến nhiều trí thức tỏ ra hào hứng về một tương lai tươi sáng cho Việt Nam. [1]

Ngày 15/01/2025, tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Lâm cắm cúi đọc rõ từng chữ trong bài in sẵn: “…Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; … Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài.” [1]

Theo ông Nguyễn Ngọc Chu trên báo Tiếng Dân, Tô Lâm gần đây phát biểu về “thí điểm mời chuyên gia bên ngoài làm lãnh đạo viện, trường” và có thể theo ông Chu “… đã loại bỏ ‘yêu cầu phải là đảng viên’ trong bổ nhiệm lãnh đạo.” [2]

Thầy Mạc Văn Trang nhận định – “Nay TBT Tô Lâm cũng dám nhìn thẳng vào Sự thật, nói rõ Sự thật, tuy mới ở một lĩnh vực, nhưng cũng thắp lên hy vọng. Sự thật sẽ cứu rỗi chúng ta!”. [1]

Những trao đổi trên gợi lên một số câu hỏi:

– Vốn nhân lực trong nước ra sao?

– Tại sao lại quan tâm đến phát triển nhân lực vào lúc này?

– Có nên tin Tô Lâm quan tâm đến vốn con người không?

– Có hy vọng để thực sự phát triển con người trong tương lai không?

Câu hỏi 1. Vốn nhân lực trong nước ra sao?

Có nhiều khía cạnh của vấn đề nhân lực và những cách trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Hãy thử nhìn một cách tiếp cận về câu hỏi này từ Ngân hàng Thế Giới.

Ngân hàng khuyến khích Việt Nam phát triển nguồn nhân lực bởi vì nhân lực đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế bền vững và chuyển đổi đất nước sang vị thế thu nhập cao. Ngân hàng nhấn mạnh một số khía cạnh của phát triển nguồn nhân lực trong các khuyến nghị bên dưới. [3]

1. Phát triển giáo dục và kỹ năng: Ngân hàng ghi nhận thành công ấn tượng của Việt Nam về kết quả giáo dục và học tập phổ thông, góp phần đưa Việt Nam đạt thứ hạng cao trên Chỉ số Vốn Nhân lực. Tuy nhiên, Ngân hàng khuyến nghị đầu tư hơn nữa vào giáo dục, đặc biệt là vào:

– Mở rộng trình độ giáo dục đại học. Hiện tại, hệ thống đại học đang gặp phải những thiếu sót về cơ cấu, bao gồm thiếu kinh phí, và chiến lược cao cho toàn ngành quá yếu kém.

– Tăng cường cơ sở hạ tầng giáo dục và nghiên cứu STEM – khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

– Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học.

– Cải cách hệ thống giáo dục và dạy nghề để nâng cao kỹ năng lao động và kinh doanh.

2. Nâng cao trình độ của lực lượng lao động: Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, Ngân hàng khuyến nghị Việt Nam nên tập trung vào việc nâng cao trình độ của lực lượng lao động. Điều này rất quan trọng để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh với các nước.

3. Tận dụng nguồn nhân lực cho đổi mới: Ngân hàng khuyến nghị xây dựng năng lực đổi mới quốc gia để hỗ trợ hiện đại hóa nền kinh tế và thích ứng với các động lực toàn cầu đang thay đổi.

4. Điều chỉnh kỹ năng cho phù hợp với nhu cầu thị trường: Cần tập trung phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các ngành sử dụng nhiều vốn và dựa vào công nghệ cao.

Bằng cách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, Ngân hàng mong muốn giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Sự nhấn mạnh vào vốn con người này nhất quán với quan điểm rộng hơn của Ngân hàng rằng đầu tư vào sức khỏe và kỹ năng của con người là trọng tâm của sự phát triển và mang lại lợi ích kinh tế đáng kể.

Việc phát triển nguồn nhân lực cần được định hướng bởi phát triển tổng thể. Ngân hàng gợi ý rằng tăng tiền đầu tư công và sử dụng các nguồn đầu tư công hiệu quả hơn có thể mang lại kích thích kinh tế, đồng thời giải quyết những thiếu hụt trong cơ sở hạ tầng về năng lượng, giao thông và hậu cần. Hơn nữa, để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tập trung thực hiện cải cách cơ cấu sâu hơn. [4]

Câu hỏi 2. Tại sao lại quan tâm đến phát triển nhân lực vào lúc này?

Những tiếng ồn từ Tô Lâm trùng hợp với những sự cố đang xảy ra. Thứ nhất, chính quyền mới nhậm chức ở Mỹ sẽ ưu tiên sản xuất và thương mại trong nội địa nước Mỹ, với việc áp đặt thuế nhập cảng cao với hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc (ví dụ là 60%) và từ các nước khác như Việt Nam (ví dụ là 10%). Thuế quan cao của Mỹ đối với các sản phẩm của Trung Quốc mang lại cơ hội chuyển sản xuất sang Việt Nam. Phản ứng này có thể dẫn đến hai chuyện. [5]  

Kiểu làm Việt Á: Một số công ty chỉ cần nhập sản phẩm từ Trung Quốc vào Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ. Cách làm này gần như không cần lao động hoặc cơ sở sản xuất vì hoạt động này chỉ đơn giản là hoạt động hậu cần, gỡ nhãn hiệu “Làm tại Trung Hoa” và dán nhãn “Làm tại Việt Nam”. Có khả năng rất lớn là những công ty như thế sẽ do những doanh nhân người Hoa dàn dựng và khống chế, vì họ kiểm soát nguồn hàng, họ có nhiều vốn và họ có thể liên kết với cán bộ tham nhũng sâu rộng ở Việt Nam.

Mở rộng sản xuất ở Việt Nam: Các công ty trong nước nhận định ra cơ hội tốt để đáp ứng cơ hội và nhu cầu xuất khẩu sang Mỹ. Họ có thể sẽ đầu tư, phát triển và tăng cường sản xuất và xuất khẩu. Các công ty đa quốc gia, đặc biệt các công ty có hoạt động ở Trung Quốc, có thể tăng cường đầu tư mới vào Việt Nam, xây dựng nhà máy mới cũng như tuyển dụng lao động mới tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam (đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan) sẽ gia tăng sản xuất ở Việt Nam.

Tô Lâm thú nhận sự thật mà dân ai cũng hiểu – công nhân Việt đóng góp khiêm tốn vào các chuỗi giá trị toàn cầu trong hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. So với công nhân các nước, họ tham gia vào những phần ít sử dụng kỹ năng trong chuỗi cung ứng, hay tham gia vào quá trình lắp ráp cuối cùng hoặc cung cấp đầu vào ít sử dụng công nghệ.

Có những sự thật khác mà Tô Lâm không thú nhận. Cơ hội làm ăn bằng cách thay nhãn Tàu sang nhãn Việt để xuất khẩu hàng nhập từ Tàu sang Mỹ là cơ hội béo bở mà những mạng nhện tham nhũng của gia đình tùy tùng trong giai cấp quyền lực sẽ đấu đá nhau dữ dội để tranh giành “chủ quyền” làm thuê cho doanh thương Tàu, kể cả tập đoàn Xuân Cầu từ Hưng Yên. [6]

Cách Tô Lâm nói về nâng cấp năng lực có thể là như chó đái vào cây, như chó sử dụng cây làm “bảng thông báo cộng đồng” để đánh dấu lãnh thổ của mình, truyền đạt sự hiện diện của tập đoàn Xuân Cầu và thiết lập ranh giới cho các mạng nhện tham nhũng khác.

Dân mình đã trải nghiệm những đau khổ của kiểu làm Việt Á. Cách làm ăn cơ hội như thế của “lãnh đạo” đánh mất chủ quyền kinh tế, dẫn đến khuynh loát thị trường trong nước bởi giặc nội xâm cho lợi ích nhóm, biến dân mình thành người làm công cho Tàu trên chính quê hương.

Ngược lại, nâng cấp năng lực góp phần gia tăng sản xuất trong nước để đối phó với những động lực toàn cầu đang thay đổi. Đây là cơ hội để đào luyện kỹ năng của các thế hệ trẻ để đất nước không thụt lùi so với các nước trong khu vực, như Nam Dương và Thái Lan.

Câu hỏi 3. Có nên tin Tô Lâm quan tâm đến vốn con người không?

Nhà báo Cảnh Chân hoài nghi về nhân cách của Tô Lâm. Lâm chỉ đạo những vụ bắt cóc dân xuyên biên giới, như trực tiếp tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức mang về Việt Nam. Lâm tổ chức tấn công đẫm máu vào dân làng Đồng Tâm, giết chết cụ Lê Đình Kình hơn 80 tuổi. Lâm tổ chức bắt giữ khởi tố hàng loạt người dân có tiếng nói phản biện xã hội. Lâm tổ chức triệt phá hàng loạt các tổ chức dân sự xã hội. [7]

Lâm cưỡng ép quốc hội sửa luật căn cước, hộ chiếu nhiều lần, ban hành luật tăng quân số công an. Lâm ăn bò dát vàng ở Anh khi dân thoi thóp trong đại dịch. Nghị định 147 kiểm soát chặt chẽ việc quản lý internet và mạng xã hội, hạn chế quyền tự do ngôn luận và kiểm soát thông tin của dân. Nghị định 168 dẫn đến ùn tắc giao thông khiến dân đi xe kẹt trong các đường phố như bãi đậu xe vẫn nổ máy. Thế thì Lâm có lo cho dân không? [7]

Câu hỏi 4. Có hy vọng để thực sự phát triển con người trong tương lai không?

Bản bên dưới là năng suất lao động, hay tổng sản lượng quốc gia GDP tính theo mỗi giờ làm việc của cư dân các nước trong vùng Đông Nam Á, theo dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế vào năm 2023. Việt Nam xếp hạng với các nước như Cambodia, Myanmar và Lào. Với mỗi giờ làm việc, người Singapore tạo giá trị $73.8 đô la quốc tế (tương đương với đô la Mỹ), bằng năng suất lao động của 7.5 người Việt. [8]

Cambodia$3.8Indonesia$13.5
Myanmar$4.8Thailand$14.7
Laos$9.4Malaysia$25.9
Vietnam$9.8Brunei$49.5
Philippines$10.5Singapore$73.8

 

Dữ liệu trong bản trên thể hiện sự thật mà dân thường nói – “đảng lãnh đạo, dân lãnh đạn”, hay Việt Nam là “xứ Đông Lào”. Những khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới lượt duyệt ở trên đã được đưa ra vào năm 2008, 17 năm trước. Đến nay 2025, 17 năm sau, tình trạng vốn con người và phát triển con người vẫn tồi tệ như cũ.

Độc đảng đã nhiều lần thất bại trong việc thực hiện những khuyến nghị trên trong nhiều thập kỷ. Đảng đặt ưu tiên vào kiểm soát chính trị và lo lắng về việc các thế hệ được giáo dục tốt hơn sẽ đòi hỏi tự do và công bằng xã hội. Rõ ràng là Việt Nam sẽ cần một thể chế chính trị mới để thực hiện thành công những khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới.

Có thể thầy Mạc Văn Trang có hy vọng cho đổi thay. Thế thì có hy vọng gì trong những năm tới?

Trước tiên hãy dành 1 phút để tưởng niệm cụ Lê Đình Kình. Cụ là một trong hàng trăm nghìn nạn nhân của Tô Lâm. Tết năm nay, theo chị Nguyễn Thúy Hạnh, ngôi nhà của cụ vẫn cảnh xưa xơ xác nghèo, vẫn ngôi nhà cũ kỹ rêu mốc, vẫn những gương mặt người lớn đau buồn hằn nét khắc khổ già trước tuổi. [9]

Nhưng tương lai không phải là như vậy. Bắt đầu từ đầu năm nay, đấu trường địa chính trị toàn cầu đang trải qua những biến đổi lớn. Căng thẳng chính trị toàn cầu ngày càng gia tăng, với sự gia tăng các phản ứng tưởng chừng như phi lý và sự thiếu nhất quán trong các quan hệ quốc tế, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở nhiều lãnh vực và khu vực khác nhau, đặc biệt là vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Những chuyện bất ngờ tuy vẫn khó tưởng tượng những năm trước đây có vẻ như dần dần tăng áp suất đến một số điểm sôi và có khả năng bùng nổ.

Những bước đột phá lớn từ máy trí tuệ gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong những năm tới. Đặc biệt là những chuyển đổi trong việc khám phá các cách thức điều trị, chẩn đoán bệnh tật và phát triển thuốc mới, giúp những quá trình này nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn và được cá nhân hóa hơn.

Những tiến bộ trong máy trí tuệ đang thúc đẩy tiến bộ đáng kể trong khoa học vật liệu, dẫn đến các vật liệu và ứng dụng mới trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Những phát triển này đặc biệt có tác động đến khoa học đời sống, điện toán lượng tử và lò phản ứng tổng hợp hạt nhân, hay nhiệt hạch.

Các hệ thống AI hiện có khả năng tích hợp các bộ dữ liệu đa dạng, bao gồm dữ liệu phân tử và văn bản, cung cấp cái nhìn toàn diện về các đặc tính và hành vi của vật liệu. Các phòng thí nghiệm tự lái đang tự động hóa việc tổng hợp, xác nhận và mô tả đặc tính vật liệu, cho phép thử nghiệm 24/7 với chi phí thấp hơn.

Các mô hình AI đang dự đoán cấu trúc và tính chất phân tử, có khả năng tạo ra các vật liệu sinh học mới cho hệ thống phân phối thuốc. Các vật liệu tiên tiến được thiết kế với sự hỗ trợ của AI có thể cải thiện khả năng tương thích sinh học và chức năng trong các mô và cơ quan nhân tạo.

AI cũng đang hỗ trợ việc khám phá các vật liệu có đặc tính lượng tử được cải thiện, cần thiết để xây dựng các cơ cấu ổn định và hiệu quả hơn trong điện toán lượng tử. Trong những năm tới, điện toán lượng tử sẽ đẩy mạnh các khám phá thuốc và vật liệu mới bằng cách giải quyết một số nút thắt mà điện toán hiện nay có nhiều bế tắc.

Khả năng này cho phép các nhà nghiên cứu dự đoán hành vi của phân tử thuốc với độ chính xác cao hơn, hiểu cách thuốc tương tác với protein mục tiêu và mô hình hóa phản ứng hóa học ở cấp độ lượng tử. Những cải tiến này có thể đẩy nhanh đáng kể quá trình phát hiện thuốc và tạo ra các loại thuốc hiệu quả hơn.

Máy tính lượng tử có thể mô phỏng hành vi phức tạp của vật liệu chính xác hơn máy tính cổ điển. Chúng có thể lập mô hình trước sự mất ổn định của vật liệu ở nhiệt độ cao, cho phép điều chỉnh theo thời gian thực để duy trì độ ổn định của phản ứng nhiệt hạch.

Chúng có thể mô phỏng hiệu quả các quá trình nhiệt hạch. Chúng cũng cho phép mô hình hóa vật liệu chính xác hơn ở cấp độ nguyên tử, và dự đoán cách thức vật liệu sẽ hoạt động trong những điều kiện khắc nghiệt thường thấy trong các lò phản ứng nhiệt hạch, chẳng hạn như nhiệt độ cao và bức xạ cường độ cao.

Nhiệt hạch có sức hấp dẫn cao đối với cả cuộc sống con người và môi trường. Lò phản ứng nhiệt hạch sử dụng nguồn nhiên liệu dồi dào chiết xuất từ ​​nước biển, đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng rất lớn. Quá trình này vốn đã an toàn, không có nguy cơ tan chảy hoặc phản ứng lan tỏa, và tạo ra chất thải phóng xạ ở mức tối thiểu. Một số nước đã triển khai các lò nhiệt hạch trong quá trình ban đầu, như Mỹ, Pháp, Nhật và Trung Hoa, cùng những nước khác.

Để tạm kết bài này, về phát triển vốn con người, một số nghề có triển vọng đi lên ở Việt Nam trong xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nghề này thường liên quan đến sản xuất, như chế tạo mạch tích hợp điện tử; máy bơm, máy nén và quạt; máy tính; thiết bị điện tử; thiết bị truyền dẫn cho đài phát thanh, điện thoại và truyền hình; điện thoại; máy vi âm; máy in và bản sao. Đây là những nghề có thu nhập khá cho những công nhân trẻ. [5]

Hy vọng mà thầy Mạc Văn Trang nhắc đến có thể rất khả thi. Với đột phá trong công nghệ, Việt Nam sẽ thụt lùi hơn nữa so với các nước trong khu vực. Trong những năm tới, Việt Nam sẽ có gia tăng GDP mỗi năm, nhưng mức gia tăng GDP tính theo giờ làm việc sẽ thụt giảm so với các nước trong vùng, đặc biệt là Nam Dương. Thực tế tồi tệ trong việc đảng quản trị đất nước sẽ ngày càng rõ nét, hé lộ việc đảng chỉ là dàn dựng chung quanh những mạng nhện tham nhũng, thường xuyên đấu đá cho tiền và quyền.

Việc chuyển đổi sang một Việt Nam tự do và công bằng sẽ đi qua sự phân rã của đảng, có thể trùng hợp với kết quả cuộc cạnh tranh Mỹ Trung. Thể chế độc tài độc đảng toàn trị hiện này không chắc sẽ chịu đựng nổi những đột phá về địa chính trị và công nghệ trong khoảng 5 đến 10 năm tới.

 

_____________________

Tham khảo:

  1. Cảnh Chân. VNTB – Tô Lâm dân túy: biết là có báo cáo láo đó, nhưng không thể sửa. 18/01/2025; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-to-lam-dan-tuy-biet-la-co-bao-cao-lao-do-nhung-khong-the-sua/.
  2. Nguyễn Ngọc Chu. “Thí điểm mời chuyên gia bên ngoài làm lãnh đạo viện, trường” và giải phóng nội lực. 15/01/2025; Available from: https://baotiengdan.com/2025/01/15/thi-diem-moi-chuyen-gia-ben-ngoai-lam-lanh-dao-vien-truong-va-giai-phong-noi-luc/.
  3.  World Bank. Vietnam: Higher Education and Skills for Growth. 06/2008; Available from: https://documents1.worldbank.org/curated/en/439591468338403597/pdf/444280ESW0WHIT1al1July08020081final.pdf.
  4.  World Bank. Viet Nam’s Economy is Forecast to Grow 6.1% in 2024: WB. 26/08/2024; Available from: https://www.worldbank.org/en/news/press-release/2024/08/26/viet-nam-s-economy-is-forecast-to-grow-6-1-in-2024-wb.
  5. Johnson Jr, W.A., Testimony before the US–China Economic and Security Commission. 2009.
  6. Phạm Đình Bá. VNTB – Làm sao định hình, chẩn đoán, tiên lượng và đối phó với các tập đoàn mạng nhện tham nhũng? 25/05/2024; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-lam-sao-dinh-hinh-chan-doan-tien-luong-va-doi-pho-voi-cac-tap-doan-mang-nhen-tham-nhung/.
  7. Đặng Đình Mạnh. VNTB – Tương lai nào cho tân Tổng Bí Thư? 21/07/2024 Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-tuong-lai-nao-cho-tan-tong-bi-thu/.
  8. Wikipedia. List of countries by labour productivity. Đọc ngày 22/01/2025; Available from: https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_labour_productivity.
  9. Nguyễn Thúy Hạnh. Thăm lại thôn Hoành. 21/01/2025; Available from: https://baotiengdan.com/2025/01/21/tham-lai-thon-hoanh/.

No comments:

Post a Comment