Sunday, January 26, 2025

Donald Trump trước chiếc bẫy Ukraina và lò lửa Trung Đông
Thụy My
Đăng ngày: 26/01/2025 - 00:57

Tác động của chính sách Hoa Kỳ với chiến tranh ở Ukraina và Trung Đông cũng như với thế giới trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Donald Trump là đề tài bao trùm lên tất cả, bên cạnh xung đột giữa Pháp và Algérie, biến đổi khí hậu, kỷ niệm 80 năm ngày giải phóng trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã.

RFI
Ảnh tư liệu : Ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky gặp gỡ tại Trump Tower ở New York, Hoa Kỳ ngày 27/09/2024. REUTERS - Shannon Stapleton

Chấm dứt chiến tranh Ukraina trong 24 giờ : Tuyên bố thiếu thận trọng

Le Figaro cuối tuần trong bài « Chiếc bẫy Ukraina » phân tích, sự bất cẩn lớn nhất trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump là hứa mang lại hòa bình cho Ukraina trong vòng 24 giờ. Cho dù đã chỉnh lại là 100 ngày, thách thức vẫn rất lớn và phương thức thực hiện vẫn chưa rõ. Hiện tổng thống Mỹ đang dùng chiến lược vừa đấm vừa xoa một cách tối thiểu để thuyết phục Vladimir Putin thương lượng.

Bắt đầu bằng việc dễ nhất là điện đàm giữa hai tổng thống, và có thể là loan báo một cuộc gặp song phương. Nhưng Trump vẫn còn thiếu nhân tố chính là tầm nhìn về hòa bình. Người ta chỉ biết rằng ông muốn chấm dứt các trận đánh càng sớm càng tốt, giúp ông khoác lên chiếc áo nhà hòa giải như trong diễn văn nhậm chức, ngưng viện trợ quân sự cho Kiev như đã hứa với cử tri. Còn cuộc chiến đấu của Ukraina có chính nghĩa hay không, có nên ngăn không cho kẻ xâm lăng chiến thắng để tránh những cuộc phiêu lưu quân sự mới, Trump chẳng mấy quan tâm.

Cuộc chiến sống còn cho cả đôi bên

Dù vậy với Putin, chiếm hữu đất đai và buộc Ukraina phải đầu hàng là rất quan trọng để biện minh cho cuộc xâm lăng. Đối với Volodymyr Zelensky, là vấn đề tồn vong của đất nước, cần những bảo đảm chắc chắn về an ninh. Còn châu Âu có tâm lý vừa sợ Nga xâm lấn vừa sợ bị Washington bỏ rơi.

Matxcơva luôn đòi Kiev phải buông toàn bộ vũ khí, mà không bảo đảm sẽ không kéo quân qua tiếp. « Hòa bình lâu dài » kiểu Putin là phải nhìn nhận những lãnh thổ chiếm được là của Nga, không chỉ Crimée cùng với Donetsk, Luhansk cướp được hồi năm 2014, mà cả Kherson và Zaporijjia, dù vẫn đang do quân đội Ukraina kiểm soát một phần. Matxcơva cũng không chấp nhận hoãn lại việc Ukraina gia nhập NATO mà đòi phải từ bỏ hẳn ý định, và đòi phương Tây bỏ hết mọi trừng phạt. Ukraina, bị cướp mất gần 1/4 lãnh thổ, chỉ có được một điều là ngưng chiến nhưng không có gì bảo đảm sẽ không bị tấn công tiếp.

Chừng như Donald Trump ý thức được nguy cơ yếu đuối trước Matxcơva, nhưng lại không tỏ ra thương cảm nạn nhân bị xâm lược là Kiev. Ông chủ Nhà Trắng rơi vào chiếc bẫy - một tình thế mà ông rất ghét - trừ phi từ bỏ lời hứa mang lại hòa bình. Buộc phải tiếp tục trợ giúp Ukraina trong khi Nga chống lại, ông phải đánh giá được cuộc chiến tranh « lố bịch » này là mang tính sống còn cho cả hai bên. Không ai muốn một « deal » đại hạ giá. Nước Mỹ khó thể vĩ đại nếu để cho Putin chiến thắng dễ dàng.

Quân Nga dùng drone truy sát thường dân Kherson

Trên chiến trường, quân Nga đánh mãi vẫn chưa chiếm nổi thành phố Pokrovsk, dù có tiến được nhưng phải chịu thiệt hại rất lớn. Phóng sự của Le Figaro cho biết lữ đoàn thủy quân lục chiến 35 của Ukraina vẫn dũng cảm chiến đấu trong một cuộc chiến không cân sức. Tại Kherson, thành phố miền nam bị Nga chiếm đóng 8 tháng trước khi bị đuổi sang bên kia sông Dniepr, quân Nga dùng drone truy sát thường dân. The Economist cho rằng có lẽ do Nga tức tối vì nhanh chóng mất đi thành phố duy nhất mà họ chiếm được trong suốt ba năm chiến tranh. Tháng 6/2023, Nga cho nổ con đập Kakhovka ; và từ 6 tháng qua, các drone Nga hàng ngày đuổi theo xe hơi và người đi bộ ở Kherson để tấn công.  

Kể từ mùa hè vừa qua đã có 1.000 vụ drone thả xuống lựu đạn, bom xăng, bi-đông chứa các mảnh sắt sát thương...làm hơn 500 người bị thương và 36 người thiệt mạng, tấn công cả xe cứu thương. Người dân nay không dám dùng xe hơi vì không nghe được tiếng kêu của drone. Họ gần như không dám ra ngoài, lắng nghe tiếng vo ve trên cao và chạy nhanh từ bờ tường này sang bờ tường khác, núp sau gốc cây...Việc cố ý nhắm vào thường dân là tội ác chiến tranh, nhưng đã có tác động làm dân số Kherson giảm hẳn.

Về con số 200.000 lính gìn giữ hòa bình mà tổng thống Volodymyr Zelensky đòi hỏi nơi đồng minh một khi ngưng bắn, một nguồn tin quân sự nói với Le Figaro, không phải là không có cơ sở. Sau chiến tranh Triều Tiên, có đến 30.000 lính Mỹ được điều đến giữ an ninh cho 250 kilomet đường biên giới. Còn biên giới Ukraina dài đến hơn ngàn cây số, cần ít nhất 150.000 quân. Trong hậu trường, châu Âu bàn bạc về khả năng điều khoảng 3 sư đoàn tức 50.000 quân, không dưới danh nghĩa NATO. Tuy nhiên triển khai quân sang Ukraina phức tạp hơn nhiều so với gởi lính mũ xanh sang Nam Tư hay Liban. Muốn hiệu quả, lực lượng đồng minh cần có bộ chỉ huy, phương tiện phòng không, dự trữ đạn dược, tổ chức hậu cần quy mô, nhưng cho đến nay, đa số đều do Mỹ cung cấp cho NATO.

Chiến trường, kinh tế Nga, đàm phán : Ba câu hỏi trong hồ sơ Ukraina 

Cũng về chiến tranh ở Ukraina, Le Nouvel Obs phân tích « Ba câu hỏi vào đầu kỷ nguyên Trump ». Trong lúc quân đội Ukraina đang mất dần đất, khả năng giải quyết cuộc chiến còn tùy thuộc thái độ can thiệp của ông Donald Trump. Đây là một trong những vấn đề chính từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua : ván cờ đã thay đổi khi ông Trump quay lại Nhà Trắng.

Trước hết, nhìn chung tình hình chiến trường, trong năm 2024 quân Nga chiếm được gần 4.000 km², và riêng Donetsk đang giữ 70 %. Theo tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina, sự đột phá này thực hiện được với cái giá 150.000 mạng lính Nga. Quân đội Ukraina đáp trả bằng một loạt oanh kích tầm xa vào lãnh thổ Nga trong những ngày gần đây, chủ yếu vào các cơ sở hạ tầng dầu khí, và tấn công bằng drone. Năm 2024 cũng được đánh dấu bằng chiến dịch bất ngờ của Ukraina đánh vào Kursk, chiếm được 1.300 km² lãnh thổ. Dù Putin chỉ thị phải lấy lại bằng mọi giá và huy động cả viện binh Bắc Triều Tiên, nhưng nay Ukraina vẫn kiểm soát 400 km².

Thứ nhì, kinh tế Nga hiện nay thực sự ra sao ? Tạm thời vẫn ổn, nhưng những đám mây đen đã lần lượt kéo đến trong những tuần qua. Ngày 01/01, Ukraina đã khóa van khí đốt, chấp nhận mất phí trung chuyển hàng trăm triệu euro một năm, nhưng làm Nga thiệt mất nhiều tỉ đô la. Donald Trump cũng đe dọa sẽ yêu cầu các nước vùng Vịnh giảm giá dầu để trừng phạt Matxcơva thêm. Đồng rúp tiếp tục lao dốc.

Cuối cùng, đây có phải là lúc để đàm phán hay chưa ? Trên thực tế, theo cựu sĩ quan Pháp Guillaume Ancel, việc thương lượng đã bắt đầu ít nhất từ đầu tháng 12 giữa ê kíp Donald Trump và những người thân cận của Vladimir Putin. Với tốc độ tiến quân hiện nay, cần thêm 10 thế hệ lính Nga và nhiều triệu mạng quân Nga nữa mới chinh phục được Ukraina. Putin hoàn toàn có lợi nếu chấp nhận một giải pháp trung bình và sau đó tự tuyên bố chiến thắng. Cũng theo ông Ancel, khó có việc Hoa Kỳ bỏ rơi Ukraina, vì sẽ là nỗi nhục cho người Mỹ nếu nhượng bộ Nga, từng là địch thủ trong suốt nhiều thập niên chiến tranh lạnh. Le Figaro cũng cho rằng trước đây ông Trump trong vai trò đối lập, nhưng nay khi nhận trọng trách thì sẽ hành xử khác đi.

Donald Trump, khôi nguyên Nobel hòa bình tương lai ?

Nhìn sang khu vực Trung Đông, L'Express nói về « Một nền hòa bình phiên bản Trump ». Vết sẹo vẫn còn trong ký ức ông Trump. Năm 2021, nhà tỉ phú thực sự hy vọng sẽ nhận được giải Nobel nhờ vai trò trung tâm trong thỏa thuận Abraham. Đối thủ muôn thuở của ông là Barack Obama đã được tặng giải thưởng cao quý này năm 1999 mà chẳng có thành tích gì - ngoài việc được bầu vào Nhà Trắng. Nhưng rốt cuộc giải được trao cho hai nhà báo Dmitri Buratov và Maria Ressa.

Trong nhiệm kỳ 2, Trump lại giơ ra cây gậy với Trung Đông, và hiện rất hiệu quả. Sau khi hứa hẹn lửa hỏa ngục, ba tuần sau Israel và Hezbollah ký ngưng bắn ở Liban và nay tiếng súng đã im ở Gaza, dù suốt 15 tháng trời các nhà ngoại giao của Biden không thuyết phục nổi Nétanyahou. Thủ tướng Israel kiêng dè Trump hơn là các bộ trưởng cực hữu trong liên minh.

Đó chỉ mới là khởi đầu. Trump còn muốn định hình lại Trung Đông, với một thỏa thuận giữa Israel và Ả Rập Xê Út. Tương lai cuộc xung đột Israel Palestine sẽ được quyết định tại Phòng Bầu dục của Trump. Netanyahou cũng muốn dựa vào Trump để giải quyết mối đe dọa Iran. Trong năm qua, Teheran đã gánh chịu vô số thất bại ở Gaza, Liban, Syria, và ê kíp tổng thống Mỹ nêu ra nhiều khả năng kể cả việc oanh tạc các địa điểm nguyên tử. Tuy vậy Trump có thể thương lượng một thỏa thuận với Iran, và đây sẽ là cơ hội bằng vàng cho nước này. Trong nỗ lực tìm kiếm giải Nobel hòa bình, Trump sẽ còn gây ngạc nhiên, với điều kiện không chiếm Canada hay Groenland như đã dọa.

Gaza : Xung đột sẽ tái diễn nếu Hamas còn nắm quyền

Tuy nhiên Le Point đặt câu hỏi « Israel-Hamas, một cuộc ngưng bắn để rồi chẳng đi đến đâu chăng ? ». Hòa bình giữa Israel và người Palestine không thể có được một khi phong trào Hồi giáo cực đoan này vẫn quản lý Dải Gaza.Ngay những giờ ngưng bắn đầu tiên, người ta đã sững sờ chứng kiến sự tái xuất hiện của các chiến binh Hamas vũ trang, che mặt, chứng tỏ phong trào Hồi giáo lại nắm quyền như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Để ngăn cản xung đột lại bùng nổ và bắt đầu tái thiết, người Palestine nhất định cần có một ban lãnh đạo khả tín. Tất cả những công dân thiện chí đều mong đợi thành lập một Nhà nước Palestine ôn hòa bên cạnh Israel. Trong khi mục tiêu của tổ chức khủng bố này là tiêu diệt hẳn Nhà nước Do Thái. Israel đã khẳng định vị trí chiến lược trong khu vực từ ngày 07/10/2023, qua việc làm Iran và mạng lưới dân quân Hồi giáo chống phương Tây, chống Do Thái yếu hẳn đi. Nhưng mục tiêu chính của cuộc chiến là diệt trừ Hamas sẽ không đạt được khi phe này vẫn cầm quyền ở Gaza.

Bên cạnh đó hình ảnh Israel đã bị xấu đi trên trường quốc tế. Cuộc tiễu trừ Hamas bị gán cho từ « diệt chủng », dù nguyên nhân của xung đột là vụ thảm sát mà người Israel là nạn nhân. Sự hiện diện của Nhà nước Do Thái bị coi là « đô hộ », cứ như người Do Thái không hề có liên hệ lịch sử với mảnh đất Israel. Quân đội Israel đã thắng về quân sự, nhưng có nguy cơ thua về chính trị. Chỉ sức mạnh quân sự không đủ để chiến thắng một ý thức hệ cực đoan. Hai dân tộc Israel và Palestine đang còn thiếu sự tin cậy lẫn nhau cho một nền hòa bình bền vững.

Nhà hòa giải khả tín nào cho Trung Cận Đông ?

Le Nouvel Obs nhận xét, việc ngưng bắn giữa Israel và Hamas đạt được nhờ vào cố gắng của hai nước đứng ra thương lượng là Qatar và Ai Cập, cũng như nỗ lực của cả hai chính quyền Biden và Trump – một điều chưa từng thấy. Nhưng hậu ngưng bắn thì sao ? Chưa có gì được dự kiến ngoài các hoạt động nhân đạo, chẳng biết ai sẽ quản lý dải đất 2 triệu người này, cũng chưa có giải pháp chính trị nào. Thế nên cần có một « honest broker » (nhà trung gian khả tín).

Hoa Kỳ của Trump không thể đóng vai trò này. Marco Rubio, ngoại trưởng được tổng thống thứ 47 chọn lựa, từng nói trước Thượng Viện rằng chính quyền Trump sẽ « thân Israel nhất trong lịch sử ». Ả Rập Xê Út thì đòi phải thành lập Nhà nước Palestine. Theo tuần báo, điều nghịch lý là châu Âu, đang phải đứng ngoài cuộc khủng hoảng Trung Đông, lại có thể là nhà hòa giải công tâm nhất. Dù hiện tại vẫn chia rẽ - Tây Ban Nha công nhận Nhà nước Palestine, Hungary thân Benjamin Netanyahou, Đức mang nặng mặc cảm lịch sử, Pháp dè dặt – nhưng châu Âu là đối tác thương mại hàng đầu của Israel và nhà tài trợ lớn nhất cho Palestine.

Trung Đông và « pax americana » theo Donald Trump

Ông Trump đe dọa « địa ngục » cho Hamas, nhưng cũng không tha Benjamin Netanyahou. Chuyên gia David Khalfa của Fondation Jean-Jaurès thuật lại sự thô bạo của đặc sứ Steve Witkoff, đã không ngần ngại đến thẳng văn phòng thủ tướng Israel ngay trong ngày Shabbat. Có nghĩa là Israel chỉ có một chọn lựa : chấp nhận thỏa thuận. Nhật báo cánh tả Israel Haaretz so sánh, Witkoff xử sự như một chủ nhà đến để đòi tiền thuê chưa trả.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Donald Trump đã tặng hàng loạt quà cho Nhà nước Do Thái : ra lệnh dời đại sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv sang Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel trên cao nguyên Golan…khiến ông được cánh hữu Israel coi là người hùng. Những quan chức cao cấp được ông Trump bổ nhiệm, từ ngoại trưởng Marco Rubio, tân đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Elise Stefanik đến bộ trưởng quốc phòng Pete Hegseth đều ủng hộ Nhà nước Do Thái. Nhưng Donald Trump cũng muốn đóng vai người kiến tạo hòa bình. Elon Musk từng đi gặp đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc vào mùa thu.

Chuyên gia Bruno Tertrais khẳng định : « Chỉ có ba điều khiến Donald Trump quan tâm : chính ông ấy, ông ấy và ông ấy ». Đó vừa là sự tự cao, vừa là vấn đề tiền bạc. Và vì Trump bị ám ảnh bởi một giải thưởng hòa bình, còn gì tốt hơn là một thỏa thuận cho Cận Đông ?

Kẻ thù đáng gờm nhất của Trump chính là Trump

Cũng về tân chính quyền Hoa Kỳ, Le Point đăng trên trang bìa ảnh hai ông Donald Trump và Elon Musk, chạy tít lớn « Đó là sự thô bạo »The Economist cũng cho rằng « Nước Mỹ có một tổng thống đế quốc », lần đầu tiên sau một thế kỷ. Ông Trump vẫn bị ràng buộc bởi một số định chế lâu đời nhất của Hoa Kỳ, bao gồm thể chế liên bang và tư pháp ; nhưng gần đây ông đã phá bỏ khá nhiều.

Sự đồng thuận rằng Hoa Kỳ nên là một siêu cường nhân đạo, được sinh ra từ đống tro tàn sau đại chiến thế giới năm 1945, cũng đã biến mất. Và ông Trump còn muốn nhiều hơn thế nữa: Đó là chứng kiến nước Mỹ thoát khỏi các chuẩn mực, chính trị truyền thống, khỏi bộ máy mà ông cho là quan liêu và trong một số trường hợp, thậm chí là tránh khỏi luật pháp. Còn lại là một sự pha trộn giữa cũ và mới, một hệ tư tưởng từ thời đại đường sắt pha trộn với tham vọng cắm cờ trên Hỏa tinh.

Le Point nhận định với việc tôn sùng sức mạnh, các khiêu khích về địa chính trị, tấn công vào chủ nghĩa « woke » (tỉnh thức) … Donald Trump đã áp đặt quan điểm về một « thời kỳ hoàng kim » mới của Mỹ quốc. Trong một nước Mỹ bị chia rẽ, tâm trạng bất bình về những sự quá trớn của xu hướng cấp tiến đã phục vụ cho ông Trump.

Trong một bài viết khác, The Economist cho rằng Trump thực sự có cơ hội đưa nước Mỹ vào thời kỳ vàng son. Đảng Cộng Hòa đang phủ phục dưới trướng ông, những kẻ thù của ông trong nước đang bối rối và suy yếu, còn những kẻ thù của Mỹ ở nước ngoài thì đang bận tâm với những vấn đề rắc rối của riêng mình. Ông Trump đã chiến đấu trong mười năm với bất kỳ ai mà ông cho là đã vượt mặt mình. Kẻ thù đáng gờm nhất của ông còn tồn tại có lẽ là chính ông.

No comments:

Post a Comment