Saturday, January 25, 2025

Quyền lực nào tại Mỹ có thể đối trọng được với Donald Trump ?
Trọng Thành
Đăng ngày: 24/01/2025 - 15:00
RFI

Tân tổng thống Donald Trump ở thế thượng phong sau cuộc bầu cử tháng 11/2024 vừa qua. Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ do đảng Cộng Hòa của Trump kiểm soát. Sáu trên chín thành viên của Tối Cao Pháp Viện, thuộc phe bảo thủ, trong đó có ba thẩm phán do đích thân Trump bổ nhiệm. Về mặt hình thức, Donald Trump dường như nắm trọn cả ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 23/01/2025. AP - Ben Curtis

Liệu trong nhiệm kỳ 4 năm tới, tổng thống Trump có hoàn toàn rảnh tay hành động ? Liệu có còn đối trọng quyền lực nào đủ sức ngăn cản các tham vọng của tổng thống ?

Hình ảnh gây ấn tượng trong ngày đầu cầm quyền của Trump với toàn thế giới là việc tân tổng thống ngay trong những giờ đầu tiên sau khi nhậm chức, ngày 20/01/2025, ký hàng chục sắc lệnh, trong đó có nhiều sắc lệnh tại một sân vận động ở thủ đô Washington, điều chưa từng có với một tổng thống Mỹ. Sắc lệnh ngăn chặn nhập cư, thúc đẩy trục xuất, xét lại quyền tự động có quốc tịch với những người sinh tại Mỹ, quyền của những người chuyển giới, rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, rút khỏi Hiệp định Paris về khí hậu… Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ tỏ rõ ông sẵn sàng thực thi nhiều điều cam kết với cử tri, và tin tưởng chắc chắn vào khả năng thực hiện những điều này.

Nhiều nhà quan sát chú ý tới là việc tổng thống tái đắc cử Mỹ không ngần ngại tấn công cả vào nhiều điều được coi là nền móng của chế độ chính trị Mỹ, tức các nguyên tắc đã được ghi vào Hiến Pháp, và có hiệu lực từ hơn một thế kỉ rưỡi nay, cho thấy quyết tâm thay đổi triệt để của Trump. Thái độ táo bạo và đầy tự tin của Trump cần được đặt trong bối cảnh « các quyền lực đối trọng giờ đây đã rất suy yếu » tại Mỹ, theo nhận định của nhà sử học André Kaspi, chuyên gia về chính trị Mỹ, trong một bài trả lời phỏng vấn kênh truyền thông của Thượng Viện Pháp – Public Senat.

Biểu hiện rõ nhất cho thấy các quyền lực đối trọng tại Mỹ bị suy yếu mạnh là việc một chính trị gia bị truy tố về tội chống lại Nhà nước đã trở lại nắm quyền. Donald Trump đã thoát khỏi truy tố chỉ bởi đương sự được cử tri Mỹ bầu làm tổng thống và hơn nghìn người ủng hộ tổng thống thất cử trong cuộc bỏ phiếu tháng 11/2020, tấn công Nhà Quốc Hội để hủy bỏ kết quả bầu cử, bị kết án, đã được tổng thống tái đắc cử tha bổng sau khi nhậm chức.

« Những lý do để giữ vững niềm tin vào nền dân chủ »

Tuy nhiên, dù « các quyền lực đối trọng » tại Mỹ có suy yếu, tổng thống Donald Trump vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, do hệ thống chính trị dân chủ và pháp quyền của nước Mỹ. Kênh truyền thông RTBF của cộng đồng Pháp ngữ tại Bỉ dẫn lại các nhận định đáng chú ý của chuyên gia về luật pháp Mỹ, Benoit Frydman, giáo sư trường Đại học Tự do Bruxelles ULB. Chuyên gia Benoit Frydman, trong bài « Donald Trump phải chăng là một tổng thống không quyền lực đối trọng ? Hai lý do để giữ vững niềm tin vào nền dân chủ », nhấn mạnh đến hai yếu tố nặng ký khiến Donald Trump không dễ dàng làm mưa làm gió trong nửa đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống bốn năm.

Yếu tố thứ nhất là chế độ liên bang Mỹ. Theo chuyên gia Benoit Frydman, « đừng bao giờ nên quên rằng Mỹ là một chính quyền liên bang. Nước Mỹ cũng tương tự như Liên Hiệp Châu Âu (với 27 quốc gia thành viên). Các bang có quyền hạn lớn, và rất nhiều bang, như New York và California, không phải do phe Trump kiểm soát. Đây là một yếu tố giới hạn rất mạnh quyền lực của tổng thống Mỹ trong lịch sử ».

Yếu tố đối trọng quyền lực thứ hai là các cuộc bầu cử Hạ Viện và một phần Thượng Viện Mỹ diễn ra hai năm một lần. Việc Donald Trump, trong nhiệm kỳ đầu tiên, mất Hạ Viện và Thượng Viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ cho thấy không có gì chắc chắn với đương kim tổng thống trong thời gian cầm quyền hai năm tới.

Việc đảng Cộng Hòa chỉ có được một đa số rất sít sao tại Hạ Viện, và không đủ đa số 60/100 ghế tại Thượng Viện cũng cho thấy trước là tổng thống Donald Trump sẽ không hề dễ dàng trong việc thông qua được các đạo luật được coi là phức tạp và quan trọng tại Quốc Hội. Tại Hạ Viện, đảng Cộng Hòa có 220 ghế so với 215 ghế của bên Dân Chủ. Tuy nhiên, hai dân biểu Cộng Hòa tuyên bố rút lui, và sắp tới có thể thêm một người thứ ba. Chuyên gia về chính trị học Mark Peterson, Đại học California, ở Los Angeles, trong một bài viết trên BBC, ghi nhận đây là khoảng chênh lệnh « sít sao nhất trong lịch sử hiện đại ».

Cho dù đảng Cộng Hòa có xu hướng hành động thống nhất, nhưng khó lòng đoàn kết về những vấn đề phức tạp. Theo kinh tế gia John Cochraen, thuộc Viện Hoover theo xu thế bảo thủ, vấn đề căn bản nhất là xem xét tổng thống Trump sẽ làm cách nào để có thể hóa giải được các căng thẳng giữa hai thế lực lớn nhất trong nội bộ Cộng Hòa, thế lực ủng hộ giới doanh nhân, và thế lực chủ trương chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, vốn ưu tiên các vấn đề như kiểm soát biên giới và đối đầu với Trung Quốc.

Theo giới quan sát, ngoài các quyền lực đối trọng của hệ thống Liên bang và trong lập pháp, đương kim tổng thống Mỹ cũng không thể nào làm mưa làm gió trong một xã hội mà nền tư pháp vẫn còn duy trì được mức độ độc lập cao. Tòa án Tối cao, cho dù với hai phần ba thành viên thuộc phe bảo thủ, cũng đã cho thấy sẵn sàng bác bỏ các đòi hỏi vi hiến của tổng thống Trump trong nhiệm kỳ trước, như các tấn công nhắm vào nhiều quyền của người đồng tính, chuyển giới LGBT hay một số nội dung trong đạo luật bảo hiểm y tế Obamacare. Chưa kể đến việc các phương tiện truyền thông có tính độc lập cao tại Mỹ, và xã hội dân sự, với phân nửa cử tri không ủng hộ Donald Trump.

No comments:

Post a Comment