Tiểu Vũ - Tại răng một số cha đòi bỏ Tết ta ?jeudi 30 janvier 2025
Thuymy
Chắc ai cũng biết, từ mấy ngàn năm nay người Việt chọn ăn tết theo âm lịch và biến đó thành lễ hội văn hóa lớn nhất trong năm. Sự lựa chọn này vừa mang tính khoa học vừa mang tính văn hóa là có lý do rất rõ ràng chứ không theo kiểu giỡn giỡn được.
Không chỉ người Việt có tết riêng, mà nhiều dân tộc và nền văn hóa khác cũng có tết riêng của họ. Ví dụ người Lào có tết Lào, Thái có tết Thái, Ấn Độ có tết Ấn Độ, người Ả Rập có lễ hội của Ả Rập ; thì người Việt Nam một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến cũng xứng đáng có riêng cho mình một lễ hội lớn nhất trong năm chứ.
Hãy thử tưởng tượng đi, nếu ăn tết theo dương lịch thì những ngày đầu của tháng 1 thường rơi vào khoảng giữa hoặc cuối tháng 11 âm lịch. Đây là thời điểm này miền Trung vẫn còn là cuối mùa đông. Về ngoài nớ ở mới thấy cảnh mưa gió sụt sùi, hoa lá trơ trọi chưa ra chồi nẩy lộc. Tết như như rứa thì cả năm không ngóc đầu lên được.
Thậm chí có năm tháng 1 dương lịch vẫn còn bị mưa lũ áp thấp nhiệt đới tè le hột me chứ chưa yên đâu. Ăn tết kiểu chi đây mấy cha?
Tháng 1 dương lịch cũng là khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch. Đây cũng là thời điểm nông dân tất bật lo giống má xuống đồng cho vụ mới. Có nghĩa là hoa màu và các sản phẩm nông nghiệp rau quả chưa thu hoạch để đem bán thì lấy đâu ra tiền để ăn tết tây đây mấy ông nội?
Hãy thử tưởng tượng nếu ăn tết theo dương lịch thì các nhà sinh vật học, các nhà nông nghiệp phải mất cả thế kỷ hoặc lâu hơn để thay đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo gien các giống cây trồng rau củ quả cho đúng tết.
Các nhà sinh vật học cũng mất cả trăm năm để lai tạo các loài hoa cúc hoa mai, hoa thược dược trổ hoa đúng vào tết dương lịch. Vì theo dương lịch nó lạnh teo bu gi hoa mô chịu nở.
Đồng thời và đúng dịp tết, các nhà khí tượng, thủy nông phải tính đến chuyện chặn dòng phân lũ hoặc kéo đám mây ra biển để lũ không về ngay ngày tết.
"Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về" - Câu hát của cụ Văn Cao sẽ vô nghĩa trong tết theo dương lịch. Vì mùa này còn lạnh teo thì én đâu mà én. Để khắc phục các nhà khoa học phải tìm cách dụ bầy chim én bay về báo hiệu xuân sang vì tháng 1 dương lịch vẫn còn mùa đông, lúc đó lũ chim còn đi tránh đông ở xích đạo chưa chịu về đâu.
Không phải đơn giản mà nhiều nước ở châu Á và ông bà tổ tiên của chúng ta chọn lịch mặt trăng (âm lịch) để căn cứ vào đó tổ chức sản xuất gieo trồng mùa vụ, tổ chức các lễ hội trong năm. Với một nền văn minh nông nghiệp, thì tháng Giêng âm lịch chính là tháng nhàn rỗi nhất để nghỉ ngơi sau một năm bận rộn.
Quy luật này cũng được ca dao nói khá rõ:
Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng ba thì đậu đã già,
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò,
Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm.
Nếu nói một năm ăn tết hai lần sẽ dẫn đến lãng phí tiền bạc thời gian thì tại sao người Hàn Quốc, Mã Lai, Singgapore họ cũng ăn theo Tết âm lịch mà họ giàu sụ ? Nếu nói rằng gộp hai cái tết thành một để tiết kiệm, thì tại sao không lấy tết tây gộp vào tết ta để ăn một lần, hoặc bỏ hẳn tết tây để chỉ mỗi năm chỉ ăn duy nhất tết cổ truyền thôi.
Thôi nha mấy cha nội!
TIỂU VŨ 30.01.2025
No comments:
Post a Comment