Friday, January 24, 2025

VNTB – Công an Việt Nam giả dạng Grab: gây ảnh hưởng thương hiệu doanh nghiệp
Cảnh Chân
24.01.2025 9:00
VNThoibao


(VNTB) – Người dân thường nói vui với nhau là bây giờ ra đường chẳng biết ai là công an, ai là xe ôm công nghệ…

Người dân Việt Nam bây giờ không lạ gì chuyện cảnh sát hình sự mặc thường phục để theo dõi tội phạm, bắt cướp. Trước đây thì những tay cảnh sát này tuy mặc thường phục nhưng vẫn lộ ra đôi vớ xanh lá cây, còn gọi là “vớ ngành”. Đây là loại vớ được thiết kế riêng cho lực lượng công an và quân đội CSVN. Thế là giấu đầu lòi đuôi, mặc mặc thường phục đi “đánh du kích” nhưng ai cũng biết là công an.


Sau này thì cảnh sát Việt Nam đổi qua chiêu giả dạng xe ôm để đi tuần tra theo dõi tội phạm. Và lực lượng này thường xuyên mặc áo đồng phục của hãng xe ôm công nghệ GrabBike. Cho nên người dân thường nói vui với nhau là ra đường chẳng biết ai là công an, ai là xe ôm, có khi công an lại nhận lương hai đầu, vừa lương nhà nước, vừa có tiền chạy xe ôm của khách.

Nhưng điều đáng nói là không phải chỉ có giả dạng xe ôm công nghệ để bắt cướp, theo dõi tội phạm. Nhiều hình ảnh cho thấy cảnh sát Việt Nam còn mặc đồng phục Grab để thực hiện những hành vi bất hợp pháp. Ví dụ mới đây nhất có trường hợp một người đàn ông tên N.V.T. mặc áo Grab để điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông ở Thủ Đức.

Báo chí CSVN cho biết ông này khai với công an là “quá trình làm tài xế xe ôm công nghệ, ông hay qua lại giao lộ Võ Nguyên Giáp – Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, TP Thủ Đức. Ông để ý thấy lực lượng Thanh niên xung phong và CSGT điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông. Từ đầu năm 2025 đến nay, có vài lần ông T. tự ý mở tủ để điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông ở giao lộ nói trên. Theo ông T., mục đích của việc làm này là để điều tiết các phương tiện qua lại, giúp thông thoáng hơn, tránh ùn tắc và kẹt xe. Ông T. khai báo rằng việc làm nói trên không vì lợi ích cá nhân hay có người yêu cầu, hướng dẫn”. (1)

Phía công an thì cho rằng ông này tự ý “điều khiển đèn tín hiệu giao thông là vi phạm nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng”. Và cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính ông N.V.T. (50 tuổi) về lỗi vi phạm “Tự ý làm sai lệch đèn tín hiệu giao thông”. Theo đó, ông T. sẽ bị phạt hành chính với mức từ 3-5 triệu đồng.

Lời khai và mức phạt này đã nhận vô vàn chỉ trích của người dân. Vì tất cả các tủ điều khiển đèn tín hiệu đều có ổ khoá, chỉ có công an và lực lượng chức năng mới có thể mở ra. Các thông số, nút bấm thì phải do những cán bộ có đào tạo nghiệp vụ chuyên môn mới có thể tác động điều chỉnh. Không người dân nào chưa được đào tạo mà lại có thể tự tiện mở tủ rồi tự do điều chỉnh thông số bằng tay như vậy.

Ngoài ra, công an cho rằng hành vi này là “vi phạm nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng”; vậy tiền phạt oan biết bao nhiêu phương tiện do ông xe ôm này gây ra thì ai chịu? Tại sao không thống kê những trường hợp đã bị phạt sai trong lúc ông này điều chỉnh đèn giao thông? Và ai đền tiền cho những người bị oan sai kia?

Nói chưa gây hậu quả nghiêm trọng là sai, vì khu vực này là giao lộ lớn, điều chỉnh đèn tín hiệu tuỳ tiện thì rất dễ gây tai nạn, nếu không phạt nặng để răn đe thì sau này ai muốn chỉnh đèn là chỉnh hay sao? Rồi tới xảy ra tai nạn nghiêm trọng mới phạt nặng thì có đền bù được tính mạng, sức khỏe người dân không?

Quả thật, hầu như tất cả các bình luận của người dân trên mạng xã hội đều nhận xét rằng tài xế Grab này là cảnh sát giao thông mặc thường phục để gài bẫy người lái xe. Chỉ có người trong ngành mới có chìa khoá, biết cách điều chỉnh đèn tín hiệu. Còn nhân vật N.V.T. chỉ là một người nhà của cảnh sát đứng ra chịu phạt giùm theo kiểu “Lê Lai cứu chúa”, chứ nếu là dân thường thì không thể có bản án vài triệu như vậy.

Việc mặc áo đồng phục của một doanh nghiệp để gài bẫy dân cũng gây tổn hại đến hình ảnh thương hiệu. Đúng ra hãng Grab có thể kiện công an về vấn đề này. Nhưng dĩ nhiên, doanh nghiệp muốn tồn tại ở Việt Nam thì làm sao dám phản ứng, phản đối nhà cầm quyền…


_____________________

Tham khảo:

No comments:

Post a Comment