“Chánh trị”: Sự lựa chọn không thể né tránhVũ Đức Khanh
24-1-2025
Tiengdan
Trong xã hội, nhiều người vẫn thường nghĩ rằng “chánh trị” là một khái niệm xa vời, chỉ liên quan đến những người tranh giành quyền lực, giữ chức vụ hoặc các cuộc đấu đá ở tầng lớp lãnh đạo.
Nhưng thực tế, chánh trị không chỉ là chuyện của các chánh trị gia hay những người trong bộ máy cầm quyền. Chánh trị là cuộc sống của mỗi người, bởi nó bao trùm mọi khía cạnh đời sống: Từ giá cả thực phẩm chúng ta mua hàng ngày, hệ thống giáo dục mà con cái chúng ta theo học, cho đến những con đường chúng ta đi qua và chất lượng dịch vụ y tế khi ta cần.
Chánh trị, ở ý nghĩa rộng lớn nhất, là việc chúng ta định hình xã hội mà mình đang sống và lựa chọn di sản sẽ để lại cho thế hệ mai sau.
Trong một chế độ độc tài như ở Việt Nam, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc “làm chánh trị” càng trở nên cấp thiết.
Chánh trị bao trùm mọi mặt của cuộc sống
Chánh trị không chỉ là những quyết định lớn về chiến tranh hay hòa bình, mà còn là những điều rất nhỏ nhặt và thường nhật.
Khi giá cả thực phẩm tăng cao, đó là chánh trị. Khi con đường đến trường của trẻ em bị xuống cấp vì tham nhũng và thiếu ngân sách, đó là chánh trị. Khi bạn phải xếp hàng dài trong bệnh viện công hoặc trả những khoản phí ngoài luồng để được chữa bệnh, đó là chánh trị.
Chánh trị là lựa chọn về cách chúng ta muốn sống: chúng ta muốn có một xã hội công bằng, nơi mọi người được tiếp cận y tế và giáo dục chất lượng, hay một xã hội nơi bất công ngự trị và đặc quyền chỉ thuộc về một số ít?
Chánh trị là cách chúng ta đối mặt với các vấn đề như phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thúc đẩy khoa học kỹ thuật, và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Mỗi hành động, hoặc thậm chí sự im lặng, đều là một thái độ chánh trị. Khi chúng ta chấp nhận bất công mà không phản kháng, đó là một lựa chọn chánh trị. Khi chúng ta bỏ qua quyền lên tiếng của mình, đó cũng là chánh trị.
“Làm chánh trị” là trách nhiệm của mọi công dân
Trong bối cảnh của một chế độ độc tài, việc tham gia chánh trị càng trở nên quan trọng.
Chế độ độc tài thường dựa vào sự thờ ơ, sợ hãi, hoặc cam chịu của người dân để duy trì quyền lực.
Nhưng nếu mỗi người dân hiểu rằng chánh trị không phải chuyện của người khác, mà là trách nhiệm và quyền lợi của chính mình, thì sự thay đổi mới có thể xảy ra.
“Làm chánh trị” không nhất thiết là tranh cử hay đứng đầu một tổ chức.
Đó có thể là việc tham gia các cuộc thảo luận, lên tiếng về bất công, ủng hộ những phong trào xã hội tích cực, hoặc đơn giản là hành động với tư duy có trách nhiệm.
Chánh trị không cần những khẩu hiệu lớn lao; nó cần những lựa chọn nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, như việc bảo vệ quyền tự do biểu đạt, đấu tranh chống tham nhũng, và đòi hỏi sự minh bạch từ những người cầm quyền.
Chúng ta không thể trốn tránh chánh trị
Không tham gia chánh trị không có nghĩa là chúng ta thoát khỏi nó.
Chánh trị vẫn tác động lên cuộc sống của chúng ta từng giây từng phút.
Khi chúng ta không hành động, người khác sẽ định đoạt thay cho chúng ta – và thường thì đó là những người ít quan tâm đến lợi ích chung.
Trong một chế độ độc tài, sự im lặng của người dân chính là cái gật đầu đồng ý với bất công và áp bức.
Nhưng khi chúng ta hiểu rằng chánh trị chính là quyền được chọn – chọn cách sống, chọn giá trị để bảo vệ, chọn con đường cho thế hệ tương lai – thì chúng ta có thể biến thái độ bất lực thành sức mạnh thay đổi.
Chánh trị là hành trình vì tương lai
Lựa chọn của chúng ta hôm nay sẽ định hình xã hội mà con cháu chúng ta thừa hưởng.
Chúng ta muốn để lại di sản gì? Một đất nước bị bóp nghẹt bởi độc tài và bất công, hay một Việt Nam tự do, dân chủ, và thịnh vượng?
Chánh trị là quan điểm của lựa chọn, và mỗi lựa chọn của chúng ta, dù nhỏ bé, đều góp phần vào bức tranh lớn.
Vì vậy, đừng né tránh chánh trị. Hãy tham gia, lên tiếng, hành động – không chỉ vì bản thân mà còn vì tương lai của dân tộc.
No comments:
Post a Comment