Nguyễn Thông - Tết nghèo của trẻ con thời chưa xa lắmdimanche 26 janvier 2025
Thuymy
Ngày “xưa”, khi đất nước còn chiến tranh, nghèo khó thiếu thốn, Tết cổ truyền dân tộc như một thứ sinh khí làm thay đổi hẳn cuộc sống thường nhật. Cả người nhớn lẫn trẻ con bỗng chốc quên đi những sợ hãi, vất vả, lo lắng, buồn phiền. Dẹp chiến tranh sang một bên, dẹp nghèo đói sang một bên, người ta dồn thời gian, sức lực, tình cảm cho “ba ngày tết”. Chơi xuân cho hết xuân đi, cái già xồng xộc nó thì đến nơi, người nhớn bảo vậy.
Miền Bắc thập niên 50 - 70. Cuộc sống nông thôn về tinh thần vốn khá tẻ nhạt bỗng bừng lên khi năm cũ trôi nhanh vào tháng chạp.
Đám trẻ con được bố mẹ, anh chị giao cho khối việc, mà đứa nào cũng háo hức, hào hứng. Cứ nghĩ tới cái tết đang cận kề, dáng xuân đã thập thò trước ngõ là cuống lên, thấy mình quan trọng hẳn. Cứ như nếu không có mình thò tay vào, Tết sẽ kém đẹp kém vui. Mà thật như vậy. Việc đầu tiên, quan trọng nhất, nặng nhất, tốn nhiều thời gian nhất là dọn dẹp nhà cửa. Nông thôn nghèo, hầu hết gia đình nông dân đều nhà tường đất mái rơm rạ, chỉ tới cuối năm mới được tổng vệ sinh. Đám mạng nhện giăng đầy mái, những rui mè, xà ngang cột dọc.
Đứa lớn buộc cái chổi vào cây sào tre, dạng chân chèo lướt qua lướt lại, mạng nhện bám đầy chổi, lũ nhện hốt hoảng nhảy dù rơi lả tả xuống nền nhà. Đứa bé cầm sẵn cây que hoặc chiếc dép dí luôn bọn phi công ấy. Không thi hành án ngay, chúng lại bò lên, chả bao lâu mạng sẽ giăng đầy. Có đứa còn bắt con nhện to đem nướng ăn cho khỏi đái dầm. Nhện nướng chả biết có hiệu nghiệm, chữa trị được căn “bệnh” phổ thông đó không, nhưng mái sạch sẽ quang quẻ là sự thực, khiến căn nhà nghèo nàn bỗng chốc đẹp hẳn.
Xong mái tới tường. Tường nhà nông thôn được trình bằng đất, rất ít nhà xây gạch hoặc đá núi. Số tranh ảnh cũ dán từ năm ngoái đã rách, bợt bạt, cũ kỹ được bóc ra. Thay vào đó là những tranh ảnh, câu đối in sẵn bán ở hiệu sách nhân dân. Gian giữa nhà thế nào cũng phải trịnh trọng câu “Năm mới thắng lợi mới” chữ màu vàng trên nền giấy đỏ, hoa văn trang trí bốn xung quanh.
Rồi giăng dán lên tường câu đối, cuốn thư, tranh tứ bình, tranh mai sen cúc trúc, tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ vẽ con cá chép, đứa trẻ ôm gà, đám cưới chuột, chơi đu đón xuân… được nhà xuất bản nhà nước in sẵn, giá bình dân. Nhà đứa nào nghèo hơn thì xin đâu quyển họa báo Liên Xô, Trung Quốc cũ chọn những trang ảnh đẹp. Trông căn nhà trước Tết cứ như cái phòng tranh ảnh thập cẩm.
Xong khâu dọn dẹp trang trí, lũ trẻ bắt tay vào công đoạn nghệ thuật hơn: làm hoa giả. Trên chợ huyện nhiều quầy bán hoa giả nhưng không có tiền mua, vả lại đứa nào cũng muốn trổ tài khéo tay, nhất là bọn con gái. Giấy pơ luya mỏng (để viết thư) được tích trữ sẵn, thường là xin của các chú bộ đội ngoài trận địa tên lửa chứ loại này hiếm lắm, quệt lên đó đủ sắc màu; cành hoa bằng tre hoặc dây điện. Những đứa có hoa tay làm được đủ cả hoa đào, thược dược, cúc, sen, không đẹp như hoa chợ nhưng cũng đủ lôi không khí tết xuân vào nhà. Sự nghèo khó về mặt nào đó đã tạo nên những niềm vui nho nhỏ, và nhất là để lại những ấn tượng thơ ấu khó phai.
Ngoài vườn có mấy gốc đào, nụ nhỏ xíu chúm chím trong gió đông. Mấy anh em tôi ngoài giờ đi học hoặc làm đồng lại tranh thủ phụ giúp thày (bố) vun đất thêm vào gốc, nhặt lá, tưới tắm, thúc cho đào mãn khai đúng vào mấy ngày tết. Hoa đào là hình ảnh biểu tượng của vườn xuân làng quê nên nhà ai dù vườn chật chội lắm cũng ráng trồng một đôi cây. Không mấy khi chặt cành đào đem vào trưng trong nhà, bởi thày tôi bảo cứ để ngoài đó cũng đẹp, vả lại tới hè còn có quả mà ăn. Cây nó đang tươi tốt thế kia, phang cho nó nhát dao, có điều chi không phải. Nhưng chú bộ đội trận địa tới xin về trang trí đón xuân thì ông cụ cho ngay, chọn cành đẹp nhất.
Một việc không thể quên với tụi trẻ con là làm pháo. Pháo nổ mua theo bìa hàng tết (gọi là bìa hàng chứ không phải sổ bởi chỉ cấp duy nhất vào dịp này hằng năm) mỗi nhà chỉ được một phong, khoảng trăm viên nhỏ bằng đầu đũa, người nhớn nghiêm khắc quản lý, chỉ cho đốt vào lúc giao thừa hoặc sáng mùng một. Những đứa có tiền lên chợ mua pháo tép (đốt nổ lạch tạch), còn không thì mày mò tự làm.
Nguyên liệu chính là diêm Hòa Bình, cạo hết thuốc đầu que diêm ra, tán nhỏ, gói lèn thật chặt trong giấy diêm. Pháo này không để đốt, bởi đập thì mới nổ. Có đứa kiếm chiếc van xe đạp, bịt một đầu, nhồi thuốc diêm vào, cắm đoạn đinh sắt thọc giữa van, buộc thêm túm lông gà làm đuôi và cục chì cho nặng. Tung pháo vút lên cao, pháo rơi thẳng đứng, que sắt đập vào thuốc diêm nổ cái đoành, khói bay khét lẹt. Bọn con giai hầu như đứa nào cũng thạo món “vũ khí” này. Sân gạch hợp tác cứ sáng mùng một tết không khác gì hội thi pháo, chả khác gì ở làng Đồng Kỵ.
Việc tiếp theo để làm đẹp chính mình là kỳ cọ cái cổ trâu. Không phải con trâu mà là cổ chân người. Cái cổ trâu ấy, trước tết âm lịch bị lôi ra xử lý hình sự. Để chân xấu xí đón tết sao được. Suốt mùa đông lạnh giá, tụi trẻ con giúp cha mẹ làm việc đồng áng, lội bùn, ngâm trong nước buốt, bàn chân từ mắt cá trở xuống nứt nẻ toác ra, rỉ máu, quết bùn đất thành lớp vỏ xám xịt. Nó bám chặt cổ chân, mu bàn chân, gót chân, kẽ chân, rửa tài mấy cũng không sạch. Chị Khoắn tôi đi trực chiến trận địa trên núi về, thấy em loay hoay, bèn lấy một bát ô tô tro sạch, đổ chút nước, thêm tí vôi, trộn thành bột nhao nhão, xong đắp lên cổ trâu, giống như bây giờ bác sĩ bó thạch cao cho người bị gẫy xương.
Ối giời, tro ngấm vào chỗ nứt nẻ đau, xót lắm, chỉ muốn nhảy dựng. Bu tôi động viên để cho nó bở ra mới dễ kỳ. Một lúc sau, đám hỗn hợp máu khô trộn bùn đất lưu cữu bấy nay bở, dùng búi rơm kỳ cọ, đau rát như phải bỏng, máu tứa, da đỏ phồng rộp. Rửa xong lau sạch, lấy thuốc nẻ xoa một lượt. Sau cuộc đại phẫu thuật thẩm mỹ ấy, vài hôm sau cổ chân lại đỏ da thắm thịt, da non liền lại, ưa nhìn.
Có được bàn chân sạch đón tết chả khác gì vừa trải qua cuộc tra tấn. Xong món chân, còn phải đi cắt tóc, gọt mái tóc bù xù chả khác tổ quạ, đun nồi nước nóng tắm rửa tẩy trần. Con người sạch sẽ thơm tho hẳn. Ăn tết, đón xuân cũng phải công phu, đau đớn phết.
Chuyện trẻ con ngày “xưa” (một thời chưa xa) nhao nhác bận rộn những ngày cận Tết còn nhiều lắm, chẳng hạn mấy anh em hì hục tát ao, dọn bàn thờ, đánh bóng lư đồng, giúp thày bu giã giò, luộc bánh chưng… còn nhiều lắm.
Dọn dẹp nhà cửa phong quang, sạch sẽ, tinh tươm xong, làm vệ sinh thân thể (chà rửa cổ trâu, cắt tóc) xong thì tính tới chuyện tát ao. Đây là việc trọng, cả năm mới một lần. Nông thôn vốn đã bấn việc, những ngày cận Tết càng lút đầu lút cổ. Hầu hết chỉ có thể thực hiện sau ngày cúng tiễn ông Táo chầu giời, 23 tháng chạp. Cũng như bây giờ, các trường học cấp 1 cấp 2 thời đó vẫn bắt bọn học trò học hết ngày 25 tháng chạp mới cho nghỉ. Khi lệnh nghỉ tết của thầy cô hiệu trưởng được bung ra, đứa nào đứa nấy vắt chân lên cổ chạy đua với tết.
Nông thôn miền Bắc năm xa đó hầu như mỗi gia đình ngoài đất thổ cư đều có cái ao, dù lớn dù nhỏ nhưng là phần không thể thiếu cho cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. Ao để thả cá, thả bè rau muống, rau rút, thả bèo nuôi lợn. Cầu ao là chỗ rửa ráy sau buổi làm đồng, nơi tắm của trẻ con, chỗ rửa chân trước khi đi ngủ. Trong cuộc hợp tác hóa, ao cũng bị tính vào diện tích đất công hữu, phải nộp hết cho hợp tác xã. Nhà nào muốn giữ lại ao thì bị trừ vào phần diện tích vườn tược.
Nhà tôi cũng vậy, hơn 9 sào ruộng thày bu tôi sau bao năm tích cóp dành dụm mua được, phải góp hết vào hợp tác. Bu tôi đã sớm nhìn thấy ích lợi của ao nên chấp nhận “hy sinh” không hưởng phần đất 5% theo quy định, để giữ lại ao. Chính cái ao rộng hơn sào ấy đã góp phần quan trọng nuôi một gia đình 6 miệng ăn và những con lợn sề trong cơn khốn khó. Anh tôi sau này có lần nhận xét, chị em mình sống được, lớn được là nhờ thày bu và lợn sề.
Bốn chị em tôi tất bật việc tát ao. Một dải mấy cái ao liền nhau, ao nhà tôi, ao bà Hiếm, ao bà Trại, ao bà Ngỗi cứ khi sát Tết như một công trường nhộn nhịp. Nhà bà Hiếm thường tát trước bởi bà đông con, tinh con giai, các anh Chuyện, Trò, Bé, Bốn đều khỏe mạnh, rồi dưới nữa là mấy đứa trai gái lít nhít. Họ vác gầu dai, gầu sòng ra, chỉ trong một buổi sáng là cạn. Lần nào cũng vậy, anh Chuyện anh Trò đều nhắn trước với anh em tôi, bảo để họ tát cạn bắt cá xong thì sẽ cho nhà tôi tháo nước sang, đỡ được nhiều công tát. Anh Trò còn nói, các chú trông loẻo khoẻo thế kia, có mà sang mùng 1 cũng chưa cạn.
Tới tận bây giờ đã hơn nửa thế kỷ cứ nhớ mãi tình thương người của các anh. Năm 1965, rồi năm 1966, anh Chuyện, anh Trò lần lượt đi bộ đội, lên đường vào Nam. Năm 1968, 1969 xã và gia đình bà Hiếm lại lần lượt nhận được tin dữ, các anh “hy sinh ở mặt trận phía nam”. Ký ức tát ao ăn tết bị chen vào những chuyện buồn khó tả.
Chị tôi và tôi chung một gầu dai, còn anh Uy tôi một mình chiến đấu với chiếc gầu sòng. Lại nhớ hồi đi học cấp 1 trong sách có bài thơ tát nước, vẫn còn thuộc câu “các anh tát một gầu dai/chúng em hai đứa tát hai gầu sòng”. Nhờ đã tháo hơn nửa sang ao bà Hiếm nên chị em tôi chỉ làm một thôi dài nước đã róc đáy, đám cá tụ cả vào cái vũng sâu giữa ao. Bu tôi cẩn thận ra “hiện trường” dặn mấy chị em đừng làm nát mấy bè rau muống rau rút kẻo sau tết không có gì mà đi chợ.
Mỗi lần tát ao, ghét nhất là trong lúc mình đang dạng chân chèo gò lưng múc từng gầu thì trên bờ đội quân hôi cá đã chực sẵn. Ngay từ sáng, chúng nó đã truyền tai nhau thông tin nhà ai tát ao, tát lúc sáng hay chiều. Tinh những đứa tuổi mình, cùng học với mình, mỗi đứa một cái giỏ, chỉ trỏ, chực chờ. Ông anh họ tôi ra xem các em tát ao, nhìn đám giặc quần áo phong phanh rét run cầm cập nhốn nha nhốn nháo ấy, lắc đầu bảo chợ chưa họp kẻ cắp đã tới. Nhưng biết làm sao, đều thiếu đói cả, không nỡ đuổi, chỉ sợ lát nữa chúng làm nát đám rau của bu.
Tát cả cái ao, bỏ công sức hết buổi chiều nhưng cũng chỉ được hơn chục ký cá, láo nháo đủ loại chép mè quả diếc trê rô… Khi chị em tôi còn đang hí húi “bắt nhầm hơn bỏ sót” thì “giặc” trên bờ sốt ruột đã tràn xuống. Thôi thì đành vậy chứ biết làm sao. Những đứa hôi cá kiên nhẫn chờ được thế cũng đáng khen lắm rồi. Có đứa mò sâu xuống bùn bắt được cả những con cá quả cá trê to hơn của chủ ao. Trong cảnh rét căm căm, sẩm tối, nhìn các bạn cùng lứa với mình ngụp sâu dưới bùn để nhặt nhạnh, mà Tết đã cận kề, chả được đi chơi đi bời, tự dưng cứ thương thương chứ không ghét như lúc đầu. Mà mình cũng vất vả như chúng nó chứ nào sung sướng gì.
Ngày tết với những đứa trẻ nghèo nông thôn miền Bắc thập niên 50 - 70, sự háo hức vụt qua nhanh lắm. Thày bu quanh năm bận rộn, vất vả nên những đứa trẻ nghèo sớm có sự sẻ chia. Nông thôn lại lắm việc, Tết chỉ là khoảng lặng ngắn ngủi chứ việc không dừng. Ngay từ trước Tết, bu tôi đã dặn nhà mình ngày mùng 2 dỡ khoai tây, mấy đứa bay đừng đi đâu nhé. Mấy đứa tức là 4 chị em tôi, vốn đang khấp khởi những chuyến du xuân quanh quất trong làng, ra chùa, xa lắm thì lên huyện.
Khoai tây thường được thu hoạch khoảng trước và sau Tết. Dỡ sớm quá thì khoai chưa đủ to, mà muộn quá sẽ dễ hỏng bởi cây khoai lúc ấy đã tàn rồi. Bu tôi còn bảo để thêm ngày nào, chuột nó xơi ngày ấy. Vẫn biết mùng 2 tết được đi chúc tết, đi chơi nhưng chuột nó không phân biệt mùng, cứ sẵn khoai thì xơi thôi. Có những lần vừa dỡ khoai, vừa nhìn thiên hạ nối nhau đi trên đường làng, ai cũng quần áo đẹp, nói cười ríu rít, có đứa đem pháo theo thỉnh thoảng lại đốt nổ vang trời, thèm ứa nước mắt. Ngó sang ruộng bên, hai anh em nhà anh Minh, Dinh con dì Được, rồi mấy cha con cậu Đại, mẹ con bà Hiếm cũng đang cắm người trên ruộng, ngẩn ngơ ngắm ngó cuộc du xuân.
Mà đâu chỉ dỡ khoai, những chân ruộng xuân mới cấy cứ vài ba ngày lại cạn nước, hai chị em hoặc anh em tôi lại lếch thếch chiếc gầu dai mò ra đồng tát nước. Mùng hai đã đi tát nước. Lúa còn cần ăn tết hơn người, nó mà khát thì cả năm người đói, rồi lấy đâu thóc đóng nghĩa vụ cho hợp tác xã, cho “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Ngày tết, nhà nào nuôi trâu thì đám trẻ con khổ nhất. Lũ trâu ban đêm nhai rơm nhưng ngày phải dắt chúng ra đồng, chỗ bờ ruộng, bãi tha ma cho chúng gặm cỏ. Trâu không có tết, chả thể bắt chúng nhịn đói. Sáng mùng 1 mùng 2, nhìn cảnh những đứa trẻ long nhong trên lưng trâu nhấp nhô giữa đồng, cảm giác thật khó tả, lẫn lộn vui buồn. Lại nhớ năm ấy rét đậm từ đầu tháng chạp, mấy cây đào thày trồng lá cứ xoăn tít chả hé được nụ nào, vườn trông vắng hoe.
Tôi và đứa em gái sáng mùng 1 đang xúng xính áo mới guốc mới (cô em được bu cho đôi guốc hoa, không dám đi dưới đất sợ hỏng, liền thử guốc đi trên giường) nhưng rét quá phải mặc thêm áo bông cũ trùm ngoài, bất chợt nhìn ra vườn Bỗng, cái nghĩa địa nho nhỏ phía sau nhà hợp tác, thấy bác Bổ (ít tuổi hơn nhưng mình phải gọi là bác) co ro phong phanh trong chiếc áo tơi lá te tua, quần nâu cũ bạc phếch xắn lá tọa vo lên tận đầu gối, lầm lũi dắt trâu đi, chả biết tết là gì. Nhà cụ Đẹn nghèo nhất làng, nuôi một con trâu và con nghé. Giời ơi, mùng 1 Tết rét thế mà cũng phải chăn trâu, tôi nghe loáng thoáng chị tôi than như vậy.
Một việc quan trọng nữa được người nhớn giao cho tụi trẻ con là đánh bóng lại bộ lư đồng. Nói hẳn ra thì không phải nhà nào cũng có lư. Bây giờ, bộ lư đồng ngự trên ban thờ mỗi gia đình là phổ biến, còn ngày ấy, nhất là ở nông thôn, nó được xem như thứ đồ quý hiếm. Lư đồng sau một năm thường bị lên rỉ đồng, oxy hóa, bụi cáu bẩn, phải “tổng vệ sinh”. Hồi ấy chưa có thứ dịch vụ đánh bóng lư như bây giờ, người nhớn còn bận những việc lớn, nên việc trọng này giao cho trẻ con.
Hai anh em tôi sau khi thắp nén hương xin các cụ cho phép hạ lư xuống thì chia nhau mỗi đứa mần một phần. Đã chuẩn bị sẵn lá chuối khô, lá duối, trấu, cát sạch. Anh tôi chả biết xin ở đâu còn có cả cục thuốc đánh đồng bé bằng nửa đốt tay út. Cứ hì hà hì hục, cặm cụi, vừa làm vừa ngó ra vườn đào, nghe tiếng lợn nhà ai bị chọc tiết kêu éc éc. Nửa buổi sáng thì xong, bộ lư đồng sáng bóng chả khác gì mới mua. Thày thường nhắc với đồ thờ cúng mình đừng để uế tạp thì các cụ sẽ phù hộ che chở cho. Vài năm sau, khi anh tôi đi bộ đội vào Nam rồi, thấy tôi vụng về làm không kỹ không sạch, thày tôi giao hẳn cho đứa cháu họ gọi bằng ông việc đánh bóng lư đồng. Nó (Hoan) làm thì không chê vào đâu được. Cháu vắn số, cũng đi hơn hai chục năm rồi.
Những ký ức khó quên, nhưng phần lớn là buồn. Đọc cho biết thôi ạ.
Chúc mọi người đón xuân vui vẻ.
NGUYỄN THÔNG 26.01.2025
No comments:
Post a Comment