Friday, January 24, 2025

Chính sách đối ngoại Trump 2.0: Từ « America First » đến « Hòa bình thông qua sức mạnh »
Minh Anh
Đăng ngày: 23/01/2025 - 15:11
RFI

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử và ngay cả sau khi đắc cử, Donald Trump đã cam kết trở lại với chính sách « hòa bình thông qua sức mạnh ». Tuy nhiên, đối diện với những giới hạn thực sự cho quyền lực toàn cầu của Washington, cánh hữu Hoa Kỳ đang phát triển những ý tưởng mới để phục hồi chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Nhiệm kỳ hai của Donald Trump sẽ thử thách chính sách đối ngoại này trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phó tổng thống Mỹ J.D Vance tại lễ cầu nguyện ở nhà thờ quốc gia Washington, Hoa Kỳ, ngày 21/01/2025. AFP - JIM WATSON

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, nhà tỷ phú Mỹ Donald Trump đã chỉ trích gay gắt chính sách đối ngoại của chính quyền đảng Dân Chủ, đả kích tổng thống Joe Biden là « bất tài » và các cố vấn của ông là « những thằng hề » không được bất kỳ ai tôn trọng. Donald Trump cáo buộc rằng chính sự yếu kém của họ đã lôi kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến thế giới thứ ba.

Ba xu hướng an ninh quốc gia

Thay cho khẩu hiệu của Joe Biden là « Nước Mỹ đã trở lại », Donald Trump chọn « Hòa bình thông qua sức mạnh ». Một khẩu hiệu được lấy cảm hứng từ trong lịch sử quân sự thời La Mã Cổ Đại thế kỷ IV với câu châm ngôn nổi tiếng : « Si vis pacem, parabellum », nghĩa là « Nếu muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh ». Theo đó, nhà tỷ phú Mỹ cam kết « một quân đội hùng mạnh » cho nước Mỹ và chấm dứt các cuộc chiến.

Nếu như giới quan sát tại Pháp cũng như ở châu Âu dự báo sự trở lại của chủ nghĩa biệt lập Mỹ cùng với những tuyên bố ầm ĩ gây bất ngờ của tân chủ nhân Nhà Trắng, hay nguy cơ Mỹ bỏ rơi các đồng minh, thì theo một nghiên cứu của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, chính sách đối ngoại của tổng thống Trump phức tạp hơn nhiều, chứ không đơn thuần mang tính chủ nghĩa biệt lập « Nước Mỹ trên hết ».

Cụ thể, trong nội bộ đảng Cộng Hòa có ba nhóm an ninh quốc gia đang cạnh tranh với nhau : « Những người kiềm chế - Restrainers » - phần lớn đặt Nước Mỹ trên hết ; « nhóm chủ trương ưu tiên - Prioritisers » muốn tập trung đối phó với Trung Quốc, và cuối cùng, những người theo « chủ nghĩa bảo thủ - Primacists », vốn dĩ theo trường phái cũ, muốn thể hiện sức mạnh của Mỹ ra toàn thế giới . Nhóm này chiếm một vị trí đáng kể tại Thượng Viện. Hai nhóm đầu tiên có cùng quan điểm là muốn giao phó toàn bộ vấn đề Ukraina cho châu Âu.

Điều này giải thích vì sao về nhân sự được Trump bổ nhiệm, có sự không nhất quán trong nhóm cố vấn an ninh quốc gia, theo như ghi nhận từ NPR, đài phát thanh công của Mỹ. Người ta có thể thấy bà Tulsi Gabbard, ứng viên cho chức giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ, chỉ trích mạnh mẽ các hành động quân sự của Mỹ ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia, và có thái độ thông cảm với các đối thủ của Hoa Kỳ, bao gồm cả nguyên thủ Nga Vladimir Putin. Nhưng mặt khác, chính quyền Trump II có một tân ngoại trưởng Marco Rubio, cực kỳ diều hâu, chống Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác. Trong bối cảnh này, tân tổng thống Mỹ là hiện thân cho một nỗ lực hợp nhất các trào lưu khác nhau trong đảng Cộng Hòa.

Trong giới hạn về thời gian, RFI Tiếng Việt xin giới thiệu vào hai xu hướng đầu : « Những người kiềm chế » và « Nhóm chủ trương ưu tiên » để giải thích rõ hơn về chính sách đối ngoại « Hòa bình thông qua sức mạnh » của tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ hai.

Sức mạnh quân sự

Vào năm 2016, khi ra tranh cử tổng thống, Donald Trump nhận thấy có một sự phản đối ngày càng lớn đối với những cuộc chiến không hồi kết trong tầng lớp công nhân Mỹ, cũng như là tình trạng « quá tải » của chính quyền Mỹ do vô số cam kết với quốc tế. Và do vậy, trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, với lời hứa « Make America Great Again », viết tắt là MAGA, Trump đã thực hiện một chiến dịch bảo hộ mậu dịch, đoạn tuyệt với chính sách đối ngoại đặt cuộc chiến cho « nền dân chủ » làm trọng tâm trong nhiều thập niên, vốn dĩ đã cho phép định hình một trật tự thế giới tư bản đằng sau Hoa Kỳ.

Donald Trump lần lượt rút Hoa Kỳ ra khỏi các thỏa thuận quốc tế, các định chế quan trọng của Liên Hiệp Quốc và thậm chí dọa rút khỏi NATO, đồng thời phát động một cuộc chiến thương mại để đối phó với các đối thủ lớn như Trung Quốc. Nay lại trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ, đề nghị rút khỏi cuộc chiến ở Ukraina cho đến tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc, về cơ bản vẫn là điều tương tự.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, trong nhiệm kỳ I, Donald Trump đã không thể giải quyết tất cả các hạn chế của Mỹ. Trước viễn cảnh quyền lực Mỹ bị các siêu cường hay đối thủ khu vực thách thức nghiêm trọng, Trump tiến hành một cuộc chiến kinh tế và có thể sẽ là quân sự. Thực thi áp lực và cưỡng ép đối với các đồng minh cũng như với kẻ thù của Mỹ tiếp tục là nét đặc trưng cho chính sách đối ngoại của chính quyền Trump 2.0.

Chiến lược này đã được ông Robert C. O’Brien, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, nhiệm kỳ I, vạch rõ trong một bài viết đăng trên tạp chí Mỹ nổi tiếng Foreign Affairs năm 2024, trước khi diễn ra bầu cử.

Ông viết : «"Nước Mỹ trên hết không có nghĩa là nước Mỹ đơn độc" là câu thần chú thường được giới chức chính quyền Trump nhắc lại và vì một lý do chính đáng : Trump thừa nhận một chính sách đối ngoại thành công đòi hỏi phải hợp tác với các chính phủ và người dân thân thiện ở những nơi khác. Do vậy, việc ông xem xét lại các quốc gia và nhóm nào thích đáng nhất sẽ không khiến ông trở thành người chỉ biết giao dịch hoặc là người theo chủ nghĩa biệt lập thù địch với các liên minh như những người chỉ trích ông tuyên bố. NATO và hợp tác quân sự của Mỹ với các nước Nhật Bản, Israel, cùng các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đã được tăng cường trong nhiệm kỳ đầu của Donald Trump.

Chính sách đối ngoại và chính sách thương mại của Trump có thể được hiểu một cách chính xác như sự phản ứng trước những thiếu sót của chủ nghĩa quốc tế tân tự do, hay chủ nghĩa toàn cầu được tiến hành từ đầu những năm 1990 đến tận năm 2017. Cũng giống như nhiều cử tri Mỹ, ông Trump đã hiểu rằng "tự do thương mại" trên thực tế không phải như thế và trong nhiều trường hợp, nhiều chính phủ nước ngoài đã can dự vào khi sử dụng thuế quan cao, rào cản thương mại và đánh cắp sở hữu trí tuệ gây tổn hại cho lợi ích kinh tế và an ninh của nước Mỹ ».

Phá bỏ quy định tăng cường sức mạnh kinh tế

Trong bài viết dài này, ông Robert O’Brien còn đi xa hơn khi đưa ra một loạt đề xuất cụ thể để tái tổ chức các nguồn lực của Mỹ, cũng như đảm bảo rằng các đồng minh và đối thủ phải tuân thủ theo các kỳ vọng của Mỹ. Đáng chú ý nhất là đề nghị phân bổ lại các nguồn lực quân sự của Mỹ để tập trung nhiều hơn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhằm đối phó với các đối thủ bao gồm Trung Quốc và Iran, đồng thời đe dọa rút hỗ trợ quân sự cho các đồng mình như Đài Loan hay các nước thành viên NATO, trừ phi những nước này đầu tư nhiều hơn cho quân đội.

Ngoài ra, để củng cố năng lực quân sự, O’Brien đề xuất một chương trình tái bổ sung kho dự trữ vũ khí của Mỹ, bao gồm tầu sân bay, tầu ngầm, oanh tạc cơ và tên lửa, vốn dĩ đòi hỏi nhiều khoản đầu tư ồ ạt trong các ngành công nghệ chủ chốt, cũng như phải thay đổi toàn bộ quy trình mua sắm trang thiết bị quân đội.

Không chỉ có trong quân sự mà Hoa Kỳ phải khôi phục « sức mạnh » kinh tế. Nếu như thuế quan là công cụ để Mỹ gây áp lực với các đối tác và đối phương để có được những nhượng bộ trong trao đổi mậu dịch, thì theo ông O’Brien, những gì Mỹ có thể thực hiện ở bên ngoài còn phụ thuộc vào việc tái thiết năng lực sản xuất quốc gia. Trên Foreign Affairs, ông viết như sau :

« Để duy trì lợi thế cạnh tranh trước cuộc tấn công gay gắt này, Hoa Kỳ phải tiếp tục là nơi tốt nhất trên thế giới để đầu tư, đổi mới và kinh doanh. Nhưng thẩm quyền quản lý của nhà nước Mỹ ngày càng tăng, bao gồm cả việc thực thi luật chống độc quyền quá mức, đe dọa phá hủy hệ thống doanh nghiệp tự do của Mỹ. Ngay cả khi các công ty Trung Quốc nhận được sự hỗ trợ không công bằng từ Bắc Kinh nhằm nhấn chìm các công ty Mỹ, chính phủ Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu lại gây khó khăn khiến những công ty này khó cạnh tranh hơn. Đây là một công thức cho sự suy thoái quốc gia, các chính phủ phương Tây nên bãi bỏ những quy định không cần thiết ».

Nói một cách khác, đây là một chính sách tái công nghiệp hóa cho Mỹ bằng cách phá bỏ các quy định bảo vệ người lao động, khi tiến hành cuộc chiến về lương chống lại các nghiệp đoàn và cho phép các doanh nghiệp khai thác tối đa người lao động Mỹ, cũng giống như cách mà những doanh nghiệp này đã trục được lợi qua việc bóc lột lao động Trung Quốc, theo như chỉ trích từ trang Revolution Permanente của Pháp, vốn ủng hộ chủ nghĩa cực tả Trotsky.

« Mỹ không thể gánh hết mọi việc »

Nếu như học thuyết « hòa bình thông qua sức mạnh » cho rằng những khó khăn chính cản trở Hoa Kỳ tái khẳng định vị thế là do thiếu ý chí thực hiện các hành động đơn phương và đầy rủi ro, những người chủ trương « kềm chế » trong phong trào MAGA lại cho rằng sự can thiệp quân sự tốn kém quá mức của Mỹ trên toàn cầu, chính sách phi công nghiệp hóa, thiếu sự quan tâm đến đầu tư giáo dục hay đến việc làm cho giới công nhân lại là những rào cản lớn nhất cho việc tái thiết uy lực của Mỹ.

Phó tổng thống Mỹ J.D Vance là hiện thân cho trào lưu này, chiếm thiểu số tại Mỹ. Ông được xem như là một nhà trí thức hàng đầu trong Tân cánh hữu Mỹ, từng có tuyên bố thẳng thắn : « Hoa Kỳ không thể gánh hết mọi việc ». Theo tầm nhìn của ông, Mỹ nên phối hợp với các đồng minh, nhất là trong hồ sơ Ukraina và Trung Đông, nhưng không quên nhấn mạnh rằng đối thủ quan trọng nhất mà Mỹ phải đối phó là Trung Quốc. Và do vậy, phần quan trọng nhất của chính sách đối ngoại Mỹ là « sức mạnh kinh tế đất nước và sức mạnh người dân trong nước. »

Cũng theo J.D. Vance, Trung Quốc giờ đã là một siêu cường kinh tế công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới và Mỹ đã sai lầm để cho đối phương lớn nhất « trở thành đối thủ cạnh tranh công nghiệp mạnh nhất ». Phó tổng thống Mỹ J.D. Vance cùng những người ủng hộ sự hạn chế tin rằng nhiệm vụ đầu tiên trong chiến lược khôi phục sức mạnh nước Mỹ là tập trung phát triển năng lực sản xuất công nghiệp và tránh mọi hành động can thiệp ở bên ngoài có thể làm sao lãng đầu tư nhu cầu trong nước.

Sự suy thoái của ngành công nghiệp Mỹ thúc đẩy phong trào MAGA, phản đối mạnh mẽ tiếp tục cuộc chiến ở Ukraina. Điều này đã được ông J.D Vance từng trình bày trong Hội nghị An ninh Munich tại Đức hồi tháng 2/2024 với tư cách là khách mời. Ông lập luận như sau :

« Thứ nhất, vấn đề Ukraina, theo quan điểm của Mỹ và tôi nghĩ rằng tôi đại diện cho phần lớn công luận Mỹ, là không có kết quả rõ ràng, và về cơ bản, các yếu tố hạn chế sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraina không phải là tiền, mà là đạn dược. Hoa Kỳ, châu Âu cũng vậy, không sản xuất đủ đạn dược để duy trì một cuộc chiến tranh ở Đông Âu, một cuộc chiến tranh ở Trung Đông và có khả năng là tình hình nguy cấp ở Đông Á. Do vậy, Mỹ về mặt cơ bản là bị hạn chế.

Tôi sẽ cung cấp cho quý vị các thông tin chi tiết cụ thể nhất. Một PAC-3, một loại tên lửa bắn chặn Patriot, Ukraina sử dụng chỉ trong một tháng trong khi Hoa Kỳ mất một năm để sản xuất. Hệ thống tên lửa Patriot chậm tiến độ mất 5 năm, còn đạn pháo 155 ly chậm tiến độ hơn 5 năm. Ở Mỹ, họ đang bàn đến việc tăng sản lượng lên 100 ngàn đạn pháo/tháng từ đây đến cuối năm 2025, trong khi vào lúc này, Nga sản xuất gần 500 ngàn đạn pháo/tháng. Vì vậy, vấn đề đối với Ukraina là Mỹ không thể sản xuất đủ vũ khí, châu Âu cũng không sản xuất đủ vũ khí, và thực tế đó quan trọng hơn nhiều so với ý chí chính trị của Mỹ hay số tiền chúng tôi in ra rồi gởi sang châu Âu. »

Bất luận quan điểm khác biệt về Ukraina, thuế quan và tạo việc làm hiện đang được tranh luận ở Mỹ, các nhóm về an ninh quốc gia Mỹ cũng có nhiều điểm đồng thuận để hình thành nên một liên minh, nhất là trên ba điểm chính : Thứ nhất, Trung Quốc là đối thủ chính mà Hoa Kỳ phải đối phó. Thứ hai, tiếp cận chống di dân cao độ là chìa khóa cho tái công nghiệp hóa đất nước. Cuối cùng, Hoa Kỳ có thể thoái lui khỏi Trung Đông bằng cách trao thêm quyền lực cho Israel để nước này đối đầu hung hăng hơn với Iran.

No comments:

Post a Comment