VNTB – Phe nhóm Hưng Yên của Tô LâmTrần Anh Quân
26.01.2025 7:32
VNThoibao
Đứng đầu là Tô Lâm là đương kim Tổng Bí thư. Tô Lâm lên chức Thứ trưởng Bộ Công an từ năm 2010. Sau đó 1 năm thì được vô hàng ngũ Uỷ viên Trung ương đảng, từ vị trí này mới là bàn đạp cho Tô Lâm có những bước tiến vững chắc trong hệ thống chính trị CSVN. Năm 2016 Tô Lâm nắm ghế Bộ Trưởng Bộ Công an và ngồi vào nhóm Uỷ viên Bộ Chính trị, đây là lúc họ Tô bắt đầu đẩy mạnh việc xây dựng thế lực Hưng Yên để chuẩn bị cho những âm mưu lâu dài sau này.
Nhân vật số 2 trong nhóm Hưng Yên là Lương Tam Quang, ông Quang được Tô Lâm giao ghế Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an vào năm 2017, rồi lên Thứ trưởng Bộ Công an từ năm 2019. Nhưng phải tới năm 2021 Lương Tam Quang mới trở thành Uỷ viên Trung ương đảng. Và tới năm 2024 thì họ Lương mới giành được ghế Bộ trưởng Công an, sau khi thắng được Phan Đình Trạc (người vốn được Nguyễn Phú Trọng chỉ định sẽ đứng đầu Bộ Công an thay Tô Lâm).
Ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Công an thì Lương Tam Quang mới được lên Uỷ viên Bộ Chính trị. Có thể thấy con đường thăng tiến của Lương Tam Quang là đi ngược quy trình thông thường của đảng CSVN. Cho nên phải nói rằng nếu không có Tô Lâm thì Lương Tam Quang không thể có ngày hôm nay.
Nhân vật số 3 là Nguyễn Duy Ngọc, được Tô Lâm bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an cùng ngày với Lương Tam Quang (15/8/2019). Trước đây ông Ngọc chỉ là Trưởng công an huyện Thanh Trì, rồi từ khi Tô Lâm lên làm Thứ trưởng Bộ Công an thì sự nghiệp của Nguyễn Duy Ngọc mới bay lên như diều gặp gió. Năm 2013 ông Ngọc lên làm Phó Giám đốc Công an Hà Nội. Từ đó tới nay đã liên tục nắm những chức vụ cấp cao trong Bộ Công an.
Mới nhất, ông Ngọc được Tô Lâm giao làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương, thay cho Trần Cẩm Tú. Với chức vụ này Nguyễn Duy Ngọc đương nhiên tiến vào hàng ngũ Uỷ viên Bộ Chính trị, một trong 16 người có quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị CSVN.
Nhân vật thứ tư có quê quán tại Hưng Yên là Hoàng Xuân Chiến, hiện đang giữ chức Uỷ viên viên Trung ương Đảng; Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông Chiến đang được Tô Lâm chống lưng để chạy đua vào ghế Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng thay cho Phan Văn Giang. Nếu Hoàng Xuân Chiến lên đứng đầu quân đội thì đương nhiên cũng sẽ có một ghế Uỷ viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ sau.
Về tướng lĩnh quân đội thì Hưng Yên cũng còn một nhân vật khác là Nguyễn Hồng Thái, cũng là Ủy viên Trung ương Đảng; hiện mang hàm trung tướng, Tư lệnh Quân khu I. Ông Thái là con rể của Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, từng giữ chức Tổng tham mưu trưởng quân đội, kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Nguyễn Hồng Thái rất sáng cửa để lên vị trí Tổng tham mưu trưởng hoặc thứ trưởng giống cha vợ trước đây.
Nói tới phe công an tại Hưng Yên thì không thể không nhắc tới Vũ Hồng Văn. Ông Văn được coi là một trong những đệ tử ruột của Tô Lâm, được Tô Lâm nhiều lần điều đi giữ các chức vụ quan trọng nhằm củng cố thế lực tại phía nam. Như năm 2018 Tô Lâm đưa Vũ Hồng Văn vào làm Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, 2019 thì chuyển qua làm Giám đốc Công an Đồng Nai, 2022 lại ra trung ương làm Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an.
Tới tháng 8/2024, thì tướng Văn được Tô Lâm cài làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương để canh chừng Trần Cẩm Tú, một thân tín của Nguyễn Phú Trọng, đề phòng trường hợp phe ông Trọng nổi dậy chống Tô Lâm. Tới nay, đã cho Nguyễn Duy Ngọc hất cẳng Trần Cẩm Tú khỏi Ban Kiểm tra Trung Ương thì coi như Vũ Hồng Văn đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. Vậy là ngày 23/1, Vũ Hồng Văn được phong làm Bí thư tỉnh Đồng Nai, đây là bước đệm quan trọng để ông Văn có thể tiến lên các vị trí Bộ Trưởng hoặc thậm chí là có một chân trong Bộ Chính trị.
Ở tầm bộ trưởng thì có ông Nguyễn Hải Ninh, giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ ngày 26/8/2024. Trước đó ông Ninh có hơn 3 năm làm bí thư tỉnh Khánh Hòa. Ông Ninh được Tô Lâm đưa lên ghế Bộ trưởng Tư pháp cùng lúc Vũ Hồng Văn được đưa lên làm Phó ban Kiểm tra Trung ương. Nhấn mạnh việc này vì đây là thời điểm bước ngoặt sau cái chết của ông Trọng và là lúc Tô Lâm cần triệt hạ tàn dư của phe Hà Tĩnh – Nghệ An và các thân tín còn lại của ông Trọng. Cho nên Nguyễn Hải Ninh cũng là một trong những nhân vật cực kỳ quan trọng trong phe Hưng Yên.
Bốn ngày trước khi Vũ Hồng Văn về Đồng Nai làm bí thư, thì một nhân vật quê Hưng Yên khác là Quản Minh Cường cũng được đưa về Cao Bằng làm bí thư (từ ngày 19/1). Quản Minh Cường cũng từng có hơn 5 năm là Phó Bí thư Đồng Nai (2020-2025).
Ngoài ra còn có một người Hưng Yên nữa đang giữ chức bí thư tỉnh là ông Đỗ Tiến Sỹ, hiện đang là bí thư tỉnh Hưng Yên, kiêm Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên.
Một số nhân vật gốc Hưng Yên khác trong Bộ Công an không thể không kể tên là Phạm Thế Tùng, Hoàng Đức Lừng, Mai Hoàng. Phạm Thế Tùng đang mang hàm trung tướng, thứ trưởng Bộ Công an, thủ trưởng Cơ quan An ninh Điều tra. Trung tướng Hoàng Đức Lừng đang là Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ. Còn thiếu tướng Mai Hoàng đang là Phó Giám đốc Công an Thành Hồ. Một vị trí đặc biệt quan trọng nhằm giúp Tô Lâm kiểm soát, theo dõi các thế thực tại thành phố lớn nhất Việt Nam.
Trong Quốc hội thì phe Hưng Yên có bà Đoàn Thị Thanh Mai, đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông Phạm Đinh Toản, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Cuối cùng, không thể không nhắc tới Tô Long, con trai Tô Lâm, đang là thượng tá, Phó Cục trưởng Cục An ninh đối ngoại, kiêm Phó Chánh văn phòng thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Trên đây chỉ là nói tới những người đồng hương của Tô Lâm, chứ chưa bàn tới các thân tín, bè phái đồng minh như Trần Lưu Quang, Tô Ân Xô, Nguyễn Thanh Nghị (con trai Nguyễn Tấn Dũng), hoặc Lê Minh Hưng… Không quá khi nói có một Hưng Yên thu nhỏ tại Trung ương đảng CSVN hiện nay, thậm chí một số người còn mỉa mai rằng Tô Lâm nên dời thủ đô về Hưng Yên để các quan chức không phải mất thời gian đi lại…
No comments:
Post a Comment