Đặng Bích Phượng - Tiễn đưa bác Lê Gia Khánhsamedi 25 janvier 2025
Thuymy
Trước năm 1945, bác Khánh học ở trường quân sự gì của Pháp, nhà em không nhớ rõ. Sau khi tốt nghiệp, bác về làm đồn trưởng, hay đồn phó của một đồn lính ở Bắc Giang, đeo lon thiếu úy thì phải. Được mấy tháng thì Việt Nam cướp chính quyền, người Pháp rút lui.
Bác Khánh là một trong những người tù không án, thời kỳ sau năm 45. Giam chán thì họ thả bác về. Nhưng hễ có sự kiện gì, họ lại đến nhà đưa bác đi, ngắn thì giam vài tháng, dài thì giam vài năm. Tổng cộng bác đi tù phải trên chục năm.
Tiếc là lâu quá, nhà em không nhớ chi tiết những lời bác kể. Nhưng biết bác từng bị giam ở nhà tù "Cổng Trời", nổi tiếng tàn bạo.
Một người học hành nghiêm chỉnh, tiếng Pháp làu làu, sau khi ra tù, có thể làm gì để kiếm sống? Vậy là bác làm đủ nghề, cả đạp xích lô để tồn tại. Một người đàn ông nhỏ bé, khắc khổ, đã tồn tại trong chế độ thù dai nhất như thế nào, không ai hình dung nổi. Có lẽ những người như bác ấy, được sống là may lắm rồi chăng?
Khoảng chục người trong nhóm NoU, đã đưa bác Khánh về đài hóa thân hoàn vũ. Sau đó quay về thăm bác Trâm còng. Người nhà nói, bác lúc tỉnh, lúc lẫn. Khi chúng em đến, bác vẫn nhớ tên một số người. Dù nhà em là đứa tệ nhất, chưa từng đển thăm hai bác một lần, nhưng vì thường đi biểu tình với hai bác, nên bác vẫn nhớ biệt danh, chứ nói tên bây giờ, chắc bác chả biết là ai.
Bác vẫn gọi bác Khánh là anh ấy, nói mình vẫn nghĩ mình sẽ chết trước anh ấy, anh ấy (92 tuổi) vẫn khỏe lắm. Mà bác Khánh khỏe thật mà. Hàng tuần, bác vẫn đạp xe từ nhà ở tận Lĩnh Nam, lên Hồ Tây để đạp xe cùng nhóm xe đạp. Lúc vào viện, bác vẫn nói với đứa cháu, vài hôm nữa là chú về.
Thế cũng là xong một kiếp người. Nếu có thể đầu thai, mong bác được đầu thai vào một nơi tốt đẹp hơn, chứ không khổ như ở đây. Nhà em không rơi nước mắt, chỉ nghĩ: thế cũng là một sự giải thoát. Bác đi rất nhẹ nhàng, chóng vánh, không phải nằm lê lết, trong đau đớn. Nhưng đến lúc người ta đẩy quan tài bác vào phía trong khu hỏa táng, tự dưng lại nghẹn ngào.
Yên nghỉ bác Lê Gia Khánh nhé. Thương bác nhiều.
ĐẶNG BÍCH PHƯỢNG 25.01.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Nguyễn Văn Phương - Bác Khánh
Bác Khánh năm nay 92 tuổi, tuy bác hơn cả tuổi ông bà tôi nhưng tôi vẫn gọi là bác. Bởi với tôi, bác Khánh không chỉ là người bác, còn là một người bạn thương quý. Tôi biết bác Khánh và bác Trâm (vợ bác Khánh) 14 năm trước trong những lần đầu tiên đi biểu tình chống Trung Quốc.
Hai bác đã trở thành những hình ảnh đặc biệt trong đoàn người biểu tình. Bác Trâm, một người phụ nữ nhỏ bé, chỉ chưa đầy 1m50 nhưng tiếng hô "Đả đảo Trung Quốc xâm lược" của bác hô vang đầy đanh thép, dõng dạc. Bác Khánh thì trầm tĩnh, thầm lặng nhưng không hề vắng mặt trong hầu hết các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày ấy.
Trong ký ức của tôi, bác Khánh là một người Hà Nội gốc với giọng nói nhẹ nhàng, bác nói tiếng Pháp rất giỏi và rất hay. Bác Khánh và bác Trâm đều là những người sống tình cảm, luôn quan tâm, hỏi han mọi người. Hai bác ở với nhau, không có con cái, kinh tế hai bác cũng rất nghèo, sống trong một căn nhà mái bằng cũ kỹ, đồ đạc trong nhà cũ, hỏng là phần nhiều. Nhưng nhiều lần gặp mặt hội bạn bè biểu tình, hai bác rất thích mang đồ ăn, quà cáp cho chia cho mọi người. Rất thương hai bác nhưng tôi cũng không thường xuyên qua lại hỏi thăm được.
Cách đây 7-8 năm, bác Trâm bị tai biến, sức khỏe sa sút nghiêm trọng nên mọi việc chăm sóc bác Trâm và việc nhà đều do một tay bác Khánh phải gánh vác. Cũng may, sức khoẻ bác Khánh cũng tốt nên 92 tuổi rồi bác vẫn đạp xe một vòng hồ Tây được. Mười năm nay cứ vào dịp tết, tôi lại đến thăm nhà hai bác, biếu chút quà tết. Cách đây hai ngày tôi định sang thăm thì tối hôm đó được tin bác Khánh đang cấp cứu trong tình trạng hôn mê, khó qua khỏi. Và đêm đó bác đã ra đi.
Hôm sau, tôi lặng lẽ qua nhà hai bác. Bác Trâm nhìn thấy tôi đã nhận ra ngay (sau đợt tai biến mắt bác Trâm bị nhòe không nhìn rõ, trí nhớ sa sút, lúc nhớ lúc quên, chỉ đi lại được nhẹ nhàng trong nhà). Rồi bác túm vai tôi nghẹn ngào, hai mắt đỏ hoe nói : "Phương ơi, anh Khánh chết rồi..." "Không biết giờ ai mua đồ ăn cho bác, chắc bác cũng đi ngày một ngày hai nữa thôi...". Tôi lặng đi, chẳng biết nói gì...một nỗi buồn khó tả, thương hai bác quá !
Những ngày cuối năm buồn...
NGUYỄN VĂN PHƯƠNG 24.01.2025
No comments:
Post a Comment