Lê Hồng Lâm - Thảm kịch của một shippervendredi 24 janvier 2025
Thuymy
Shipper trở thành một ngành nghề mới xuất hiện trong thời đại thương mại điện tử bùng phát. Bộ phim Upstream của đạo diễn Từ Tranh trở thành một cú hit tại Việt Nam và viral khắp cõi mạng, vì nó chạm được vào một vấn đề cũng đang nóng hổi ở Việt Nam.
Nhiều người mất việc do tinh giản biên chế ở tuổi ngoài 40, 50 buộc phải làm shipper để mưu sinh kiếm sống. Và nghề shipper hóa ra cũng không đơn giản chút nào. Để kiếm được tiền, họ cũng phải bỏ ra bao công sức, bao mồ hôi và có cả máu nữa.
Trong phim Upstream có cảnh nhân vật shipper bị tai nạn, máu me tùm lum, đầu óc váng vất vì va chạm mạnh nhưng tỉnh một cái là quáng quàng tìm cách lên xe đi giao hàng nhanh kẻo bị sợ đánh giá xấu. Đánh giá xấu của khách hàng trở thành một ám ảnh lớn đối với người làm nghề shipper.
Tôi đọc câu chuyện về thảm kịch của shipper nam ở Đà Nẵng và thấy đau xót. Đà Nẵng, thành phố hiền hòa đáng sống, con người thân thiện lại trở thành cái nơi mà một bạo lực bùng phát vì thiếu sự thấu cảm của con người. Thực ra nó có thể bùng phát ở bất cứ địa điểm nào nếu con người thiếu sự thấu cảm về nhau.
Tôi tưởng tượng ra tâm trạng của nam shipper Đà Nẵng trong ngày hôm đó. Nỗi uất ức vỡ bờ khiến anh đã mất kiểm soát dẫn đến cãi cọ và cuối cùng xảy ra cuộc ẩu đả đau lòng. Một đơn hàng giao thành công chỉ được 4.000 đồng, trong khi một đánh giá xấu của khách hàng bị phạt 500.000 đồng. Biết được sự thật này khiến tôi hiểu được tại sao shipper họ sợ bị đánh giá xấu như thế.
Anh đã đòi tiền khách hàng nhiều lần cho đến khi bị mất kiểm soát ngôn ngữ và sau đó là hành vi. Trong khi khách hàng nữ, đưa ra lý do quá bận rộn cuối năm nên chưa kịp chuyển tiền. Nhưng cô không lý giải tại sao có đủ thời gian lên đánh giá xấu shipper và tranh luận mà không chịu bỏ ra một phút để chuyển tiền. Sự thiếu thấu cảm và bản ngã khi bị đã kích đã khiến một mâu thuẫn nhỏ bùng phát thành vụ ẩu đả. Và thảm kịch đã xảy ra.
Năm năm nay tôi chọn phương tiện công cộng để di chuyển, vì thế mà cũng có thời gian trò chuyện với nhiều shipper trên nhiều cung đường. Rất nhiều shipper tôi gặp là sinh viên, một số là người lớn tuổi và thi thoảng gặp phụ nữ. Thi thoảng chuyện phiếm qua lại, tôi biết được họ thu nhập từ 12-15 triệu đồng/tháng nhưng phải lao động liên tục từ 10-12 tiếng mỗi ngày trên đường.
Trong những ngày cuối năm tắc đường mọi ngã, nghĩ đến cái hành trình lao động của họ trên đường phố, thật đáng cảm thông. Thi thoảng tôi cũng đặt hàng trên mạng và shipper đến giao mà không có nhà, nhờ họ gửi lại ở quầy hàng chung cư rồi chuyển khoản luôn. Thi thoảng tôi cũng quên béng chuyện chuyển tiền do đang dở một công việc nào đó, nhưng khi shipper nhắn tin lại thì không chậm trễ phải chuyển khoản ngay kèm một lời xin lỗi và tiền tip. Tôi nghĩ đó là hành vi tối thiểu mà ta hành xử khi chậm chuyển tiền.
Câu chuyện thảm kịch của người shipper ở Đà Nẵng lan truyền trong những ngày cuối năm kèm theo một tiếng thở dài đau xót. Nó cũng gióng lên một hồi chuông về văn hóa ứng xử giữa shipper và khách hàng trong thời đại thương mại điện tử. Sự phát triển quá nhanh và quá nóng của nghề shipper cũng như hình thức thương mại mới tất nhiên không tránh khỏi những va chạm bực dọc từ cả hai phía. Chỉ mong khi xảy ra điều đó, chúng ta hãy hành xử với nhau một cách tử tế, để thảm kịch đau lòng như vụ shipper ở Đà Nẵng không bao giờ xảy ra lần nữa.
LÊ HỒNG LÂM 24.01.2025
No comments:
Post a Comment