Thursday, January 23, 2025

Cơn mưa sắc lệnh của cuộc cách mạng Donald Trump gây náo loạn
Thụy My
Đăng ngày: 23/01/2025 - 07:39
RFI

Trang nhất Libération hôm nay 22/01/2025 có tựa đề gây sốc, tạm dịch « Trump ngày thứ nhất : Vụ cướp thế kỷ ». La Croix nhận xét « Tổng thống Mỹ đã mạnh tay với 200 sắc lệnh được ký » ngay trong ngày đầu nhậm chức. Một số sắc lệnh không gây ngạc nhiên như rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, số khác cực đoan hơn như ân xá cho những người tham gia vụ nổi dậy ở điện Capitol, hay chấm dứt quyền mặc nhiên có quốc tịch nếu sinh ra trên đất Mỹ.

Khoảng 200 sắc lệnh đủ loại được tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức tại Washington, Mỹ, 20/01/2025. AP - Matt Rourke

« Trận mưa » 200 sắc lệnh trong ngày đầu tiên trở về Nhà Trắng   

Ông Donald Trump đã giữ đúng lời hứa. Vài giờ sau khi tuyên thệ, cả chồng hồ sơ đang chờ ông, và tân tổng thống ký ngay một loạt sắc lệnh, từ tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới Mêhicô đến việc Hoa Kỳ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong số các quyết định gây tranh cãi, có việc khoan hồng cho trên 1.500 người bị kết án trong vụ bạo loạn ngày 06/01, trong đó có các lãnh đạo nhóm dân quân Proud Boys và Oath Keepers, bị 22 và 18 năm tù. Trong thời gian tranh cử, ứng cử viên Cộng Hòa đã loan báo sẽ ân xá nhưng xét theo từng trường hợp.

Loạt sắc lệnh được ký trong khung cảnh y như truyền hình thực tế. Tổng thống đến sân trượt băng Capital One Arena ở Washington, nơi 20.000 người ủng hộ đang chờ đợi. Một bàn giấy được đặt tại đây, và trước sự hoan nghênh của đám đông, Donald Trump hủy bỏ những quyết định của Joe Biden.

Việc ký các sắc lệnh trong ngày nhậm chức là bình thường trong đời sống chính trị nước Mỹ, nhưng việc dàn cảnh như trên và số lượng được ký là chưa từng thấy. Các con của ông Trump đứng xung quanh, tạo hình ảnh một hoàng gia Mỹ, trong đó cao vượt lên hẳn là Baron - thành viên nhỏ tuổi nhất ở Nhà Trắng kể từ John John Kennedy.

Dù được ký bởi nhân vật quyền lực nhất hành tinh, một sắc lệnh không bảo đảm giải quyết được vấn đề, nếu không hành động tiếp. La Croix nhắc lại, Barack Obama đã ký lệnh đóng cửa nhà tù Guantanamo, nhưng 16 năm sau vẫn còn đó. Ngoài ra các sắc lệnh thường bị kiện ra trước tư pháp. Những người bảo vệ nhân quyền, bảo vệ di dân, chống biến đổi khí hậu sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Riêng quyền có quốc tịch khi sinh ra trên đất Mỹ được bảo đảm bởi tu chính án 14, nên đã có 22 bang Dân Chủ nộp đơn kiện.

Di dân: Cuộc săn lùng đã bắt đầu

Le Figaro và Le Monde quan tâm đến việc « Donald Trump triển khai các biện pháp đầu tiên chống nhập cư bất hợp pháp », Theo Le Figaro, chỉ vài giờ sau khi ông Trump tuyên thệ, ứng dụng One Entry để đặt hẹn xin tị nạn đã ngưng hoạt động, và các cuộc hẹn đã ấn định đều bị hủy bỏ. Bộ Quốc phòng được yêu cầu cung cấp phương tiện để xây dựng tiếp bức tường biên giới, và trục xuất di dân bất hợp pháp.

Lầu Năm Góc trong vòng 30 ngày phải trình kế hoạch để giữ an ninh biên giới, chống các loại xâm nhập. Chính quyền có thể coi các nhóm tội phạm là « tổ chức khủng bố » và như vậy được dùng mọi biện pháp đối phó, kể cả quân sự. Chương trình « Ở lại Mêhicô » bị Joe Biden hủy bỏ nay được tái lập, buộc những người xin tị nạn không phải là người Mêhicô phải ở lại nước này trong khi chờ đợi hồ sơ được xét duyệt. Cuộc xổ số giúp mỗi ngày 1.450 ngườ lấy được hẹn bị ngưng.

Ông Trump hứa sẽ trục xuất hàng loạt người nước ngoài cư ngụ bất hợp pháp, hiện có khoảng 11 triệu, ưu tiên nhắm đến những người từng bị án hình sự hay sắp bị trục xuất. Chỉ thị của Biden hạn chế việc câu lưu ở những nơi như giáo đường, trường học, bệnh viện cũng bị hủy. Đặc biệt ngưng cấp quyền công dân cho những người sinh ở Mỹ nếu cha mẹ cư ngụ bất hợp pháp, hay chỉ có visa ngắn hạn, được mệnh danh là « tác động Kamala Harris » - phó tổng thống của Biden sinh ở Hoa Kỳ, nhưng người mẹ chỉ có thị thực tạm thời. Ông Trump không thể sửa đổi Hiến Pháp, vì phải được Quốc Hội thông qua và các bang phê chuẩn.

Libération báo động « Cuộc săn lùng đã bắt đầu », ghi nhận ngay trong đêm đầu tiên ông Trump nhậm chức, các nhà hàng ở những khu phố bình dân tại New York, Chicago…bỗng trở nên vắng vẻ hẳn. Khách hàng quen thuộc tránh những nơi có đông đảo di dân mới ngụ cư. Tại các đô thị Dân Chủ lớn, sáng hôm sau nhiều nhân viên không thấy đến làm việc, vì người phụ trách nhập cư đã dọa « hãy chờ xem vào 6 giờ sáng mai ». Có những nơi bỗng trở thành khu phố ma, hàng quán không người, lượng khách bộ hành giảm mất phân nửa.

Một chính quyền độc đoán dạng « soft » ?

Về phía Mêhicô đã chuẩn bị đối phó với cú sốc. Những tháng gần đây họ đã kiểm soát chặt hơn luồng di dân, đưa trở về nước, nhưng mỗi lần đều phải thương lượng với quốc gia liên quan. Khó giải quyết nhất là với Caracas trong khi người Venezuela rất đông đảo. Bên cạnh đó 6 triệu công dân Mêhicô cư trú bất hợp pháp tại Mỹ cũng có nguy cơ phải về nước, gây thất thu cho Mêhicô vì kiều hối chiếm 3,7% GDP.

Bên cạnh đó, việc tỉ phú Elon Musk có hành động giơ tay chào được cho là theo kiểu quốc xã đã gây tranh cãi. Nhật báo thiên tả Libération đăng lên trang bìa biếm họa một người mặc quân phục Đức quốc xã có hai đầu, hai khuôn mặt giống Trump và Musk, nhắc lại một loạt cú sốc chỉ trong 24 giờ qua. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng cho là Elon Musk đang cổ vũ « quốc tế phản động », và hành động của Musk không thể làm người ta yên tâm. Tuy một số báo đánh giá đây chỉ là một cử chỉ vụng về mà thôi, nhưng nhật báo thiên tả cho là hành động có tính toán của Musk vì không phải lần đầu.

Trả lời Libération, nhà sử học Mỹ Gary Gerstle cho rằng không phải nước ông rơi vào chế độ độc tài kiểu Hitler, mà chỉ « độc đoán dạng nhẹ », như Hungary của Viktor Orban, Thổ Nhĩ Kỳ của Recep Tayyip Erdogan, Ấn Độ của Narendra Modi, hay nhiều nước châu Mỹ La tinh. Ông Gerstle đưa ra hai giả thiết. Hoặc tổ chức bố ráp kịch tính ở một số bang Dân Chủ để di dân sợ hãi tự bỏ đi, thay vì chi hàng tỉ đô la để trục xuất hàng loạt, sau đó tập trung vào những vấn đề kinh tế nghiêm túc. Hoặc sẽ là một Donald Trump của hỗn loạn, trả thù. Không thể biết được kịch bản nào sẽ diễn ra.

Ra khỏi Hiệp định Khí hậu Paris : Mỹ đi ngược dòng lịch sử 

Về việc rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris và hủy bỏ Green New Deal của Joe Biden, Les Echos cho rằng đây là « Nỗi xấu hổ cho nước Mỹ » khi đi ngược dòng lịch sử. Vấn đề này khác biệt hẳn với các loan báo áp thuế, về chuyển đổi giới tính, di dân...vì tác động của sự gia tăng khí thải CO2 là không thể đảo ngược.

Lẽ ra Donald Trump cần rút được bài học : 2024 là năm nóng nhất từ trước đến nay, nhiệt độ tăng ít nhất 1,5 °C so với thời tiền kỹ nghệ. Các nhà lãnh đạo công nghệ Mỹ đang hăng hái ủng hộ tổng thống cũng rất vô trách nhiệm, vì dịch vụ của họ chủ yếu được thế hệ trẻ sử dụng, mà giới trẻ là những người sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Nhưng hậu quả trước mắt là nguy cơ tác động domino, các nước khác sẽ theo chân. Hiện chỉ có Iran, Yemen và Libya là đứng ngoài Hiệp định.

Trump : Xâm lăng Ukraina, Putin gặp khó khăn lớn

Les Echos quan tâm đến « Chiến tranh Ukraina : Chiến lược mới của Trump trước Putin ». « Cần phải thương lượng ! ». Tối thứ Hai, một lần nữa Donald Trump nhấn mạnh đến khả năng đàm phán giữa Nga và Ukraina - một trong những cam kết chính của ông. Tại Phòng Bầu dục - chốn cũ vừa được quay về - tân tổng thống khẳng định với báo chí, việc Nga xâm lăng Ukraina là « rắc rối lớn » cho Vladimir Putin. Điều này rất rõ về quân sự, với việc Nga mất đến phân nửa số xe tăng sau ba năm chiến tranh và không thể tái chiếm được vùng Kursk dù cố gắng tấn công dữ dội suốt 5 tháng trời.

Nhưng khía cạnh kinh tế được Donald Trump chú ý nhất. Ông nhấn mạnh : « Nga gặp khó khăn lớn. Hãy nhìn kinh tế của họ, hãy nhìn lạm phát ». Hiện nay lạm phát ở Nga tăng 9,5 % hàng năm, cao nhất trong số 50 nền kinh tế lớn trên thế giới, chỉ sau Achentina. Giá thuê nhà lên cao ở Matxcơva, một số thực phẩm căn bản tăng vọt đến 40 % so với cách đây một năm. Ngân hàng Trung ương đành phải nâng lãi suất lên 21 %, cao thứ ba trong số các nước lớn, ảnh hưởng đến dòng vốn doanh nghiệp. Đồng rúp sụt 8 % riêng trong tháng 11.

Ông Donald Trump nói thêm : « Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nói với tôi muốn có một thỏa thuận, tôi không biết Putin có muốn hay không […]. Tôi nghĩ rằng ông ấy đang hủy diệt nước Nga nếu không đàm phán ». Tổng thống thứ 47 dường như gây áp lực nhẹ lên Kremlin tuy không nêu ra khả năng trang bị vũ khí cho Kiev.

Nga đang tuột dốc không phanh

Về phía ông Volodimir Zelensky tại Diễn đàn Davos hôm qua cho biết đang sắp xếp gặp ông Donald Trump để thảo luận về khả năng tổ chức hòa đàm, đồng thời nhấn mạnh cần có lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu « tối thiểu 200.000 quân ». Cố vấn của ông Trump về Ukraina, Keith Kellogg, chủ trương một mặt dọa Kiev là sẽ ngưng giao đạn dược, mặt khác dọa Kremlin rằng sẽ viện trợ vũ khí ồ ạt cho Ukraina nếu Matxcơva không chịu tìm kiếm hòa bình.

Tuy nhiên Les Echos lưu ý quan điểm của Putin và Zelensky đối chọi hẳn nhau. Đó là vấn đề tồn vong của đất nước Ukraina, cũng là sự sống còn của tổng thống Nga. Trump nói rằng có quan hệ tốt với Putin, tuy nhiên tác động từ trừng phạt kinh tế chưa hẳn đã đủ để buộc nhà độc tài chấp nhận giải pháp chính trị, dù Nga đang bắt đầu thấm thía. Đoàn tàu dầu ma của Nga từ vài ngày qua không còn có thể neo đậu ở bất cứ đâu, kể cả Trung Quốc. Chuyên gia Alexandra Prokopenko của Carnegie Politika, khẳng định « Chúng ta đang chứng kiến tiến trình không thể đảo ngược của Nga hướng đến suy trầm kinh tế ».

Donald Trump có « nối lại tình xưa » với Kim Jong Un ?

Trong một hồ sơ khác, Le Figaro đặt câu hỏi, liệu Donald Trump có khơi dậy « ngọn lửa tình » với Kim Jong Un hay không ? Nhà độc tài ở Bình Nhưỡng cũng là người được ông Trump nói rằng có quan hệ tốt. Nhưng lần này có vẻ Kim Jong Un thích khoe tuần trăng mật với Vladimir Putin hơn, phải chăng vẫn còn cay cú sau cuộc gặp ở Hà Nội phải ra về tay trắng ? Nhưng nhiều người cho rằng đây chỉ là chiến thuật của Kim để « làm giá ». Trump đã khiến Kim Jong Un nuôi dưỡng hy vọng khi ngày 20/01 nói rằng Bắc Triều Tiên là « cường quốc nguyên tử », một thực tế mà các chính quyền trước không muốn công nhận.

Việc xích lại gần Bình Nhưỡng, nước láng giềng của Trung Quốc, sẽ gây khó khăn cho Tập Cận Bình vì sẽ làm phức tạp thêm việc tấn công Đài Loan, nhưng đồng thời khiến Hàn Quốc và Nhật Bản lo sợ bị qua mặt. Reince Priebus, cựu chánh văn phòng của ông Trump, nhận định : « Ông ấy ý thức được rằng thế giới đã thay đổi. Trump sẵn sàng tiếp xúc trở lại với Kim, nhưng không hẳn để tìm được một thỏa thuận bằng mọi giá ».

No comments:

Post a Comment