Phạm Lan Phương - Bốn ngàn đồng và 500 ngàn đồngvendredi 24 janvier 2025
Thuymy
Anh để lại một người vợ, một con gái 5 tuổi quỳ lạy ảnh của anh trước quan tài.
Cô Thảo sau khi đã nhận gói hàng gồm nước lau sàn, thảm, khăn ướt, trị giá 375.000 đã không chuyển tiền thu hộ lại cho anh. Cô đánh giá anh 1 sao và bắt anh đến xin lỗi mình. Công ty chuyển phát hàng của anh Thành “gọi điện cho chị hỏi lý do, gửi lời xin lỗi và đề nghị rút lại đánh giá để anh Thành không bị phạt 500.000 đồng.” (VnExpress viết).
Nếu giao đơn hàng này suôn sẻ, anh kiếm được 4.000 đồng tiền công. Để kiếm được 4.000 đồng cho đơn hàng này, anh Thành đã hai lần bị đẩy vào thế yếu trong một phương thức làm việc hoàn toàn bất công với người lao động tay trắng.
1. Anh phải thu hộ được tiền từ tay người nhận hàng, nếu không thu được, gần như hàm nghĩa anh sẽ phải đền số tiền này cho bên bán hàng. Anh Thành chỉ là một trường hợp trong hàng ngàn shipper chúng ta đã coi trên mạng, khi những người khách bom 20 ly trà sữa hay 10 hộp cơm.
Ở đây bạn có thể tự hỏi: “Ồ sao lại dại dột nhận một công việc mà lợi thế đàm phán không thuộc về mình, mình nắm dao đằng lưỡi như thế?
Shipper - nghề trong ngành kinh tế gig- dành cho những người vốn đã luôn nắm dao đằng lưỡi và chẳng có quyền thoả thuận gì ngoài việc bào sức khỏe lấy tiền. Đương nhiên (hoặc các cơ quan quản lý lao động xem là đương nhiên), đơn vị tạo ra cái app hay công ty vận tải không cần phải chịu trách nhiệm gì phụ với anh shipper nếu anh bị bom hàng.
Trong nền kinh tế gig thần thánh mà chúng ta vô cùng ca ngợi, những công ty startup hào nhoáng như Grab, Uber, Lyft… đang ngồi trên cổ của người giao hàng vì pháp luật lờ họ đi (như một ưu thế).
2. Công ty chuyển phát trên sẽ phạt anh Thành 500 ngàn nếu khách hàng đánh giá 1 sao. Lần thứ hai, anh Thành nắm thêm một lưỡi dao.
Giả định người nhận hàng vẫn trả đủ tiền nhưng đ*o vui và đánh giá anh một sao, thì dù anh đã hoàn thành nhiệm vụ giao hàng, thu đủ tiền hàng cho bên bán và công ty chuyển phát (nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ lao động, bỏ công sức đi làm). Anh kiếm được bốn ngàn. Sau đó anh sẽ bị trừ 500 ngàn. Túm lại, hôm đó anh sẽ mất 496 nghìn đồng nếu lỡ đi làm và gặp khách hàng hãm tài.
Tới đây chúng ta đều thấy người shipper đã nắm cả hai lưỡi dao cả hai tay, không có gì bảo vệ họ để họ làm việc lương thiện.
Bạn nghĩ gì nếu mình chỉ kiếm được bốn ngàn đồng và bị phạt 500 ngàn đồng? Bạn có thể mưu sinh không?
Nhưng câu hỏi trên nặng mùi đạo đức quá, thôi bạn không cần hỏi. Giờ mình thử tìm xem luật lao động nói gì.
Theo Điều 127, Bộ luật Lao động 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động, và trong đó có cấm “Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.”
Đồng thời Khoản 3, Điều 19, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP cũng ghi rõ nếu công ty thuê người lao động “dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động” thì sẽ bị phạt tiền 20 - 40 triệu đồng nếu họ là chủ lao động cá nhân, nếu họ là công ty, thì công ty sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 40-80 triệu đồng.
Đến đây, tôi không tìm được bài báo nào nêu tên công ty đã thuê anh Thành là shipper là ai trên hầu hết các trang báo tôi đọc. Nếu bạn biết công ty chuyển phát đó là công ty nào, bạn có thể cho tôi biết không?
Tại sao một bên có tác động vô cùng quan trọng đến sinh mạng của người shipper này (mức phạt khốc liệt, gọi điện thoại dỗ dành chị Thảo bỏ đánh giá 1 sao) lại có thể được phép ẩn nấp và vô danh khi vụ án nghiêm trọng và kinh khủng thế này khiến mọi người bàng hoàng?
Tại sao công ty này không phải trả lời trước dư luận rằng nó lấy quyền gì để phạt anh Thành 500 ngàn đồng nếu anh bị đánh giá 1 sao? Tại sao không một tờ báo nào ghi rõ nơi làm việc của anh Trần Thành là ở đâu? Nhà sử dụng lao động đã làm gì để khiến anh đêm hôm phải quay lại đi đòi công bằng vì bị phạt 500 ngàn.
Công ty chuyển phát đã làm sai luật lao động bằng cách phạt tiền người lao động. Hay nó đã tự “làm đúng” bằng cách gọi tên anh Thành là “cộng tác viên”, tức không phải người lao động, không có hợp đồng, không phải nhân viên, phủi tay cực dễ.
Dù anh Trần Thành đã bỏ mạng khi làm shipper trong cơ chế thưởng phạt vô nhân tính của công ty ship hàng, kết hợp cùng bàn tay giết người của nhóm người nhà chị Thảo, và nước mắt mong muốn người yêu và em trai được tha bổng về ăn Tết của chị Thảo, chúng ta vẫn không hiểu vì sao những công ty chuyển phát “kinh tế gig” đang sử dụng người lao động yếu thế nhất trong xã hội để làm giàu cho chính nó, lại có thể tàn nhẫn đến mức ấy.
Và chúng vẫn được phép núp bóng, vô danh, lẩn đi, khi người lao động bị thương tật trên đường tác nghiệp.
Phải giao bao nhiêu đơn hàng anh Thành (nếu còn sống) mới kiếm được một sao trị giá 500 ngàn của chị Thảo?
Là 125 cuốc xe.
Hoặc bỏ mạng.
PHẠM LAN PHƯƠNG 24.01.2025
No comments:
Post a Comment