Trở lại quê nhà (Bài 6): Xã hội công dânNguyễn Thọ
23-1-2025
Tiengdan
Tiếp theo bài 1 — bài 2 — bài 3 — bài 4 và bài 5
Vì không quen nhìn cuộc đời qua báo chí, mà muốn cảm nhận qua thực tế nên tôi tìm mọi cơ hội tiếp xúc với những người hàng xóm, với các chị bán rau, các cậu xe ôm, tài xế taxi. Họ đã giúp tôi hiểu hơn những gì đang xảy ra.
Dễ nhận thấy là các loại xe máy, xe ô tô điện VinFast chạy nhiều trên đường, chủ yếu là chở khách. Không những ở Hà Nội, Sài Gòn mà ở Ba đồn, Đồng Hới, Quảng Trị, Huế hay Quy Nhơn đâu đâu cũng thấy chúng. Một số người sau khi lái thuê đã tự mua xe để chạy cho hãng taxi Xanh SM. Nhiều tài xế xe Grab cũng mua xe điện VF34 hay VF5 để chạy.
Khi tôi hỏi về những video clips xe VinFast bị gãy trục bánh trước, bị mất kiểm soát, họ đều nói là cũng có xem, nhưng họ chưa bị. Một tài xế tốt nghiệp đại học nói là giá điện rẻ nên chi phí điện chỉ bằng 1/3 giá mua xăng. Nếu giá điện vẫn giữ ở mức dưới 4.000/Kwh thì chỉ hai năm là cậu lấy lại vốn.
– Xe điện Tầu cũng rẻ mà sao không thấy chạy trên đường? Tôi hỏi.
– Không có cửa bác ạ, chúng không xạc được ở các trạm xạc của Vin. Ở Việt Nam cái gì chẳng Vin hả bác (cười).
Rồi cậu nói tiếp: Giá như cái gì mình cũng làm trái khoáy đi tí là khỏi lo bị họ đè.
– Giá cháu vào Bộ chính trị thì hay đấy.
– Cũng không có cửa bác ạ, may ra thì cho anh Vượng, hì hì.
Thì ra thế, chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam bắt nguồn từ mỳ ăn liền, sang bất động sản và nay đã tiến vào công nghiệp, nhờ gắn kết với nền chính trị. Khi tôi kể về ngôi nhà khủng 24 Quang Trung – Hà Nội trong bài trước, có bạn cho biết ngôi nhà đó tuy trên nóc vẫn sừng sững dòng chữ “Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia – Sự Thật” nhưng hiện do một đại gia sở hữu mà đại gia này từng là vụ phó của chính quyền.
Mối liên hệ chằng chịt đó đã góp phần dẫn đến những thay đổi hôm nay.
***
Anh Nguyễn Quang A cũng chia sẻ suy nghĩ của tôi. Anh nói thêm: Cứ cái gì làm lợi cho đất nước, cải thiện đời sống của dân mình thì đều đáng ủng hộ.
Năm 2018, trong khi nhiều người phản đối hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (VEFTA) vì các lý do nhân quyền thì anh lên tiếng ủng hộ hiệp định này. Theo anh, càng hội nhập sâu vào thế giới văn minh, Việt Nam càng thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Với tôi, anh là một đàn anh đúng nghĩa. Từ thời anh làm sếp công ty Genpacific cuối những năm 1980 tôi đã phục anh sát đất về kiến thức điện tử và khả năng kinh doanh. Sau này tôi càng ngưỡng mộ anh khi anh đứng ra kêu gọi cho một xã hội dân sự ở Việt Nam. Trước những thay đổi hiện nay, anh tạo kênh Youtube “Ý vụn – Nguyễn Quang A” [1] để chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi dân chủ và những bài học lịch sử từ các nước đã thành công hoặc thất bại.
Anh luôn nhìn nhận các hiện tượng chính trị bằng con mắt của một người tử tế. Nói về cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraina, anh không bàn đến các yếu tố địa chính trị hay lịch sử mà một số người viện dẫn. Anh coi đó là vấn đề đạo đức. Anh không bàn về các chính sách kinh tế, môi trường hay di dân, mà nói ngay về bản chất bất nhân, độc ác của tổng thống Trump. Rất rõ ràng.
Là một doanh nhân thành đạt, một trí thức yêu nước, anh chỉ mong muốn Việt Nam hội nhập tốt vào nền văn minh nhân loại và một trong những bước đi là xây dựng một xã hội dân sự (Civil society).
Civil Society, còn gọi là “Xã hội Công dân”, tạo điều kiện cho công dân phát huy trách nhiệm với xã hội và với những người khác, thể hiện qua hoạt động ở các câu lạc bộ, tổ chức v.v.. Tuy đứng ngoài nhà nước, nhưng xã hội dân sự tạo thành một cột trụ vững vàng đỡ cho nhà nước rất nhiều việc, từ các công tác từ thiện, giúp đỡ hoạn nạn khai sáng dân trí v.v.. Chính phủ đứng bên cạnh xã hội dân sự sẽ không bao giờ lo ngại rằng những phản ứng của dân mình đối với quốc gia khác bị coi là chính sách đối ngoại của mình. Những cuộc biểu tình của thanh niên Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải sẽ trở nên bình thường trong một xã hội dân sự. Nữ hoàng Anh vui vẻ đón tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi dân London biểu tình phản đối ông ta ầm ầm ngoài đường. Đó là nhờ vai trò của xã hội công dân. Với một xã hội dân sự như vậy, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ không bị quá tải vì luôn phải thay mặt nhà nước lên tiếng về các vấn đề Biển Đông.
Câu chuyện Hội Nghề cá cho thấy chính quyền đã hiểu rõ vai trò của các tổ chức phi chính phủ NGO. Trong thời gian qua, một số NGO’s thực sự đã hoạt động có hiệu quả. Khu nông nghiệp sinh thái HEPA (human-ecology-practical-area) [2] của chị Trần Thị Lành ở Hà Tĩnh là một ví dụ. Chị không chỉ giúp nông dân lý thuyết và thực hành bảo vệ môi trường, chống lại các chính sách kinh tế sai lầm, mà còn là một cái cầu nối rất quan trọng giữa nhà nước và các tổ chức quốc tế kinh doanh chứng chỉ carbon (Tín chỉ carbon). Chị gặp vô vàn khó khăn trong việc vận động quan chức các cấp phát triển rừng tự nhiên. Một phần vì họ thiếu kiến thức, một phần bi chi phối bởi các lợi ích cá nhân khác nhau.
Trong nhiều năm qua vì mải chạy theo thành tích phủ xanh rừng và xóa đói giảm nghèo nên người ta chỉ chú trọng trồng cây công nghiệp đơn canh với những hậu quả thảm khốc cho thiên nhiên và con người. Nay khi biết rằng tín chỉ carbon chỉ trao cho những diện tích rừng tự nhiên được quốc tế công nhận, thông qua NGO địa phương, người ta cần chị vì hy vọng kéo được hàng tỷ USD về nước. Nhưng điều đó không dễ khi nhận thức chỉ vì lợi nhuận. Chị bảo: Nếu chỉ để cho người nông dân được hưởng 5USD/tấn carbon [3] thì hàng triệu hecta rừng tự nhiên sẽ mọc lên mà không phải hò hét gì cả. Để đạt được điều đó, còn là một chặng đường gian nan.
Nỗi sợ vô lý của nhà nước về một xã hội dân sự khiến các tổ chức độc lập gặp muôn vàn khó khăn. Nhà thơ Hoàng Hưng, giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Dũng, những người vận động thành lập “Văn đoàn Độc Lập” vẫn bị sách nhiễu. Anh Hoàng Dũng bị thẩm vẫn về kiến nghị đòi trả tự do cho nhà báo Huy Đức. Mới hôm 19.01 vừa rồi người ta vẫn gọi điện nhắc anh Hoàng Hưng không được đi tưởng niệm ngày Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa.
Trong bối cảnh chi phí cho các hội đoàn ký sinh đang bị cắt giảm, nhiều cơ quan, đài báo không hiệu quả bị đóng cửa khiến rất nhiều lực lượng tinh tú bị thất nghiệp thì các hội đoàn độc lập sẽ tạo thêm nhiều môi trường lành mạnh cho những người có năng lực, góp phần cải thiện xã hội, há chi phải lo ngại.
Cũng như anh Nguyễn Quang A, dù sao anh Hưng và anh Dũng đều nhìn thấy những chỉ dấu tích cực trong các chuyển biến hiện nay.
Bình luận về phát biểu gần đây của ông Tổng bí thư “Chúng ta đang ngộ nhận, tự huyễn hoặc, tự ru mình” trước các thành tựu kinh tế được tung hô, anh Quang A kêu gọi: Hãy đưa nhận thức này vào lĩnh vực nhân quyền và dân chủ!
(Còn tiếp)
[1] https://www.youtube.com/@YvunNguyenQuangA
[2] https://baotainguyenmoitruong.vn/rung-goi-mua-ve-369794.html
[3] https://carbonpricingdashboard.worldbank.org/…/instrume…
No comments:
Post a Comment