Bí mật về gia tài của Bachar Al AssadThụy My
Đăng ngày: 12/01/2025 - 00:56
RFI
L’Express tuần này tiết lộ « Những bí mật về gia tài của Bachar Al Assad ». Sau khi chế độ độc tài Syria sụp đổ, những bức màn lần lượt được vén lên về cung cách gia tộc này làm giàu trên xương máu người dân.
Những vật kỷ niệm cá nhân của Bachar Al Assad bị bỏ lại tại một trong những gian phòng ở Dinh tổng thống, sau khi quân nổi dậy tiến vào thủ đô Damas ngày 10/12/2024. REUTERS - Amr Abdallah DalshAssad khoe sống giản dị, nhưng thực ra là tín đồ hàng hiệu
Trong gần 25 năm, Bachar Al Assad xuất hiện với vẻ ngoài đơn giản, quần jean, áo thun trắng, không xe hơi hay du thuyền sang trọng. Bà vợ Asma khi trả lời báo chí phương Tây khẳng định « Chúng tôi sống giản dị không khác giới trung lưu ở Damas ». Thế nhưng ngày 08/01, lớp vẹc-ni này đã nhanh chóng bị bóc trần. Những bộ thời trang do các nhà tạo mốt nổi tiếng thế giới thực hiện, những món trang sức đắt tiền được phát hiện trong Dinh tổng thống, sau khi Assad bỏ chạy. Trên mạng xã hội, người dân trưng ra các túi xách Vuitton, Hermès, Dior…và mấy chục chiếc xe hơi sang trọng rất đắt tiền trong ga ra.
Gia tài của Bachar Al Assad khó thể xác định chính xác. Báo cáo của bộ ngoại giao Mỹ năm 2022 ước tính khoảng 1 đến 2 tỉ đô la, con số này bị tất cả những người thông thạo về chế độ phản đối. Một số cho rằng lên đến 400 tỉ đô la. Từ năm 1970, gia tộc Assad trộn lẫn tài khoản ngân hàng của mình với của Nhà nước, thống trị quân đội, tình báo, giáo dục, tôn giáo và nhất là kinh tế. Minh bạch quốc tế xếp Syria thứ 178/180 nước.
Cướp đoạt viện trợ nhân đạo quốc tế, buôn ma túy
Bị quốc tế trừng phạt, chế độ quay sang hai nguồn thu nhập khó tin là viện trợ nhân đạo và buôn ma túy, trong khi tỉ lệ người nghèo khổ ở Syria lên đến 90 %. Loại ma túy tổng hợp captagon giá thành không đáng kể, nhưng giúp thu về nhiều triệu đô la từ các nước vùng Vịnh giàu có, chủ yếu là Ả Rập Xê Út. Có đến 80 % lượng captagon buôn bán trên thế giới là từ Syria. Chỉ riêng trong năm 2022, Damas đã thu về 10 tỉ đô la. Bachar Al Assad, « đao phủ Damas » còn dùng để làm áp lực với các láng giềng - Ả Rập Xê Út hứa đầu tư 4 tỉ đô la nếu Syria ngưng xuất ma túy.
Hàng năm, các nước phương Tây viện trợ khoảng 2,5 tỉ đô la để giúp nhân dân Syria, dù biết rằng một phần lớn sẽ bị gia đình Assad biển thủ. Chính Asma, người vợ quốc tịch Anh của Bachar Al Assad phụ trách điều phối mạng lưới nhân đạo. Không có món viện trợ nào được phân phát tại Syria nếu không có lệnh của bà ta. Không chỉ ăn chặn, chế độ còn dùng thủ thuật lũng đoạn tỉ suất hối đoái để chiếm đoạt phân nửa số viện trợ nhân đạo, một khi ngoại hối được rót vào Syria.
Gia tộc Assad những năm gần đây đổ tiền vào địa ốc ở Nga, mua khoảng hai chục căn nhà tại Matxcơva trị giá hơn 30 triệu đô la, trong đó có những tòa biệt thự sang trọng tại khu kinh doanh mới của thủ đô nước Nga. Financial Times tiết lộ Assad đã chuyển sang Nga ít nhất 250 triệu đô la tiền mặt loại giấy bạc 100 và 500 đô la. Nhật báo Anh có trong tay chứng từ về ít nhất 21 chuyến bay chở tiền, chế độ sụp đổ quá nhanh nên không kịp xóa dấu vết. Những tổ chức chống tội phạm tài chánh quốc tế đang cố gắng truy tìm những tài khoản của Assad ẩn giấu tại nhiều nước, để có thể trả lại cho người dân Syria một phần nào trong số những gì họ bị cướp đoạt.
Những ông chủ mới của Syria là « Hồi giáo ôn hòa » ?
Cũng về Syria, các báo tỏ ra ngờ vực về một chế độ « Hồi giáo ôn hòa » như những ông chủ mới của Damas hứa hẹn. Theo Le Point, việc thủ lãnh nổi dậy HTS từ chối bắt tay nữ ngoại trưởng Đức mới đây không hứa hẹn điều gì tốt lành : chạm vào tay phụ nữ là « haram », bị thượng đế cấm. L’Express cho biết việc sửa đổi sách giáo khoa đã bị rút lại sau khi dư luận phản đối, nhưng người công giáo và người Do Thái vẫn bị mô tả là « những kẻ khiến thượng đế phẫn nộ ». Courrier International dịch bài viết của Al-Quds Al-Arabi cho rằng « Hoài nghi những người Hồi giáo của HTS là nghĩa vụ ».
Covid : 12 tuần làm tê liệt thế giới
Kỷ niệm mười năm vụ khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo, năm năm từ khi Covid xuất hiện ở Vũ Hán, chiến tranh ở Ukraina và Trung Đông, sự quá trớn của Elon Musk là những hồ sơ đáng chú ý trên các tuần báo kỳ này. Bên cạnh đó là những vấn đề xã hội như smartphone và tình trạng sức khỏe tâm thần, phong trào tận dụng đồ cũ – mà Courrier International gọi là « sự trả thù của người tiêu dùng ».
Năm năm sau đại dịch, L’Express dành đến 9 trang báo cho việc đi tìm nguồn gốc của Covid-19 - cuộc tranh cãi khoa học mang tính chính trị và tai hại nhất của thế kỷ. Tuy nhiên nhân danh nhiều triệu nạn nhân đã thiệt mạng, một ngày nào đó sự thật phải được nói lên. Le Figaro cuối tuần cũng phân tích về nhiều mặt trong 8 bài viết. Quay lại khúc phim « Covid : Mười hai tuần tê liệt cả thế giới », Le Figaro nhắc nhở, cách đây đúng 5 năm, ngày 11/01/2020, bệnh nhân đầu tiên tử vong vì một chứng viêm phổi lạ tại thành phố Vũ Hán. Không ai nghĩ rằng đây là khởi đầu của một đại dịch khiến cả hành tinh bị phong tỏa trong hơn ba năm – lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Trong lúc Trung Quốc chuẩn bị mừng tết âm lịch, những ca viêm phổi đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán, gần chợ Hoa Nam, nơi nhiều động vật được nuôi nhốt để bán. Trước đó ngày 31/12/2019 Đài Loan đã báo động cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về căn bệnh nguy hiểm với những triệu chứng giống như SARS hồi năm 2023. Ngày 11/01, Trung Quốc loan báo trường hợp tử vong đầu tiên, và đến 20/01 WHO mới công nhận là virus này lây lan. Nhà virus học Trương Vĩnh Chấn (Zhang Yongzhen) công bố trình tự gien virus, dù chính quyền không muốn.
Ngay từ đầu Bắc Kinh đã muốn bóp nghẹt vụ này. Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người cảnh báo sớm bị cáo buộc « tung tin thất thiệt », « gây rối trật tự xã hội », sau đó đã tử vong vì con virus, gây phẫn nộ trong công chúng. Đến khi có 25 người chết (theo con số chính thức), Trung Quốc phong tỏa gần 20 triệu người - một quyết định có vẻ siêu thực đối với châu Âu - và khẩn cấp xây dựng bệnh viện 1.000 chỗ. Những tháng sau đó, Trung Quốc không ngừng viết lại lịch sử, loan tin virus xuất phát từ thịt đông lạnh nhập khẩu.
Sau đại dịch, nước Pháp đã khác trước
Hai tuần sau, một ca Covid xuất hiện trên tàu du lịch Diamond Princess của Nhật vừa rời Hồng Kông, trên 700 người bị nhiễm và 7 người thiệt mạng ; chứng tỏ virus lây lan mạnh trong không gian khép kín. Những ca đầu tiên tại Pháp được phát hiện ngày 24/01, sau đó đến Ý. Ngày 12/03, tổng thống Emmanuel Macron ra lệnh đóng cửa trường học, và vài ngày sau phong tỏa cả nước Pháp trong hai tuần. Tưởng chừng chỉ 15 ngày, nhưng rốt cuộc kéo dài hơn một năm, và những đợt hạn chế tiếp theo… cho đến khi các biến thể khác của virus bớt độc hại và vac-xin nhanh chóng xuất hiện.
Ngày 05/05/2023, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố đại dịch kết thúc. Trong 5 năm, con virus từ Vũ Hán đã giết hại hơn 7 triệu người trên toàn thế giới. Tại Pháp, đại dịch để lại hậu quả lâu dài cho xã hội, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý lớp trẻ. Không ít người mất đi cơ hội thăng tiến, mất người thân mà không gặp được lần cuối…gây chấn thương tâm lý. Thói quen làm việc từ xa được hình thành, hiện nay 29 % nhân viên làm việc từ nhà ít nhất một ngày trong tuần. Những động tác căn bản như rửa tay ngay khi về nhà, đeo khẩu trang khi dùng giao thông công cộng…trở thành quen thuộc. Trong nhà thờ, khi chúc bình an cho nhau người ta chỉ làm một động thái từ xa thay vì siết tay người bên cạnh như trước…
Về kinh tế, đại dịch cũng mang tính lịch sử. Nhà nước Pháp đã mở rộng hầu bao để đối phó « bằng bất cứ giá nào ». Người lao động mất việc hoặc làm việc ít đi vì phong tỏa vẫn được hưởng lương, bồi thường cho doanh nghiệp bị mất doanh thu, bảo lãnh nợ cho các công ty, và sau đó là kế hoạch tái thúc đẩy 100 tỉ euro để giúp phục hồi nền kinh tế. Không có chủ trương mạnh dạn này, tổng sản phẩm nội địa của Pháp có thể sụt đến 37 % ; tuy nhiên cũng làm nước Pháp mang nợ rất nhiều.
Virus từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay qua vật trung gian ?
Con virus giết người nhiều nhất trong lịch sử đương đại có xuất xứ từ động vật hay thoát ra trong phòng thí nghiệm ? Đây là vấn đề vẫn gây tranh cãi. Có điều chắc chắn là Covid xuất phát từ Vũ Hán, và những virus gần gũi với Sars-CoV-2 lan tràn trong số dơi ở những hang động tại vùng biên giới Lào. Làm thế nào mà những virus trong loài dơi đi xuyên qua 1.000 kilomet đến Vũ Hán, và có được những gien đặc biệt để lây nhiễm khủng khiếp như vậy ?
Trung Quốc vẫn luôn giấu diếm, cả hai giả thiết trên đây chính quyền Bắc Kinh đều không ưa. Các nhà điều tra của WHO không được cung cấp dữ liệu của phòng thí nghiệm Vũ Hán cũng như các phân tích về những ca đầu tiên – và đến bây giờ có lẽ là đã quá trễ để tìm kiếm dấu vết. Nhóm các nhà khoa học « SAGO » vẫn mong chờ các tài liệu của CIA được tổng thống Joe Biden cho phép giải mật. Người ta nghi ngờ các nhà khoa học Trung Quốc ở Vũ Hán đã có thử nghiệm nguy hiểm về việc « tăng chức năng » khiến virus xâm nhập vào tế bào con người.
Đặc biệt một cái tên gây nghi ngờ về xung đột lợi ích : Peter Daszak, chủ tịch tổ chức EcoHealth Alliance, đã nhiều năm hợp tác với phòng thí nghiệm Vũ Hán để nghiên cứu về coronavirus, từng tạo ra hai con virus tương đương với Sars-1, lại có mặt trong đoàn thanh tra của WHO. Giáo sư Renaud Piarroux trên L’Express khẳng định các đại dịch trước đây đều có bàn tay của con người. Chủ tịch « SAGO » nói rằng dù sao đi nữa, đã phải đợi đến 6 thế kỷ mới xác định được nguyên nhân của trận dịch hạch đen. L’Express hy vọng rằng thân nhân nhiều triệu nạn nhân của Covid không phải chờ đợi lâu đến thế.
Chiến dịch Kursk của Ukraina sẽ đi vào lịch sử
Về Ukraina, cho tới nay, khi các chuyên gia quân sự nói về « trận đánh Kursk », có nghĩa là trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử năm 1943 mà kết quả là Hồng quân thắng Đức quốc xã. Ngày nay chiến dịch Kursk do Ukraina tiến hành từ tháng 8/2024 cũng có thể đi vào lịch sử. Lần đầu tiên một đạo quân ngoại quốc tiến vào lãnh thổ Nga, chiếm đóng mấy trăm cây số vuông. Đã 5 tháng qua, chẳng những Nga không tái chiếm được mà còn bị đánh tiếp đợt hai từ ngày 05/01, dù đã tăng cường nhiều ngàn lính Bắc Triều Tiên.
Tuy không thay đổi được chiều hướng cuộc chiến, nhưng trận tiến công này củng cố một nguyên tắc quân sự, như tướng Jean-Paul Paloméros bình luận : « Khi chọn một chiến lược, cần tiếp tục cho đến cùng. Người Ukraina có lý khi giữ vững lãnh thổ đã chiếm, vì nhờ đó sẽ có thế mạnh trên bàn thương lượng ». Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho rằng một khi đàm phán, Kursk rất quan trọng. Để trao đổi đất, nhưng cũng để chứng tỏ quân đội Ukraina không chỉ buộc phải ở mãi trong thế thủ, mà còn thách thức được Putin.
Đây là cái gai rất khó chịu đâm vào chân ông chủ điện Kremlin. Trong cuộc họp báo thường niên vào cuối năm, Vladimir Putin đã phải nhìn nhận là chưa biết đến chừng nào mới đuổi được quân đội Ukraina ra khỏi Kursk. L’Express mỉa mai, có thể thực hiện khi nào Putin ngưng lại cuộc xâm lăng của ông ta chăng.
Các vùng đất Ukraina bị Nga chiếm đóng : Những nhà tù lộ thiên
Cũng liên quan đến Ukraina, đặc phái viên L’Express tại Kiev giúp độc giả tìm hiểu « Cuộc sống dưới sự chiếm đóng của Nga ». Các nhân chứng thuật lại sự đàn áp tàn bạo của Matxcơva để « Nga hóa » những vùng đất đã chiếm, tiêu diệt mọi bản sắc Ukraina. Trong nhiều tháng trời, tuần báo phỏng vấn các nhà nghiên cứu, những người bảo vệ nhân quyền, và khoảng bốn chục cư dân vùng chiếm đóng, đa số đang lưu vong nhưng vẫn giữ liên lạc với người thân còn ở lại.
Tất cả mô tả một hệ thống đàn áp dữ dội, « một nhà tù lộ thiên », « khủng bố như thời Stalin ». Ở Melitopol, khoảng mấy chục tượng Lênin được dựng lại, những con đường mang tên Lênin hay Karl Marx thay cho tên những anh hùng Ukraina. Các cửa hàng Nga hất cẳng những tiệm buôn Ukraina, chỉ có đồng rúp được chấp nhận, và ngay cả đồng hồ cũng phải vặn lại trước một giờ theo giờ Matxcơva.
Do thiếu người, Nga cố thuyết phục dân Ukraina tiếp tục làm việc tại các cơ quan hành chánh hay những công ty tư nhân bị tịch biên. Những ai từ chối thỏa hiệp phải sống lây lất với việc buôn bán nhỏ hoặc nhờ vào hoa lợi từ mảnh vườn. Cũng có những kẻ lợi dụng cơ hội để « lên đời », như ở một làng gần Melitopol, một phụ nữ làm tạp dịch trong trường mẫu giáo đã nghiễm nhiên thành bà hiệu trưởng sau khi toàn bộ ban giám hiệu và nhân viên từ nhiệm.
Có những người đành phải nhận hộ chiếu Nga sau nhiều lần người thân bệnh nặng bị từ chối chữa trị. « Nhà vắng chủ » của những người Ukraina di tản bị tịch biên để phân phối cho các cư dân mới, là thân nhân của binh lính Nga hoặc đến từ những vùng nghèo khổ của Nga. Bên cạnh những vụ bắt bớ, tra tấn, bắt cóc trẻ em là nguy cơ tẩy não. Có những trẻ em Ukraina rất ái quốc nay trở nên ủng hộ Matxcơva. « Một lời nói dối được lặp lại 100 lần không còn là lời nói dối ».
Elon Musk đáng lo hơn cả Trump ?
Về Hoa Kỳ, bên cạnh mối lo về Donald Trump nay lại có nỗi lo lớn hơn : Elon Musk, « người bảo trợ cho cực hữu châu Âu ». Cuối tháng 12/2024 chỉ trong vài giờ, một chú ếch đã trở thành nổi bật nhất trên mạng X với trên 210 triệu theo dõi. Elon Mush, chủ mạng xã hội này đã thay hình đại diện của mình bằng Ếch Pepe, một nhân vật hoạt hình được cho là tượng trưng cho thuyết da trắng thượng đẳng.
Gần đây người giàu nhất thế giới bỗng thích nhảy xổ vào chính trường châu Âu, cứ như là sự thành công trong kinh doanh mang lại tất cả quyền hành. Musk gọi thủ tướng Đức Olaf Scholz là « kẻ ngốc bất tài », đòi thủ tướng Anh Keir Starmer phải ra đi, tài trợ cho đảng cực hữu Reform UK. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tố cáo nhà tỉ phú ủng hộ « một quốc tế phản động mới ».
Cựu đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ Gérard Araud trên Le Point cho rằng Musk đáng ngại hơn cả Trump. Đã có dịp tiếp xúc với cả hai nhân vật này, tác giả cho rằng Donald Trump thích cao giọng nhằm gây áp lực khi thương lượng mà thôi. Chẳng hạn ông dọa ra khỏi NATO nhưng rốt cuộc chỉ đòi tăng tỉ lệ đóng góp của các thành viên. Còn Elon Musk không chỉ ngợi ca cực hữu châu Âu mà còn làm bão hòa mạng xã hội, không ngại bóp méo sự thật, nhưng lại nhân danh tự do ngôn luận.
L’Express nêu ra « Bốn sai lầm của Elon Musk ». Trước hết, Washington không phải là X, trong những hành lang điện Capitol, người ta không mấy thích những tuyên bố khiêu khích của Elon Musk. Tạp chí cánh tả Mỹ The American Prospect cảnh báo, các nhà lãnh đạo ngoại quốc có thể đặt câu hỏi, ai chính thức phát ngôn nhân danh nước Mỹ ? Kế tiếp, không chỉ chính trị quốc tế, mà khi lưỡng đảng thương lượng về tài chánh liên bang, nhà tỉ phú một ngày đăng tới 150 tweet, khiến văn phòng các thượng nghị sĩ bị người dân gọi tới tấp.
Việc Musk ủng hộ visa H-1B cho người nhập cư có tay nghề cao đi ngược hẳn với căn bản « MAGA ». Cuối cùng, Musk có lợi ích rất lớn tại Hoa lục : Trung Quốc là thị trường thứ nhì của Tesla, nhà máy lớn nhất của hãng đặt tại Thượng Hải. Trong khi chính quyền tương lai của Donald Trump được cho là chống Trung Quốc nhất trong lịch sử, với những con diều hâu như Marco Rubio hay Mike Waltz. Trump không thể mãi mãi đứng về phía Musk chống lại chính phe của mình.
No comments:
Post a Comment